Thursday, November 10, 2016

Suy Nghĩ Về Lời Cảm Ơn



theo Tuổi Trẻ Phật Giáo

Tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật…
Một ngày kia,căn bệnh ung thư quái ác đã cướp mất sinh mệnh của một chàng trai trẻ. Bạn bè anh, những người thân yêu của anh họ nghĩ gì? Có người ngửa mặt lên trời mà kêu: Ông trời không có mắt. Còn anh,những ngày cuối cùng trên giường bệnh anh chỉ muốn viết một bài văn nhưng do quá yếu chưa kịp viết xong thì đã ra đi.
Tiêu đề của bài văn ấy là hai chữ: “Cảm Tạ”.
Bệnh nặng như thế, anh biết mình sẽ ra đi khi tuổi trẻ, khát vọng sống đang nóng bỏng trong tim nhưng lời cuối cùng anh nói với nhân thế là “Cám ơn”.
Tôi rất yêu hai chữ này, đó là câu nói đẹp nhất của nhân loại. Những người phù phiếm giải thích từ cám ơn là “từ xã giao”. Những người được dạy dỗ nghiêm khắc từ nhỏ cũng biết biến từ cám ơn thành câu nói cửa miệng. Nhưng chỉ có người đi gần hết đoạn cuối của hành trình nhân sinh, tưởng nhớ lại những gió mưa bão táp, những ân huệ mà cuộc sống đã ban tặng thì nghẹn ngào nói: “Cám ơn!”. Câu cám ơn này mới khiến người ta cảm động.
Phàm những ai không muốn nói từ cám ơn thì đó là người kiêu ngạo, ngang tàng và nhạt nhẽo. Anh ta là sản phẩm của xã hội công thương nghiệp. Anh ta cảm thấy anh ta không nợ ai, không xin ai. Những thứ anh ta đang có đều là những thứ anh phải được có, do công sức anh bỏ ra, không cần phải nói lời cảm ơn ai cả.
Nhưng tôi biết rằng tôi chẳng “phải được” có thứ gì cả. Tôi xuất hiện trên thế giới này với hai bàn tay trắng, chẳng có ai “phải” yêu tôi, chẳng có ai “phải” nuôi dưỡng tôi, chẳng có ai “phải” quên ăn mất ngủ vì tôi. Cho dù tôi có nộp học phí đi chăng nữa nhưng sự quan tâm dạy dỗ chân thành của thầy cô là do tôi mua được đấy ư? Tôi đã bỏ tiền ra mua gạo thật đấy nhưng chẳng lẽ vài đồng bạc ấy có thể đền đáp được sự vất vả của những nông dân hay sao? Không cần phải đợi đến lúc tuổi già sầm sập đến gõ cửa, mà ngay từ bây giờ khi còn đang trẻ khoẻ tôi cũng cần phải học nói từ “Cảm ơn!”.
Trong một cuốn cổ học tinh hoa có viết: “Mỗi sáng sớm hãy thắp một nén nhang để cảm tạ tam quang”. Đáng để chúng ta cảm tạ lẽ nào chỉ có Thiên - Địa, Nhật - Nguyệt, Tinh Thần? Chủ thể của thiên địa tam quang há không đáng để chúng ta cảm tạ ư? Trong vũ trụ mênh mang vô cùng vô tận này, chúng ta đã bỏ ra cái gì mà lại được ngồi ung dung hưởng thụ như thế? Chúng ta đã đặt mua bầu khí quyển? Đã đặt mua ánh sáng mặt trời mặt trăng? Mỗi một giây chúng ta đều hít thở không khí, chúng ta có phải nộp thuế không? Chúng ta đã dùng biết bao nhiêu nước? Tất cả sự bố thí đó là của ai vậy?
Thế mà chúng ta lại không chịu nói lời cám ơn. Nếu như hương hoa thơm phải mất tiền, nếu mỗi năm thảm cỏ trên thảo nguyên bao la thay áo mới có giá trị trao đổi ngang với thảm trải nhà, nếu dãy núi Hymalaya, núi Thái sơn mà “đếm đá tính tiền” thì bán cả Kim tự tháp đi cũng có đủ mua không?
Nếu lấy tiền bạc ra để tính thì một người phải trả bao nhiêu tiền để được ngắm nhìn hình ảnh em bé mới sinh mở tròn xoe đôi mắt thơ ngây nhìn thế giới mới - thật là cảm động đến rơi nước mắt! Thế mà chúng ta lại không chịu nói lời cám ơn.
Người phương Đông mỗi khi tỏ ra khiêm tốn thường nói: “Quá khen!”, những nước nói tiếng Anh thì lại thích câu: “Hãy tin tôi, tôi sẽ không để bạn thất vọng đâu”. Là một người phương Đông tôi thấy mình dễ tiếp nhận cách nói đầu tiên hơn. Khi có ai đó khen ngợi tôi, từ đáy lòng mình tôi cảm thấy bối rối: “Không, tôi không được như bạn nghĩ đâu, nếu bạn thích điểm gì đó ở tôi thì đó là do tâm hồn của bạn trong sáng và rộng mở, khi bạn nhìn tôi bằng ánh nhìn đẹp như vậy, tôi thực sự là cảm ơn bạn vô cùng, bạn đã đánh thức những hạt giống tốt đẹp trong tôi, làm chúng nảy nở đâm chồi!
Vậy cuối cùng thì ruộng đất phải cảm tạ hạt giống hay hạt giống phải cảm tạ ruộng đất? Đều phải cảm ơn. Cảm ơn sẽ khiến cho ruộng đất tơi mềm hơn để hạt giống đâm chồi, cảm ơn sẽ khiến cho hạt giống nhanh chóng cảm nhận được sự ấm áp của đất mẹ. Cả hai đều phải cám ơn nhau, vì nhờ có thế thì cả hai mới trở thành có ích. Chữ “Cám ơn” do vậy mà hay quá và lớn quá. Đến đất cũng phải cám ơn hạt giống đã làm nó tơi mềm, còn hạt giống thì lại cám ơn đất vì hơi ấm và chất màu đã làm hạt giống trổ hoa.
Tất cả khi chân thành nói tiếng cám ơn, tinh thần của chữ đó sẽ thể hiện cả sự tôn trọng, khiêm nhường, bao dung và ba điều ấy sẽ biến đất trời tịch mịch thành rộng mở, trong sáng.
Hãy nói với bất kỳ ai đã mang lại niềm vui cho chúng ta dù là rất nhỏ - câu nói đi ra tự đáy lòng mình: “Cám ơn!”.

theo Tuổi Trẻ Phật Giáo

No comments:

Post a Comment