Thursday, December 29, 2016

Nghệ Thuật Dưỡng Sinh Lược Khảo


::: Thái Thụy Vy :::

Image result for tai chi

Nỗ lực không ngừng của loài người hiện nay là làm thế nào để được trường xuân và truờng sinh.
Bao nhiêu lý thuyết khoa học dưỡng sinh đã ra đời từ cổ chí kim cho đến thời cận đại và từ đông qua tây. Kết quả chỉ là hữu hạn vì con người vốn là hữu hạn.
Tôi chỉ xin lạm bàn trong bài này để độc giả có dịp đi xuyên qua một quá trình mà con người hằng bận tâm để tìm một giải pháp cho Sinh Lão Bệnh Tử.
Tôi cũng xin quý độc giả lưu ý với sự dè dặt thường lệ vì đề tài này vẫn còn nằm phần lớn trong lý thuyết, để tránh câu hỏi là anh đã sống được bao nhiêu mà dám bàn về trường sinh, giống như một tác giả viết cả cuốn sách để bàn làm thế nào để trúng số độc đắc, vì độc giả sẽ hỏi ông một câu hỏi giống nhau, là ông đã trúng số độc đắc chưa ?…
Từ cổ tích, chúng ta nhớ con người đã đi tìm trường sinh bất tử hay cây nhân sinh, từ lúc Chúa phạt loài người tội tổ tông vì đã ăn trái cấm. Nói thế, đi tìm trường sinh bất tử có nên gọi là cãi lời Chúa không?
Đọc chưởng Kim Dung, chúng ta thích thú, thấy các vị gọi là y tổ luyện tiên đan hoặc linh đan và các vỏ sư khổ công luyện nhơn đan, rồi cố công luyện kim đan, để chế ra vàng. Không biết các vị này có mắc bịnh dấu nghề cổ xưa không mà không thấy môn thuốc trường sinh nào được phổ biến trong dân gian. Ngày nay chúng ta cũng chưa thấy mấy ai cải lão hoàn đồng mà chung cuộc vẫn chui vào áo sơ -mi cây sáu tấm, mà chỉ thấy vài nhà giàu được ướp xác trong chất lỏng Nitrogen ở 0 độ Kelvin (tương đương độ – 273. 15 C) như ông Walt Disney, để sau này Y học tiến bộ, có thể làm sống lại.
Ở trời Tây, Juan Ponce De Léon cũng đi tìm suối trường xuân tại Tân Thế Giới, và ông đã khám phá ra Fountain Of Youth tại Saint Augustine, Florida. Thực ra, ông đã khám phá ra nơi thờ phượng của người da đỏ có con suối giàu khoáng chất…
Chúng ta đều biết trên thế giới này có nhiều địa danh mà con người nổi tiếng sống lâu, nhờ ở khí hậu, môi sinh đặc biệt, hoặc theo một chế độ ẩm thực đặc biệt như ăn sữa chua yaourt, ăn toàn sản phẩm của tổ ong, những môn phái dưỡng sinh macrobiotic, ăn toàn rau quả thực vật và tránh các cây trái trồng ngoài chu vi 100 dặm; phương pháp Tân dưỡng sinh của Oshawa chuyên ăn gạo lức muối mè; môn phái Phatthata của Phạm Thiên Thư, nhà thơ gốc tu sĩ Phật giáo ở Đại học Vạn Hạnh, tập luyện giống Thần quyền; môn phái Cây Gậy Dưỡng Sinh của Mai Bắc Đẩu; môn phái Nhân điện của Lương Minh Đáng, môn phái Vô vi của Lương Sĩ Hằng, chủ trương thiền tập xuất hồn; môn phái của Thanh Hải Vô thượng sư, truyền tâm ấn, tu tập để thành Phật sống; thiền tập qua phương pháp Yoga của các thiền sư Fakir Ấn Độ, và phương pháp bùa phép của các phù thủy Woodoo chuyên luyện Thiên Linh Cái, vân vân và vân vân…
Quá nhiều trường phái dưỡng sinh, vậy chúng ta nên tu tập theo phương pháp nào? Tôi gọi tu tập có nghiã là luyện tập và tu trì.
Trước nhứt chúng ta nên cân nhắc, tùy theo cái tạng của từng người, tùy theo mục đích, tùy theo khả năng và căn duyên, nên sáng suốt theo các danh môn chánh phái mà tránh xa các tà phái , khoe khoang quá đáng.
Nói chung chung, các lý thuyết đều nhấn mạnh đến sự điều độ, thể dục, trí dục (mind and body), cộng với đức dục (ethics).
Từ thể dục đến các thể thao chuyên biệt:
Ai cũng đã biết giá trị của thể thao và thể dục (aerobics) trong vấn đề duy trì sức khỏe. Đi xa hơn, chúng ta có thể đề cập đến vài phương pháp rèn luyện cơ thể chuyên biệt hơn cho sức khỏe cơ thể lẫn trí dục, phần còn lại là đức dục tôi sẽ trở lại sau.
  1. Tai Chi (Thái Cực Quyền):
Môn thể thao phát xuất từ quyền thuật Trung Hoa có hơn 5000 năm, còn được gọi là động thiền. Bài quyền gồm 60 bước, tùy theo môn phái Jin hay Yang. Nguyên tắc là đi bài quyền thật chậm. Giống như sợi chỉ treo hình nhân, tay và chân phải hướng cùng với mặt, hơi thở phải theo từng cử động, từng bước một, khoan thai và thoải mái (relax) để sự tuần hoàn khí (Chi = vital energy) được liên tục và các kinh mạch được thông thương (balance), mở ra không bị bế tắc do đó ngăn ngừa các bệnh tật, lại có công hiệu chiết giảm các cảm xúc. Mỗi ngày tập 30 phút bằng chạy bộ 3 dặm.
Đông y bảo trên thân thể con người có 700 điểm gọi là huyệt trong một hệ thống kinh mạch (meridian) chạy gần da. Các huyệt đó có thể dùng kim châm và cứu hay day ấn để sửa đổi sự tuần hoàn khí lực bị mất thăng bằng trong cơ thể có ảnh hưởng đến các cơ quan ngũ tạng.
Tây y dùng phương pháp giải phẫu để tìm hệ tuần hoàn khí nhưng không có kết quả. Nhưng họ vẫn còn ngạc nhiên khi làm chứng các đông y sĩ chữa được các bệnh bằng châm cứu mà Tây y không chữa nổi. Năm 1972, báo chí Mỹ viếng Trung Quốc và bài tường thuật của họ đã gây một chấn động y học, nhất là khi phái đoàn Trung Quốc được mời qua biểu diễn châm cứu tại New York, không cần cả thuốc mê và bệnh nhân có thể ra về hai tiếng sau khi mổ. Từ đó các trường Y khoa lớn, có giảng dạy thêm khoa châm cứu trong môn Vật Lý Trị Liệu. Ngày xưa, đọc Tam Quốc Chí có nhắc đế vụ Hoa Đà mỗ vết thương cho Quan Vân Trường, vị Quan Thánh này vẫn ngồi nói cuời thản nhiên, không đau đớn gì cả. Nay tìm hiểu mới biết Hoa Đà Biển Thước là bực thầy khoa Châm cứu, đã dùng khoa bế huyệt để thực hiện cuộc giải phẫu trên.
Mổ xác chết, không phải là phương pháp để tìm và nhìn nhận là có một tuần hoàn khác sự tuần hoàn huyết trong cơ thể vì sự tuần hoàn CHI ngưng hẳn sau khi chết.
Năm 1939, một người thợ điện tên Semyon Davidovitch Kirlian ở Krasnodar hồi còn Liên Sô Viết, đã tìm ra một phương pháp chụp hình, trong một từ trường điện cao thế, đã ghi lại trên phim ảnh, năng lượng của cơ thể và cây cỏ. Vài năm sau đó, Bác sĩ Mikhail Kuzmich Gaikin, một phẫu thuật gia ở Leningrad, được đọc công trình của Kirlian, đã sực nhớ ra lý thuyết châm cứu mà ông đã học được từ các y sĩ châm cứu Trung Hoa trong thời gian ông phục vụ trong quân đội Nga tại Trung quốc. Ông đã tìm đến Kirlian và hai ông đối chiếu hình ảnh cơ thể chụp với điện trường cao thế, hai ông đã tìm thấy sự trùng hợp một cách lạ lùng các điểm sáng với sơ đồ các huyệt đạo châm cứu đã có từ 5000 năm trong hệ thống kinh mạch. Kirlian đã làm sáng tỏ truyền thống Y học Á đông, vốn dựa vào kinh viện và tổng hợp mà không dựa vào phân tích, thí nghiệm như Tây Y.
Sau khi nghiên cứu bộ ảnh của Kirlian, Bác sĩ Gaikin, đã cộng tác với kỹ sư điện tử Vladislov Mikaslevsky chế tạo cái tobiscope đầu tiên, dùng để dò đúng huyệt trước khi châm kim, thường thì các huyệt đạo quá nhỏ chỉ rộng độ một li, máy dò của Mikalevsky có thể chính xác trong 1/10 li.
