Ngụ Ngôn Thiền
(Zen Fables for Today)
RICHARD McLEAN
VIÊN THỂ dịch
Một buổi chiều mùa hạ, trong hồ của chùa, chị cá vàng gặp anh cóc sần sùi:
- Anh không thấy tôi đẹp sao?
Cá vừa nói vừa vẫy chiếc đuôi với những chùm tua sáng loáng.
Cóc không nói tiếng nào.
Cá càng lên mặt:
- Tôi biết tại sao anh im. Không những tôi bơi đẹp mà còn làm tia nắng mặt trời sáng thêm lên nữa.
Cóc vẫn không nhúc nhích, ho he.
- Anh nói gì đi chớ…
Cá chưa dứt lời, chú cò đợi nãy giờ bèn mổ một cái và mang chị cá óng ả lấp lánh bay vù lên không trung.
Lúc ấy, cóc mới kêu:
- Bái bai nghe bà chị!
Một bà mặc chiếc áo hoa rực rỡ đứng giữa đám cây rừng cảm thán thốt lên:
- Đây là nhà thờ của mình. Đây là nơi mình thấy Chúa. Đây là nơi mình cảm nhận được thiên nhiên với người là một. Đây mình thấy mình là một phần của nhất thể. Cây cỏ, suối, chim đều là thành phần của một tổng thể diệu kỳ.
Tuy nhiên, khi bị một chú chim bay ngang xẹt trúng chiếc áo trị giá ba trăm mỹ kim đang mặc trên người thì lòng nhiệt thành của bà tin rằng chim cũng là thành phần của một tổng thể kỳ diệu bỗng lạt bớt chút ít.
Giữa đêm khuya, cậu bé chợt tỉnh giấc vì mùi khói. Không kịp mặc áo xỏ dép, cậu xem xét căn phòng ngủ bằng gỗ mình nằm cùng 48 cậu bé khác.
Như một chú chó, cậu dùng mũi dò theo dấu mùi khói. Khi sờ trúng chiếc cửa mở ra cầu thang, nó nóng đến độ cậu phải giựt tay lại.
Cậu bé la:
- Dậy đi, cháy! Không kịp mặc đồ đâu. Chạy nào! Không, đừng chạy ngả ấy. Đường này! Coi đã đủ hết chưa?
Báo chí và giấy khen của trường gọi cậu là “Người hùng”.
Thầy dạy thiền gọi chú là “Phật”.
Phật là em vì em đúng nghĩa chữ ấy: “Kẻ tỉnh thức”. Hãy tưởng tượng tâm trạng của Phật lúc Ngài giác ngộ dưới cây Bồ-đề và thấy chúng sanh đang tuyệt vọng trong căn nhà lửa. Nếu em suy nghĩ về điều này sẽ thấy đức Phật đã nói y như em:
- Dậy đi (Hãy tu để được giác ngộ).
- Cháy (Khổ đế).
- Không kịp mặc đồ đâu (Hãy cởi bỏ hết mọi ràng buộc, dính mắc).
- Đừng chạy ngả ấy. Đường này nè! (Tám thánh đạo).
- Coi đã đủ hết chưa? (Ngài giảng pháp cho cả thế gian).
Một chàng trai tính tình vui vẻ lạc quan, theo học trường dạy bắn cung. Anh ta nghĩ ra một kế để qua mặt các bạn cùng lớp. Theo lệ, các trò học bắn cung sáng sớm phải đi vẽ những vòng tròn trên nhiều tiêu điểm khác nhau và bắn vào các vòng ấy.
Chàng trai lén đi trước tất cả mọi người rồi bắn ba mũi tên vào các tiêu điểm khá xa. Khi các tên ghim trúng xong, anh chạy đến vẽ một vòng tròn quanh mỗi mũi tên, và lại chạy vội về đứng ở lằn ranh bắn, chờ các bạn đến.
Nhân duyên run rủi sao ông thầy dạy bắn cung lựa sáng hôm ấy đến viếng lớp học.
Thầy bảo:
- Tuyệt lắm! Bây giờ em bắn lần nữa cho mọi người xem nào.
