KHÔNG CÒN BỆNH TIM
(NO MORE HEART DISEASE)
Sau khi đọc xong tôi nhận thấy đây là một quyển sách quý, rất đáng quý. Quý bởi vì (1) tác giả là một nhà khoa học đã đoạt giải Nobel về Y học sau một quá trình nghiên cứu kéo dài 24 năm về một thứ mà lúc khởi đầu chưa một ai biết gì về nó và (2) nội dung quyển sách đã giải trình một cách dễ hiểu cho những độc giả không có kiến thức về y học về cái mà ông khám phá và phương pháp thực hành đơn giản mà sau khi đọc xong ai cũng có thể tự mình phòng ngừa bệnh tim mạch và giúp chữa trị bệnh cho chính mình - mà không cần các loại thuốc kê toa bởi bác sĩ y khoa.
Quyển sách xuất bản lần đầu tiên vào năm 2005, gồm tất cả 10 chương, bắt đầu từ chương 1 nói về cuộc hành trình từ người khai sinh ra giải Nobel đến người nhận giải Nobel. Qua chương 2 tác giả giải thích về sự vận hành của hệ thống tim mạch. Hai chương kế nói về sức mạnh phi thường của một phân tử kỳ diệu: Nitric Oxide. Bốn chương tiếp theo là liệu pháp thực hành chống lão hóa tim mạch gồm: chương 5, 6, 7 và 8. Bắt đầu từ chương 5, quyển sách đi vào chế độ chống lão hóa với kế hoạch nói Có với No. Chương 6 phần đầu thảo luận về hai loại amino acid L-arginine và L-citrulline và cách chúng đóng góp vào việc sản sinh Nitric Oxide (NO). Phần sau nói về các chất chống oxy hóa có thể tạo thuận lợi cho việc sản sinh Nitric Oxide. Chương 7 nói về nền tảng của dinh dưỡng tăng cường Nitric Oxide. Chương 8 nói về rèn luyện thể chất để tăng cường Nitric Oxide. Hai chương cuối nói về những đột phá Nitric Oxide hướng đến tương lai.
Nội dung chính của quyển sách như chính tác giả xác định trong phần giới thiệu là “để chuyển tải thông tin cực kỳ quan trọng” về cái khám phá “hạt nhân” của sức khoẻ tim mạch – một phân tử nhỏ bé mang tên Nitric Oxide. NO – như cách gọi của các nhà hóa học – được cơ thể sản sinh ra đặc biệt nhằm giúp các động mạch và mạch máu không bị xơ vữa gây đột quị và duy trì huyết áp bình thường bằng cách làm giảm căng thẳng cho các động mạch, qua đó, điều hòa tốc độ lưu thông máu và ngăn ngừa các bệnh động mạch vành.
***
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi, trước là nói về công trình khám phá ra Nitric Oxide và những ứng dụng của nó đến với quý độc giả, sau nữa là tóm tắt một vài điểm quan trọng của liệu pháp phòng ngừa bệnh tim mạch được ghi trong sách. Nhưng trước khi đi vào việc ứng dụng Nitric Oxide bảo vệ tim mạch, chúng ta cần biết thêm sự vận hành của hệ thống tim mạch và vai trò của Nitric oxide với hệ tim mạch này.Hệ Thống Tim Mạch:
Tương tự như hệ thống cung cấp nước và hệ thống thoát nước cho thành phố chạy chằng chịt dưới mặt đất với ống lớn từ nhà máy bôm nước đến ống vừa và ống nhỏ, hệ thống tim mạch của chúng ta bao gồm tim, máu và các mạch máu. Máu lưu thông giống như một dòng sông chảy qua một hệ thống phức tạp bao gồm các động mạch và tĩnh mạch, trong đó trái tim là trung tâm của mọi hoạt động.
Động mạch là hệ thống vận chuyển máu giầu oxy từ tim đến các mô cần cung cấp oxy. Bắt đầu là động mạch chủ chia ra các nhánh động mạch lớn, nhỏ, vừa và nhỏ dần cho đến tận các mô. Để duy trì dòng chảy trong động mạch đòi hỏi phải có áp lực nhất định gọi là huyết áp động mạch. Huyết áp động mạch bao gồm huyết áp tối đa do lực bóp của tim tạo ra, huyết áp tối thiểu do trương lực thành động mạch tạo nên. Huyết áp bị ảnh hưởng bởi sức co bóp nhịp đập của tim, độ đậm đặc của máu, khối lượng máu lưu thông và sức đàn hồi của thành động mạch. Khi thành động mạch bị xơ vữa mất tính đàn hồi có thể gây tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể là hậu quả của nhiều bệnh lý cơ quan khác hoặc do tuổi cao, bệnh tiểu đường, hút thuốc. Tăng huyết áp là bệnh khá phổ biến, nếu không điều trị thích hợp có thể biến chứng trầm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim suy thận, nằm liệt tại chỗ.
