Sunday, November 27, 2016

Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thanh Dương


ƯÓC VỌNG CUỐI ĐỜI NGƯỜI

Ba anh em cùng bước vào thang máy để lên tầng 3 của bệnh viện. Tảo vẫn thắc mắc:
–         Không biết bố muốn nói gì với chúng ta nhỉ?
Tùng, người anh cả thì chậm rãi chép miệng:
–         Người bệnh nào cũng thế, cảm thấy mình sắp lìa cõi đời nên muốn trăn trối, có khi chả có gì quan trọng cả.
–         Anh đoán là bố muốn trăn trối về chuyện ma chay, tính bố vốn giản dị.
Ông Nguyên đang nằm trên giường, dường như ông đã chuẩn bị tinh thần và chờ đợi các con đến, ông mỉm cười hài lòng:
–         Các con đã đến, bố vui lắm. Nào ngồi xuống đây với bố…
Tùng và Tảo kéo ghế lại gần giường bố, còn Tiên không có ghế nên ngồi bên mép giường, Tiên lên tiếng trước:
–         Bố bảo chúng con đến đây, chắc có điều gì cần dặn dò?
Ông Nguyên khẽ lắc đầu:
–         Tâm tình thì đúng hơn đời bố không có ai tri kỷ,, bố sắp lìa đời xin 3 con làm tri kỷ với bố chỉ lúc này thôi,
Tảo sốt ruột:
–         Vâng ạ, chúng con xin nghe.
–         Ừ, bố chẳng muốn làm mất thì giờ của các con..
–         Bố biết bệnh tình mình không còn sống được bao lâu nữa, ung thư gan giai đoạn cuối thì sẽ bùng phát tới cái chết nhanh chóng lắm, hôm nào còn tỉnh táo thì biết hôm ấy. Ngày mai, ngày kia có thể bố sẽ suy sụp, đi vào hôn mê, vào nỗi đau đớn và vào cõi chết. Nên bố muốn tâm tình với các con lúc bố đang tỉnh táo như thế này.
Ông Nguyên ngừng để thở và nói tiếp:
–         Bố bắt đầu câu chuyện đời bố nhé. Ngày xưa bố đã quen và yêu tha thiết cô Song, mẹ các con. Cô Song có vẻ đẹp ngây thơ, mảnh mai và yếu đuối khiến bố chỉ muốn giang tay ra ấp ủ cô, cho cô nương tựa suốt cả đời, cô Song cũng yêu bố. Hai người lấy nhau hạnh phúc đẹp như mơ.
Là phụ nữ nên dễ mủi lòng, Tiên rưng rưng muốn khóc khi nghe bố nhớ đến hình ảnh mẹ :
–         Giờ đây mẹ đã nằm dưới suối vàng rồi. Tội nghiệp bố qúa!
Tảo nhanh nhẩu trở về hiện tại mong làm vừa lòng bố:
–         Chúng con sẽ mua phần đất cạnh mộ mẹ để bố mẹ sẽ mãi mãi bên nhau, từ lúc sống cho đến khi cả hai trở về với cát bụi.
Ông Nguyên hốt hoảng kêu lên:
–         Không, không…các con đừng vội mua đất ấy, hãy im để nghe bố kể tiếp. Lấy nhau rồi sống chung một thời gian bố mới biết cái làn da trắng mong manh, cái dáng người mảnh mai yếu đuối như cơn gío hờ ấy là do cô Song bị bệnh tim, hai vợ chồng trẻ hạnh phúc được những năm đầu, đã sinh liên tiếp 3 đứa con, mỗi một lần sinh con là mỗi lần cô Song hao mòn sức khỏe, bác sĩ khuyên cô Song không nên sinh đẻ nhiều vì bệnh tim không cho phép. Càng thêm tuổi, càng ốm yếu bệnh hoạn thì tính tình cô Song càng thay đổi, cô Song bé bỏng dễ thương của bố đã trở thành một bà vợ đảm đang nhưng lắm lời và khó khăn đến cay độc với bố. Bà Song làm chủ mấy cái hụi, ăn tiền đầu, ăn tiền chồng theo và kiêm luôn cho vay nợ lãi trong xóm, lợi tức bà Song kiếm ra nhiều hơn đồng lương nhà giáo ba đồng ba cọc của bố dạo đó. Thế nên bố bị lép vế.