Về sau người Nhật có công hoàn hảo hoá máy dò huyệt châm cứu bằng cách cho đèn chớp báo và tiếng kêu bíp bíp để biết là máy đã dò đúng huyệt. Hồi còn theo học Computer Science tại Old Dominion University, ngày nào cũng có ông giáo sư trẻ tập Tai chi chỗ parking vào giờ ăn trưa, tôi tò mò hỏi và đã đến viện Edgar Cayce Foundation, chuyên trị bệnh theo đức tin (faith healing) và soi kiếp (enlightenment) ở đường bờ biển Virginia Beach để tìm sách Tai chi, sách có khuyên nên tìm thầy hay, hãy học cho đúng. Đợi mãi bốn năm sau tôi mới thụ giáo thầy Robert Smith ở Bethesda, Maryland. Bây giờ mới hiểu tại sao tại các công viên Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, sáng sớm đã thấy người người múa quyền dưới tia nắng sớm của mặt trời, là lúc đất trời tươi mát giao hòa với nhau. (Đọc quyển “Hsing-I, Chinese Mind-Body Boxing của Robert W. Smith”, “Taichi Handbook, Exercise, Meditation and self-defense” của Herman Kauz và “Movements of Magic, The Spirit of T’ai-Chi-Ch’uan” của Bob Klein sẽ chỉ dẫn chi tiết có cả triết lý về Thái Cực Quyền, và quyển “Knocking At The Gate of Life and Other Healing Exercises from China” do Tiến sĩ Edward C. Chang chuyển ngữ từ Official Manual of The Republic of China)
Ưu điểm của Tai chi không những sức khỏe về ngoại lực lẫn nội lực, mà còn để tự vệ, vì bài quyền Thái cực khi đi nhanh, sẽ không có đối thủ nào tấn công được. Nên nhớ Tai chi xuất xứ từ nghệ thuật quyền cước (martial art).
Một phương pháp thường được dạy kèm với Tai chi là phương pháp đẩy tay (Pushhands), là một môn luyện tập cũng xuất xứ từ võ thuật (Wushu). Pushhand nhấn mạnh về thăng bằng và làm mất thăng bằng đối thủ. Vì thế thức luyện tập nầy cần phải có ít nhất hai người, và luôn luôn phải chú ý đến điểm trọng lực (point of gravity) đều trên hai chân.
Từ Tai chi đến châm cứu không xa, Tai chi chủ về luyện tập cho thể lực tinh tiến, châm cứu chủ về ngừa và trị bịnh qua cách đả thông hay bế kinh mạch. Cả hai đều nhấn mạnh sự quân bình trong cơ thể, trong kinh mạch.
Trong các phương pháp chửa bịnh như án ma, suy nả, quất thử, huân úy, tẩm dục, đồ hoán, phu triêm, xuy thông, điều nhập, đạo dẫn, châm cứu, chà bóp, sửa lận xương gân, cạo gió, bắt gió, xông giác (fumigation, inhalation,révulsion),tắm (bain médicamenteuse), thoa rưới (badigeonnase, friction), đặt dán (cataplasme, emplâtre), thổi thụt (insufflation), nhét hậu môn (suppositoire), thông khoan bằng thuốc hay các chất giúp cho thông đại tiện (gymnastique médicamenteuse), châm đốt vào các kinh lạc của các kinh huyệt (acupuncture).
Tất cả các phuơng pháp trên chỉ có châm cứu là quan hệ nhất. Các phương pháp khác chỉ có tính cách phụ trợ, giải quyết tạm thời chứ không thể lành bịnh hẳn được.
Ngày nay, khoa Châm cứu trở nên cực kỳ tinh vi thần diệu, nhờ đã được hệ thống hóa có qui củ.
Các trường phái châm cứu (Acupuncture), ngoài châm cổ điển là thể châm, đến nhĩ châm (auricular), diện châm (facial), tỵ châm. Ở Bình Triệu, Việt Nam có nhóm diện châm Bùi Quốc Châu khai thác 24 huyệt căn bản của Trung Hoa thành hơn 600 huyệt, châm bằng kim nhỏ đặc biệt, thêm phần châm theo hệ thống phản chiếu, thành công đáng kể (xin đọc Châm cứu học của Thượng tọa Thích Tâm Ấn và Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp của Bùi Quốc Châu). Nên nhớ một điều ông Châu không phải là Y sĩ hoặc Đông Y sĩ, chỉ có Cử nhân Luật, nhưng đồ đệ của ông toàn Bác sĩ Tây Y kỳ cựu, mà người phổ biến ở hải ngoại là bác sĩ Trần Văn Sen ở Maryland.
Ngày nay, các khoa học gia đang nghiên cứu đem cả tia laser vào khoa châm cứu.
Đối với những người sợ kim châm, môn phái day ấn huyệt bằng tay (Acupressure), cũng rất phát triễn và thành công cho đến phải biệt phái một Y sĩ chuyên về Acupressure theo phái đoàn lực sĩ Thế vận Hội Mỹ để ứng biến chữa trị cấp thời các lực sĩ bằng cách xoa huyệt tại chổ. (xin đọc Acupressure, Acupuncture without needles, The Miracle of Chinese Healing Through Your Fingertips của tác giả J.V. Cerney).
Chúng ta cũng nên liệt kê môn phái Shiatsu của Nhật cũng rất công hiệu trong việc xoa bóp các huyệt đạo (massage therapy).
  1. Khí Công (Qi Cong) và Thiền Công (Meditation):
Đề tựa dẫn nhập vào khoa Khí Công, giáo sư Pape Vareilla, Viện trưởng Viện Pháp Á, đã mô tả vài nét đan thanh về khoa Khí Công như sau: Khí Công là một bộ môn y học, vừa là bộ môn võ học mà nguồn gốc phát xuất từ các nước Á châu như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Tạng. Nguyên thủy, Khí Công rất đơn sơ, nhưng càng về sau, khoa này càng trở nên tinh diệu vì các khí công gia đã triết học hóa, khoa học hóa và y học hóa.
Khí Công Trung Quốc xuất phát từ các Đạo gia, tương truyền tổ sư là Lão Tử.
Còn Khí Công cổ nhất ở Ấn Độ là môn Yoga, có trước khi Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời (563-479 trước Tây Lịch B.C.)
Khoa Khí Công nổi danh nhất là môn Thiền, phát xuất từ Phật Giáo, lịch sử ghi chép rỏ ràng, người tìm ra là Đức Thích Ca Mậu Ni. Thiền sử chép rằng khi ngài ngồi duới gốc cây bồ đề để tìm ra giải thoát, cuối cùng đi đến giác ngộ, đắc pháp. Tất cả tinh yếu về thiền, đều chép trong các bộ kinh Lăng già, Kim cương và Tượng đầu tịnh xá.
Khoa Khí Công Việt Nam thì bắt đầu có từ khoảng hai thế kỷ trước Tây lịch mà ông tổ sáng lập là Sơn Tinh và Lý Thân. Khoa Khí Công Việt truyền đến đầu thế kỷ thứ nhất, thì lại ảnh hưởng của khoa thiền, do ngài Samvananda (Tôn giả nan đà) truyền vào; tới thế kỷ thứ sáu, ngài Vinitaruci (Tỳ Ni Đà Lưu Chi) lại truyền một lần nữa. Từ đấy khoa khí công Việt coi như một khoa Thiền Khí công.
Vì Trung quốc và Việt Nam là hai quốc gia anh em, văn hóa tôn giáo tương đồng, nên khí công Việt truyền sang Hoa; khí công Hoa truyền sang Việt, riết rồi đến đầu thế kỷ thứ mười lăm thì khó mà biện biệt khí công được nữa.
Khí công và Thiền công chia làm hai loại: Tĩnh CôngĐộng Công.
  1. Tĩnh Công có hàng ngàn, hàng vạn thức, nhưng có thể chia làm bốn loại chính:
  • Công lực tập trung trong sự minh tâm, dưỡng thần, tạo cho người tập thoải mái về thần chí.
  • Trị bệnh thần kinh như mất ngủ, hay cáu, hay dỗi, hay giận, tinh thần thất thường, thần kinh suy nhược, trí nhớ thoái hóa, chán đời; nhất là sinh viên học sinh học trong mùa thi.
  • Trị các bệnh do âm hư nội nhiệt, hay thực nhiệt sinh ra: chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao, tai kêu như ve, miệng khô. Đặc biệt trị chứng nhức đầu do uống rượu nhiều, ăn thức ăn sinh nhiệt.
  • Giải ưu uất, ẩn ức (refoulement) về đòi hỏi sinh lý.
Khi luyện Thiền Công, Khí Công, có hai điều căn bản. Một là thổ nạp hai là điều khí. Thổ nạp là thổ cố tức nhả cái cũ ra hay nói nôm na là thở. Nạp là nạp tân, tức hít cái mới vào, tiếng bình dân là hít vào. Còn điều khí, là dùng ý dẫn khí chạy khắp cơ thể theo như ý muốn.
