Chữa bệnh răng lợi bằng cây cỏ
Để chữa đau nhức răng, bạn lấy quả sung dùi một lỗ nhỏ, moi bỏ hết hạt, đổ đầy muối vào rồi sao thật khô, tán nhỏ, lấy bột bôi vào nơi đau.
Một số bài thuốc chữa bệnh răng miệng khác:
Chữa răng sâu: Lá húng giổi tươi sắc đặc, lấy nước súc miệng và ngậm thường xuyên.
Chữa chảy máu răng kéo dài 3-4 ngày: Lấy lá mướp phơi khô hoặc sao khô, tán nhỏ mịn, bôi vào nơi đau.
Chữa sưng mộng răng: Lấy vỏ quả bàng nấu với muối ăn, ngậm 5-10 phút, nhổ ra không nuốt. Hoặc: Quả bồ kết đốt cháy tồn tính (tức cháy 70%) đem giã nhỏ, kèm với rượu ngậm, không uống.
Dứa - vị thuốc đa năng
Dứa không chỉ làm tan sỏi thận mà còn trợ giúp tiêu hóa, tẩy tế bào chết trên da... Tuy nhiên, không nên dùng dứa cho những người đang bị chảy máu.
Có 3 loại dứa chính:
Loại hoàng hậu:
Thịt quả vàng đậm, giòn, thơm, ngọt. Quả nhỏ, mắt quả lồi, loại dứa này có phẩm chất cao nhất. Dứa hoa, thơm, hay dứa Tây thuộc loại này.Loại Cayenne:
Thịt quả vàng ngà, nhiều nước, ít thơm và vị kém ngọt hơn dứa hoa. Quả rất to, vì thế còn gọi là dứa độc bình.Loại Spanish:
Thịt quả vàng nhạt có chỗ trắng, vị chua, hương kém thơm và nhiều nước hơn dứa hoa. Quả kích thước trung bình, mắt sâu. Dứa ta, dứa mật… thuộc loại này.
Dứa không chỉ giàu vitamin và khoáng mà còn chứa bromelin - một enzym có tác dụng thủy phân protein thành các acid amin có tác dụng tốt trong tiêu hóa. Ở pH 3,3, chất này có tác dụng như men pepsin của dịch vị; còn ở pH 6, nó có tác dụng như men trypsin của dịch tụy. Do đó, sau những bữa ăn có nhiều thịt, nên tráng miệng vài miếng dứa. Chất bromelin tập trung nhiều nhất trong lõi quả.
Dân gian thường dùng dịch ép quả dứa chưa chín làm thuốc tẩy, nhuận tràng. Quả dứa chín nướng cháy, gọt bỏ vỏ, mỗi ngày ăn 1 quả, ăn trong 4 ngày giúp chữa huyết áp cao… Đặc biệt, nhiều người dùng quả dứa chín chữa bệnh sỏi thận có hiệu quả: Lấy một quả dứa chín để nguyên vỏ, khoét ở cuống quả một lỗ nhỏ, lấy 7-8 g phèn chua giã nhỏ nhét vào, dùng thân dứa vừa khoét đậy lại, đem nướng trên than hồng (hoặc vùi vào lửa) cho cháy sém hết vỏ, thịt quả chín mềm. Để nguội, vắt lấy nước uống, mỗi ngày 1 quả. Sỏi thận sẽ bị bào mòn dần và tan hết, nếu sỏi nhỏ thì có thể tiểu tiện ra được.
Tây y dùng bromelin của dứa làm tăng hệ miễn dịch, ức chế quá trình viêm, bôi lên nơi tổn thương (vết thương, vết bỏng, vết mổ) để làm sạch các mô hoại tử, mau lành sẹo. Bromelin làm tăng hiệu quả kháng sinh và thuốc chữa hen. Nó cũng có tác dụng làm giảm di căn ở các bệnh ung thư.
Thịt quả dứa còn được dùng làm mặt nạ nhằm lột nhẹ lớp tế bào sừng phía ngoài, bộc lộ lớp da non phía trong mịn màng và trắng hơn.