Tĩnh mạch mang máu đã mất oxy từ các mô trở về tim để được cung cấp lại oxy, càng về gần tim, tĩnh mạch càng lớn. Sở dĩ máu chảy trong tĩnh mạch là do sức hút của tim, sức hút của phổi, sức dồn đẩy máu cơ, trương lực. Các bệnh về tĩnh mạch có thể làm tĩnh mạch giãn ra và tắc nghẽn, do huyết khối ảnh hưởng đến tuần hoàn và có thể gây nguy cơ tắc phổi.
Toàn bộ hệ thống mạch máu có chiều dài bằng 2 lần chu vi trái đất. (trang 20)
***
Vai trò của Nitric Oxide (NO) trong việc bảo vệ tim mạch:Nitric Oxide (ôxít nitric là cách gọi thông thường theo tiếng Việt ngày nay) hay nitrogen monoxide (cách gọi theo công thức hóa học) là một hợp chất hóa học với công thức hóa học NO. Nitric Oxide có cấu trúc đơn giản nhưng được xem như là một phân tử quan trọng nhất trong cơ thể. Ở điều kiện tự nhiên, Nitric Oxide tồn tại dưới dạng khí gas không mầu sắc và có đời sống rất ngắn ngủi.
Trong công trình đoạt giải Nobel Y học năm 1998, tiến sĩ Ignarro đã trình bầy trước các nhà nghiên cứu tim mach và trước hội đồng xét giải rằng có một chất tự nhiên được sinh ra trong cơ thể và (nó) có những tác động đặc biệt đến sự vận hành của hệ thống tim mạch. Hai mươi năm trước đó tức vào năm 1978, ông là người tìm ra chất này, chất Nitric Oxide và đến năm 1986 thì ông đã khẳng định được vai trò của Nitric Oxide như một phân tử báo tín hiệu thực hiện vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của hệ tim mạch.
Theo nghiên cứu và qua các thử nghiệm lâm sàng của Tiến sĩ Louis J. Ignarro đã cho thấy Nitric Oxide có ảnh hưởng rõ rệt lên sự mở rộng các mạch máu để giúp tăng dòng chảy của máu, đưa oxy và các chất dinh dưỡng vào các tế bào cơ, kiểm soát lưu lượng máu đến từng bộ phận cơ thể. Chính nhờ sự tác động này của Nitric Oxide mà việc hình thành mảng bám trên thành động mạch do mỡ và các cholesterol xấu được giảm thiểu, từ đó ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong cơ thể của chúng ta. Nitric Oxide cũng hoạt động để ngăn ngừa việc hình thành các khối máu vón cục là nguyên nhân khởi phát các cơn đột quị và đau tim và điều hòa huyết áp (tr. 32).
Nitric Oxide có tác dụng làm giãn các cơ trơn của mạch máu do đó các mạch máu có thể giảm căng thẳng và cho phép máu lưu thông qua mạch máu một cách dễ dàng. Xơ vữa động mạch do quá trình tích lũy các chất mỡ bao gồm LDL cholesterol xấu và sản phẩm “bỏ đi” thải từ tế bào, calcium và chất fibrin (loại protein không hoà tan có tác dụng làm đông máu) lắng đọng làm hẹp long động mạch trong các đoạn dẫn đến lưu thông máu trở ngại và làm tổn hại đến màng trong tế bào, gây ra giảm việc sản sinh Nitric Oxide.
Theo như tiến sĩ Ignarro cho biết trong cơ thể con người Nitric Oxide được sản sinh chủ yếu từ các tế bào màng trong (*) của mạch máu, một phần ít ở các tế bào thần kinh trong não, phổi và các tế bào bạch cầu. Nitric Oxide làm giãn nở mạch máu hầu kiểm soát huyết áp để máu lưu thông dễ dàng đến từng bộ phận cơ thể, đồng thời làm chậm tiến trình tích lũy khối xơ vữa trong mạch máu và cũng để ngăn ngừa việc hình thành các khối máu vón cục (chương 3).
Nhưng làm sao để chúng ta có thể điều hòa được quá trình sản sinh ra Nitric Oxide một cách đầy đủ và hiệu quả nhất cho nhu cầu phòng thủ hệ tim mạch. Tiến sĩ Ignarro cho biết, “Nitric Oxide tồn tại dưới dạng khí gas và có đời sống rất ngắn ngủi chỉ kéo dài không quá nửa giây. Do đó bạn không thể uống Nitric Oxide. Điều chúng ta có thể làm là uống những chất mà cơ thể sử dụng được để tạo ra Nitric Oxide và uống những chất làm ổn định Nitric Oxide, ngăn Nitric Oxide không bị phá hủy, kéo dài đời sống của nó trong cơ thể.”
(*) Tế bào màng trong là một lớp tế bào trên bề mặt phía trong của mạch máu. Mô màng trong, ngăn cách máu khỏi các cơ trơn của thành mạch máu, là cực kỳ mỏng và dễ bị tổn hại. Khi màng trong được nuôi dưỡng đầy đủ, NO được sản sinh với mức độ tối ưu và máu lưu thong không bị cản trở. (xem ảnh minh họa trên)
Liệu Pháp Bảo Vệ Tim Mạch
Trong chương 5 “Nói có với Nitric Oxide”, tiến sĩ Ignarro cho biết một số thực phẩm kể cả các loại hạt đậu như đậu nành, hạnh nhân và nhiều chủng loại thực phẩm khác nữa mà chúng ta ăn có tác dụng tăng cường khả năng sản xuất Nitric Oxide của cơ thể.
