Bác Sĩ Jerome Groopman "mổ xẻ" các bác sĩ
Nancy Shute/Trần Bình dịch
Bác sĩ Jerome Groopman là một bác sĩ y khoa có tài. Ông là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về ung thư và bệnh AIDS tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess ở Boston, và là giáo sư của trường Đại học Y khoa Harvard. Ông thường xuyên viết mục “Hành nghề Y khoa” cho tờ New Yorker. Nhưng khi ông viết cuốn sách mới nhất nhan đề “How Doctors Think” (Lề lối suy nghĩ của các bác sĩ) ông phải nghiên cứu mọi chuyện lại từ đầu. Ông giải thích tại sao lề lối suy nghĩ thiếu phương pháp của các bác sĩ có thể dẫn tới sự định bệnh sai, và ông đưa ra đề nghị bệnh nhân cần làm gì để bác sĩ lưu ý.
Nancy Shute: Bởi lý do gì bác sĩ nghiên cứu lề lối suy nghĩ và cách định bệnh của các bác sĩ y khoa khác?
Bác sĩ Jerome Groopmam: Tôi thấy trong gia đình tôi và bạn bè tôi thường hay bị định bệnh sai. Riêng cá nhân tôi dạy học trong 3 năm tôi nhận thấy các sinh viên y khoa đều xuất sắc. Tuy nhiên họ theo các phương thức đã định sẵn (như một người học nấu ăn theo sách vở), và thường làm những quyết định nhanh chóng trong khi định bệnh và chữa trị. Tôi tự hỏi:
- “Làm thế nào hướng dẫn cho các bác sĩ một lề lối suy nghĩ đúng phương pháp hơn? Và tôi nhìn lại những trường hợp đoán bệnh sai của chính cá nhân tôi cũng như của các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn tôi.” Từ đó tôi thấy có nhu cầu tìm hiểu lề lối suy nghĩ của các bác sĩ (khi khám bệnh).
Nancy Shute: Bác sĩ nghĩ là vấn đề phải nghiên cứu tận gốc rễ
Bác sĩ Jerome Groopmam: Không cần phải làm như vậy. Một cách đơn giản tôi tìm cách phỏng vấn các bác sĩ trong nước, thảo luận trường hợp nào họ định bệnh trúng, trường hợp nào họ định bệnh sai, và cũng dùng phương pháp đó để tự xét những trường hợp đúng sai của chính tôi.
Nancy Shute: Bác sĩ có kể câu chuyện của bà Ann Dodge. Trong 15 năm bà Dodge đi 30 bác sĩ mà không bác sĩ nào tìm ra bệnh của bà. Người thì nói bà bị bệnh ăn không biết ngon (anorexia), người thì nói bà bị bệnh ăn rồi nôn ra (bulimia), người thì nói bà bị xáo trộn tiêu hóa (irritable bowel syndrome). Trong khi đó bà bị thiếu hồng huyết cầu, rỗng xương, và sụt 82 pounds, mặc dù mỗi ngày bà ăn đủ 3.000 calories.
Bác sĩ Jerome Groopmam: Sức khỏe bà Dodge hoàn toàn suy đồi. Nguyên nhân là các bác sĩ chỉ dựa vào triệu chứng và bác sĩ này quyết định như bác sĩ trước, không ai chịu suy nghĩ. Họ xem bệnh nhân có triệu chứng giống nhau tức bệnh giống nhau.
Và trong suốt 15 năm bác sĩ nào cũng đóng một con dấu cao su giống nhau vào bệnh trạng của bà. Rất may bà gặp bác sĩ Myron Falchuk, ông ta bỏ hết mọi chứng liệu cũ và ngồi hỏi chuyện bà một cách tỉ mỉ, và qua đó ông suy nghĩ về bệnh trạng của bà.
Ông tìm ra bà Dodge bị bệnh nhiễu loạn miễn nhiễm (autoimmune disorder) và cơ thể bà không chấp nhận chất gluten (một chất protein dẽo trong các thứ bột) ở trong thức ăn. Và bác sĩ Falchuk đã cứu mạng bà Dodge. Sai lầm chính của các bác sĩ là cắt lời của bệnh nhân khi bệnh nhân miêu tả bệnh trạng. Đa số các bác sĩ ít khi nói chuyện với bệnh nhân hơn 18 giây đồng hồ.