Giọng ông Nguyên não nề kết luận:
–         Tình yêu trước hôn nhân và sau khi thành tình vợ chồng là hai khung trời khác biệt. Sống bên vợ mà bố không có tiếng nói của mình, bà Song lấn lướt chỉ huy chồng, hiếp đáp chồng, bố dần dần khép mình thụ động như một diễn viên tự biết mình kém tài lùi vào hậu trường sân khấu.
 Tùng an ủi:
–         Con biết mẹ khó tính, nhưng chắc là mẹ vẫn còn tình thương yêu cho bố mà
 Tiên bào chữa cho mẹ:
–         Khi thành vợ chồng thì cuộc sống đối diện thực tế nên mẹ mới thay đổi, mà ai cũng thế cả. bố ạ.
Ông Nguyên cay đắng:
–         Cho dù các con nói đúng, nhưng với bố sự thay đổi tính nết và cách đối xử của bà Song đã dần dần giết chết tình yêu ban đầu của bố. Bố chỉ thấy một bà vợ vô tình, tham lam và coi thường chồng.
Tảo thẳng thắn:
–         Thế sao bố vẫn chịu đựng ?
Ông Nguyên mỉm cười buồn:
–         Tình yêu của bố đã biến thành tình thương hại, mẹ các con là một người đàn bà bệnh hoạn, nay ốm mai đau, bố nỡ lòng nào làm tan nát gia đình cho bà ấy đau khổ thêm? và vì các con, vì những hệ luỵ của cuộc đời…
Tảo nói như vừa tìm ra một điều lạ lùng:
–         Thì ra thế! Có những cuộc hôn nhân người ngoài nhìn vào tưởng đẹp đôi, gia đình hạnh phúc, nào biết bên trong là ngậm đắng nuốt cay. Mẹ đã mất 2 năm nay mà bây giờ chúng con mới được nghe một sự thật đau lòng phơi bày.
–         Vợ chồng là duyên mà cũng là nợ đấy con, chả thế mà người ta gọi là “duyên nợ”.hay “nợ duyên”. Có lẽ kiếp trước bố mang nợ mẹ con rất nhiều nên kiếp này bố phải sống với bà ấy đến hết cuộc đời để trả cho xong nợ. Hai năm qua lòng bố rất thanh thản đối với mẹ các con, mong là dưới suối vàng bà Song cũng thanh thản vì bao nhiêu năm qua bố chưa làm điều gì sai trái, lầm lỗi, phản bội bà.
–         Vâng, chúng con hiểu tính độc đoán của mẹ và cảm nhận được sự chịu đựng của bố. Đây là tất cả những gì bố muốn trao gởi với chúng con tối nay phải không?
Ông Nguyên chợt mơ màng:
–         Mới chỉ một nửa tâm tình của bố thôi, một nửa nữa cũng buồn nhưng không biết bố có được toại nguyện và thanh thản trước lúc lìa đời không? Ngày đó, khi còn ở Việt Nam có một gia đình hàng xóm khá thân với gia đình mình là ông bà Cầm…
 Tùng ngắt ngang:
– Có phải vợ chồng bác Cầm hiện nay cũng ở thành phố này và thỉnh thoảng có đến thăm bố mẹ không?
