Wednesday, September 14, 2016

Ngụ Ngôn Thiền
(Zen Fables for Today)
RICHARD McLEAN
VIÊN THỂ dịch




Cổng vào
Lần đầu tiên đọc các giai thoại Thiền cổ, tôi hết sức chú ý đến tính trí tuệ tiềm ẩn trong những câu chuyện ngụ ngôn xem ra đơn giản, nhưng rất dễ làm người đọc lầm lẫn này. Những bài học nhằm giáo huấn trong các thời điểm khác, các nền văn hóa khác, tuy vậy tôi vẫn thấy chân lý trong đó chính là nói cho chúng ta ở thời đại bây giờ nghe.
Tập sách này, các truyện cổ được dàn dựng lại cũng có, truyện mới triển khai từ giai điệu phong phú của triết lý thiền cũng có. Chúng hát về cả thời xưa lẫn thời nay, nhưng tất cả đều hát bài ca về con người, cái chẳng bao giờ thay đổi.
Tôi chẳng dám cho mình có kiến thức uyên thâm về đạo Phật, hoặc những giác ngộ đáng kinh ngạc chưa từng có! Thay vì cố tìm lời để diễn tả những giai điệu trữ tình, sâu lắng của thiền Phật giáo, tôi tìm cách ngậm miệng ngân nga bài nhạc ấy.
Những truyện này nên đọc chậm rãi, thêm thắt hoặc bỏ bớt tùy ý độc giả.
Xin độc giả xem sách này như một tác phẩm chỉ cổng vào, hơn là sách chỉ nam. Tôi trình bày Thiền Phật giáo trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, hy vọng quí vị nếu quan tâm có thể tiếp tục phiêu du xa nữa.
RICHARD McLEAN
Thiền thoại
“Như người câm nếm mật”, nếu thiền có nghĩa thì nghĩa ấy phải như vậy – theo các thiền sư – bởi vì ngôn ngữ hay hình ảnh chẳng bao giờ với tới được thiền. Và như người câm nếm mật, thiền phải là niềm vui riêng biệt của mỗi người. Sự so sánh trên cảnh giác những người còn xa lạ với thiền chớ nông nổi “dạy thế giới biết thiền”.
Chẳng giống người câm, nếm một vị ngọt diệu kỳ mà không miêu tả được, tác giả thấy phải nói ra, dù rất thô thiển, cho nên quyển sách nhỏ này chào đời.
Người mẹ
Trong lúc cả nhà còn ngủ say, bà nhẹ nhàng rời khỏi giường, mặc áo, rồi xuống bếp lo chuẩn bị phần ăn trưa cho các con.
Mỗi khi viết tên một đứa con lên bịch đựng bữa ăn trưa, bà giữ hình ảnh đứa con ấy trong tâm.
Bà cho nhân vào các miếng bánh mì sandwich, nhưng không muốn làm theo kiểu dây chuyền. Mỗi phần ăn trưa cho mỗi đứa, bà làm một lần, tưởng tượng đứa con ấy đang ăn phần bánh.
Bơ đậu phụng kèm với mứt nho cho lên bánh mì nâu là phần của cô út nè. Trái táo phải gọt vỏ, vì bộ niềng răng mới đặt làm răng con nhỏ đau. Thêm hai cái bánh nhân sô cô la và khoai tây chiên cho nó ăn hai lần ra chơi. Bà bỏ thêm vô một chiếc khăn ăn vì cô út ăn ưa đổ vãi lắm. Người mẹ mỉm cười, xếp gọn bịch màu nâu đựng phần thức ăn trưa của con và để đồng 25 xu bên cạnh cho nó mua sữa uống.
Tiếp tục sửa soạn phần ăn kế tiếp, miệng bà lại mỉm cười.
Cả nhà đang lần lượt thức dậy. Bà lắng nghe tiếng ồn ào vui vẻ phát ra từ trên gác, xuống cầu thang, đi vào nhà bếp ăn sáng, rồi tiếng ồn đi vào sảnh, ra cửa và tiến đến chỗ đợi xe buýt.
- Bà có hôn tạm biệt các con không?
Chồng bà hỏi.
- Vâng, có.
Bà trả lời, mắt dõi theo đám hành khách yêu quý của bà tay mang theo những phần ăn trưa đang leo lên xe buýt đưa rước của trường.
Đây là điển hình rất đẹp của một công việc thường nhật mỗi sáng, khi được thực hiện trong chánh niệm, đã trở thành nghi thức của tình thương yêu làm phong phú thêm cả người cho lẫn người nhận.