Nancy Shute: Bác sĩ có kinh nghiệm về vụ 18 giây đồng hồ này không?
Bác sĩ Jerome Groopmam: Có chứ. Cách đây 3 năm một lần tay tôi bị kẹt nơi cánh cửa một thang máy và cũng có lẽ tôi làm việc nhiều trên máy điện toán nên cườm tay phải của tôi sưng lên và rất đau. Tôi đi khám bốn bác sĩ nổi tiếng trong ngành giải phẫu tay và nhận được bốn ý kiến khác nhau. Ông bác sĩ thứ ba đáng để ý nhất. Ông bước vào phòng khám nhanh như gió, không ngồi, nhìn cườm tay của tôi chừng 10 giây đồng hồ và nói ông sẽ cho làm arthroscopy (một khám nghiệm y khoa dùng một dụng cụ đặc biệt để khám cườm tay, đầu gối v.v…) để tìm nguyên nhân. Tôi hỏi ông đoán vì lý do gì cườm tay tôi sưng tếu như vậy. Ông ta nói:
- “Có thể là một hình thức của bệnh gout”, một kết luận tôi biết không có một ý nghĩa nào cả.
Ông ta có vẻ vội vàng và nóng nảy, và không để ra ít nhất một phút để giải thích tại sao ông định bệnh như vậy. Chán quá, tôi bỏ về.
Nancy Shute: Thế rồi bác sĩ giải quyết sao?
Bác sĩ Jerome Groopmam: Tôi gặp bác sĩ thứ tư. Ông này trẻ và lắng nghe bệnh nhân nói. Ông khám tay phải rồi khám tay tay trái của tôi để so sánh sự khác biệt. Ông cho làm X-Ray và MRI (Magnetic Resonance Imaging) cườm tay phải và đặc biệt cho X-Ray cườm tay khi ông bảo tôi nắm chặt một vật trong bàn tay. Ông ta tìm ra rằng khoảng hở giữa hai xương cườm tay của tôi quá rộng, chứng tỏ dây chằng (ligament) bị rách. MRI không cho thấy triệu chứng này. Bác sĩ nào cũng bị lệ thuộc vào kỹ thuật, nhưng kỹ thuật không bao giờ hoàn toàn chính xác. MRI không phải lúc nào cũng tuyệt hảo, còn X-Ray thường sai từ 20 đến 30%. Nhờ chịu khó suy nghĩ cộng với kỹ thuật ông đã tìm ra bệnh của tôi.
Nancy Shute: Theo bác sĩ làm thế nào để tránh bị đoán bệnh nhầm?
Bác sĩ Jerome Groopmam: Nếu bệnh nhân thấy cách chữa của bác sĩ không làm bệnh thuyên giảm thì nên thẳng thắn và nói với bác sĩ rằng:
- “tôi không thấy khá hơn và tôi muốn nói với bác sĩ tôi thấy khó chịu trong người như thế nào.” Một bác sĩ đứng đắn sẽ sẵn sàng lắng nghe. Nếu bệnh nhân cảm thấy không thể trao đổi được với bác sĩ một cách thoải mái thì cách tốt nhất là tìm một bác sĩ khác.
Nancy Shute: Có cách gì thay đổi lề lối suy nghĩ của các bác sĩ không?
Bác sĩ Jerome Groopmam: Có nhiều cách.
(1) Trước hết là phải đưa vào chương trình y khoa để các bác sĩ tương lai biết rằng cái tâm lý chỉ dựa vào kỹ thuật là nguyên nhân chính đoán bệnh nhầm.
(2) Thứ hai là các bác sĩ cần biết rằng họ luôn luôn làm việc dưới áp lực của thì giờ: chưa kịp suy nghĩ đã phải quyết định, vì vậy người bệnh nhân hay thân nhân đi theo cần giúp bác sĩ bằng cách đặt một vài câu hỏi có ý nghĩa.
(3) Thứ ba là các bác sĩ phải tự đặt một câu hỏi căn bản là: Có triệu chứng gì mới chứng tỏ sự đoán bệnh trước là sai không.
No comments:
Post a Comment