Sunday, September 4, 2016

Vì sao người già dễ bị điếc

Giảm thính lực là hiện tượng hay gặp ở người cao tuổi, Bạn cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị điếc nhé.


Giảm thính lực dần dần xảy ra khi bạn có tuổi (giảm thính lực tuổi già) là tình trạng hay gặp. Khoảng 1/3 số người Mỹ trên 60 tuổi và 1/2 số người Mỹ trên 75 tuổi bị nghe kém.
Theo thời gian, giảm thính lực do tiếng ồn góp phần gây điếc do làm tổn thương ốc tai, một phần của tai trong. Các bác sỹ tin rằng di truyền và tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn là những yếu tố chính góp phần gây điếc. Các yếu tố khác như nút ráy tai, có thể khiến tai bạn dẫn truyền âm thanh không được tốt.
Bạn không thể đẩy lùi những tổn thương ở tai trong. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải sống trong một thế giới câm lặng. Bạn và bác sỹ có thể thực hiện một số bước để cải thiện khả năng nghe.
Dấu hiệu và triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của giảm thính lực có thể gồm:
* Tính chất của tiếng nói và những âm thanh khác bị bóp nghẹt.
* Khó hiểu từ ngữ, nhất là ở chỗ ồn ào hoặc đông người.
* Đòi người khác phải nói chậm, rõ và to hơn
* Cần vặn to âm thanh của ti vi hoặc đài
* Không muốn giao tiếp
* Lánh mặt khỏi một số dịp lễ tết
Nguyên nhân
Ta nghe được âm thanh là nhờ sóng âm va đập vào các cấu trúc trong tai, và tai biến đổi rung động của sóng âm thành những tín hiệu thần kinh được não nhận diện là âm thanh.
Tai gồm 3 vùng chính: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Sóng âm truyền qua tai ngoài và làm rung màng nhĩ. Màng nhĩ và 3 xương nhỏ ở tai giữa – xướng búa, xương đe và xương bàn đạp – khuyếch đại rung động khi chúng truyền vào tai trong. Ở đó, rung động truyền qua dịch ở ốc tai, một cấu trúc giống hình con ốc ở tai trong. Nối với các tế bào thần kinh ở ốc tai là hàng ngàn sợi lông rất nhỏ giúp chuyển rung động âm thanh thành các tín hiệu điện truyền tới não. Ðó là cách bạn phân biệt âm thanh này với âm thanh khác.
Ðối với một số người, điếc có thể là do ráy tai tích tụ dần làm tắc ống tai và ngăn cản sự dẫn truyền sóng âm. Nút ráy tai là một trong nhiều nguyên nhân hay gặp gây điếc ở mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân gây điếc hay gặp nhất là do tổn thương ốc tai. Những sợi lông chuyển trong ốc tai có thể bị đứt hoặc bị cong, và các tế bào thần kinh có thể bị thoái hóa. Khi các tế bào thần kinh hoặc lông chuyển bị tổn thương hoặc mất đi, các tín hiệu điện không được truyền một cách hiệu quả, và điếc xảy ra. Những âm thanh ở cường độ cao hơn có thể bị bóp nghẹt khi tới tai bạn. Bạn có thể khó nghe được lời nói ở nơi ồn ào.
Viêm tai và khối u ở tai ngoài và tai giữa, hoặc rách màng nhĩ cũng có thể gây điếc.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tổn thương hoặc dẫn tới mất các sợi lông chuyển và các tế bào thần kinh ở tai trong gồm:
* Tuổi. Sự hao mòn bình thường do âm thanh qua năm tháng có thể làm tổn thương các tế bào của tai trong.
* Tiếng ồn lớn. Tiếng ồn nghề nghiệp, như nghề xây dựng hoặc nhà máy, và tiếng ồn giải trí, như nghe nhạc to, động cơ của xe trượt tuyến hoặc xe máy, hoặc tiếng nổ hỏa khí, có thể góp phần gây tổn thương tai trong.
* Di truyền. Cấu tạo gen có thể làm cho bạn dễ bị tổn thương tai.
* Một số thuốc. Những thuốc như kháng sinh gentamicin có thể gây tổn thương tai trong. Ảnh hư
hưởng tạm thời tới thính lực – như ù tai hoặc điếc – có thể xảy ra nếu bạn dùng aspirin liều rất cao.
* Một số bệnh. Những bệnh có sốt cao, như viêm màng não, có thể làm tổn thương ốc tai.
Khi nào cần đi khám
Hãy nói với bác sỹ nếu bạn gặp khó khăn khi nghe. Nếu bạn phải vất vả mới hiểu những điều được nói trong cuộc trò chuyện, nhất là ở chỗ ồn ào, nếu âm thanh có vẻ bị bóp nghẹt, hoặc nếu bạn thấy phải chỉnh âm lượng to hơn khi nghe nhạc, đài hoặc ti vi, thì thính lực của bạn có lẽ đã bị giảm.
Sàng lọc và chẩn đoán
Ðể xác định khả năng nghe và mức độ giảm thính lực, bác sỹ có thể kiểm tra thính lực.
Đầu tiên, bác sỹ thực hiện một test sàng lọc chung để có được khái niệm chung về khả năng nghe của bạn. Bác sỹ có thể yêu cầu bạn lần lượt bịt từng tai để xem khả năng bạn nghe những từ được nói ở những cường độ khác nhau và đáp ứng của bạn với những âm thanh khác.