–         Chính là họ đấy. Người chồng thì ham mê cờ bạc và vũ phu với vợ, nhưng ngược lại bà Cầm là một phụ nữ dịu dàng luôn chịu đựng và chiều chồng, đã nhiều lần bà Cầm phải sang năn nỉ bà Song để xin hốt hụi sớm, xin chồng hụi theo cho bà hay vay nợ lời để bà ấy trả nợ cho chồng mà ông chồng thì vẫn chứng nào tật nấy. Đó là những dịp bà Song kiếm lời ngon lành không hề nương tay, bố thấy hoàn cảnh nhà bà Cầm rất đáng thương và có khuyên mẹ con nên ăn lời nhẹ tay với bà Cầm nhưng đời nào mẹ con nghe theo. Giữa bà Song và bà Cầm là một sự khác biệt lớn lao, bố đã cảm thông cho bà Cầm và thương yêu bà từ lúc nào không biết. Bố đã ước mơ, đã ấp ủ hình bóng bà Cầm âm thầm trong tim cho đến tận bây giờ.
–         Trời ơi, thế là bố cũng đã có một tình yêu khác ngoài mẹ!!
–         Bố biết làm sao hơn, tình yêu có hay không là tự nhiên chứ chẳng ai muốn hay từ chối được.
–         Thế bà Cầm có biết là bố thầm yêu trộm nhớ bà ấy không?
–         Đã yêu thầm thì làm sao bà ấy biết được. Ngay cả mẹ con sống cạnh bố cũng không bao giờ ngờ trong trái tim bố đã có một tình yêu khác. Sau biến cố 1975 nhà mình sang Mỹ, những năm sau đó trời xui đất khiến làm sao đã gặp lại gia đình bà Cầm tại thành phố này và làm hàng xóm của nhau một lần nữa. Ông trời thật trớ trêu, cho ngươì ta gần nhau nhưng không bao giờ là của nhau, không bao giờ thuộc về nhau.
Ông Nguyên lần lượt nhìn các con bằng ánh mắt cầu xin tha thiết:
–         Bao nhiêu năm qua bố sống với mẹ con chưa hề được thoải mái nói lên điều gì, dù chỉ là những chuyện vặt trong đời sống, bà Song không hề biết bố buồn hay vui, không cần biết bố hài lòng hay thất vọng. Nhưng hôm nay, khi bố còn tỉnh táo và sáng suốt, bố muốn được thoải mái nói lên 1 ước vọng, ước vọng cuối đời khi mà cái ngày bố sẽ lìa đời không còn xa lắm. Các con có giúp bố không?
–         Vâng, xin bố cứ nói nếu điều ấy không phải là lấp biển vá trời .
–         Bố muốn được 1 lần nắm tay bà Cầm để nói với bà ấy rằng “Anh đã yêu em” Thế là bố đủ mãn nguyện và sẽ thanh thản đợi chờ cái chết .
Cả ba anh em cùng nhìn nhau bất ngờ và sững sờ. Mãi sau Tiên mới lên tiếng:
–         Con ngại là làm phiền bà Cầm, không hiểu bà ấy có chịu đến bệnh viện thăm bố một mình không? Vì chúng ta không thể mời cả hai vợ chồng bà Cầm trong chuyện này.
Ông Nguyên vẫn tha thiết:
–         Đó là ước vọng to lớn nhất của đời bố, là niềm vui bố sẽ mang theo khi chết, ngoài tình yêu thương bố đã dành cho các con .Còn chuyện sau khi bố lìa đời, bố xin các con đừng chôn cất cạnh mộ mẹ con, cả đời bố đã chịu đựng làm cái bóng bên bà ấy rồi. Lần này hãy cho bố được quyền lựa chọn, hãy hỏa thiêu và tung nắm tro tàn của bố ra sông ra biển để bố được tự do tan biến giữa trời đất bao la vô cùng vô tận này.
Giọng ông trở nên hờn tủi:
–         Các con có biết đâu những ngôi mộ vợ chồng nằm cạnh nhau mà chắc gì cuộc sống khi sinh tiền họ đã hạnh phúc với nhau? Bố không muốn đẹp đôi hình thức như thế. Thôi đã khuya rồi, bố cần nghỉ ngơi, các con về nhà đi, rồi tìm cách cho bố được toại nguyện. Cám ơn các con đã đến và lắng nghe bố tâm tình.