Cẩn thận khi dùng dứa
Dứa có tác dụng phân hủy fibrin chống tụ huyết nên có tài liệu khuyên: Những người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (người hay chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) không nên ăn dứa.
Không nên ăn dứa tươi vào lúc đói, vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
Dứa cũng gây ngộ độc (dân gian thường gọi là “say dứa”). Sau khi ăn dứa 30-60 phút, bệnh nhân thấy khó chịu, ngứa khắp người, nổi mày đay, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có thể mạch nhanh nhỏ, khó thở, huyết áp hạ. Nếu ngộ độc nhẹ, khoảng 3 giờ sau nạn nhân sẽ khỏi. Nếu nặng, nạn nhân khó thở, trụy tim mạch, mê man và tử vong.
Dân gian cho rằng bệnh nhân ăn phải “dứa có nọc rắn phun”. Thực ra, thủ phạm là một loại vi nấm có độc tính cao. Vi nấm thường có trên mặt đất ẩm, phát triển mạnh trong mùa hè, trùng với mùa dứa chín. Dứa mọc ở sát đất, thu hái xong cũng để dưới đất; vỏ dứa xù xì, mắt dứa làm thành những cái hốc là nơi cư trú tốt cho nấm. Mặt khác, dịch bào của dứa có độ ẩm, có hàm lượng đường cao và pH acid là những điều kiện thuận lợi cho nấm độc phát triển. Nếu dứa bị dập nát, dịch bào thấm ra, nấm sẽ phát triển, có điều kiện xâm nhập sâu vào trong quả dứa, gây độc cho người ăn.
Để phòng ngừa tai biến này, khi mua cần chọn dứa tươi và nguyên lành. Không ăn dứa dập nát, gọt dứa phải gọt dày cho hết lớp vỏ, cắt sâu cho hết mắt dứa, xát qua ít muối rồi rửa sạch, mới bổ ra ăn.
Nên ăn gì khi bị cảm?
Rau bó xôi, cà chua là những thực phẩm bạn nên ăn khi bị cảm do chúng chứa nhiều chất chống ôxy hóa, lại giàu vitamin C. Chúng giúp hệ miễn dịch khỏe hơn để chống lại bệnh tật.
Sau đây là những thứ bạn cần khi bị cảm:
Thức ăn giàu đạm
Khi chúng ta bị cảm, cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng lớn kháng thể. Đó chính là protein, có khả năng trung hòa một số vi khuẩn lây nhiễm, tiêu diệt các vi trùng bệnh và thải chúng ra khỏi cơ thể. Những nguồn thực phẩm cung cấp protein có lợi cho hệ thống miễn dịch là trứng, thịt nạc và chế phẩm từ đậu.
Vitamin E
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, cơ thể dự trữ đủ lượng vitamin E sẽ làm tăng khả năng chống lây nhiễm của tế bào miễn dịch T. Vì vậy, các bác sĩ khuyên nên bổ sung mỗi ngày 200 đơn vị vitamin E. Vitamin E có nhiều trong mầm lúa mạch và các loại rau có màu xanh đậm.Hành tây
Theo kinh nghiệm dân gian của những nước Âu Mỹ, có thể dùng nước ép hành tây để trị cảm. Nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện hành tây có thể làm tăng hoạt động miễn dịch của tế bào T; từ đó làm tăng cả phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Thực phẩm có chất kẽm
Kẽm là một nguyên tố không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong sự chi phối chức năng miễn dịch. Mỗi ngày, nếu cơ thể hấp thu 80-100 mg kẽm thì có thể đề phòng và cải thiện chứng cảm. Kẽm có nhiều trong các loại hải sản, thịt nạc, ngũ cốc thô và các chế phẩm từ đậu.