Ong đốt
Jato là vị thầy dạy các hoàng tử của vua. Ông nhận thấy cậu hoàng cả thường nổi nóng không kềm chế được, và điều này có thể nguy hiểm về sau, vì đây là vị hoàng thái tử sẽ kế vị ngai vàng và thống lãnh quân đội cho vua cha đang già yếu dần. Một hôm, trong lúc ông hoàng con nổi trận lôi đình, Jato kéo cậu đến gần bụi hoa dụi tay cậu vô tổ ong cho đến lúc một con ong chích trúng.
Cậu hoàng con quá kinh ngạc, không ngờ có người dám đối xử với cậu thô bạo như vậy nên tắt mất cơn giận. Cậu ôm tay quay qua la Jato:
- Con sẽ mách phụ vương.
- Khi nào mách, hoàng tử nhớ kể cái này luôn.
- Cái gì?
- Nhìn con ong đây!
Hai thầy trò chăm chú xem con ong quằn quại trên chiếc lá, ruột gan xổ tung vì bị lôi theo nọc chích. Họ nhìn con vật chịu đựng nỗi cực hình cho đến chết.
Jato bảo:
- Đấy, cái giá của cơn sân giận.
Tối lại, hoàng tử kể vua cha nghe câu chuyện. Vua thưởng ông thầy một lạng vàng. Về sau, cậu bé lên ngôi hoàng đế, nổi danh với lề lối nhận định sự việc thật bình thản, tư thái cung cách rất trầm tĩnh nhẹ nhàng. Trầm tĩnh, làm chủ được mình, đức tính này có giá trị vô cùng những lúc vua phải trải qua các giai đoạn rối ren trong suốt thời gian trị vì của mình.
Trong cơn bão
Vị thiền sư đang cùng với một trong những đồ đệ ưu tú nhất trở về thiền viện trong núi sâu lúc đêm khuya. Đến đoạn đường hiểm trở, bỗng một cơn bão mùa đông thật dữ dội nổi lên. Dừng lại thì chết giữa tuyết lạnh; tiếp tục đi có thể mất mạng với những bờ vực trơn tuột.
Chỉ có những lằn chớp thỉnh thoảng loé lên rọi sáng con đường mòn trước mặt giúp họ dò hướng đi thôi. Hai người chậm chạp bò dần từng bước trong tiếng gió gào thét và làn mưa quất vào mặt.
Những lúc nghi lầm đường, họ phải dừng lại chờ lằn chớp loé, và nhờ hình ảnh sót lại trong trí, họ ghi nhớ đường đi trước mặt.
Cuối cùng hai người về tới thiền viện.
Lúc lau người cho khô và dùng bữa ăn muộn trong nhà bếp, trò thú nhận với thầy điều sợ nhất là phải chết lúc chưa ngộ đạo.
Thầy bảo:
- Ngộ đạo chẳng giống như mặt trời chiếu sáng suốt ngày. Nó giống những lằn chớp chợt loé, để chúng ta nương đó, lần hồi qua được cơn phong ba này đến bão táp nọ.
- Bạch Thầy, với Thầy cũng vậy sao? – Trò hỏi.
- Phần lớn chúng ta đều như vậy cả. – Thầy đáp.
Chẳng phải chỉ có thiền mới ngộ. Rất nhiều lần, tất cả chúng ta đều được ngộ chút chút, qua mỗi lần chợt nhận ra trong sững sờ vị trí của mình trong vũ trụ. Những cuộc giải ngộ chớp nhoáng này đến (như lằn chớp) và phai mờ rồi sáng rõ mạnh mẽ hơn với những đợt trực nhận khác, giúp rọi sáng đường ta đi.
Chị và em
- Em giận chị quá!
Cô em bảo chị như vậy trong lúc cả hai vừa đưa đám ma mẹ mình về.
- Sao giận?
- Đang đưa đám ma, chị chẳng ý tứ gì cả.
- Em định nói gì thế?
- Chị có vẻ như đang rất vui.
- Thì chị đang vui.
- Mẹ mới mất năm ngày, chị nói vậy được sao?
- Chị nghĩ rằng buồn vui đi song song như hai con ngựa kéo chung toa xe. Điều quan trọng là nhận ra được mỗi cái trong thời gian và không gian của nó.
- Nhưng chị cứ cười và…
- Chứ sao! Gặp bạn cũ chị vui. Chị thích nói về mẹ và gợi lại những kỷ niệm đẹp. Còn buồn, chị buồn một mình. Nếu chị có vẻ vui, thì đúng, chị vui, lúc ấy. Cả thức ăn hôm ấy chị cũng thích nữa.
- Thế còn chuyện phải giữ bề ngoài nữa, sao đây?
- Bề ngoài là chuyện của em. Với chị chẳng thành vấn đề.
- Dù sao, chị nói thích các món ăn hôm ấy cũng có lý.