Tiên cẩn thận kê lại chiếc gối và đắp lại tấm chăn cho bố gọn ghẽ rồi ba anh em rời khỏi phòng bệnh.
Vừa bước chân ra ngoài Tùng đã nghiêm nghị lên tiếng:
–         Về cái chuyện bà Cầm không thể làm theo ước vọng của bố, người ta biết được sẽ khinh bố, bấy lâu nay sống bên vợ chỉ là trả nợ, mà đi yêu thầm người khác.
Tảo cũng khó chịu:
–         Trước hết bà Cầm sẽ cười cho đấy. Ông già lẩm cẩm dở hơi, đã yêu thầm tới tuổi này thì âm thầm mang theo cho tới khi nhắm mắt có phải là đẹp hơn không?
Tiên đỡ lời :
–         Em Tảo lúc nào cũng ăn nói không suy nghĩ, Bố đang rất tỉnh táo chứ có lẩm cẩm dở hơi đâu. Bố có lý của bố, đã chịu đựng, đã hi sinh và chung thủy với mẹ suốt cuộc hôn nhân, có phản bội chăng chỉ là trong tư tưởng. Anh Tùng và Tảo ơi, chúng ta sống và lớn lên ở Mỹ thì phải suy nghĩ phóng khoáng ra chứ…
 Tùng chán nản buông xuôi:
–         Anh không ý kiến nữa, cô muốn làm sao thì làm.
–         Vâng, em sẽ liệu cách và mời bà Cầm đến thăm bố một lần. Có gì là tội lỗi đâu khi một người sắp chết muốn nói lời tỏ tình với người mình đã yêu suốt bao nhiêu năm qua.mà phải dấu trong câm nín.
                               ********************
Tiên đến nhà bà Cầm sau khi đã gọi phone báo trước. Bà hàng xóm thân của cha mẹ Tiên đã vui vẻ nhiệt tình:
–         Cháu đến chơi thật là đúng lúc vì bác đang ở nhà một mình, bác trai đi thăm người nhà ở tiểu bang khác, vì bác đang mệt nên chẳng thể đi cùng. Từ ngày mẹ cháu mất vợ chồng bác cũng ít đến nhà cháu, bố cháu vẫn khỏe chứ?
Tiên vào đề ngay:
–         Bác Cầm ơi, dù bác không hỏi thăm thì cháu cũng sẽ nói đây, bố cháu đang bị bệnh ung thư gan, giai đoạn cuối rồi..
–         Trời ơi, thế sao hôm nay cháu mới báo tin !
–         Bệnh mới phát giác hơn 1 tháng nay thôi, chắc bố cháu không sống được bao lâu nữa…
Bà Cầm xúc động:
–         Thế thì bác phải đi thăm bố cháu ngay.
 Tiên mừng rỡ:
–         Vậy cháu chở bác đến bệnh viện, có bác đến thăm chắc bố cháu mừng vui lắm
–         Phải đấy, đợi bác thay đồ rồi chúng ta cùng đi.
 Tiên mừng thầm trong bụng vì tưởng là khó khăn lắm khi mở lời để mời riêng bà Cầm không ngờ lại ngẫu nhiên bác trai vắng nhà và thuận tiện như vậy. Tiên thấy không cần phải nói ra mục đích của bố, cứ để bố tự nói ra thì phản ứng của bà Cầm sẽ tự nhiên hơn.
Tiên đưa bà Cầm đến bệnh viện, vào phòng ông Nguyên làm ông bất ngờ đến luống cuống và mừng vui:
–         Bà Cầm, bà Cầm… Ôi, bà đã đến thăm tôi đấy à…
 Tiên vội kéo ghế đến gần giường bệnh và mời bà Cầm ngồi, xong Tiên lịch sự khép cửa phòng ra ngoài..