Anh chàng bước đến nhổ từng mũi tên, và đứng đúng kiểu, bắn lủng các vòng tròn như cũ dù khoảng cách rất xa.
Thầy tuyên bố:
- Em được lên học lớp trên.
Anh bạn thân nhất của chàng trai biết rõ trò đùa ấy, hỏi nhỏ:
- Cậu xoay làm sao bắn trúng được thế?
Chàng trai đáp:
Khi mình nhận ra rằng mấy mũi tên ấy biết đường đi rồi thì dễ lắm.
Trước khi có thời gian, nữ thần Ticca ngồi lấy đất nặn tượng chơi trong vườn.
Lúc ấy lại xảy ra sự việc là mẹ Ticca mải lo lập mưu tính kế với chị em mình chống lại gia đình chồng nên không để ý con gái bà đã đến tuổi dậy thì, có thể tạo được sự sống. Do sự lơ đễnh của người mẹ, Ticca chẳng hề hay biết mình đã có quyền năng và trách nhiệm của một người đàn bà.
Ticca nắn được một pho tượng thật tinh xảo nên thích quá, đưa miệng thổi vào mũi tượng. Tượng liền biết thở và mở choàng mắt. Vị nữ thần trẻ hoảng sợ chạy đi kiếm mẹ, kể hết mọi chuyện. Bà mẹ rầy:
- Hư thiệt là hư! Lúc pho tượng biết sống, nó thấy con không?
- Chỉ một tí tẹo. Rồi con chạy mất.
- Quỷ thần ơi! Thôi, không còn cách nào khác là báo cho cha con biết.
Ông cha giận quá chừng, vì phải tạo dựng cả một thế gian để cất chứa kết quả trò chơi dại dột của con gái.
Vậy là con người được tạo dựng từ lòng thương yêu ngây thơ của một thiên thần bé nhỏ. Tuy nhiên, những gì con người thấy được trong thoáng nhấp nháy đầu tiên ấy luôn luôn còn lại nơi mình: Sự nhận biết do bản năng nguồn gốc thánh thiện của mình.
Lời Phật dạy chúng ta nhìn lại nội tâm đặt trên cơ sở lòng tin kỳ diệu rằng ngay trong nhân tố cơ bản nhất của “gene” chúng ta, chúng ta đã có biết về nguồn cội của mình, giống như câu chuyện huyền thoại pho tượng thoáng thấy nữ thần Ticca. Thiền dạy chúng ta chỉ cần nhìn, nhìn thật kỹ.
Ông Tanaka, một nhân vật rất quan trọng, đang trên giường ở bệnh viện, nằm chờ chết. Ông đã được bắt mạch và ghi kết quả. Ông cũng đã phàn nàn về cách thức phục vụ ăn uống của bệnh viện và thảo một bức thư đề nghị phương cách tổ chức lại hoạt động này.
Nhưng bây giờ ông suy nghĩ về cái chết của mình. Ông muốn tin không có mình công việc của ông sẽ suy sụp y như các tòa nhà đối thủ ông đã đổ sụp trong trận động đất. Nhưng ông lại biết rõ công ty ông rồi sẽ vẫn tiếp tục và có thể phát đạt ra nữa, cả vợ và con ông cũng thế.
Bác sĩ trẻ khuyên:
- Nếu không kiếm cách thư giãn, ông sẽ chết đó. Ông Tanaka ạ, ông bị căng thẳng quá, thuốc không giúp ông nổi.
Nghĩ đến cái chết đủ làm ông sợ thất thần. Có đám ma nào mời ông cũng “đi vắng” và chỉ gởi những bó hoa đắt tiền đi thay thôi. Ông có cố thư giãn đó chớ. Ông đã cố hết sức mình nên càng làm huyết áp lên cao hơn. Giờ ông cảm thấy hoàn toàn thất bại, như thể những thành công trong suốt một đời ông chẳng là gì cả.
Ông bảo mọi người:
- Tôi không biết sẽ chết lúc nào đây.