Về thổ nạp, có thể theo ba phương pháp chính, dùng trong thức Tiêu sơn hóa tinh pháp là Phương pháp thông thường, phương pháp ý khí hợp nhất và phương pháp đạo gia.
Ngoài các phương pháp kể trên, chúng ta có thể luyện thêm về Hồi sinh công Hồi dương công.
  • Hồi sinh công có thuyết nói rằng của một thiền sư Việt nam là Từ Đạo Hạnh. Có thuyết nói rằng của giòng thiền Lâm tế, ở Quy ngưỡng, Trung quốc. Mục đích để phục hồi sức khỏe sau thời gian bệnh nặng, hoặc sau khi làm việc bị mệt mõi (asthénie physique, surmenage).
Hồi sinh công còn chủ trị điều hòa khí huyết, thức lâu không ngủ (insomnie); chữa áp huyết cao; xây xẩm mặt mày (hypertension arterielle, vertige); hoạt động cơ thể nhiều, mệt mỏi tứ chi, đau mình; chữa khí quản nghẹt; nhâm mạch bị đau; nhiệt khí trong cơ thể bị hỗn loạn, mặt nóng, đầu váng.
  • Hồi Dương Công là phục hồi dương khí đã bị hao mòn vì bất cứ lý do gì. Xuất xứ không rõ, thấy xuất hiện đầu tiên trong Thiền phái Tỳ-ni-da Lưu Chi (Vinitaruci) hay còn gọi là phái Tiêu sơn. Tương truyền người đem phổ biến cho đại chúng là Trần Bắc Đại tướng quân Hoài văn Hầu Trần Quốc Toản. Chiến thuật của Hầu áp dụng trong thời đánh Mông Cổ là: lúc địch bị bại thì đuổi đến cùng, giết đến tuyệt. Khi đánh trận Hàm tử, giết Toa Đô rồi, Hầu dẫn binh đuổi giặc bất kể ngày đêm. Sau chiến thắng, binh tướng đều kiệt sức. Hầu đem Hồi Dương Công dạy cho họ nên chỉ ba giờ sau, họ lại lâm chiến được.Khi dương hư đưa đến người cảm thấy lạnh, bàn chân bàn tay lạnh, sáng dậy thấy người mệt mỏi, đầu nặng, sờ trán thấy lạnh; tiểu tiện trắng và lỏng; ăn xong buồn ngủ, người lạnh; nam thì bất lực, dương ủy (dương vật bất cử), nữ thì lãnh cảm, huyết trắng, không thụ thai; tim đập chậm dưới 75 lần một phút. Nói theo y học Á châu, thì có thể một trong các tạng như tỳ, tâm, can, thận, phế dương hư hoặc hai, hoặc ba, hoặc tất cả đều ở trạng thái dương hư.Hồi Dương Công có hiệu năng phục hồi dương khí, tráng dương, bổ thận dương, còn chủ trị trí nhớ giảm thoái; thần kinh suy nhược; mệt mỏi do làm việc trí óc quá độ; làm cho thận kiện, cường tinh, phục hồi tinh khí vì dâm dục quá độ nên cơ thể bị bạc nhược; phụ nữ sau khi đẻ; đi tiểu vặt; sau khi hành dâm.
  • Tiêu Sơn Hóa Tinh Pháp: Đạo lý Phật giáo chủ diệt dục, tham, sân, si. Dâm là một giới bị cấm ngặt. Nhưng các tăng ni tu luyện khí công thì tinh, thần, khí phải đồng thăng tiến. Mà cả ba thăng tiến, thì dục cũng tăng theo, nên đường tu hành gặp khó khăn. Vậy phải làm sao hóa tinh di, mới có thể tiếp tục đường tu.Tiêu Sơn Hóa Tinh Pháp chủ trị sinh lý đòi hỏi; điều hoà tinh khí; các nhà tu dùng để diệt dục. Trong quá trình luyện tập, có một số võ sinh, văn gia, ký giả, kỹ sư điện toán, các nghiên cứu gia v. v… thấy sinh lý đòi hỏi, nếu giao hoan, họ thấy đầu óc trống rỗng. Muốn giữ tinh khí cho đầu óc minh mẫn, nên luyện tập thức này. Kết quả thực kỳ diệu, tinh thần sảng khoái, trí nhớ tăng. ((Xin đọc thêm Khí Công Đại Toàn, do Bác sĩ Trần Đại Sỹ (Pháp) viết chung với võ sư bào huynh Trần Huy Quyền (Victoria, Úc Châu) và Y sư Hà Thọ Khang thuộc Đại học Y khoa Thượng hải (Trung Quốc) để hiểu thêm về phương pháp Khí Công thực hành.))
  • Luân Xa Pháp: Thân thể con người có bảy trung tâm năng lực. Tây phương gọi đó là bảy điểm xoáy, người Ấn độ gọi là Luân Xa. Tuy không thể trông thấy nhưng bảy luân xa này là 7 điện trường cực mạnh và chúng hoàn toàn có thực. Mỗi luân xa tập trung vào một trong 7 tuyến nội tiết của cơ thể và nhiệm vụ của nó là sản xuất kích thích tố (hormone). Chính những hormones này điều hành toàn bộ các chức năng của các cơ quan nội tạng và đồng thời điều hành cả tiến trình lão hoá.Luân xa đầu tiên hay luân xa ở thấp nhất tập trung ở Tuyến sinh dục. Luân xa thứ hai tập trung ở tuyến Tụy trong vùng bụng. Luân xa thứ ba đóng tại Nang thượng thận, gần mạng dây thần kinh bụng. Luân xa thứ tư đóng tại tuyến Ức ở vùng ngực. Luân xa thứ năm đóng ở Tuyến giáp trạng trên cổ. Luân xa thứ sáu đóng ở tuyến Tùng, tại đáy sau của não. Và cuối cùng luân xa thứ bảy đóng ở cao nhất, tập trung tại tuyến Yên, nơi đáy trước của não.Trong một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, hoạt động của những luân xa này thật mãnh liệt, giúp cho “prana”, sinh lực chủ yếu của sự sống hay còn gọi là sinh lực hoàn vũ, được trôi chảy qua các tuyến nội tiết. Nhưng nếu hoạt động của một hay nhiều luân xa đó bị trì trệ, thì dòng sinh lực của sự sống bị cản trở hoặc bế tắc và như thế đưa đến bịnh hoạn và già nua. Với một người khỏe mạnh thì các luân xa đó làm tan tỏa sinh lực ra đến tận làn da bên ngoài, ngược lại với một thân thể già nua bệnh hoạn thì những luân xa bệnh hoạn này hầu như không thể đẩy sinh lực lên đến bề mặt của thân. Vì thế, cách thức nhanh nhất để dành lại sự tươi trẻ, sức khỏe và sinh lực là làm sao để những luân xa này hoạt động bình thường trở lại. Để đạt đến mục đích này, chúng ta nên tập luyện luân xa pháp theo năm bài, mỗi một trong năm bài tự nó đã rất hữu ích, nhưng nếu muốn có kết quả tối ưu thì bạn không nên bỏ sót một bài nào. Ở Himalaya, các Lạt Ma gọi chúng là những thức.
    Luân xa pháp là các thức chỉ dạy làm thế nào để tiết kiệm và sử dụng năng lực.
    Xuất phát từ lối tu tập bí truyền trong điện Potala, Tây tạng qua bao nhiêu đời Lạt Ma truyền lại nay đem qua Ấn độ và thế giới.
    Bí quyết của Luân Xa pháp là một khi con người đã nhận thức về cái năng lực chủ yếu đang làm họ sinh động và một khi nó đã biết tích lũy và phát triển cái năng lực đó bằng phương pháp luyện tập và tu tập thích hợp, thì vấn đề còn lại là họ phải biết giữ gìn và sử dụng với một hiệu năng tối đa.
    Tư tưởng và hành động, dẫu có là tầm thường nhỏ nhoi, cũng làm tiêu tán đi một số năng lực nào đó; chính vì vậy mà bạn phải kiên trì chống lại sự phân tán tinh thần cũng như những hành động trống không, máy móc, thực hiện không có mục tiêu, không ước muốn thật sự, hoặc chủ yếu là để cho qua giờ. Bị tiêu tán như thế, năng lực bị suy giảm và mất đi sức mạnh của nó, về lượng cũng như về phẩm chất. Ngược lại, nếu bạn biết hướng dẩn và kềm hãm các luồng tư tưởng, ngăn chận trí tưởng tượng, kiểm soát các cảm xúc và biết hành động theo mục tiêu đã được xác định, thì bạn có thể đạt được một sự tập trung năng lực với toàn bộ hiệu năng của nó.
    Nguyên tắc của Luân Xa pháp là tôi luyện sự trầm tĩnh, biết tập giấc ngủ và đi chân đất:
    a- Sự trầm tĩnh : ở dáng vẻ bề ngoài cũng như trong nột tâm không những là một lợi điểm giúp ta trong đời sống, mà còn là phương tiện giúp ta tránh được sự mất mát nhân điện lực.
    Nhằm đạt được điều này, ta phải nuôi dưỡng và phát triển sự tự chủ.
    Ta phải dùng ý chí để kiểm soát và làm chủ các cảm xúc.