- Chị nói về cái vui của chị cũng có lý nữa chớ!
Đã từng yêu chưa?
Một chú thiêu thân say ánh đèn bay lượn vòng vòng, càng lúc càng gần hơn ngọn lửa trong vắt cực kỳ nguy hiểm của cây đèn dầu.
Thấy cách bay lượn của chú thiêu thân chắc không tránh khỏi cái chết, ruồi la:
- Coi chừng, ông bạn khùng ơi! Ông tiếp tục bay như thế chắc chắn mất mạng đó!
Thiêu thân đáp:
- Này, ông anh, khi nào ông hết ghiền đống phân hôi hám kia cái đã, ông mới nên lên mặt dạy đời tôi.
- Nhưng chắc chắn bạn sẽ chết thôi, ông bạn thiêu thân à!
- Làm sao có thứ đẹp đẽ như vầy, một thứ thật tuyệt vời hết ý lại nguy hại được chứ ?
Ruồi bèn hỏi lại:
- Ông bạn có khi nào yêu chưa?
- Chưa?
- Thế thì chẳng bao giờ ông bạn hiểu nổi.
Ruồi đáp và buồn rầu nhìn bạn chập chờn bay sát dần, sát dần, cho đến lúc “phụp” một tiếng, ngọn lửa nuốt trọn hắn.
Ai đã từng yêu đương cuồng nhiệt mới hiểu sâu sắc câu chuyện ngụ ngôn này. Người nào yêu còn tỉnh táo sẽ chẳng hiểu nổi.
Xuôi dòng mà đi
Hai người dân thành phố nhút nhát bị lạc trong rừng. Sau khi đi loanh quanh một ngày một đêm họ bỗng gặp cụ ẩn sĩ.
Họ hỏi cụ:
- Cụ làm sao giúp chúng cháu trở về thế giới văn minh?
Cụ già đáp:
- Tôi chỉ cũng được, nhưng rồi các ông vẫn cứ lạc đường.
- Làm sao bây giờ?
- Cứ đi xuôi theo dòng.
- Dạ, thưa sao ạ?
- Đi xuôi theo dòng nước. Các ông thấy con suối kia không? Hãy xuôi con nước mà đi. Suối đổ vào sông nhỏ, sông nhỏ chảy vào sông lớn, sông lớn chạy ngang qua phố thị. Hơn nữa, đi theo con nước các ông sẽ có nước uống, dâu ăn.
- Đây có phải cái hành giả tu thiền gọi là “xuôi dòng mà đi” không?
- Cũng phải mà cũng không phải.
Ẩn sĩ đáp xong bỏ đi.
“Xuôi dòng mà đi” là một thiền ngữ của hành giả tu thiền. Như nước trong dòng suối, họ khuyên ta nên chấp nhận những gì cuộc đời mang lại, trong khi nó đưa ta đến cứ điểm cuối cùng là đại dương.
Tiếng vỗ một bàn tay
Ichhi là ông tăng tầm thường suốt ngày làm quần quật trong nhà bếp một ngôi chùa lớn tại vùng hồ Hakkone. Ông tự cho mình “tầm thường” và các vị tôn túc trong chùa cũng nghĩ thế, vì ông khán công án “Tiếng vỗ của một bàn tay” từ hồi đi tu đến giờ vẫn chưa ngộ. Đã năm mươi lăm năm trôi qua, và sắp đến giờ ông từ giã cõi đời.
Lúc sắp chết, ông bỗng nhận ra trong tâm một sự bình an thật vĩ đại. Giờ thì chẳng cần ráng sức ngộ đạo, không cần còng lưng ngồi thiền, và cái công án đeo đẳng kia cũng quẳng luôn – bởi vì ông đã tìm được sự yên tĩnh khi tâm không còn phải cố gắng tìm cầu, lúc ông đang ở một mình trên căn gác xép trong sự yên lặng thật kỳ diệu, trong đêm tối, vào giây phút hấp hối cuối đời.
Chỉ ngay lúc ấy, khi chẳng còn phải bận tâm về công án hoặc tìm cho ra đáp án (hay cả nhu cầu thở cũng không) mà Ichhi cuối cùng nghe được tiếng vỗ lặng lẽ của một bàn tay.
Tình yêu
Một vị sư già sau thời gian dài hoạt động tích cực, được cử làm sư tuyên huấn tại trường chuyên nữ. Trong những buổi thảo luận nhóm, ông nhận thấy tình yêu thường là đề tài chính.
Đại khái, sư khuyên các cô:
- Hãy biết sự nguy hiểm của cái gì quá độ trong đời mình. Đánh nhau giận dữ quá dễ sanh khinh suất và mất mạng. Tín ngưỡng quá mạnh thành hẹp hòi và kỳ thị. Yêu đương say đắm quá thường tạo ra những hình ảnh mơ mộng về người yêu, những hình ảnh rốt cuộc cho thấy không thật nên nảy sinh sân giận.