Ông bạn nằm cùng phòng trả lời với vẻ thật thoải mái:
- Hết thảy chúng ta chẳng phải đều vậy cả sao?
- Tôi nói là chết “thiệt” a.
- Có cái chết nào không thiệt?
- Tôi tên là Tanaka, công ty xây dựng Tanaka là của tôi.
- Tôi là giáo sư Suzuki, dạy ở trường dạy thiền trung cấp.
- Ông dạy gì ạ?
- Thiền.
- Chắc chúng ta nên chuyện trò một chút.
101 chuyện thiền dạy chúng ta câu ngạn ngữ rất hay: Khi trò sẵn sàng, thầy xuất hiện.
Cô đào chiếu bóng nhìn vào hồ nước trong, thấy một khuôn mặt thiệt đẹp, hàm răng thiệt đẹp và thân hình cũng cân xứng nữa.
Cô hỏi:
- Ôi, sao mình không thành minh tinh?
Bỗng một chú nhái đáp:
- Tôi giúp cô thành minh tinh được.
Cô đào la:
- Mi là ai?
- Tôi là nhà sản xuất điện ảnh nổi tiếng thế giới. Tôi mướn một cô đào đóng vai phù thủy, hóa ra cô ta là phù thủy thiệt và cổ biến tôi thành nhái đây.
- Tôi làm sao giúp ông? Rồi tôi được gì?
Nhà sản xuất nhái đáp:
- Nếu cô làm nhái thay tôi, bùa phép sẽ giải được, tôi lại làm nhà sản xuất phim nổi tiếng thế giới và cô sẽ xuất hiện trên phim ảnh tôi sản xuất.
Cô đào (không mấy thông minh) liền đáp:
- Đồng ý.
- Đó, xong rồi. Cám ơn nhé!
Nhà sản xuất điện ảnh trở lại hình người liền cám ơn.
Cô đào nhái hỏi:
- Nhưng còn tôi khi nào mới được đổi hình?
Nhà sản xuất đáp:
- À, em cưng ơi… đó chính là chỗ uẩn khúc.
Tuy nhiên, đúng như lời ông hứa, nhà sản xuất tiếp tục ra nhiều bộ phim rất thành công và mọi người đều biết ông có thói quen lạ đời luôn luôn dành vai cho một chú nhái đóng trong phim mình.
Hãy hết sức cẩn thận khi ước ao muốn trao đổi số phận mình với một người nào. Lời ước có thể thành sự thật đấy.
- Kìa thuyền đến đón con về, vì con học kém quá. Bây giờ con phải nói sao với gia đình con?
Một cậu bé hỏi thầy. Thầy đáp:
- Con nói con đã cố hết sức mình, điều đó cũng ngang bằng mọi người rồi.
- Nhưng con muốn làm một vị sư nổi danh và giảng dạy Phật pháp.
- Con có khả năng.
Trò buồn hiu hỏi lại thầy:
- Dạ, bằng cách nào?
- Con hãy thể nhập kinh điển. Thầy sẽ chỉ cho con. Có thấy chiếc tàu đi ngang qua hồ với ánh trời chiều chiếu đằng sau không?
- Dạ có.
- Con có thấy đường nước sủi bọt đằng sau tàu đang lan ra khắp hồ không? Trong khi đường nước sủi bọt dưới tàu từ mũi tàu lan rộng mãi ra thành hình rẻ quạt thì chiếc tàu trông như đang là đỉnh của một hình tam giác vàng rực vậy.
- Có, con có thấy hơi hơi.
- Con nheo mắt lại đi.
Thầy bảo trò nheo mắt rồi dạy thêm.
- Chiếc thuyền chính là con lúc rời tu viện về. Hồ là đời con. Đường nước sủi bọt dưới tàu là ảnh hưởng của con đối với cuộc sống quanh con. Lượn sóng này làm nổi lên lượn sóng khác, nó lại đẩy lên lượn sóng khác nữa. Con sống đúng theo giới luật tức đã giảng kinh cho mọi người con gặp. Rồi một vài người trong số đó sẽ truyền gương tốt của con qua người khác. Cứ thế các việc thiện, như đường nước sủi bọt vàng rực nắng chiều dưới con thuyền, làm phát sinh nhiều việc thiện khác lan rộng mãi. Điều quan trọng nhất, con hãy lưu ý xem cách mỗi lượn sóng hấp thụ ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu lại lên trời.