Vitamin C
Vitamin C có vai trò bảo vệ, ngăn chặn virus tấn công cơ thể. Những thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao là rau lá xanh, cà chua, bông cải, ớt xanh, cam, quýt, dưa hấu, nho… Vitamin C có thể bị thất thoát ở nhiệt độ cao, vì vậy bạn nên ăn sống hoặc không nấu quá kỹ những loại thực phẩm này.
Bồi bổ và chữa bệnh bằng mít
Sản phụ ít sữa có thể dùng lá mít tươi (30-40 g/ngày) nấu nước uống. Cũng có thể dùng cụm hoa đực (dân gian thường gọi là dái mít) hay quả non sắc uống để tăng tiết sữa.
Khi bị mụn nhọt, lấy lá mít tươi giã nát, đắp lên nhọt đang sưng, sẽ làm giảm sưng đau. Có thể dùng nhựa mít trộn với giấm, bôi lên chỗ mụn nhọt sưng tấy.
Theo tạp chí “Science et vie”, các nhà nghiên cứu ở Montpellier (Pháp) đã tìm thấy trong quả mít nhiệt đới có một chất tự nhiên mà họ đặt tên là Jacaline, giúp bảo vệ tế bào bạch cầu (có chức năng chống lại virus). Công trình này đã công bố và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm
Một số món bổ dưỡng từ mít
Mít lên men rượu: Múi mít chín 1 kg, đường trắng 300 g, men rượu (bánh men thuốc Bắc) 2 bánh. Cách làm: Lựa múi mít vừa chín tới, gỡ bỏ hạt, phần múi đem trộn với 150 g đường. Men rượu đem tán nhỏ, rây mịn. Cho mít vào bình thủy tinh rộng miệng, cứ một lượt mít rắc một lượt men cho đến hết mít. Số men còn lại rắc trên cùng, đậy kín nắp. Khoảng 4-5 ngày sau, mít lên men rượu bốc mùi thơm. Lấy 2 lít nước lọc hòa với 150 g đường còn lại đổ vào, đậy kín nắp để lên men tiếp. Khoảng 9-10 ngày sau, thấy nước lên men rượu trong bình lắng trong là được. Chắt nước ra, lọc qua phễu có lót bông cho trong, đóng vào chai, nút thật chặt (vì lượng đường trong rượu còn lại vẫn tiếp tục lên men, dễ làm bật nút). Rượu mít lên men có màu vàng nhạt, có gas và dậy mùi thơm của hương mít. Rượu mít khá bổ, uống lâu say vì mít có tính giải rượu, dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang.
Mít nấu đường: Mít chín 30 múi to, đường trắng 300 g, chanh tươi 1 quả. Chọn mít dai vừa chín, múi to thịt dày, loại bỏ hạt, thái miếng vuông. Cho đường vào soong cùng với 300 ml nước, đun sôi, cho mít vào đảo đều. Rút bớt lửa chỉ để sôi lăn tăn, khi mít chín trong, nước đường hơi sánh lại là được. Khi mít nguội, đem ướp lạnh. Lúc ăn, lấy mít vào cốc, vắt chanh vào nước đường còn lại, quấy đều, tưới lên mít, ăn mát lạnh, dùng tráng miệng sau bữa ăn. Ngoài ra, mít còn giúp giải rượu bia.
Mít non xào thịt: Quả mít non gọt vỏ gai, thái lát, đem xào với thịt lợn nạc, nêm thêm gia vị, dùng ăn với cơm. Món này, theo Đông y có tác dụng bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa.
Chữa bệnh bằng nước dừa
Để chữa khản tiếng, bạn có thể lấy nước dừa non 1 cốc, rau má 8 g; giã rau má, vắt lấy nước cốt pha với nước dừa uống.
Nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, trị cảm nắng, thủy thũng, thổ huyết, máu cam.
Trái dừa được xem là loại quả “kỳ diệu”, có gần như toàn bộ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Protein dừa gồm các acid amin c ó chất lượng cao, nhiều vitamin trong nhóm B và các vitamin khác. Nước dừa cũng giàu chất khoáng; hàm lượng kali và magiê tương tự dịch tế bào của người nên thường được dùng cho bệnh nhân tiêu chảy. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích cho trẻ em tiêu chảy uống nước dừa pha muối.
