Thursday, November 24, 2016

Nghĩ đến thân phận những người homeless trong đêm Thanksgiving





Theo số liệu thống kê của chính quyền California, có trên hai trăm người hiện đang sinh sống tại khu trại này. Sau khi khu trại bị dẹp bỏ, những người này sẽ được gửi đến các dịch vụ chăm sóc và trợ cấp nhà ở giá rẻ. Hiện tại có 88 người đã được dời đi và 59 người nhận được các khoản trợ cấp. Khu trại thứ hai gần Coyote Creek, có khoảng 300 người sinh sống ở đây. Khu vực mệnh danh là “Điạ ngục thứ ba – Third World Hellhole” của thành phố Silicon Valley. Các quan chức thành phố và các nhà cung cấp dịch vụ cho những người vô gia cư cho hay họ đã cố gắng để đối phó với khu trại nói trên trong nhiều năm nay nhưng không thành công. Theo họ, lần này với sự cương quyết của thành phố chắc chắn khu trại này sẽ bị xoá sổ. Chỉ riêng khu vực thuộc thành phố San Jose đã có đến khoảng 247 ngôi lều được dựng lên. Ước tính chi phí để dẹp bỏ khu trại Jungle sẽ cần đến 6 triệu đôla.

Thông tin báo chí của thành phố San Jose khiến anh H. Trần cùng nhóm bạn tự nguyện giúp đỡ những người homeless nhanh chóng chuẩn bị chương trình phát quà Giáng sinh sớm hơn mọi năm. Anh cho biết việc thành phố giải tỏa khu trại “The Jungle” là cần thiết. Một trong những lý do đằng sau những động lực để xoá sổ khu trại này trong năm nay chính là vệ sinh của nguồn nước. Ban kiểm tra vệ sinh nguồn nước sinh hoạt của khu vực đã thông báo cho thành phố rằng chất thải của con người bị thải xuống con lạch đã gây nên tình trạng ô nhiễm cho nguồn nước sử dụng của người dân”.
“Điều đáng ngạc nhiên trong khu trại hàng trăm người vô gia cư lại có đến hơn 10 người Việt sống vất vưởng, cô độc. Đa số họ bị rối loạn tâm thần. Nhóm chúng tôi năm rồi đi làm từ thiện thấy thật tội nghiệp. Nhiều người trong số họ lầm lì, hỏi không trả lời, gần như họ sống trong sự im lặng dằn vặt. Chúng tôi không thể giúp gì hơn, ngoại trừ chia sẻ một số thực phẩm đóng gói và quần áo, chăn mền”, anh H. Trần cho biết thêm.
Để trả lời thắc mắc cho nhiều câu hỏi về người homeless gần như chín mươi phần trăm họ là công dân bản xứ sao lại không có trợ giúp tiền bệnh hoặc tiền già cũng như trợ giúp nhà ở cho họ. Anh H. Trần giải thích: “Đơn giản là họ không có giấy tờ tùy thân và không phải những người homeless đều là người sống ở địa phương. Việc truy tìm tông tích mất nhiều thời gian và chẳng cơ quan nào bỏ thời gian đi tìm nguồn gốc của họ. Không có giấy tờ làm sao chứng minh được nhân thân để xin trợ cấp. Họ từ khắp nơi trôi dạt về thành phố tự đi kiếm sống bằng cách lượm phế liệu hoặc ăn xin”.
Tuy vậy, anh H. Trần kể trong khu trại “The Jungle” có nhiều người hài lòng cuộc sống của mình hiện tại. Ông Mike Samuel có một gia tài gồm sáu cái chăn, một xe đẩy hàng của chợ, một túp lều nylon bao quanh ba thân cây trong công viên. Ông cảm thấy nơi đây thật sự là ngôi nhà của mình. Ban ngày ông đi lượm lon và xin ăn trước các cửa nhà hàng. Có ông chủ nhà hàng người Việt mình thương cảm, cho ông ta về sống trong cái nhà kho sau vườn, trả lương đàng hoàng để ông ta phụ dọn dẹp vườn tược. Được hai ngày, không thấy ông xuất hiện sau vườn, ông chủ nhà bước ra nhà kho thì chỉ thấy mảnh giấy để lại trên bàn: “Cám ơn lòng tốt của ông rất nhiều. Cầu Chúa phù hộ cho ông. Sống ở đây êm ấm, nhưng tôi không thể nào từ bỏ được cuộc sống tự do của người homeless. Tôi nhớ những bạn bè trôi dạt, nhớ từng ngụm rượu bia chia sẻ nỗi niềm của những người vô gia đình với nhau”.