- Thưa thầy, xin thầy đi với con về nhà giải thích những điều này cho cha con nghe, được không ạ?
- Đạo sĩ có phép lạ đến kìa. Nào, đi. Mình sẽ thấy nhiều cái mới, và biết đâu học hỏi được nhiều hơn ở đây cũng nên.
Một chú Sa-di nhỏ la lên, loan báo cho vị huynh đệ đồng trang lứa. Chú này đáp:
- Huynh đi đi. Xong rồi về kể cho đệ nghe.
Chú Sa-di đi xem về thấy huynh kia đang ngồi trong vườn hét lớn. Chú hỏi:
- Sao huynh la lên như thế?
Sa-di bạn lẳng lặng trao tờ giấy chép bài thơ của Lão Tử:
Cần gì tìm kiếm đâu bên ngoài
Mới được thấy
Chi bằng yên trụ
Nơi tâm mình
Vì càng xa tâm, càng mờ mịt
Xem xét tâm mình rồi sẽ thấy
Cung cách hành xử... ấy sống đạo.
- Nhưng nói cho đệ nghe tại sao huynh hét?
- Huynh đi rồi, có phép lạ nhỏ xảy ra cho đệ ở đây.
- Đâu?
- Nè!
Chú Sa-di ở lại không đi xem thần thông lấy tay chỉ vào giữa hai chặng mày.
Phép lạ nhỏ thật sự có xảy ra nơi tâm ta, trong khoảng yên lặng linh diệu, có khi qua thiền định, có khi qua những khoảnh khắc chợt ngộ. Đạo sĩ có phép lạ chính là bạn thôi.
Như chú diều hâu nuôi cưng quý đậu trên vai chủ nhân, Vinh vắt vẻo trên vai viên tướng thắng trận đang đi đầu đoàn quân diễu hành.
Bỗng thấy Nhục đứng trên vai kia, Vinh tra hỏi:
- Ông bạn đến có việc gì thế?
Nhục đốp chát liền:
- Ông đi đâu, tôi đi đó.
Chiến trận biến chuyển, chẳng bao lâu đoàn quân viên tướng bị thua, khôi giáp tơi tả, tướng quân buộc lòng phải đào tẩu. Ông giả dạng ăn xin luồn qua trận tuyến địch quân.
Nhục lúc ấy mới hỏi:
- Ông bạn thấy giá trị của tôi chưa?
Vinh rít lên:
- Im nào. Người ta nghe bây giờ.
Khỉ Một vị thầy nổi tiếng dẫn học sinh vào rừng, đến một khoảng trống khỉ rừng thường ở. Ông lấy trái bầu rỗng ruột, đục một lỗ nhỏ, cho xôi ngọt vào (món ăn thích khẩu của khỉ). Xong, ông cột trái bầu vào cây cọc và cùng cả lớp đứng đợi.
Có con khỉ lớn đi đến, hỉnh mũi đánh hơi mùi xôi, cho tay vào trái bầu bốc và bực bội la ré khi không rút tay (đang nắm xôi) qua lỗ hẹp được.
Đang lúc ấy một con báo chợt đi đến, nghe khỉ la liền định ăn thịt khỉ.
Nhóm học trò hét:
- Bỏ xôi ra. Chạy đi.
Nhưng vô ích. Con khỉ ham ăn xôi không chịu bỏ nên rốt cuộc bị báo cho vào bụng.
Thầy hỏi:
- Con khỉ chết vì bẫy gì nào?
Một trò đáp:
- Dạ, xôi.
Một trò đáp:
- Thưa thầy, trái bầu.
Vị thầy thông thái nói:
- Chẳng phải. Cái bẫy là lòng tham.
No comments:
Post a Comment