Nước dừa làm đẹp da, đen mượt tóc. Nhân dừa non (mềm như thạch) chứa nhiều enzym tốt cho tiêu hóa, dùng chữa các bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan, đái tháo đường, lỵ, trĩ, viêm đại tràng.
Nước quả dừa xanh còn non được các nhà khoa học gọi là “nước khoáng thực vật” vì chứa nhiều vi lượng khoáng cần thiết cho cơ thể và đường ở dạng dễ tiêu hóa, lượng vitamin C đủ cho yêu cầu 1 ngày, cùng các loại vitamin B như axit folic. Nước dừa được dùng làm dịch truyền trong nhiều cuộc chiến tranh.
Dừa được xem là món ăn trường xuân của người Philippines. Họ chế biến thứ đồ uống gọi là Nata dừa, gồm có nước dừa, đường, giấm, và “nước cái” (chứa vi khuẩn giúp lên men). Cựu tổng thống Philippin Fidel Romos cho rằng, nhờ ăn hằng ngày món này, ông thấy mình trẻ lại như ở tuổi 20. Nata dừa đã trở thành món tráng miệng cao cấp ở Nhật và được xem là có tác dụng ngừa ung thư.
Lưu ý:
Nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất khí vị, cho nên cứ để nguyên quả mà uống. Tốt nhất là nên uống ngay tại gốc vừa chặt, tránh thả dừa xuống đất.
Mới đi nắng về, đang đói mệt không nên uống nước dừa, nhất là người đang có bệnh vì dễ bị những tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh… Trước khi thi đấu thể thao, không nên uống nước dừa. Bình thường, mỗi ngày chỉ nên uống một quả. Uống nhiều sẽ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm cơm dừa nạo, đá lạnh và uống vào chiều tối.
Một số cách dùng nước dừa bảo vệ sức khỏe
Kiết lỵ cấp tính: Rau má 50 g, nước dừa tươi một quả. Rửa sạch rau má, giã nhỏ, vắt lấy nước, pha với nước dừa uống. Mỗi ngày một quả.
Nôn mửa: Nước dừa 2 chén, rượu nho 1 chén, nước gừng 10 giọt, trộn đều uống.
Lợi tiểu giải độc: Nước dừa non có tác dụng lợi tiểu trong các bệnh tim mạch, thận.
Viêm thận phù nề: Nước dừa, nước rễ cỏ tranh, nước rễ cỏ lau. Mỗi thứ 30 g, trộn đều uống.
Tẩy sán lá: Có tác dụng an toàn và hiệu lực hơn hạt cau. Không cần thuốc tẩy. Buổi sáng chưa ăn lấy 1/2 quả dừa, uống nước và ăn cho hết cùi dừa. Sau 3 giờ, ăn uống bình thường (thức ăn lỏng).
Canh dừa khử độc rượu, bôi trơn khớp: Những người thường xuyên uống bia rượu hay cảm thấy đau nhức ở các khớp, hoạt động khó khăn hoặc khi hoạt động, các khớp có tiếng kêu. Để chữa khỏi, nên uống canh dừa. Lấy một quả dừa cắt ngang phần trên làm nắp: 20 g đậu đen vo sạch cho vào trong quả dừa rồi đậy nắp lại, đặt lên 1 cái đĩa. Đặt cả dừa và đĩa vào nồi, chưng trong 4 giờ. Sau đó, có thể cho ít muối tùy ý để uống canh dừa. Mỗi tháng chỉ cần uống 1-2 lần thì chứng đau khớp sẽ hết, các khớp sẽ hoạt động mềm mại trở lại.
