Sunday, September 25, 2016

Ngụ ngôn thiền



Không còn gì để mất
Một thương gia già giàu có bỗng gặp đủ thứ tai họa liên tiếp, rốt cuộc ông mất bà vợ đẹp (nhưng rất khó chịu), mất tòa biệt thự (vì hỏa hoạn), mất tài sản (vào tay trộm cướp), và mất cả tự do (vì đã nhục mạ vị lãnh chúa trong vùng).
Viên cai ngục có mẹ trước đó giúp việc ông thương gia. Hắn để ý thấy thương gia thay đổi thật kỳ lạ. Trước đây, ông nổi tiếng keo kiệt, luôn sợ người ta lừa. Vô ngục rồi, ông tỏ ra rất hạnh phúc. Hắn bèn hỏi:
- Tâm ông vẫn thường chứ? Tại sao ngày nào ông cũng cười vui thoải mái thế?
Thương gia cười thích thú:
- Chẳng còn tí ti nào để mất nữa cả.
Thiền dạy một trong những nguyên nhân chính gây khổ đau là sự ràng buộc, đắm trước.
Hai họa sĩ già
Viên chức trông coi trại dưỡng lão xếp hai nhà họa sĩ già ở chung phòng, nghĩ rằng họ sẽ tìm được nhiều điểm tương đồng. Ông có lý. Tuy vậy, té ra cũng khá khó khăn cho nhà họa sĩ đã rẽ đường, ra dạy hội họa ở trường trung học, đến tìm sự cảm thông với ông bạn họa sĩ kia, danh vang khắp nước, có tranh treo tại các viện bảo tàng.
Dần dà, họ cũng mau chóng kết bạn với nhau, như hai kẻ sống sót có chung kẻ thù (bệnh tật) sống nương vào nhau (giúp nhau các việc vặt hằng ngày).
Họa sĩ nhà giáo được gia đình gọi điện và thăm viếng thường xuyên. Tường nhà ông đầy ảnh chụp, danh thiếp và tranh vẽ của lũ cháu chắt. Nhà danh họa chỉ lác đác vài người khách, dăm bức thư, còn là thư từ giao dịch công việc.
Nhân viên trại dưỡng lão xì xào sau lưng họ: “Ông Vui” và “Ông Rầu”.
Đêm nọ, hai ông tắt đèn nằm chia nhau điếu thuốc hút lén, tâm sự đời mình. Họa sĩ nhà giáo nói:
- Suốt đời tôi mơ vẽ một bức kiệt tác. Tôi có sẵn nó trong tâm rồi. Nhưng tôi không làm sao khiến tay khiến màu mang nó ra trình diện được. Tôi bỏ cả đời chạy theo nó, vẫn thất bại. Tôi chẳng làm được gì ra hồn.
- Bác khờ ơi, bác không nhận ra mỗi người chỉ vẽ được một bức kiệt tác ư? Đó là cuộc đời mình với những gì mình đã tạo tác và những gì mình để đời tác động lên mình. Tranh của tôi có đến thăm tôi không? Chúng đem bánh cho tôi không? Giờ này, mấy bức tranh ấy đang nằm cô độc trong bóng tối các nhà bảo tàng – y như tôi nè! 
Thiêu rụi nó!
Viện trưởng các thiền viện đảo Honshu lấy làm lo ngại khi tiếp nhận những báo cáo về tình trạng bê bối nghiêm trọng của tăng chúng tại ngôi thiền viện đẹp nhất nằm ở phố cảng Yokosuka. Trước đây nó là một tòa lâu đài, được cúng dường làm thiền viện. Chúng tăng (còn phàm phu) khó giữ được giới, khó nhớ lời nguyện của mình về “tam thường bất túc” ở một nơi sang trọng như thế. Viện trưởng liền cho thỉnh một vị sư vào hàng trưởng thượng đã về quy ẩn, độc cư trong hang đá.
Ngài bảo sư:
- Ông hãy xem xét giùm vụ việc Tăng chúng tà hạnh, phóng túng buông lung và tất cả các hành vi sai trái khác.
Vị sư già hỏi lại:
- Nhiệm vụ của tôi phải làm gì?
- Chỉnh đốn lại.
- Thẩm quyền của tôi đến đâu?
- Ông có mọi thẩm quyền không giới hạn.
- Trong bao lâu?
- Tùy ông.
Nửa tháng sau, vị sư già trở lại.
Ngài Viện trưởng hỏi:
- Giải quyết chóng vậy sao?
- Dạ, xong.
- Cách nào?
- Cho mồi lửa thiêu rụi nó.
Thiền giả cũng thấy cần có lúc phải hành động quả quyết, nhanh gọn.
Điều đó tôi cũng nói được
Anh là một nghệ sĩ tài năng rất bận rộn trong các hoạt động thương mại. Anh nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn cho riêng mình ngoài công việc. Nhưng mức sinh hoạt đời sống hiện tại bắt buộc anh phải làm một tuần ròng rã sáu mươi tiếng.