Bà Cầm chưa kịp hỏi thì ông Nguyên đã giải thích:
–         Cháu nó muốn để tôi nói chuyện riêng với bà đấy mà.
–         Chuyện gì thế ông? Ông đang ốm nặng lắm mà, đừng chuyện trò gì nhiều tổn hại thêm cho sức khỏe…
–         Đằng nào tôi cũng sẽ chết, nếu dịp này tôi không nói ra thì không bao giờ nói được nữa, vì kiếp sau chắc gì người ta nhớ được tiền kiếp của mình?
Bà Cầm ngạc nhiên:
–         Ông Nguyên, ông nói gì lạ thế?
–         Bà Cầm ơi, không lạ đâu, chúng ta đã quen biết nhau mấy chục năm nay và có thể là từ kiếp trước nữa. Từ lâu, từ ngày chúng ta còn sống ở Việt Nam tôi đã thầm yêu thương bà, bà mới là người mà thật sự tâm hồn tôi cần thiết và tìm kiếm.
Bà Cầm thảng thốt nhưng không giấu được vẻ cảm xúc đang dâng tràn:
–         Thì ra thế…vậy mà bao lâu nay tôi vô tình không nhận ra…
Ông Nguyên mỉm cười:
–         Tôi cố dấu lòng mình để chung thủy với vợ thì làm sao bà biết được. Chúng ta mỗi người đều có cuộc đời riêng, thà tôi chịu đựng đau khổ một mình, nói ra làm gì cho mang tội, mỗi đêm khuya thao thức hay mỗi khi cô độc một mình tôi đều khấn nguyện trong lòng cho tôi quên bà đi, nhưng chưa bao giờ tôi quên được. Tôi vẫn lặng lẽ sống bên lề cuộc đời bà, cùng đau khổ khi bà buồn hay hoạn nạn..
Bà Cầm bật khóc:
–         Trời ơi…những lúc bất hạnh ấy đôi lần tôi…cũng nghĩ đến ông, một người đàn ông mà tôi tin là hiền lành tử tế, hiểu vợ và thương yêu vợ, chứ tôi không bao giờ dám mơ ước được ông yêu thương.
Ông Nguyên đưa bàn tay ra:
–         Tôi chỉ mong được thố lộ tâm tư này và được một lần nắm lấy bàn tay bà, bàn tay mà tôi từng nắm lấy trong giấc mơ. Mong rằng hôm nay sẽ là sự thật.
Bà Cầm để bàn tay bà trong bàn tay ông Nguyên, người nằm trên giường bệnh bỗng như có một luồng điện mạnh làm cho bàn tay ông ấm lên, mạnh mẽ lên. Ông nắm chặt bàn tay ấy và tha thiết nói từng lời:
–         Anh đã yêu em.
Rồi ông Nguyên liên tiếp lập lại như trong cơn mê sảng:
–         Anh đã yêu em, anh rất yêu em…và mãi mãi yêu em…
Bà Cầm vẫn để yên bàn tay mình trong bàn tay ông, hình như bà cũng muốn giây phút đôi tay chạm vào nhau được kéo dài thêm nữa, rồi bà cúi hôn lên bàn tay ông và nước mắt lại rơi nhạt nhòa.
Khi Tiên đẩy cửa bước vào phòng thì hai bàn tay vẫn chưa nỡ rời nhau. Tiên đã hiểu và đoán được những gì vừa xảy ra
Tiên thấy nét mặt bố vui tươi hẳn lên, nét vui vẻ hạnh phúc ấy của bố dường như chưa bao giờ Tiên thấy khi mẹ mình còn sống. Tình yêu là thần dược, tình yêu là sức mạnh vô song…
Dù rằng rồi mai kia cơn bệnh hiểm nghèo cũng sẽ mang bố đi xa, nhưng Tiên biết chắc là bố sẽ hạnh phúc và thanh thản vì ước vọng cuối cùng của đời ông đã được toại nguyện
                           Nguyn Th Thanh Dương

No comments:

Post a Comment