Nước dừa non trị chứng cam (bụng ỏng, đít teo, suy dinh dưỡng ở trẻ): Nước dừa dùng nấu xôi, luộc gà… làm tăng vị thơm ngon và bổ dưỡng, thích hợp cho người gầy yếu. Người khỏe mạnh buổi sáng uống nước 1 quả dừa xiêm cũng rất tốt.
Ăn nhiều thịt đỏ tăng nguy cơ ung thư vú
Những phụ nữ ăn nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, sẽ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn rất nhiều so với những ai ít ăn thịt.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds, Anh, tìm thấy trong hơn 35.000 phụ nữ, ở độ tuổi từ 35 đến 69, được theo dõi trong 8 năm, thì những ai ăn lượng thịt nhiều nhất có nguy cơ bị ung thư vú trước và sau mãn kinh cao hơn những ai không ăn thịt.
Mối quan hệ rõ nét hơn ở những phụ nữ sau mãn kinh, trong đó thịt đỏ và thịt chế biến sẵn đặc biệt làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Những phụ nữ ăn nhiều thịt đỏ nhất (nhiều hơn 5,5 lạng mỗi ngày) tăng 56% nguy cơ bị ung thư vú so với những ai không ăn thịt đỏ. Trong khi đó, những ai ăn thịt chế biến sẵn nhiều nhất (hơn 2 lạng mỗi ngày) gia tăng 64% khả năng mắc căn bệnh này.
Mối quan hệ giữa thịt và ung thư vú yếu hơn ở những phụ nữ tiền mãn kinh, nhưng những ai ăn nhiều thịt nhất vẫn có nhiều hơn 20% nguy cơ phát triển căn bệnh này so với những người không ăn thịt.
Theo các chuyên gia, có một số lý do ăn nhiều thịt gây ra ung thư vú. Một khả năng là chất béo bão hoà trong thịt làm kích thích sự tăng trưởng các tế bào u. Một lý giải khác là một số hợp chất sinh ra khi thịt được nướng, làm phát triển u ở động vật, và có thể ở cả con người.
Mồ hôi cho biết về bệnh tật
Nếu mồ hôi ra nhiều kèm theo tim đập mạnh, ăn nhiều, hưng phấn, dễ cáu giận, mất ngủ, lồi mắt thì có thể bạn mắc bệnh cường năng giáp trạng, còn gọi là basedow.
Toàn bộ tuyến mồ hôi của cơ thể mỗi ngày có thể tiết ra 500-700 ml dịch, tùy thuộc vào thời tiết, trạng thái hoạt động hay nghỉ ngơi... Trong mồ hôi có 98-99% là nước, còn lại là urat, axit lactic, muối vô cơ...
Mồ hôi có liên quan chặt chẽ đến sinh lý và bệnh lý của cơ thể. Thông qua mồ hôi, bạn có thể đoán được bệnh của mình để sớm có cách điều trị đúng hướng.
Không có mồ hôi
Là hiện tượng tuyến mồ hôi tiết ra ít hoặc cơ thể không sinh ra mồ hôi. Nó có thể là triệu chứng của một số bệnh như vảy cá, khô da, xơ cứng bì... hoặc dị ứng thuốc (như các thuốc ngăn cản thần kinh giao cảm).
Mồ hôi trộm
Là hiện tượng mồ hôi ra lúc ngủ say, sau khi tỉnh dậy có cảm giác không ra nữa. Đông y cho rằng hiện tượng này thường do âm hư, thường gặp trong các bệnh như lao hạch (người yếu, mệt mỏi, kém ăn, hay sốt về chiều, đau ngực, kinh nguyệt không đều, da xanh thiếu máu...). Mồ hôi trộm xuất hiện chủ yếu do thần kinh giao cảm bị hưng phấn quá mức do tác dụng của độc tố trực khuẩn lao.
Ngoài ra, mồ hôi trộm còn gặp trên những bệnh nhân sau mổ, phụ nữ sau nạo thai do mất máu, cơ thể hư suy và công năng thần kinh thực vật nhất thời bị rối loạn.