Yêu quá giống như liếm mật trên đầu mũi dao.
Một cô hỏi sư:
- Nhưng thầy sống độc thân, làm sao biết được tình yêu nam nữ?
Vị sư già đáp:
- Các con ạ, sẽ có lúc thầy kể các con nghe tại sao thầy đi tu.
Phần thưởng
Một vị vua nổi tiếng có tài cai trị khôn ngoan giữ vững được vương quốc mình bằng cách xúi bẩy hai danh tướng tài ba nhất nước ấy luôn luôn đua tranh, ganh tị nhau. Vua sai những tên dọ thám rình rập, rỉ tai hai nhà thống soái khiến họ lúc nào cũng bất an (với mục đích để hai người không liên kết chống lại vua).
Vua thường bảo tướng này:
- Khanh thấy đội quân kỵ binh của đối thủ khanh tấn công chính xác không? Sao quân khanh không được vậy?
Rồi vua bảo tướng kia:
- Khanh hãy cho bộ binh của khanh qua học tập với ông tướng kia.
Lúc ra trận, hai vị tướng cố gắng lập chiến công qua mặt đối thủ. Để họ đánh trận hăng say hơn, vua thường cho hai người đánh chiếm cùng một thành, ai thắng được khen thưởng, ai dở hơn bị hạ nhục, dù quân nhà đều thắng trận.
Không cần nói, lòng thù ghét nhau của hai vị tướng chẳng còn biết bến bờ đâu giới hạn, ngoại trừ lòng trung thành của họ với quốc vương.
Một hôm, vua lạc chân đi sát vùng chiến trận, lọt vòng vây quân địch đang hăng máu muốn cắt xẻ ông từng mảnh và treo lên ngọn cờ chiến của chúng. Tuy nhiên, vào phút chót, đội quân cứu viện của một trong hai vị tướng cứu vua thoát chết.
Vua thở hổn hển:
- Khanh muốn trẫm thưởng gì? Trẫm sẽ cho bất cứ chi trong phạm vi quyền hạn của trẫm.
- Bất cứ gì ư ?
Mắt vị tướng loé lên một tia sáng độc ác khiến vua chợt nghĩ có thể ông ta sẽ đòi xin chiếc đầu địch thủ.
- Đúng, bất cứ gì. Nhưng trẫm cho khanh biết trước để chọn, là sau này trẫm sẽ cho ông tướng đồng liêu của khanh gấp đôi vật ấy đấy.
Vị tướng cứu giá đáp:
- Vâng, xin bệ hạ hãy đâm mù một mắt của thần.
Ai từng trải qua, hoặc theo dõi một vụ ly dị, sẽ thấy câu chuyện ngụ ngôn này không phải viển vông.
Trong nhà dưỡng lão
Một bà cụ già yếu than thở với bà bạn thân nhất:
- Tuổi già thiệt chán quá bà ạ. Tôi khổ vì cái nhà dưỡng lão này lắm rồi.
Bà bạn an ủi:
- Mình nên lạc quan đi bà.
- Lạc quan khỉ gì. Quỷ sứ thì có!
- Nghe này, bà đang đau hả?
- Đâu có.
- Bà có nhớ khi mình thoát được cái đau rồi, mình thấy nhẹ nhõm biết mấy không? Nhớ như vậy thấy thích chứ bà?
- Ờ.
- Bà coi đó, bây giờ bà đang được hưởng cái thú ấy mà.
- Nhưng ở nhà này thứ gì cũng chán hết bà ơi. Đồ ăn…
- Trưa nay ăn ra sao?
- Dở òm.
- Dở thiệt hả? Bà ăn hết trơn đó.
- Tôi chỉ có mấy thứ để ăn. Đâu còn gì khác.
- Có món nào bà ăn thấy được không ha?
- Món kem để trên trái cây trộn ấy.
- Tốt rồi! Khởi đầu bằng thứ ấy nhé. Bà hãy nghĩ về món kem.
- Nói kiểu này thấy dỏm quá. Nghe như giả vờ lạc quan.
- Nghe này, bà nói lại tôi nghe tại sao trưa nay bà ăn hết trơn đồ ăn hả?
- Khỉ gió, thì tại tôi chỉ có mấy thứ ấy để ăn.
- Bạn già ơi, đó là cái nãy giờ tôi cố nói cho bà nghe đa.
Thiền dạy ta hai bài học quý báu:
* Nên chấp nhận những gì đến trong đời, dù tốt dù xấu.
* Sống với hiện tại, với những niềm vui nho nhỏ.

No comments:

Post a Comment