Tuy nhiên, tác giả cũng đưa ra bằng chứng rằng thực phẩm chúng ta ăn vào mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ lượng Nitric Oxide cần thiết. Vì thế tiến sĩ Ignarro đề nghị một công thức thúc đẩy sự tạo thành Nitric Oxide trong cơ thể bằng cách tiêu thụ một hỗn hợp các dược phẩm trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày gồm có: (1) Amino acid L-Arginine, (2) Amino acid L-Citrulline, (3) Một số vitamin cần thiết khác để chống oxy hóa bao gồm vitamin C, E, acid folic và acid alpha lipoic. Hiệu quả của công thức này dựa trên sự kết hợp cộng hưởng các amino acid L-Arginine và L-Citrulline cũng như 4 chất chống oxy hóa chính. (*) (trang 120 - Có thể mua những thứ này tại các hiệu thuốc Tây Drugstore như CVS, Savon, GNC hay trên mạng internet)
Theo tác giả, L-arginin và L- citrulline là hai amino acid đóng vai trò then chốt trong việc sản sinh ra Nitric Oxide của cơ thể, trong đó L-arginine có một vai trò độc nhất vì nó là amino acid được cơ thể sử dụng để tạo ra Nitric Oxide trong tế bào màng trong động mạch. Khi chúng ta bị bệnh tim mạch nào đó hoặc các bệnh khác liên quan đến tình trạng thiếu Nitric Oxide thì nguyên nhân chủ yếu của thiếu Nitric Oxide là do thiếu L-arginine. Do đó luôn luôn duy trì hàm lượng L-arginine bình thường là rất quan trọng. Một lượng ít L-arginin và L- citrulline được cơ thể sản xuất ra. Nguồn thực phẩm chứa nhiều L-arginin và L- citrulline là nguồn thực phẩm giàu protein. Tuy nhiên, việc hấp thu các thực phẩm giầu protein này từ việc ăn uống không được hoàn toàn đầy đủ, hơn nữa chúng cũng giàu protein là điều không tốt cho những người đang áp dụng chế độ ăn giảm protein. Vì thế, chúng ta có thể bổ sung L-arginin và L-citrulline từ thuốc hoặc thực phẩm chức năng mỗi ngày để giúp cơ thể thúc đẩy sản sinh ra Nitric Oxide.
Ngoài ra, tác giả cũng cho biết việc luyện tập thể dục và ăn các thực phẩm giàu acid amino L- Arginine như đậu nành, hạnh nhân, chocolate đen, dưa hấu, đậu phộng, hạt óc chó, yến mạch, và các chất chống oxi hóa như rau củ quả xanh cũng giúp kích thích cơ thể sản sinh ra Nitric Oxide của cơ thể. Tuy nhiên, chế độ ăn kết hợp với việc luyện tập thể dục phải làm việc cùng nhau mới đem lại hiệu quả tốt hơn.
Một chi tiết khác mà quyển sách cũng đề cập đến là thời gian cơ thể cần nhiều lượng Nitric Oxide nhất chính là lúc chúng ta ngủ. Trong thời gian này, các bộ phận cơ thể như thận, gan, mật… thực hiện nhiệm vụ lọc và đào thải các độc tố ra khỏi máu, hệ thống tim mạch vẫn phải làm việc để đem oxy và các chất dinh dưỡng đến từng bộ phận như tim, não, cơ… để đem lại nguồn năng lượng mới cho cơ thể vào ngày hôm sau. Vì vậy trong suốt đêm, hệ thống tim mạch cần sử dụng một lượng lớn Nitric Oxide để cung cấp cho quá trình luân chuyển máu trong mạch máu.
Nói tóm lại, liệu pháp ngăn ngừa bệnh tim mạch của Tiến sĩ Ignarro gồm ba giai đoạn: (1) uống các dược phẩm bổ sung gồm 2 amino acid và 4 loại vitamin chống oxy hoá (2) ăn các thực phẩm giầu 2 loại amino acid và 4 chất chống oxy hoá và (3) tập thể dục. Cả ba công đoạn cần được thực hiện hàng ngày để có sức cộng hưởng.
Bạn nên mua cuốn sách này trên mạng. Sách mới giá khoảng 14USD, sách cũ giá khoảng 4 USD để xem thêm và đối chiếu những điều tôi đã trình bày trước khi quyết định thực hành liệu pháp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Chân Diệu Mỹ
(*)
(1) Amino acid L-Arginine: 4000-6000 mg per day
(2) Amino acid L-Citrulline: 200-1000 mg per day
(3) Vitamin C: 500 mg per day, Vitamin E: 200 IU per day, Folic Acid (Vitamin B9): 400-800 mg per day & Alpha lipoic acid: 10mg per day.
No comments:
Post a Comment