    Cảm xúc là lực và khi lực này được biểu lộ, nó đã mất đi số đáng kể cường độ của nó, ngược lại nếu biết kềm giữ, nó sẽ giúp ta gia tăng sức mạnh.
    Việc kềm giữ này bao gồm một sự luyện tập liên tục nhằm làm chủ mọi hành vi vô thức, khống chế mọi cảm xúc nội tại như Swami Vivekananda đã nói: “Tĩnh lặng là sự thể hiện cao cấp nhất của sức mạnh. Hoạt động là sự thể hiện ở cấp thấp”
    b- Giấc ngủ : Giấc ngủ là một trong những cách chủ yếu nhằm thu hồi và tích lũy năng lực. Thật vậy, chính trong khi ta ngủ, những dòng sinh lực chuyển động trong cơ thể chúng ta sẽ có được một hoạt động hoàn toàn mới mẻ. Được giải phóng khỏi các ràng buộc của hành động và tư tưởng, chúng ta có thể lưu chuyển trong khắp cơ thể theo một cách thức liên tục và điều hòa; tác động của chúng như thế trở nên hữu ích.
    Tuy vậy, yếu tố vừa kể cũng tùy thuộc vào những điều kiện tác động đến giấc ngủ của ta như : sự thoáng khí của phòng ốc, tiêu hóa, sự tĩnh lặng của tâm trí và tất cả những gì liên quan đến chúng. Một bữa ăn tối quá no nê làm cho sự tiêu hóa quá nặng nề, bắt buộc cơ thể phải đương đầu. Trong trường hợp này, năng lực sử dụng sẽ bị tiêu hao và không nạp được vào các luân xa, như thế bạn không thể ngủ ngon giấc; máu, cơ bắp và thần kinh đều thiếu hẳn cái sinh lực chủ yếu đó; sự nghỉ ngơi không được diễn ra theo đúng nghĩa của nó, da thịt không được săn cứng và sức mạnh của cơ bắp bị suy yếu.
    c- Đi chân đất: Các cổ thư Trung Hoa và Nhật Bản đề cập đến việc đi chân đất như là một thức tập phải thường xuyên thực hành chẳng những được lành mạnh mà còn nhằm phát triển sinh lực.
    Thức tập này, tuy bề ngoài có vẻ không quan trọng, nhưng mang lại những kết quả tốt đẹp trên cường lực của thần kinh và không ai có thể nói hết những ích lợi mà họ đã đạt được trong việc kích thích những đầu mút thần kinh của đôi chân.
    Bạn nên thực hành đi chân đất ở ngoài đất, tốt hơn là vào buổi sáng, đi trên cỏ còn đẫm sương, hoặc trên những lớp sỏi của lòng suối.
    Ngoài ra bạn phải điều hòa nhịp thở sao cho phù hợp với bước đi bằng cách hít thở sâu.
    Sau buổi tập, bạn không nên lau khô chân bằng khăn, mà chỉ nên xoa bóp cho đến khi da được khô, mềm và ấm hẳn.
    Đi chân đất giúp bạn tái lập sự tiếp xúc với mặt đất, điều mà con người hiện đại thường thiếu sót, vì phải luôn mang giày, vớ. (nên đọc thêm cuốn “The Fountain Of Youth” “Suối Nguồn Tuổi Trẻ” của Peter Kelder do Lê Thành chuyển ngữ; cuốn “Luyện Tập Dưỡng Sinh cho người lớn tuổi” của Kiêm Thêm và cuốn “Dưỡng Sinh Y đạo” của Hoài Văn Tử và Vĩnh Như)
    * Nhân Điện: Con người là một tiểu vũ trụ (microcosm), một đơn vị của cái đại vũ trụ (macrocosm), Làm thế nào để chuyển năng lượng của cái tổng thể đó vào nhân sinh. Theo bà Barbara Ann Brennan, tác giả hai quyển bán chạy hiện nay là The Lights of Hands và quyển Light Emerging thì ngũ quan của con người có thể được dàn trải rộng hơn cái giới hạn thực tại với sự luyện tập và thực hành thường xuyên. Vì các người này có nhiều khả năng bẩm sinh hay khéo léo hơn người nọ, nên khi họ phát triễn ngũ giác là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác quá cái tầm thông thường, một thế giới mới sẽ mở ra với họ mà bà gọi nó là “Sự nhận định cao cấp của giác quan” (Higher Sense Perception)
    Khi các siêu giác quan đó đã rộng mở, họ sẽ nhìn thấy được thị trường của cái hào quang (auric field) bao quanh con người, dính liền với các sinh hoạt của đời sống siêu nhiên, bao gồm cả đời sống về thể chất, tinh thần và thiêng liêng.
    Cái vùng hào quang đó bao bọc con người gọi là aura, gồm bảy cấp bậc năng lượng. Mỗi cấp bậc thay đổi không ngừng các thức để thu hút năng lực của sự sống. Mỗi cấp đều có sự chuyển động và sự thu hút hơn cái năng lực đang bao bọc và khắc nhập vào nó. Các dạng thức aura đó thay đổi khi đau yếu, lúc mạnh khỏe, và khi chết.
    Trong quyển “Tây Tạng Huyền Bí”, tác giả người Anh Spalding có đề cập đến các vị cao tăng ở Tây tạng có huệ nhãn có thể nhìn thấy đường vòng hào quang bao bọc mỗi người và có thể đoán ra họ đang mắc phải bệnh gì.
    Vùng hào quang đó, theo bà Brennan, chính là nhân điện.
    Theo bà có bảy giai đoạn để chóng lành bệnh:
    1- Chúng ta nên có những cảm quan thông thường trong một đời sống lành mạnh, vui thú.
    2- Phải tự chấp nhận (self-acceptance) và phải thương mình trước cái đã (self-love) trong nghĩa tích cực nhất.
    3- Hiểu hoàn cảnh hiện tại một cách sáng sủa, liền lạc và hợp lý, phù hợp với sự quân bình và trực giác.
    4- Yêu thương gia đình và bạn bè, qua cách cho và nhận trong mọi liên hệ với vợ con, bạn bè, người đồng sở và trẻ em.
    5- Phải cùng một tuyến với thiêng liêng, phải nói và làm theo đúng sự thật.
    6- Yêu thích tình cảm thiêng liêng qua kinh nghiệm bản thân về thiêng tính và tình yêu vô điều kiện.
    7- Phải được giao tiếp với thiêng liêng và hiểu thấu các dạng thức tổng quát về vũ trụ. Hiểu cái lẽ khiếm khuyết của ta trong cái hoàn hảo của ta và của vũ trụ.
    Môn nhân điện được nhắc tới gần như là một cách chữa bệnh gần với thiêng liêng, nhưng đúng như phần trên ta đã nói về chụp hình cao thế. Các khoa học gia cũng đã nhìn nhận con người lẫn cây cỏ đều có hào quang khác nhau bao quanh (auric field). Biến thế và biến thể năng lượng của mặt trời, của thiên nhiên có thể đưa đến sự phúc lợi và sức khỏe cần thiết cho một cuộc sống bình thường, không cần phải là chân nhân hoặc chân sư mới luyện tập được.
Đức dục:
Chúng ta đã lược qua về các phương pháp thể dục dưỡng sinh, có liên quan đến trí dục, thật là thiếu sót nếu ta bỏ quên đức dục là một phần tôi cho là tối quan trọng trong quá trình học làm người.
Người Mỹ chú trọng nhiều đến thể dục và trí dục đến độ được kỹ nghệ hóa. Trong học đường hình như không có môn học nào về đức dục, việc đọc kinh trong lớp cũng bị chống đối. Vấn đề ngày nay là con người trong xã hội tiến bộ phải đối diện với nhiều trục trặc về phương diện đạo đức. Số lượng nhà thờ không nói lên được số lượng tội ác và nhà tù gia tăng, một nước bán vũ khí đứng đầu thế giới có những án mạng tập thể trong trường học, trong nhà thờ khiến các người lưu tâm phải đặt vấn đề cấp bách tìm một giải pháp.
Sống và thi hành nghệ thuật Sống, chúng ta không thể quên được bài học đổi đời tại cố hương. Không quên được “Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà không lọt” và bài học “quả báo nhãn tiền”
Kéo dài đời sống là một chuyện, sống cho ra sống mới là một chuyện. Học làm người, ta chớ quên “Đức năng thắng số” và “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.” Sống cho ta và sống cho tha nhân, đạo sống là con đường dẫn tới bất tử thật sự, dẫu ta có vĩnh viễn vắng mặt trong cõi đời này.

