Tuesday, September 6, 2016

Hoa hướng dương





Tên Việt: hoa hướng dương, quỳ hoa tử Tên Hoa: 向日葵(hướng nhật quỳ) Tên Anh: sunflower Tên Pháp: grand soleil Tên khoa học: Helianthus annuus L. Họ: Cúc (Asteraceae)
Nước non ngàn dặm ra đi, khối tình si
Mượn mầu son phấn, đền nợ Ô Ly
Đắng cay vì đương độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì
Má hồng da tuyết
Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca sao còn mường tưởng duyên gì
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ
Dặn một lời bâng khuâng
Nay chuyện đà như nguyện
Nặng vài phân, Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân, Đắng cay muôn phần...
(♫Ca Huế, điệu Nam ai - Ưng Bình Thúc Dạ Thị)

Hướng dương - Helianthus annuus L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Mô tả: Cây thảo sống một năm, có thân to thẳng, cao 1-3m, thân thường có đốm, có lông cứng. Lá to, thường mọc so le, có cuống dài; phiến hình trứng; lá ở phía dưới hình tim, nhọn đầu, mép lá có răng, hai mặt lá đều có lông trắng. Cụm hoa đầu lớn, đường kính 7-20cm. Bao chung hình trứng. Hoa hình lưỡi ở ngoài màu vàng, các hoa lưỡng tính ở giữa màu tím hồng.
Cây ra hoa vào mùa đông, mùa xuân (12-2), có quả tháng 1-2.
Bộ phận dùng: Hoa lá, và toàn cây - Flos, Folium et Herba Helianthi.
Nơi sống và thu hái: Nguyên sản ở Mêhicô, hiện nay được trồng ở nhiều nơi trong nước ta. Khi quả chín, nhổ toàn cây và tách riêng các phần, đem sấy khô để dùng.
Thành phần hóa học: Hoa Hướng dương chứa một glucoside flavonic màu vàng (0,266% trọng lượng khô của các cánh hoa), các thành phần basic (cholin, betain), acid solanthic, thường kết hợp với calcium và cũng tìm thấy cả ở thân. Trong các lá bắc, có một chất nhựa trong suốt như nhựa thông. Gần đây, người ta đã xác định được là trong hoa chứa chất cryptoxanthin, lutein, taraxanthin và một ít caroten. Lá chứa caroten (0,111% trọng lượng khô), còn có một glucosid. Thân cây chứa glucosid, acid solanthic và phần lõi thân là một phức hợp galacturonic, rất giàu calcium. Trong quả, nếu tính theo phần trăm trọng lượng khô có: chất có albumin 13,50; nuclein 0,51; lecithin 0,23; dầu 30,19; đường 2,13; pentosan 2,74; cellulose 31,14; tro 2,86. Tinh dầu hướng dương gồm 1,2% chất không xà phòng hoá và các glycerid của acid linoleic (57,5%), oleic (33,4%), palmitic (3,5%), stearic (2,9%). arachic (0,6%, lignoceric (0,4%).
Tính vị, tác dụng: Hướng dương có vị ngọt dịu, tính bình. Cụm hoa có tác dụng hạ huyết áp và giảm đau. Rễ và lõi thân tiêu viêm, lợi tiểu, chống ho và giảm đau. Lá tiêu viêm, giảm đau, trị sốt rét. Hạt trị lỵ, bổ cho dịch thể, xúc tiến bệnh sởi chóng phát ban. Hướng dương có tác dụng kháng sinh đối với Staphylococus aureus, Escherichia coli và các bào tử của Neurospora, là một loại thuốc giảm sốt, có thể dùng trị sốt rét của trẻ em (cồn chiết hoa và lá) và là thuốc hạ nhiệt không gây phản ứng bảo vệ của cơ thể. Dầu Hướng dương là một loài dầu ăn tốt vì nó giàu acid béo.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cụm hoa đầu dùng trị: 1. Huyết áp cao, đau đầu, choáng váng; 2. ù tai, Đau răng; 3. Đau gan, đau bụng, đau kinh; 4 Viêm vú, tạng khớp.
Rễ và lõi thân dùng trị: 1. Đau đường tiết niệu và sỏi, dưỡng trấp niệu; 2. viêm phế quản, ho gà; 3. Khí hư.
Hạt dùng trị: 1. Chán ăn; mệt mỏi và Đau răng; 2. Kiết lỵ ra máu; 3. Sởi phát ban không đều.
Lá dùng trị sốt rét. Dùng ngoài trị bỏng, bỏng do nước nóng hay nắng nóng. Dùng cụm hoa đầu 30-90g, rễ và lõi thân 15-30g, dạng thuốc sắc. Nếu dùng nước chiết của hoa (1/10) ngâm trong 2-3 giờ, ngày uống 2-3 lần.
Đơn thuốc: Trị Huyết áp cao, dùng cụm hoa Hướng dương 60g, Râu ngô 30g sắc nước uống pha thêm đường.



No comments:

Post a Comment