Anh xin nghỉ việc rồi trở lại làm cũng nơi ấy, theo hợp đồng tính giờ. Anh giảm thiểu bớt các sinh hoạt đời sống, và thì giờ rảnh của anh tăng lên.
Anh mua chiếc xe rẻ tiền hơn, và có thể rời sở làm lúc một giờ vào các ngày thứ tư.
Anh đổi về một ngôi nhà rẻ hơn. Mỗi tháng anh có hai tuần nghỉ ba ngày.
Muốn được nhiều thời gian rảnh nữa, anh đã tổ chức công việc tốt hơn, và có cảm hứng sáng tác nên tác phẩm anh càng giá trị.
Rồi anh cũng áp dụng phương cách “giảm thiểu ràng buộc” đó vào đời sống mình.
Anh cắt bớt nhu cầu xuống mức vừa phải. Mọi người cảm mến anh hơn.
Anh thôi không chạy theo phụ nữ đẹp. Anh bắt đầu có những người bạn chân tình.
Một hôm, một cô bạn đưa anh đi dự buổi giảng về thiền. Anh nghe nói về lý đạo Phật muốn được tự tại cần xa lìa tham ái và cởi bỏ dần những ràng buộc. Anh nói:
- Điều đó, tôi cũng nói được. 
Người hòa giải
Cậu bé mười một tuổi được cho vào chùa tu vì chẳng còn ai thân nhân ngoài ông chú họ xa. Ông chú chưa từng gặp cậu, thầm nghĩ: “Làm sư còn hơn chết đói”.
Vào chùa, chú mập ra nhưng khổ sở bởi giới luật khắc nghiệt, khổ đến độ chú bỏ trốn. Nhà chức trách đem giao trả chú cho chùa. Thầy trụ trì dọa:
- Con có muốn ra đời sống và chết cóng không?
Chú đáp:
- Cám ơn thầy. Con thà chết cóng ngoài đường còn hơn ở đây ấm áp mà bị hành hạ.
- Ở đây con được học để giảng kinh.
- Xin Thầy trước hết nói cho con nghe về lòng từ.
Chú nói rồi giở áo lên.
Thầy trụ trì đang tính trả lời nhưng thấy những lằn roi phạt trên lưng chú và cặp mắt đầy lệ của chú, thầy nghẹn ngang. Thầy nhẹ nhàng đề nghị:
- Con hãy cho quý sư một cơ hội nữa.
Và thầy biểu đốt cây roi phạt ngay.
Chú bé ở lại mười bảy năm cho đến khi chú đủ tư cách ra làm giảng sư (Roshi).
Chú được gọi là thầy Kari, mọi người biết tiếng thầy vì thầy thường hòa giải những vụ tranh cãi, dù gay cấn tới đâu. Khi một bên vừa trình bày sự việc của mình, thầy hay cắt ngang với câu nói quen thuộc:
- Vâng, nhưng trước tiên hãy nói tôi nghe về lòng từ. 
Thiền và hiệp sĩ đạo
Hai lãnh chúa tranh quyền sở hữu một vùng thung lũng phì nhiêu. Họ thỏa thuận không gây chiến, chỉ giải quyết bằng cuộc đấu tay đôi. Mỗi bên chọn một tay kiếm giỏi nhất thi đấu. Người thắng sẽ là chủ đất.
Tay kiếm cự phách được lãnh chúa Kosumo chọn sợ mình không kham nổi trận đấu. Anh không sợ chết, chỉ sợ bôi nhọ tên tuổi của lãnh chúa và gia đình anh.
Anh đến gặp vị thầy cũ, nài xin:
- Xin Thầy chỉ dạy cho con.
- Những gì ta biết, ta đã dạy anh hết.
- Vậy, khi thi đấu con nên nghĩ gì?
- Anh phải có tâm thiền như con nhái.
- Con không hiểu.
Thầy anh dẫn anh ra vườn, chỉ chú nhái đang ngồi im như tượng bên bờ ao, dạy:
- Anh xem kỹ đây.
Bỗng con ruồi xanh bay vụt ngang. Nẩy bật như cái lò xo, chú nhái phóng lên, chụp ruồi nuốt gọn.
Thầy bảo:
- Ngày mai thi đấu, anh làm như con nhái. Đừng nghĩ, làm! Gạt hết sợ sệt ra khỏi tâm. Phải đạt đến độ nhất tâm như con nhái. Khi nào cơ hội đến, anh và kiếm của anh phải là một.
Suốt đoạn đời vinh quang còn lại, người hiệp sĩ mang huy hiệu hình con nhái trên kiếm, trên áo giáp và cả trên huy hiệu gia tộc mình.