Nghe nhạc phổ từ thơ

Image result for phuong tim

Thái Thụy Vy


Con Đường Xưa Ta Đi - nhạc Nguyên Bích - Vân Khánh hát


Con Đường Xưa Ta Đi

Con đường ta vẫn dạo qua
Xin anh đừng dắt người ta cùng về
Cỏ cây hoa lá bên lề
Làm nhân chứng những lời thề năm xưa.

Đừng quên những buổi đón đưa
Ngày mà hai đứa mới vừa chớm yêu
Nhớ không anh, những độ chiều
Trong tia mắt ấy chứa nhiều vấn vương

Nếu anh còn nhớ người thương
Về qua lối cũ thóang hương yêu thầm
Riêng em gậm nhấm lỡ lầm
Lá thu tan tác tím bầm nẻo xưa.

Vợ Già

Image result for chong gia vo tre la tien

Anh lấy em tuy … hơi già,
Tình vợ chồng vẫn mặn mà đấy thôi,
Cần chi hình thức bên ngoài,
Hai tâm hồn vẫn trẻ hoài vì nhau.
Chị Bông đang lúi húi trong bếp với nồi nước xông, chồng chị nằm trong phòng, thỉnh thoảng anh lại rên hự hự và bắt chước giọng Bắc kỳ của vợ  thường kêu lên mỗi khi có chuyện buồn hay vui:
–  Ối giời ôi !… Ối giời ôi !
 Làm chị sốt cả ruột gan, nói vọng vào:
–  Anh chờ một tí, em sẽ cứu anh qua cơn cảm cúm này bằng nồi nước xông hơi.
Anh Bông thều thào nói vọng ra:
–  Nhớ làm nồi nước xông hơi… giống y chang như của má anh làm ngày xưa nha…
–  Ở Mỹ chứ có ở Việt Nam đâu mà có đủ thứ chứ? Tìm đâu ra lá tre, lá hương nhu, lá Cúc tần, lá long não, lá bạc hà…hả giời….??
Anh Bông có vẻ giận dỗi:
–  Vậy thì khỏi xông. Tất cả các loại lá không có thì bà đang nấu cái gì thế?
Biết tính chồng, chị Bông vẫn dịu dàng:
–  Em nấu nồi xông kiểu khác với những thứ có sẵn bên này như tía tô, kinh giới…
Anh Bông ngắt lời:
–  Đang bịnh mà nghe bà giới thiệu tía tô, kinh giới làm tôi thèm ăn bún riêu cua và bún riêu ốc đặc sản miền Bắc nhà bà qúa chừng nè.
Chị Bông ngọt ngào:
–   Anh ơi! đừng đùa nữa, bao giờ khỏi bệnh thì em nấu cho anh ăn. Bây giờ là nồi xông chứ không phải nồi bún nhé, ngoài tía tô, kinh giới còn có xả và vỏ bưởi.
–  Hết tía tô, kinh giới bà lại nhắc tới xả làm tôi thèm ăn bún bò Huế nấu với xả nè.
Chị Bông dỗ dành chồng:
–  Ốm đau nên cái gì cũng thèm, phải nhịn ăn cho qua cơn cảm cúm độc địa này đã .
Một lát sau chị đã bưng nồi nước xông vào phòng và bắt anh Bông ngồi dậy trùm mền để xông hơi.
Anh Bông không thích cũng phải làm vì chị Bông đứng lù lù bên cạnh để canh chừng và nhìn đồng hồ như một bà giám khảo khó tính và nguyên tắc, dù anh Bông mấy lần kêu nóng, kêu mỏi cổ, chị đã gạt phăng:
–  Anh ráng ngồi đi, bệnh mà không chữa thì làm sao khỏi, em không “giải quyết” cho anh đâu, đừng kêu ca thêm tổn sức.
Thế là anh Bông biết điều, chỉ thỉnh thoảng sốt ruột hỏi:
–  Mấy phút rồi?
Lần cuối cùng chị Bông nói:
–  14 phút rưỡi rồi, nửa phút nữa là đủ 15 phút
–  Trời, tôi chưa thấy ai “hắc ám” như bà. Giống như cai tù vậy đó, chỉ còn nửa phút cũng không tha.
Anh than thì cứ than nhưng vẫn đành ngồi chịu trận.
Xông cho chồng xong chị bưng nồi nước ra ngoài sau khi đã bắt anh nằm nghỉ ngơi trên giường, kê gối cho anh gối và đắp chăn tới ngực cho anh thật kỹ lưỡng và ngay ngắn.
–  Bây giờ em ra nấu cho anh bát cháo giải cảm, món này thì giống y chang của má anh đây…
Anh Bông đổi cách xưng hô theo tâm trạng vui vui:
–  Món cháo tía tô hành gừng và trứng gà phải không? Món này anh ăn từ bé cho đến lớn không biết bao nhiêu lần, vì mỗi lần bị cảm má đều nấu cho anh ăn nên anh thuộc làu các gia vị luôn. Đây là kinh nghiệm dân gian rất tốt, anh muốn vợ,  con sau này tiếp tục làm theo..
–  Đúng thế, vì biết anh từng được má săn sóc cưng chiều từ nhỏ cho tới lớn nên em phải bắt chước được điều gì hay điều đó. Em thì theo kiểu má rồi, con mình sinh ra và lớn lên ở Mỹ thì chưa chắc, mà anh già đầu rồi lúc nào cũng nhắc tới má là sao!
–  Còn em gìa đầu rồi mà thỉnh thoảng hay khóc, hay nhõng nhẽo như con nít là sao??. Tụi mình giống nhau mà.
Chị Bông im lặng hết cãi, vì anh Bông nói đúng qúa, tuy nhiều tuổi hơn chồng và tuy nay  tuổi đã không còn trẻ nhưng chị Bông vẫn bản tính trẻ con lắm, dễ dỗi hờn, dễ khóc để thích được chồng dỗ dành, nghe giọng Nam kỳ chân chất  thật thà của anh.
Mỗi lần cùng chồng đi chợ Wal Mart mua sắm đồ dùng, việc đầu tiên là chị Bông ghé vào McDonalds nằm trong chợ để mua 1 gói French Fries nóng ròn, mua gói nhỏ thôi vì chị sợ mập, vừa đi vừa ăn giữa thiên hạ ngược xuôi cho…vui đời, dù chị chẳng thèm muốn gì cái món này. Những lúc ấy anh Bông nhìn vợ như nhìn cô em gái bé bỏng dễ thương.
Hai vợ chồng cùng chiều chuộng nhau nên đôi lúc chưa chắc ai gìa hơn ai? Ai trẻ hơn ai?
Công nhận sau khi xông hơi xong người thấy nhẹ hẳn đi, dễ chịu hẳn đi, chắc ăn thêm tô cháo giải cảm là khỏe ngay thôi. Anh Bông đang nghĩ thế thì tiếng phone reo, thế là anh vừa nằm nghỉ ngơi vừa được nói chuyện phone với bạn thật là một công đôi chuyện và nhất là đề tài vô cùng thú vị.
Phú người bạn học cũ gọi phone kể về một người bạn đồng môn khác mà cả hai đều biết, vừa mang sang Mỹ cô vợ trẻ măng mới 20 tuổi.cưới ở Việt Nam.
Chị Bông đang nấu cháo thì nghe tiếng chuông cửa inh ỏi, vội ra mở cửa, là một thằng nhóc con Mỹ trắng chừng 15  tuổi như thằng cu Tí, chị đoán ngay nó là bạn thằng Richard tức thằng Cu Tí nhà chị nên mở rộng cửa với một nụ cười tươi:
–  Hi..
Thằng bé thân thiện nhìn chị và đáp lại:
–  Hi, Grandma.
Vừa lúc ấy thằng Cu Tí từ trong phòng chạy ra, giới thiệu với bạn:
–  Kelvin, đây là mẹ tao mà.
Rồi Cu Tí giải thích với mẹ:
–  Đây là bạn cùng lớp con, nó mới dọn tới xóm này gần nhà mình nên nó chưa biết mẹ là mẹ của con, con rủ nó đến chơi..
Chị Bông âu yếm bảo con:
–  Ừ, để mẹ làm nóng lại mấy cái chả giò cho con đãi bạn. Hỏi Kelvin thích uống sữa hay uống nước cam thì con lấy ra cho bạn nhé.
Thế là chị Bông lại nhanh chóng ra tủ lạnh lấy chả giò bỏ vào lò nướng. Phải mất mười mấy phút nướng chả giò, thấy hai đứa trẻ vui với món ăn nóng này chị Bông cũng vui theo.
Lo cho con xong thì nồi cháo cũng đã chín, chị Bông múc ra 1 tô nhỏ cho chồng, sau khi đập vào 1 quả trứng gà nâu tươi tốt, chị cẩn thận rắc hành gừng tía tô và thêm chút hạt tiêu cay.
Anh Bông cũng đã nói chuyện phone xong, anh cố dấu nét mặt băn khoăn, nhưng chị Bông cũng nhận ra, chị thắc mắc:
–  Anh vừa nói chuyện với ai mà có vẻ tư lự thế hả?