Những mảnh đời trôi dạt
Ngoài những khu tập trung những người homeless như ở San Jose, Silicon Valley, hầu hết người vô gia cư sống rải rác lang thang khắp các thành phố trên nước Mỹ. Đó là những phận người, mảnh đời phiêu dạt rày đây mai đó. Có khi bị cảnh sát “hỏi thăm sức khỏe”, họ không có một chốn cố định nào, sống dưới gầm cầu, trong nhà ga xe bus hay co ro nằm ở góc phố. Nếu bạn có dịp đi phố cổ New Orleans, lang thang phố thị sau nửa đêm quanh nhà thờ Chính Tòa sẽ nhìn thấy người homeless mỗi người một túi ngủ nằm sắp lớp như cá mòi quanh khu vực nhà thờ kiếm một giấc bình yên sau một ngày lê la cầu thực. Gặp những người homeless, bạn đừng trông mong họ sẽ kể câu chuyện đời mình, mỗi người là một quyển sách khó hiểu.
Trường hợp của anh Michael Buffington, 48 tuổi, sống cô độc trong công viên của quận hạt Tarrant County, Texas lại khác. Anh được các cơ quan truyền thông địa phương thấy khi đang lúi cúi vẽ những bức tranh bên cạnh túp lều tồi tàn của mình. Cái lều của anh nhỏ bé dành chui ra chui vào khi cần ngủ nghỉ ban đêm. Ban ngày lúc thì anh đứng ở ngã tư giơ cái bảng xin người đi đường giúp đỡ. Có được ít đồng, anh chi tiêu vào tiền ăn và mua phẩm màu thỏa chí sáng tác những bức tranh trên khung giấy cạc tông xé ra từ các thùng hộp giấy và làm khung bằng những thanh gỗ nhặt nhạnh được trong mấy đống rác ngoài đường. Anh không thích kể nhiều về cuộc đời mình. Chỉ biết anh từng ở tù 12 năm. Ra tù, anh không liên lạc với bà con thân nhân bạn bè và tự tìm cho mình một cuộc sống giống như một người vô gia cư. “Sống ngoài trời, tôi thấy thanh thản hơn và vẽ là niềm an ủi cho tâm hồn tôi lắng đọng. Tôi không muốn ai quan tâm hay thương cảm cho số phận của tôi”.
Anh Michael Buffington “đệ tử” homeless sống trong rừng có sở thích vẽ tranh
Ở Fort Worth, tôi bắt gặp một người đàn bà tuổi chừng trung niên. Đây là lần thứ ba tôi thấy chị kéo chiếc vali trên đường Lancaster hướng về khu phát thức ăn cho người homeless. Thật dễ nhận ra một con người không bình thường khi trên khuôn mặt phấn son lòe loẹt và đỏ au như vẻ mặt anh hề gánh xiếc. Nhưng chị nói chuyện lại tỉnh như sáo, “chồng bỏ đi với vợ bé, tiền bạc tôi dành dụm cũng mất hết, nợ thẻ (credit) ngập đầu, nhà không có, con không có, tôi đi bụi đời”. Hỏi chị bỏ nhà đi bao lâu rồi, ở đâu? Chị ngập ngừng đôi chút, rồi trả lời bằng cái giọng ráo hoảnh: “Ở Cali, tôi sang Texas cả chục năm rồi”. Xin chị tấm ảnh nhưng chị nhìn tôi bằng “đôi mắt mang hình viên đạn”, đành thôi không dám chụp.
Lại thêm một trường hợp chấn thương tâm lý “vì tình” mà thành homeless. Có một cô (xin giấu tên) bỏ nhà từ New York sang Arlington, TX. Cô không nhà, lang thang ngoài phố, ăn uống, tắm giặt thì đến khu tạm cư cho người homeless, tối ngủ thì kiếm đại góc sân nhà ai thấy tiện. Vậy mà đã mấy năm rồi, cô vẫn khỏe, vẫn “yêu đời” với cuộc sống “màn trời chiếu đất”. Nhiều người Việt biết được thường hay giúp đỡ đồ ăn thức uống. Kể cả có chủ tiệm cô thường đến mua đồ đã không lấy tiền còn dúi cho cô ít tiền tiêu vặt (do gia đình người chị hằng tháng gởi tiền nhờ ông chủ tiệm quan tâm giúp đỡ giùm). Ai nghe chuyện cũng cảm thán tội nghiệp cho cô gái Việt xa quê lại còn vô gia đình.

Một vài công trình nghiên cứu tâm lý về người homeless cho thấy, thật khó kéo một người vô gia đình trở về với đời sống giống như một người bình thường. Cho họ nhà ở, trợ cấp tiền sinh hoạt, tiền thực phẩm đầy đủ, họ sống “yên ổn” một thời gian rồi lại ra đi theo “tiếng gọi” thiên nhiên. Với những người này, tiền không là vấn đề gì cả. Có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, không có đi xin. Tương lai là điều không có thật trong cuộc sống của người homeless.
K

No comments:

Post a Comment