Tự ra mồ hôi
Tự ra mồ hôi là hiện tượng thường xuyên ra mồ hôi, sau khi hoạt động lại càng ra nhiều, thường là do mỏi mệt, ốm yếu, sợ lạnh. Đông y cho là do khí hư gây nên. Người đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe sau bệnh nặng, thể chất suy nhược cực độ thường tự ra mồ hôi trong trạng thái yên tĩnh.
Mồ hôi ra nhiều
Mồ hôi ra nhiều do sốt rét, sốt cao, hôn mê..., phần lớn do các chứng bệnh sốt cấp tính gây nên.
Mồ hôi ra nhiều do hạ đường huyết thường có triệu chứng chóng mặt, suy nhược đói lả; trong bệnh thương hàn thường có biểu hiện sốt, lờ đờ, li bì, chán ăn, bụng trướng, lách to, mạch chậm, phát ban...
Sau khi uống một số thuốc, nếu bỗng nhiên ra mồ hôi thì có thể do tác dụng của thuốc. Tiếp xúc hoặc uống một số thuốc độc như lân hữu cơ, chì, thạch tín... đều có thể gây ra mồ hôi nhiều do trúng độc.
Người béo phì ít vận động khi hơi vận động một chút là ra mồ hôi nhiều, lúc này thể chất đã bị suy nhược.
Một số người trẻ hay ra mồ hôi là do công năng thần kinh thực vật còn chưa hoàn chỉnh, mất điều hòa gây nên.
Thoát mồ hôi
Là hiện tượng mồ hôi vã ra như tắm, có thể thấy về mùa hè do nội nhiệt quá thịnh hoặc do uống quá liều loại thuốc cho ra mồ hôi. Những trường hợp này cần được bổ sung nước và muối khoáng ngay để tránh mất nước. Người bị thoát mồ hôi nặng, mồ hôi vã ra không ngừng gọi là “tuyệt hãn” - mồ hôi chết, cần được theo dõi chặt chẽ để xử trí kịp thời.
Mồ hôi lạnh
Có thể thấy ở những bệnh nhân tâm lực suy kiệt cấp tính, nhồi máu cơ tim, ngất xỉu... Khi ra mồ hôi lạnh, người bệnh thường có mạch nhỏ yếu, sắc mặt trắng bệch. Nếu lúc này thần kinh căng thẳng hoặc bị kích thích thì chân tay sẽ lạnh toát.
Mồ hôi trán
Là hiện tượng trán ra mồ hôi đơn thuần, nếu không kèm theo triệu chứng gì thì là bình thường. Nếu là người bị bệnh nặng, mồ hôi trán vã ra không ngừng biểu hiện bệnh đang tiến triển xấu đi, phải cảnh giác.
Đột nhiên xuất hiện một bên trán ra mồ hôi thường là biểu hiện xơ vữa động mạch, hoặc khoang lồng ngực bị phù do u kích thích thần kinh giao cảm.
Mồ hôi ngực
Là mồ hôi ra nhiều ở hai bên vú, còn các bộ phận khác ít hoặc không có. Mồ hôi ngực ra nhiều là do lo âu suy nghĩ, kinh hãi, hoảng sợ quá mức ảnh hưởng đến tim, lá lách, dẫn đến tim không làm chủ được huyết, tỳ. Mồ hôi ngực cũng có thể thấy ở những người có chức năng tim phổi khác thường.
Mồ hôi tay
Thường do tỳ vị hư nhiệt, thể chất hao tổn gây ra hoặc do gặp phải việc quá căng thẳng.
Mồ hôi ra lệch
Là hiện tượng mồ hôi ra nửa thân bên trái hoặc phải, trên hoặc dưới. Đông y cho phần nhiều là do khí huyết hư lệch, kinh lạc bị tắc trệ gây nên. Hiện tượng này là điềm báo trước của trúng phong.