Biết không thể dấu được bà vợ vừa lớn tuổi hơn lại vừa thông minh, anh Bông huỵch toẹt:
–  Thằng Phú bạn hồi trung học ngày xưa, có tin về thằng Hiếu…
–  A, có phải anh Hiếu mà vợ mới mất cách đây 2 năm, hai vợ chồng mình đi Calif. tham dự đám ma không? Thấy anh ấy khóc vợ ai cũng mủi lòng khóc theo, chưa có đám tang nào tốn nhiều nước mắt đến thế.
–  Công nhận bà vừa tà lanh vừa thông minh. Có giỏi thì đoán tiếp đi….
Chị Bông  khiêm nhường :
–  Em chỉ chợt nhớ ra thôi. Thế anh Hiếu bị làm sao? Không lẽ…anh ấy cũng theo vợ về bên kia thế giới sau mấy năm lẻ bóng?
–  Nghĩa là bà vẫn tà lanh và thích nói hóng nói hớt, không chừa chỗ cho tôi nói. Anh Hiếu không hề đau khổ như bà nghĩ, anh không chết tức tưởi như bà tưởng mà trái lại đời anh lên hương thêm, tưng bừng thêm vì anh vừa cưới vợ từ Việt Nam mang sang Mỹ.
–  Chuyện tái giá là chuyện thường tình thế gian có gì đâu mà lên hương với tưng bừng chứ?
– Vì cô vợ mới của Hiếu là một thôn nữ trẻ măng mới 20 tuổi đầu, và lại xinh đẹp…Đó mới là điều đáng nói.
Anh Bông hào hứng nói tiếp:
–  Bọn tôi sắp họp mặt trường xưa lớp cũ, chúng ta sẽ gặp vợ chồng Hiếu đi dự đấy. Hừm, Những thằng chết vợ tưởng bơ vơ tội nghiệp vì không có ai chăm sóc bầu bạn thế mà lại …may mắn như trúng số độc đắc.
Chị Bông  khựng lại, nét mặt bâng khuâng buồn khi nhìn vẻ mặt và giọng nói hào hứng của chồng với một chút ghen tị khi biết tin người bạn cũ lớn tuổi còn cưới được vợ mới vừa trẻ vừa đẹp. Nhưng chị Bông  cố dấu nỗi chạnh buồn chỉ ngạc nhiên kêu lên:
–  Ối giời ôi, sao anh Hiếu lấy vợ trẻ thế? Anh ấy gần 6 bó rồi mà, nhìn vào chẳng khác nào cha với con, thấy kệch cỡm lắm.
–  Riết cũng quen thôi, như tôi với bà hồi mới cưới nhau người ta nhìn vào cũng tưởng hai…chị em.
Chị Bông lườm chồng:
– Thì ra anh lại…ngậm ngùi so sánh đấy hả? Ngày ấy ai lẽo đẽo theo tán tỉnh tôi? Ai si mê ăn vạ ở nhà tôi? Ai năn nỉ một sống hai chết xin cưới tôi?? hả? hả?
– Thì…tôi chứ ai.
– Thế thì anh nên biết điều và bây giờ ăn bát cháo nóng giải cảm này đi, em còn phải cắt cỏ đây..
 Để anh Bông ăn tô cháo giải cảm đúng như anh từng ăn và từng yêu thích, chị Bông vội vàng ra ngoài mang theo chút dỗi hờn mà anh Bông nào hay. Chồng chị vẫn có lúc “khờ” qúa, vô tình qúa.
Ngày xưa chị Bông luôn mơ ước có được một người chồng lớn tuổi  biết yêu thương và chiều chuộng chị, để chị mãi là người vợ, người tình bé bỏng của chồng.
Nhưng vài mối tình qua đi cũng chẳng có anh già hay anh trẻ tương xứng nào đi đến hôn nhân với chị cả.…
Chị Bông có số lận đận mãi mà vẫn chưa lập gia đình. Năm chị 32 tuổi thì anh Bông là thanh niên 27 xuân xanh, thua chị đúng 5 tuổi. Anh đã lăn xả vào đòi xin cưới chị. Anh Bông là hàng xóm của chị từ thời ấu thơ nên cả hai thân nhau lắm, chị không ngờ thằng ranh con này đã yêu thầm chị từ hồi nó mới 15 tuổi. Tình yêu ấy càng ngày càng mãnh liệt, nó từng khóc thầm khi thấy chị có người yêu, nó từng đau khổ ghen thầm mỗi khi chị tiếp bạn trai đến chơi nhà.
Chị Bông đã thẳng thắn từ chối lời cầu hôn “nông nỗi” của “thằng em” hàng xóm, nó không bao giờ thuộc đối tượng chị tìm kiếm chờ mong. Người chồng tương lai lý tưởng của chị phải gìa hơn chị ít nhất 10 tuổi trở lên, đằng này nó lại thua chị 5 tuổi thì coi như chị lấy nó là thua một ván cờ to.
Anh chàng Bông thuở đó ngày nào  cũng sang nhà chị ngồi chơi, lì lợm đến tối khuya cũng chưa chịu đứng dậy ra về cho đến khi chị phải thẳng thừng:
–  Này Bông, em về cho nhà chị còn đi ngủ chứ.
Hoặc chị đuổi khéo khách bằng cách “năn nỉ”:
–  Em ngồi suốt buổi tối chị tiếp chuyện em mệt lắm rồi. Mời em về cho chị còn ngủ lấy sức mai em sang chơi chị tiếp em nữa…
Chiêu  lì không đi đến đâu, thằng trai trẻ Bông đổi chiêu khác, nó tung tin đe doạ một là sẽ tự tử trước cửa nhà chị, cho oan hồn nó suốt đời không siêu thoát, vất va vất vưởng bên chị. Hai là nó sẽ…giết chị chết cùng để cả hai mãi mãi bên nhau như Romeo và Juliet.
Mẹ chị hoảng sợ qúa, vừa khuyên chị vừa rên rỉ:
– Thôi thì đằng nào con cũng đang là gái già, gái ế, tuổi ngoài 30 rồi, lấy nó cho yên bề yên chuyện còn hơn là chết oan. Những đứa yêu ngang ngược thế này chuyện gì chúng nó cũng dám làm con ơi..
Chị thật sự cũng cảm kích trước tình yêu vô bờ của thằng em hàng xóm, lại được mẹ khích lệ. Thế là chị bằng lòng lấy anh Bông.
Ban đầu anh chồng mới sung sướng như lên tận mây xanh vì đã lấy được người mình yêu, anh Bông bất chấp những lời dèm pha dị nghị chung quanh, là lấy cô vợ đáng tuổi chị  mình, anh Bông đã âu yếm gọi vợ bằng “em” ngon lành.
Đáp lại chị cũng tập quen dần và tình tứ gọi chồng bằng “anh” và xưng “em” lại cho đẹp tình đẹp ý..
Nhưng khi tình vợ chồng đã cũ mòn quen thuộc thì anh Bông dần dần đã  xưng hô tùy tiện theo từng tình huống, lúc vui vẻ mặn nồng thì gọi “em” xưng “anh”, khi giận hờn xa vắng hay bực mình thì gọi vợ  bằng “bà” và xưng ‘tôi”.
Hai vợ chồng ăn ở với nhau mãi chẳng có con, tưởng rằng cả đời tuyệt tự vì chị Bông lớn tuổi, con đường sinh đẻ càng ngày càng ngắn lại và cơ hội càng hiếm hoi, thì may qúa đến cái tuổi 45 cuối mùa sinh đẻ, trời thương cho chị mang bầu đẻ ra thằng con trai, đủ làm vui một gia đình đang buồn tẻ và trống vắng.
                         ******************
Bây giờ chị mới thật sự rảnh tay để lo chuyện cắt cỏ, bình thường thì là việc của anh Bông, nhưng chồng đang nằm bệnh kia, chị thay bộ quần áo lao động, đội mũ trùm tóc tránh nắng và bụi, rồi đi đôi giày ủng cao ra vườn nổ máy cắt cỏ, coi như vừa làm thế chồng vừa tập thể dục luôn.
Cắt cỏ một mạch được nửa khu vườn sau, chị Bông nghỉ tay vào nhà  thì thằng Kelvin đã về từ lúc nào rồi, thằng Cu Tí kể:
–  Mẹ ơi Kelvin thích chả giò của mẹ lắm,
–  Ôi, bạn con thật dễ thương dù nó lầm lẫn tưởng mẹ là grandma của con.
–  Trước khi về nó lại…lầm lẫn thêm một lần nữa, nó bảo tao muốn nói cám ơn grandma của mày về món chả giò này… Con phải hét lên “ Bà ấy là mẹ tao”  Con bảo đảm với mẹ là lần sau đến đây Kelvin không bao giờ gọi mẹ là grandma nữa đâu.
Chị Bông cười xòa:
–  Không sao, mẹ đã từng bị hiểu lầm như vậy, mẹ quen rồi.
                       