Trong một test kỹ càng hơn gọi là đo thính lực, bạn đeo tai nghe và nghe những âm thanh trự tiếp vào từng tai. Bác sĩ sẽ đưa ra một loại những âm thanh với âm sắc khác nhau và yêu cầu bạn báo hiệu mỗi khi nghe thấy âm thanh. Mỗi âm thanh được lặp lại ở mức độ yếu để xem khi nào thì bạn còn nghe thấy. Bác sĩ cũng sẽ đưa ra những từ khác nhau để xác định khả năng nghe của bạn.
Ðiều trị
Nếu bạn bị điếc do tổn thương tai trong, máy trợ thính có thể có ích. Nếu bạn không thể nghe tốt như bình thường do nút ráy tai, bác sỹ có thể lấy ráy tai và cải thiện sức nghe của bạn. Nếu bạn bị điếc nặng, cấy ốc tai có thể là một lựa chọn.
Lấy nút ráy tai
Bác sỹ lấy ráy tai bằng cách:
* Làm mềm ráy tai. Bác sỹ sẽ dùng ống nhỏ vài giọt dầu nhờn hoặc glycerin vào tai của bạn để làm mềm ráy tai, sau đó bơm một ít nước ấm vào tai bạn. Khi bạn nghiêng tai, nước sẽ chảy ra ngoài. Bác sỹ có thể làm lại vài lần để cuối cùng ráy tai trôi ra ngoài.
* Cạo ráy tai. Bác sỹ của bạn có thể làm mềm ráy tai, và sau đó lấy ra bằng một dụng cụ gọi là thìa nạo.
* Hút ráy tai. Bác sỹ dùng một dụng cụ hút để láy ráy tai đã mềm.
Máy trợ thính
Bác sĩ có thể thảo luận với bạn về những lợi ích của việc dùng máy trợ thính, giới thiệu một thiết bị và lắp nó cho bạn.
Máy trợ thính không thể giúp cho tất cả những người bị điếc, nhưng chúng có thể cải thiện sức nghe cho nhiều người. Khoảng 1/5 số người bị điếc dùng máy trợ thính. Cấu hình của máy trợ thính gồm:
* Một tai nghe để tập hợp những âm thanh quanh bạn
* Một bộ khuyếch để làm âm thanh to hơn
* Một ống nghe để truyền âm thanh tới tai
* Pin để cung cấp điện cho thiết bị
Âm thanh lớn hơn giúp kích thích tế bào thần kinh trong ốc tai để bạn có thể nghe tốt hơn. Cần có thời gian để quen với máy trợ thính. Âm thanh bạn nghe thấy là khác vì đã được phóng đại. Bạn có thể cần thử nhiều thiết bị để tìm ra loại phù hợp với bạn.
Máy trợ thính có nhiều kích cỡ, hình dạng và kiểu dáng khác nhau. Một số máy trợ thính đặt sau tai với một ống nhỏ đưa âm thanh khuyếch đại vào ống tai. Một số loại khác đeo ở ngoài tai hoặc trong ống tai.
Cấy ốc tai
Nếu bạn bị điếc nặng, thường do tổn thương tai trong, một thiết bị điện tử gọi là ốc tai cấy ghép có thể là một lựa chọn. Không giống máy trợ thính khuyếch đại âm thanh và hướng nó vào ống tai, ốc tai cấy ghép bù đắp cho những bộ phận bị tổn thương hoặc không làm việc ở tai trong. Nếu bạn đang xem xét việc cấy ốc tai, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về những nguy cơ và lợi ích.
Phòng ngừa
Những bước sau có thể giúp bạn phòng ngừa điếc do tiếng ồn:
* Bảo vệ tai ở nơi làm việc. Loại nút tai được thiết kế đặc biệt giống như tai nghe có thể bảo vệ tai của bạn bằng cách giảm những âm thanh lớn xuống mức độ có thể chấp nhận được. Loại nút tai làm sẵn hoặc theo đơn đặt hàng làm bằng chất dẻo hoặc cao su cũng có thể bảo vệ hiệu quả tai bạn khỏi tiếng ồn.
* Đo thính lực. Đo thính lực thường xuyên nếu bạn làm việc trong môi trường ồn ào. Kiểm tra tai thường xuyên có thể phát hiện sớm điếc. Biết mình nghe kém nghĩa là bạn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa nghe kém thêm.
* Tránh các nguy cơ khi giải trí. Các hoạt động như bắn súng và nghe nhạc to có thể làm tổn thương tai. Mang nút tai khi tham gia hoạt động giải trí ồn ào có thể bảo vệ tai của bạn. Vặn nhỏ âm lượng khi nghe nhạc có thể giúp bạn tránh được tổn thương thính lực.
Các kỹ năng đối phó
Hãy thử các gợi ý sau để giao tiếp dễ dàng hơn cho dù bạn nghe kém:
* Ðối diện với người mà bạn đang trò chuyện
* Tắt các tiếng ồn có thể gây trở ngại cho cuộc trò chuyện, như ti vi
* Yêu cầu những người khác nói rõ ràng. Hầu hết mọi người sẽ giúp nếu họ biết bạn khó nghe thấy họ nói.
* Ở nơi công cộng, như nhà hàng hoặc nơi tụ tập đông người, hãy chọn chỗ nói chuyện xa nơi ồn ào.
* Cân nhắc dùng máy trợ thính. Những thiết bị nghe khác, như hệ thống nghe TV hoặc thiết bị khuyếch đại điện thoại, có thể giúp bạn nghe tốt hơn trong khi giảm các tiếng ồn khác xung quanh.

No comments:

Post a Comment