Thursday, September 15, 2016

Cái Bụng của Ông Cú Gờn


google_2 Một

Ông bạn mới quen ở Sài Gòn, cũng chỉ quen trước đây nửa giờ thôi trong một quán cà phê lụp xụp vĩa hè, làm nghề chạy xe ôm. Tự dưng, chở tôi đi nhằm lúc xe đang tới khúc vắng bỗng quay lại hỏi:
Ông có nghe nói chuyện cái bụng của ông Cú Gờn không?
Ờ… không! Tôi trả lời ởm ờ vì không muốn sập vào cái bẩy nào mà có thể ai đó đã cài sẵn cho mình sập vào, hoặc có khi phải nghe chuyện tầm phào thiên hạ cũng mệt đầu lắm.
Chứ hồi nãy ông không nói là ông hành nghề điện tử điện toán gì đó sao?
Ừ, thì tôi có nói vậy. Tôi vẫn cứ nhát gừng đề phòng.
Vậy sao ông không biết ổng?
Cái ông gì đó, ông nói tôi tên còn chưa biết là ai, làm sao tôi biết được cái bụng với cái dạ hay đầu mình tay chân gì của ổng. Đường Sài Gòn bụi bặm quá mà phải há miệng nói chuyện hoài nên tôi có hơi quạu chút ít.
Mấy đứa nhỏ nhà tôi nói, muốn biết chuyện chi, chuyện trên trời dưới đất, cứ xách cái hộp Computer ra gỏ vào mấy cái là ông ấy đều trả lời được hết. Bụng ông ấy chứa đầy chữ của thiên hạ.

Tôi chợt ngộ ra. Cái ông mà chuyện gì cũng biết, rành rẻ mọi sự đời, mà ông bạn mới quen tôi nói có tên là ông Google. Tôi biết ông, biết rành nữa là khác. Ông từng là ân nhân của tôi trong nhiều trường hợp, nhưng mà tôi cũng ớn ông ấy lắm.


Hai

Anh Paul, bạn tôi và cũng là đồng nghiệp. Vợ anh tuần này đi vắng nên hôm nay anh phải về nhà sớm để đón con gái đang đi học ở trường. Bỗng dưng anh nhận tin nhắn của con gái: „Ba ơi, hôm nay mình ăn gì. Con thèm ăn Pfannkuchen. Về nhà ba làm cho con ăn nghe“. Pfannkuchen là loại bánh trông hình thù giống như bánh xèo của Việt Nam, chỉ làm bằng bột, chiên lên nhưng ăn với táo xay nhuyển và nấu đặc lên (Đức: Apfelmus) chứ không phải nước mắm hay nước tương. Bánh Pfannkuchen rất thông dụng và dễ làm nên ít khi thấy bán tại các nhà hàng. Anh Paul cũng thích ăn bánh này lắm nhưng chưa làm bao giờ. Anh trả lời cho con gái an tâm là anh sẽ làm bánh đó. Hai cha con vừa về tới nhà, con gái lại nhỏng nhẻo nói: Ba nhớ làm bánh ngay, con chạy bộ và tập thể dục chừng nửa tiếng sau sẽ về, sau đó là tắm rửa và hẹn cùng bạn học bài. Khoảng một giờ nửa là mình ăn nghe ba. Xem ra còn hơn một mệnh lệnh của xếp lớn.
Anh Paul vào bếp và sực nhớ là từ nào đến giờ dù đã ăn bánh này nhiều lần nhưng chưa thực sự để mắt vào cách làm. Nhưng không sao, anh sẽ gọi điện thoại hỏi mẹ anh. Ra đường hỏi bà già, hồi nhỏ anh đã nghe như thế. Mẹ anh cũng từng làm bánh này nhiều lần cho gia đình ăn. Gọi điện thoại nhưng không thấy ai bắt máy, từ số ở nhà đến số cầm tay. Xui xẻo thật! Anh sang bấm chuông nhà hàng xóm. Bên trái, bên mặt không có ai ở nhà. Tại sao cùng một lúc họ chết tiệc hết thảy. Phải làm sao đây, thật quá lúng túng?

Loay hoay chưa biết làm gì thì cô con gái cưng vừa chạy bộ trở về nhà. Ba đã làm xong bánh chưa ba? Anh Paul mới nói thật. Anh hỏi con có biết cách làm không? Thì về nhà hỏi con nít mà. Con gái không thèm trả lời anh, mà quạu quọ bỏ đi lên phòng. Anh Paul chạy theo và cố trần tình với con gái là anh đã cố hết sức nhưng không có ai chỉ cho anh cả. Trong nghẹn ngào cô con gái cưng sẳng giọng trả lời anh, tại sao ba không biết google! Ừ, nhỉ. Thế mà anh không nghĩ ra. Sau thời gian chiến tranh lạnh đó thì may thay chuyện đâu cũng vào đó. Hôm ấy ông Google là sứ giả hòa bình cứu trận chiến giữa hai cha con anh Paul – mà người thua cuộc thường là anh. 

No comments:

Post a Comment