                                 ***********************
Chị Bông theo chồng đi dự buổi họp mặt trường xưa lớp cũ của chồng tại 1 nhà hàng.
Rất đông bạn bè đồng môn cũ tham dự, ai còn đầy đủ cũng dẫn theo chồng, vợ của mình.
Cũng như anh Bông, chị Bông háo hức muốn xem mặt cô vợ trẻ của anh Hiếu, và nhất là xem phản ứng thực tế của chồng mình.
Mọi người từ từ đến chẳng mấy chốc mà nhà hàng đã chật người. Vợ chồng Phú và vợ chồng anh Bông ngồi cùng bàn, hai người bạn đang dáo dác ngó tìm hình bóng thằng bạn Hiếu “tốt số” thì đúng lúc đó Hiếu và 1 cô gái trẻ măng đang tiến tới gần. Phú lên tiếng gọi:
–  Hiếu ơi…
 Hiếu nhận ra 2 người bạn thân, quay ra với vợ và vồn vã giới thiệu:
–  Đây là bà xã tôi, còn đây là 2 người bạn cùng lớp, thân nhất của anh.
Cô gái rất trẻ đẹp và ăn diện thời trang càng thêm trẻ trung nhí nhảnh làm mọi người ngắm nhìn ngỡ ngàng, cô là gái quê mới sang Mỹ mà đã nhanh chóng thay da đổi lốt đến thế !.
   Anh Bông có con muộn thì không so sánh làm gì, chứ vợ anh Hiếu còn trẻ hơn con gái và con trai anh Phú thì làm sao mà không ngỡ ngàng cho được.
Phú và Bông chưa kịp cất tiếng thì cô vợ trẻ của Hiếu đã nhanh nhẩu và  kính cẩn lên tiếng chào trước:
–  Dạ, cháu xin chào các bác.
Hiếu vội vàng đỡ lời vợ, để phá tan chút ngại ngùng mắc cở vì sự lầm lẫn của vợ:
–  Em cứ coi các anh ấy như…anh, và gọi bằng “anh” cho thân mật. Toàn bàn này đều là bạn bè của anh cả.
Vợ Hiếu lúng túng sửa lại:
–  Vâng..cháu xin chào…à quên em xin chào các anh các chị ạ..
Có lẽ cô gái thấy mọi người trong bàn ai cũng lớn tuổi như vai cha mẹ, cô chú của mình nên cô mới theo phản ứng tự nhiên mà thốt ra lời chào ấy.
Phú kín đáo nghiêng người qua anh Bông nói khẽ vào tai bạn:
–  Nó chào bọn mình bằng bác là đúng rồi, cỡ này chỉ đáng làm con dâu tôi thôi.
Anh Bông cũng thì thào:
–  Ở tuổi này được lấy vợ lần nữa đã sướng rồi, lại là vợ trẻ thì sung sướng gấp triệu lần. Từ giờ trở đi tôi thề… không bao giờ thương hại những thằng đàn ông chết vợ nữa.
Phú gật gù:
–  Hiếu nói với tôi rằng thà hưởng cho sướng, dù ngắn ngủi rồi mất cũng cam, ít ra vợ nó phải sống với chồng mấy năm cho đến khi có cái thẻ xanh trong tay rồi mới dở chứng nếu thật sự lòng dạ thay đổi. Chỉ cần hưởng mấy năm bên cô vợ trẻ đẹp cũng…lời chán so với món tiền về Việt Nam cưới vợ.
–  Nghĩa là “Thà một phút huy hoàng rồi lịm tắt” đấy. Anh ta tính toán thì cô vợ trẻ này cũng có thể tính toán.
Cô vợ Hiếu lịch sự lễ phép với người khác chứ đối với chồng thì cô kiêu kỳ như một cô chủ trẻ, chắc cô biết cái thế mạnh của cô. Anh Hiếu cứ phải lăng xăng phục vụ vợ.
Hai vợ chồng Hiếu ngồi đối diện anh chị Bông nên vợ chồng chị Bông có dịp nhìn ngắm vợ chồng Hiếu kỹ hơn. Qủa là cô dâu mới cưới vừa đẹp vừa bé bỏng như con nai tơ, còn chú rể tái bản thì đã đổi mới lại toàn bộ ngoại hình cho trẻ trẻ tối đa hòng mong không qúa chênh lệch với vợ. Từ tóc tai, quần áo kiểu cọ mà ngay cả lời ăn tiếng nói và cách diễn tả  cũng làm ra vẻ trẻ trung nhanh nhẹn, dí dỏm hồn nhiên đến…lố bịch vô duyên.
Suốt bữa ăn Hiếu đã phải ga lăng chiều chuộng cô vợ từng chút một, cô õng ẹo chê cái này cái nọ thế là anh Hiếu phải mấy lần gọi bồi bàn lại để xin thêm.
Trong khi ấy anh Bông thì ngược lại cứ tha hồ thoải mái chuyện trò với mọi người, thỉnh thoảng chị Bông lại gắp thức ăn cho chồng và giục chồng ăn
Tan tiệc ra về. Khi hai vợ chồng ngồi trên xe thấy gương mặt vợ hơi “khác thường”, anh Bông băn khoăn:
–  Bộ thấy vợ thằng Hiều trẻ đẹp bà…ganh hay sao mà mặt buồn hiu buồn hắt thế?
–  Anh đúng là Nam kỳ nông nỗi chẳng suy nghĩ sâu xa.  Ai cũng có một thời tuổi trẻ và có nét đẹp của riêng mình, việc gì em phải ghen tị với cô vợ của Hiếu. Ừ, em buồn đấy, nhưng vì anh…
–  Sao lại vì tôi hả?
Chị Bông nói như tâm tình:
–  Chính anh mới là người ghen tị với anh Hiếu, em đã đọc được điều ấy từ hôm anh ở nhà khi nghe phone anh Phú và cho đến hôm nay phút đối diện với vợ chồng Hiếu . Anh tiếc đời? tiếc tình lắm sao??
Anh Bông cũng nói một hơi như trút nỗi tâm tình:
– Thì ra thế…cho tôi xin lỗi bà nghe, nhưng đó chỉ là cảm giác trong phút giây  nhất thời và cao hứng thôi, hôm nay trông thấy tận mắt cảnh chồng gìa vợ trẻ của Hiếu tôi và Phú cùng ngao ngán rồi. Thấy tội nghiệp thằng Hiếu “cực khổ” vì vợ trẻ qúa, phải sống gỉa dối với chính mình, sống mà như đóng kịch, tuổi gìa gần 6 bó làm sao cho xứng với tuổi đôi mươi cho được, cho dù Hiếu đã tự trẻ trung hóa mình đi chăng nữa, nhưng vết thời gian đã in hằn trên con người và trong tâm hồn. Chưa kể mai kia mốt nọ sau khi cầm cái thẻ xanh cô vợ có thể kiếm cớ tếch đi mấy hồi, sống kiểu đó hồi hộp lắm…tôi không ham. Tóm lại ở với bà đời tôi hạnh phúc và êm ấm . Tôi xin thề nếu tôi nói dối cho vừa lòng bà thì không bao giờ tôi có thể nhìn má, nhìn tấm hình người mẹ yêu qúy qúa cố của tôi. Bà tin chưa?
Chị Bông hiểu là chồng nói thật, ăn ở với chồng bao nhiêu năm chị đã thuộc tính nết anh rồi, lời nói chất phác như tấm lòng, cần gì lời thề thiêng liêng ấy. Anh Bông rất yêu qúy mẹ, mỗi khi muốn chứng minh lòng thành thật của mình anh đều mang hình ảnh mẹ ra thề thốt như thế, là chị Bông tin yêu chồng ngay, khỏi thắc mắc gì cả.
Thấy nét mặt vợ tươi lại anh Bông vui mừng:
–  Hoan hô vợ yêu.
Chị Bông  mỉm cười bao dung và đùa:
–  Anh phải nói “Hoan hô vợ già” mới đúng nghĩa. Và từ giờ trở đi chớ có bao giờ cao hứng hay so đo vợ già vợ trẻ nữa nhé, dù thương anh bao nhiêu, hiểu anh bao nhiêu, nhưng những điều vô tình ấy cũng làm em chạnh lòng tủi thân, em khóc……
Anh Bông âu yếm nhìn vợ:
–  Biết rồi, tuy có lúc cao hứng, có lúc so đo đó, nhưng trong thâm tâm tôi bà vẫn là người mà tôi thương yêu và lựa chọn. Nè, bà  cho phép tôi bày tỏ tình yêu 1 lần nữa không?
Chị Bông thân thương kêu lên như thói quen:
–  Ối giời ôi! Thôi, thôi, em biết rồi …
Anh Bông nói những lời chan chứa tình:
–  Em biết thì kệ em, nhưng anh vẫn muốn nói anh yêu em, yêu em triệu triệu lần dù em có lớn hơn anh 5 tuổi hay 15 tuổi đi nữa thì em vẫn là cô vợ bé nhỏ đáng yêu của anh. Hôm nay anh thấy em buồn, vì em thương yêu anh, anh đã nhận ra điều ấy và cảm động vô cùng. Anh muốn xưng hô y như thuở ban đầu anh mới cưới em, sẽ không bao giờ anh xưng “tôi” và gọi em là “bà” nữa đâu..
–  Gớm…cứ tình như mới hôm nào đến nhà người ta cầu hôn ấy.
–  Bây giờ, anh muốn nghe chính miệng em thốt ra là em yêu anh . Nói đi em,.nói đi em…
Anh Bông giục gĩa mấy lần chị Bông mới đáp:
– Thì đây, em…ghét anh lắm, em ghét anh cả triệu triệu lần !!!!
–  Anh hiểu rồi, phụ nữ thích nói …ngang ngược, nói quanh co, nói vòng vo. Nói “không” là  “có “, nói “ghét” là “thương” đấy. Cái lối nói của em vẫn nũng nịu như ngày xưa còn trẻ.
–  Uống chút rượu vào có khác, anh chỉ lắm lời. Lo lái xe đi kìa, coi chừng…!!
– Yên chí anh lái vững vàng lắm, anh lái một tay, còn một tay yêu em cũng được mà.
–  Buông tay em ra…Sao nắm tay em hoài vậy?.người gì đâu mà lì ghê !…
Chị nũng nịu và yêu thương “mắng mỏ ” chồng. Chị như thấy lại anh chàng Bông ngày nào sang nhà chị ngồi lì tới khuya không chịu ra về.
 Anh Bông hôm nay vẫn là anh Bông ngày ấy. .
Nguyễn Thị Thanh Dương