Mồ hôi vàng
Là mồ hôi có màu vàng, sau đó người lạnh ướt như tắm. Đó là do thấp tà đã nhập vào bên trong, hoặc hàn thấp tích ở mặt ngoài cơ thể. Mồ hôi tiết ra thất thường, chất urat trong mồ hôi tăng nhiều có thể làm cho mồ hôi có màu vàng. Mồ hôi vàng có kèm theo mùi tanh thường thấy ở bệnh nhân xơ gan.
Mồ hôi hôi
Nếu mồ hôi có mùi khai, trên da có chất kết tinh thì là triệu chứng của nhiễm độc urat.
Mồ hôi thơm
Mồ hôi có mùi thơm thường thấy ở người bị đái tháo đường khi có nhiễm độc axeton.
Mẹo vặt chữa bệnh
________________________________________
Để làm dịu đi vết phồng rộp do cháy nắng, bạn nhúng khăn vào cốc trà đặc có đá rồi đắp từ 30 phút đến 1 tiếng, tùy mức độ tổn thương. Axit tanic có trong trà sẽ làm da bạn dịu lại.
Sau đây là những cách chữa chữa bệnh thông thường khác, rất đơn giản nhưng hiệu quả:
Đau đầu: Dùng một túi đá đặt lên trán hoặc cổ, tắm nước nóng. Một lượng caffein trong một tách cà phê hoặc lon cola làm cho cơn đau đầu giảm dần. Thậm chí tập những bài tập mạnh một vài phút cũng có thể xóa đi cơn đau. Khi nào tất cả các giải pháp trên không hiệu quả, thì bạn hãy dùng thuốc giảm nhức đầu.
Nóng bụng: Nếu bạn thấy đầy bụng, khó tiêu, thử uống hỗn hợp gồm soda và nước với tỷ lệ bằng nhau, hay một thìa canh mật ong để tránh hình thành axit. Có thể đặt một chai nước nóng lên lá gan (vị trí phía trên ngay bên phải bụng dưới) để giúp gan và túi mật tiêu hóa tốt hơn những gì bạn đã ăn. Cuối cùng, để chữa ợ chua, bạn hãy ăn một quả chuối.
Bị bỏng: Bạn bị mỡ bắn hay bị phồng rộp da tay khi cố gắng nhấc nồi xuống bếp bằng tay? Có nhiều cách giúp bạn khỏi bị phồng rộp và mau lành vết bỏng: Thoa một ít sữa lạnh lên chỗ bỏng, hoặc ngâm tay trong nước đá. Để giảm đau và nhanh liền vết thương, bạn có thể bôi thêm một lớp kem vitamin E thật mỏng.
Đứt tay: Trong khi vội vàng, bạn đã làm đứt tay. Đừng coi thường những vết thương hở này vì hằng ngày tay bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều vi khuẩn, rất dễ gây nhiễm trùng. Bạn nên lấy chất nhờn từ nha đam (lô hội) để bôi lên chỗ trầy xước hay chỗ đứt tay.
Nghẹt mũi: Bạn có thể thông mũi bằng cách cho nước nóng và xông hơi bằng bạc hà. Cho vài giọt tinh dầu bạc hà cay vào trong chậu nước; nhúng khăn vào chậu, trùm khăn kín đầu và hít thở thật sâu bằng mũi hoặc miệng. Nếu bạn đủ can đảm, hít nước pha một chút muối tinh vào trong mũi để làm sạch đường thông khí.
Viêm họng: Súc miệng với nước ấm thêm một chút muối. Một thìa cà phê mật ong nguyên chất cũng làm mát họng hơn. Bạn cũng có thể lấy giá đậu rửa sạch, giã nhỏ, trộn với một chút muối tinh, rồi ngậm trong họng. Bạn đừng để cho chỗ viêm họng lan rộng vì đến lúc đó bạn sẽ ăn không thấy ngon và rất dễ bị mất tiếng.
Đau và mỏi chân: Bạn có một ngày shopping thú vị, nhưng đôi chân đau nhừ. Hãy ngâm chân vào nước muối ấm và thư giãn. Sau đó, để khô chân và bôi kem dưỡng. Nếu bạn sẽ phải đi bộ nhiều, nên mang theo thuốc xịt làm mát chân. Nếu bị bong gân, bạn cho đá vào khăn và đắp lên vết thương cho đến khi đỡ đau hơn. Hãy kiên nhẫn, bong gân cần nhiều thời gian để phục hồi hơn là bạn nghĩ.
Đau bụng kinh: Tránh ăn những thực phẩm nhiều đường, muối, chất béo và caffeine. Cá hồi, vitamin E, dầu anh, thảo, gừng, trà hoa cúc và việc chườm nước ấm có thể làm bạn thấy thoải mái hơn. Một chế độ ăn kiêng hợp lý với không quá nhiều sản phẩm từ sữa, thịt tươi, hoặc chất béo bão hòa có thể giúp cơ thể giảm bớt lượng oestrongen trong giai đoạn này. Oestrongen chính là nhân tố làm cơ thể mệt mỏi.
Đau lưng: Đau lưng không chỉ xẩy ra với phụ nữ mang thai mà còn với cả người già. Đây là chứng bệnh một phần là do lười vận động. Để thoát khỏi chứng đau lưng, bạn chỉ cần đắp lên đó gừng đã được nghiền nát hoặc xoa bóp bằng dầu khuynh diệp. Một cách chữa nữa là lấy dầu từ tỏi được cắt nhỏ trộn với dầu vừng, đun nhỏ lửa khoảng 5 phút, đợi đến khi hơi nguội thì đặt lên chỗ đau.
Tại sao bạn bị đầy hơi?
________________________________________•
Người bệnh thường nhầm lẫn giữa đầy hơi (có nhiều hơi trong dạ dày, ruột) với chậm tiêu (thức ăn chậm được tiêu hóa). Có rất nhiều nguyên nhân gây đầy hơi.
Sau đây là các yếu tố khiến hơi tích nhiều trong đường tiêu hóa của bạn:
Hơi đi ngược
Bình thường, thực quản, dạ dày, ruột co bóp hướng về phía dưới và hơi được tống ra qua hậu môn. Bình thường khi ăn, cơ thực quản dưới giãn ra, hơi theo thức ăn xuống dạ dày. Ở người bị bệnh, do cơ thắt thực quản dưới bị giãn hơi bị tống ngược lên, từ dạ dày qua thực quản ra miệng. Một số thức ăn làm lỗ thực quản dưới đóng không kín, dễ gây ợ hơi như hành, khoai tây, bạc hà.
Ở người lo âu, căng thẳng, cơ thực quản trên giãn ra, áp suất lồng ngực giảm xuống, hơi được hít vào theo thực quản, dạ dày. Ợ hơi còn gặp trong bệnh trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày - tá tràng, bệnh phổi, viêm túi mật, sau mổ thực quản.
Quá nhiều hơi
Ở người bình thường, hơi chứa trong ruột khoảng 200 ml và thoát ra qua trung tiện khoảng 600 ml/ngày. Ở người bệnh, lượng hơi tăng lên, gây chướng bụng. Các loại hơi này gồm có nitrogen, oxy, carbon dioxit, hydrogen và methan.
Hơi tăng lên trong ống tiêu hóa là do rối loạn chuyển hóa tinh bột, do sự lên men của vi trùng. Các chất tinh bột, glycoprotein xuống đến đại tràng bị vi trùng làm lên men, gây ra khí hydrogen, carbon dioxit, methan. Các loại tinh bột dễ gây đầy hơi là đậu, thực phẩm họ đậu, đường fructo, sorbitol trong trái cây...
Đầy hơi cũng thường gặp trong rối loạn vận động ống tiêu hóa và bệnh chuyển hóa, hội chứng đại tràng kích thích, rối loạn hấp thu tinh bột...
Nếu đầy hơi kéo dài, lặp lại gây khó chịu, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra tìm nguyên nhân, từ đó có cách khắc phục phù hợp.
No comments:
Post a Comment