Thuật trụ tâm một chỗ, yêu cầu về kỷ luật cá nhân tự giác và tâm không sợ hãi cái chết khiến thiền được phổ biến rộng rãi trong hàng hiệp sĩ, một giai cấp rất có ảnh hưởng. Mẩu chuyện nhỏ trên cho thấy triết lý và giáo lý thiền rất hữu ích trong đời sống hàng ngày.
Người đưa tin và bản tin
Một vị thầy dạy thiền rất uy tín tuyên bố trước lớp khóa đào tạo giảng sư thiền:
- Để tự nhắc mình, quý vị nên xâm vào mí mắt câu “Ta là người đưa tin, không phải bản tin. Ta cũng hệt như mọi người khác thôi”.
- Thưa, nghĩa là sao ạ?
- Tôi sẽ cắt nghĩa bằng một câu chuyện. Một ngôi thành bị vây ngặt và quân địch sẽ tàn sát hết dân chúng nếu viện binh không đến. Lúc tình thế đã có chiều tuyệt vọng, một người đưa tin lọt qua được vòng vây đem tin rằng đội quân Shogun sáng hôm sau sẽ tấn công, đánh đuổi địch quân. Nghe vậy, dân chúng quá đỗi vui mừng, nhiệt liệt hoan nghênh người đưa tin như anh hùng. Sau khi đội quân Shogun rút khỏi, họ bầu anh làm thị trưởng. Nhưng anh ta tuy có tốt bụng vui tính thật, lại chẳng đủ tài làm thị trưởng, nên không bao lâu bị hạ bệ, nhục nhã.
Bài học rút ra cho thấy đừng nên lẫn lộn bản tin – đây ý muốn chỉ món quà quý giá của Phật – với người đưa tin. Quý vị chỉ là người đưa tin thôi, không hơn không kém.
Mỗi khi quý vị khiến cử tọa phải sửng sốt với một bài giảng đầy trí tuệ, mỗi khi đồ đệ quý vị thành tâm thiện ý muốn rập khuôn theo quý vị, mỗi khi quý vị được xem là một nhân vật hết sức đặc biệt, xin hãy chú tâm đến lời xâm trong mí mắt mình: Ta là người đưa tin, không phải bản tin. Ta cũng hệt như mọi người khác thôi. 
Thầy hết phương
Tại lớp học thiền.
Anh chàng sinh viên đại học thưa:
- Con chẳng tin được vụ nhân quả nghiệp báo. Lòng hoài nghi khiến con không thể chấp nhận nó. Làm sao kiếp này chúng ta có thể chịu ảnh hưởng hậu quả những lỗi lầm các kiếp trước? Cả tái sanh con cũng không tin nổi.
Thầy dạy thiền đáp:
- Thế này nhé. Xem như mỗi buổi sáng thức dậy, anh là một người mới. Anh vào giường, anh ngủ, rồi anh thức dậy và phần đời còn lại của mình, anh bắt đầu lại hết. Ngày hôm ấy, anh toàn quyền chọn lựa muốn làm gì thì làm, muốn thành người nào thì thành. Thế nhưng, tất cả những điều kiện và ảnh hưởng của cuộc đời anh trước sáng hôm ấy cùng hợp lại quyết định khiến anh sẽ làm những gì và sẽ thành người như thế nào. Nghiệp cũng thế.
- Vậy là…
- Vậy là, có lẽ anh chỉ nên làm mỗi một việc này: Ráng cố gắng hơn nữa để mỗi ngày từ bi hơn.
- Và…?
- Và hy vọng anh sẽ không thành một ông thầy giảng thiền tội nghiệp, tìm hết cách mở mắt cho anh chàng trông cũng thông minh sáng sủa mà tâm thì tắc tị.
Không đau đớn gì đâu!
Một cậu bé bị đau họng, phải chơi trong nhà không được đi đâu. Chú chơi trò bẫy ruồi bằng lọ nước xốt, rồi làm “phòng hơi ngạt”. Chú lấy cây diêm trong nhà bếp, ngậm vào miệng cho ướt, quẹt diêm xong cho cây diêm đầy khói vào trong lọ nước xốt, lấy nắp đậy kín lại.
Chú chơi hoài trò ấy, và lũ ruồi lao xao trong lọ chết kêu lép bép mỗi khi khói lưu huỳnh phủ lên mình chúng.
Chị chú bảo:
- Chơi gì ác thế!
Chú nói:
- Không đau đớn gì đâu. Em chỉ làm cho chúng ngủ mà.
- Thì cũng là ác.
Ít lâu sau, cái họng đau của chú cần phải mổ. Khi người gây mê gài mặt nạ hơi mê lên mặt chú, chú liền nghĩ đến lũ ruồi bị chết.
Người gây mê bảo:
- Không đau đớn gì đâu.
Lý nhân quả nghiệp báo dạy nếu ta học được một bài học trong kiếp này, kiếp sau khỏi phải học nó.

No comments:

Post a Comment