Hàng Rong Ở Huế

Hàng rong ở Huế đủ các loại món ăn bình dân. Sáng sớm từ An Lăng, An Cựu, Nam Phổ, Vỹ Dạ, Cồn Hến… hàng bánh canh, bún đổ về phố. Một số gánh qua những con phố ở phía chợ Đông Ba, một số rảo gánh bên này cầu Tràng Tiền.
Buổi sáng, đường phố ở Huế không thức dậy một cách vội vã. Có lẽ nhộn nhịp nhất chỉ có khu vực cầu Tràng Tiền, những dòng xe cộ ngược xuôi chở hàng hóa về bên kia, bên này… Và những gánh hàng rong cũng theo đó rảo bước nhanh, nhịp nhàng đôi quang gánh về phố cho kịp phục vụ người ăn sáng.
hue 1Trên đường Trần Hưng Đạo phía trước chợ Đông Ba, là nơi tập kết bắp luộc từ Kim Long chở đến, để từ đây phân phối đi khắp nơi.
Gánh bánh canh hay các loại bún đều giông giống nhau, một đầu gánh là trả lửa hình vuông có nồi nước lèo đặt bên trên, đặc biệt, chỉ đến Huế người ta mới gặp lại cái nồi nhôm dạng hình cái chum, có người gọi là nồi gương; đầu gánh bên kia là tô, chén, dĩa và đủ thứ linh tinh phục vụ cho một tô bún như rau, mắm, hành… 
hue 2Bánh canh buổi sáng thường là bánh canh bột gạo, buổi chiều mới có bánh canh cua bột lọc. Nồi bánh canh cũng như nồi bún bò, cũng đủ thịt, giò, da heo, có thêm chả cá… Bún gánh (từ đặc biệt dành cho gánh hàng rong) có đủ loại: bò, cá, hến, riêu…
hue 3Và những ai đã ăn tô bún bò từ trong các tiệm lớn đến những gánh hàng rong ở đây đều thấy một điều rằng: bún bò tại đây, không giống như ở các thành phố khác. 
Cái khác đầu tiên là rau không phải rau xắt ghém, mà rau được lặt thành từng lá nhỏ (xà lách, rau thơm, hành có nơi cũng không xắt thành hành hoa, mà cắt thành từng đoạn nhỏ); cái khác thứ hai là trong nồi bún có chả lụa, thịt chả lụa được vắt thành từng vê nhỏ, nổi lên phía trên mặt nồi nước lèo; cái khác thứ ba là nếu muốn, tô bún sẽ có thêm thịt bò tái (giống như ăn phở). 
hue 4Rồi tùy theo yêu cầu của khách, tô bún sẽ có đầy đủ (giò heo, giò lụa, thịt bò gân, nạm, bò tái) hay chỉ có một vài thứ (có giò heo thì không có giò lụa, có bò tái thì không có bò gân…). 
hue 5Đặc sản thứ hai của Huế mà bất kỳ ai đến đây cũng phải tìm ăn cho bằng được chính là cơm hến. Hàng cơm hến nào cũng kèm theo bún hến. Cái thúng được phân làm hai bằng miếng nylon: một bên là bún, một bên là cơm, khách ăn món nào gia vị kèm theo đặc trưng của món ấy (đậu phộng chiên còn nguyên hạt, dầu ăn đã khử với ớt màu thật cay, mắm ruốc…).
Đặc biệt chỉ có món này mới thấy rau ghém thái chỉ, gồm có rau môn, xà lách, bắp chuối, rau thơm… xắt thành sợi rất nhuyễn. Cồn Hến là nơi chuyên cung cấp hến cho các hàng ăn, hến được lấy thịt bằng cách bỏ vào rổ và xát, thịt hến bong ra, ở đây người ta cũng cung cấp luôn nước hến. Hàng ăn chỉ việc đến mua thịt hến và nước hến về rồi chế biến tiếp.
Ngoài hàng “gánh”, còn có hàng “nách”. Tầm sáng sớm có các nách bánh mì, xôi, bắp… cũng một điều rất khác ở Huế là bỏ vào bánh mì ngoài hành, dưa leo, thịt còn có thêm rau răm, nước xốt chế vào, ăn cũng hay hay, là lạ… Hàng nách còn có nách bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bánh ướt cuốn thịt nướng, bún thịt nướng… 
hue 6Bánh bèo Huế rất mỏng và có đường kính gần bằng chén chè, xếp vào cái đĩa nhìn thấy được cả hoa văn của dĩa ở bên dưới. Người Huế giải thích ăn bánh bèo mỏng như vậy mới thấm nước mắm! Đặc biệt, bún thịt nướng hay bánh ướt thịt nướng (bánh ướt bọc bên trong là thịt nướng) ăn với một loại nước chấm được chế biến rất ngon.
hue 7Các món ăn Huế bây giờ không có vị cay như trước, ai muốn ăn cay, thì bỏ thêm ớt được xắt lát trong các tô mắm. Tầm tháng Tư, không có ớt xiêm, mà chỉ có loại ớt sừng màu xanh, tưởng là không cay, thế nhưng ăn một miếng là cay xé lưỡi, còn hơn cả ớt xiêm.
Hàng rong ở Huế, mỗi món gắn liền với một địa danh đặc thù, nói đến bánh canh phải là bánh canh Nam Phổ, các loại bún phải xuất phát từ An Cựu; bắp hầm ở Kim Long…
Thử đến Huế một lần, sáng sớm tinh mơ bạn sẽ gặp hình ảnh từng tốp người gánh hàng rong đi cùng với nhau từ một vùng nào đó đổ về phố, dừng lại đặt cái đòn gánh xuống đất làm đòn ngồi, nghỉ một chút trên đường, có người phe phẩy chiếc nón lá cho đỡ mệt, có người cời lại bếp than cho đỏ lửa, rồi bắt đầu tỏa đi khắp nơi. 
Sáng sớm bạn sẽ thấy bánh canh, các loại bún, bánh mì, xôi bắp, bánh bèo… Trễ hơn một chút có đủ các loại chè (chè nóng, chè lạnh) hay các loại nước đậu nành, đậu ván, đậu hũ. Trưa hơn chút nữa có các hàng “đồ trái”, đó là các gánh trái cây (vải, nhãn, bơ, cam…) xuất phát từ chợ Đông Ba, lúc này cũng có các gánh rau bán dạo cho những nhà ở phố. Sau giấc ngủ trưa, xế xế chiều có bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bún thịt nướng, bánh canh bột lọc, chè… Các gánh này có thể bán đến chiều xẩm tối. 
hue 8Để khám phá Huế, người ta phải mất nhiều năm, có khi cả đời cũng không hết, nhưng để yêu Huế, chỉ cần vài ngày. Yêu những con đường nhỏ nhỏ có hai hàng cây suốt ngày chụm đầu vào nhau rì rầm kể chuyện, yêu những chiếc lá bay bay trong buổi sáng tinh mơ, yêu cổ thành bí ẩn, yêu dòng sông Hương lặng lờ trôi, êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều, để rồi bất chợt buột miệng hát lên “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”. 
Và một trong những vẻ đẹp cổ kính đó, những gánh hàng rong cũng là một đặc thù của thành phố du lịch nổi tiếng thơ mộng và dịu dàng này. Mời bạn, hãy tạm xa rời các nhà hàng sang trọng, một lần đến với các gánh hàng rong để tận hưởng cho bằng hết cái thú của người đi du lịch.
Sưu tầm

Nghe Audio những lời khuyên về sức khoẻ cho tuổi già và đời sống người già tại Orange County California USA

Image result for truong tho


Tác hại của rượu đối với sức khòe
http://www.lebichson.org/Midi/Tamtinhnguoicaotuoi_USA.mp3


NHỮNG TƯỞNG ...

Image result for tuyet thang tu


1. Lúc bé, tưởng khóc là buồn, bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn
2. Lúc bé, tưởng cười là vui, bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười.
3. Lúc bé, tưởng đông bạn là hay, bây giờ mới biết vẫn chỉ có mình mình
4. Lúc bé, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, chỉ đến ở những chỗ không người, đến giờ mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế.
5. Lúc bé, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết sau yêu còn có chia tay.
6. Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.
7. Lúc bé, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì là có thể nhổ, bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn.
8. Lúc bé, tưởng mình có thể thay đổi cá thế giới, giờ thấy được ngay cả một người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.
9. Lúc còn bé, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao.
10. Lúc bé, thích định nghĩa về tình yêu, tình yêu là X, là Y, bây giờ lớn lại cuống cuồng, vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả
11. Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất
12. Lúc bé tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn lên còn biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.
13. Lúc bé rất sợ phải chết, nhưng bây giờ khi tôi lớn lên mới biết sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.
14. Lúc bé tưởng tượng rất nhiếu, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích không bao giờ có thật.
15. Lúc bé mẹ nói yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, giờ lớn lên chợt nhận ra, có những yêu thương chỉ chomà không nhận.
16. Lúc bé mong mình lớn, giờ đây lớn rồi sao mong mình bé lại quá chừng
17. Lúc bé tưởng rằng yêu một người là sống vì người đó, giờ mới biết yêu một người là phải biết tự yêu lấy mình
18. Lúc bé tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm, giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh
19. Lúc bé tưởng nói dối là xấu , giờ mới biết lời nói dối đôi khi cũng giúp ích rất nhiều
20. Lúc bé tưởng rằng trung thực là điều tốt, giờ mới biết sống trung thực với mình thôi cũng là điều khó biết bao
21. Lúc bé tưởng rằng những gì đến rồi sẽ đi, giờ mới biết niềm vui đến thi qua mau, còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi
22. Lúc bé cứ tưởng rằng sau tình yêu sẽ là hôn nhân,giờ mới biết có những cuộc hôn nhân không cần tình yêu
23. Lúc bé tưởng rằng tiền bạc -tình yêu và sức khỏe là quan trọng, giờ mới biết rằng sức khỏe-tiền bạc và tình yêu mới là quan trọng
24. Lúc bé tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, giờ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta,có chăng là mình đã không nhận thấy
25. Lúc bé tưởng nói quên là có thể quên được, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng
26. Lúc bé cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia, giờ mới biết được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất!