Những phương cách trị bệnh
Con người đang nỗ lực khám phá thiên nhiên, tốn nhiều tiền của, công sức, mạng sống để khám phá vũ trụ. Nhưng chính con người vẫn còn là một bí ẩn, nhất là về bệnh tật. Rất nhiều câu hỏi về con người chưa có giải đáp. Bác sĩ Alexis Carrel, đoạt giải Nobel năm 1912, nhìn ngắm những kỳ diệu thân xác nhỏ bé của con người, ông thảng thốt kêu lên “Ôi, con người là một ẩn số”. Đó là tựa đề cuốn sách thời danh của ông: L’homme, cet Inconnu.
Bệnh tật con người trước hết có nguyên nhân thuộc về thể chất như do tai nạn, tuổi già, chất độc, vi khuẩn, hoặc những phép ăn uống, vận động sai lầm, hoặc cách xử thế không đúng. Nhưng theo sự tìm tòi của các nhà khoa học hiện nay, người ta đưa đến những kết luận : “Những trạng thái bất điều hòa, mất thăng bằng ở tư tưởng và cảm giác của con người, nếu kéo dài, chúng sẽ đem đến bệnh tật cho thể xác”. Chúng ta thử tìm hiểu xem trong quá trình tiến triển của y khoa, loài người đã biết được và giải quyết được những gì về bệnh tật của con người. Y khoa cổ đại Ông tổ y khoa Tây Phương Hippocrates Việc chữa bệnh và phòng bệnh ra đời rất sớm để giúp con người chống chọi với thiên nhiên. Thời tiền sử, con người đã biết dùng thảo mộc, các bộ phận trong cơ thể động vật hoặc khoáng chất để chữa trị. Hippocrates được xem là ông tổ của ngành Tây Y. Ông xây dựng y học trên cơ sở vật chất, tách rời khỏi tôn giáo, dựa vào quan sát cụ thể những dấu hiệu của bệnh. Bệnh tật là một hiện tượng tự nhiên của cơ thể, không có ma lực huyền bí gì gây nên. Nguyên tắc cơ bản để chữa bệnh chủ yếu là trợ lực cho sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Cách điều trị của ông rất thận trọng "Không được làm bất cứ điều gì một cách táo bạo. Đôi khi còn phải nghỉ ngơi hoặc chẳng làm gì hết." Y học cổ đại Trung Hoa được hình thành và phát triển với sự ra đời của thuyết âm dương, ngũ hành. Nhiều tác phẩm nổi tiếng như Sách Thần Nông, bản thảo tổng hợp các loại dược liệu, gồm 365 vị thuốc bổ và thuốc chữa bệnh. Sách Hoàng Đế Nội Kinh lấy học thuyết âm dương, ngủ hành giải thích quan hệ giữa con người và vũ trụ, quan hệ giữa các tạng phủ trong cơ thể, nội dung có nhiều kiến thức quý giá về các căn bệnh, nguyên nhân phát sinh, biểu hiện phương pháp chẩn đoán, cách chữa trị, phòng ngừa, vai trò tác dụng tích cực của thuật dưỡng sinh, trị liệu bằng thuật kim châm, sự liên quan giữa kinh mạch và ngũ tạng, quan hệ của thời tiết bốn mùa và ngũ tạng v.v... Y khoa hiện đại Cha đẻ cừu Dolly Y học hiện đại ứng dụng các kiến thức khoa học sức khỏe, nghiên cứu về y sinh học và công nghệ y học để chẩn đoán và chữa trị bệnh tật thông qua thuốc men, phẫu thuật hoặc bằng nhiều phương pháp trị liệu phong phú khác. Từ "y học" trong tiếng Anh là "medicine" có nguồn gốc từ tiếng Latin là "ars medicina", nghĩa là "nghệ thuật chữa bệnh", bao gồm nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe nhằm duy trì, hồi phục cơ thể từ việc phòng ngừa và chữa bệnh. Louis Pasteur nhà vi khuẩn học đầu tiên. Năm 1879, Pasteur cô lập và nuôi cấy liên cầu khuẩn. Ông thấy rằng bệnh dại lây nhiễm do một tác nhân nhỏ không tìm thấy dưới kính hiển vi, nhờ đó phát hiện virus. Kết quả là ông đã triển khai được kỹ thuật tiêm vaccin cho chó chống bệnh dại và điều trị cho người bị chó dại cắn. Robert Koch phát hiện sự lây bệnh do vi khuẩn khoảng năm 1880. Đến năm 1895, Vincenzo Tiberio, nhà vật lý học ở đại học Naples đã phát hiện nấm mốc (Penicillium) trong nước có hoạt động kháng khuẩn tốt và thuốc kháng sinh ra đời năm 1900. Loại kháng sinh đầu tiên do người Pháp chế ra có tên gọi sulfa nhưng nó gây nhiều rắc rối vì có quá nhiều tác dụng phụ. Mãi đến năm 1928, kháng sinh Penicillin được nhà khoa học Alexander Fleming (Anh) tình cờ quan sát một chiếc đĩa bẩn dùng trong thí nghiệm. Ông nhận thấy rằng không có vi khuẩn nào mọc trên các đĩa Petri có mốc meo. Ông kết luận mốc của nấm Penicillium Natatum tiết ra chất Penicillin có thể giết chết được vi trùng. Nhưng phải đợi tới năm 1940, nhờ các nghiên cứu của H.W.Florey và E.B.Chain, thuốc Penicillin mới được sản xuất đại quy mô để trị bệnh. Sự khám phá ra thuốc Penicillin được coi như một thành quả lớn của thế kỷ 20. Đến nay y học tiến bộ vượt bậc trong lãnh vực tiêm chủng ngừa, kỹ thuật chẩn đoán bằng các phương pháp cơ khí trị liệu như máy điện tâm đồ, đo hoạt động điện năng của cơ tim (Electrocardiograph), sử dụng tia sáng laser trong giải phẫu cũng như điều trị, giải mã được bộ gen người, giải pháp nối-ghép bộ phận cơ thể, lọc máu, thụ tinh trong ống nghiệm, thành tựu lớn về tế bào, gen, cơ chế di truyền, sinh hóa tế bào, miễn dịch trong ung thư, mổ tim, ghép thận, chế tạo và sử dụng các cơ quan nhân tạo trong ghép, thụ tinh nhân tạo... Các bộ môn y học khác mà cách đây không lâu y khoa Tây Phương không chấp nhận nhưng theo đà tiến của khoa học đã cải tiến cách điều trị. Các môn châm cứu, bấm huyệt, xoa bốp, chỉnh hình, thôi miên, cũng được y khoa hiện đại công nhận. Trong tương lai, y khoa sẽ trị bệnh bằng cách sắp xếp lại cấu trúc Gen, và mỗi người sẽ có một Chip AND với toàn bộ danh mục Gen lành, Gen bệnh. Sẽ không còn nối tắt động mạch vành bị tắc nghẽn, mà có phương pháp kích thích cơ tim tạo ra động mạch vành mới thay thế cho động mạch nghẽn. Bằng kỹ thuật sinh sản vô tính, người ta đã tạo ra một con cừu do sự phối hợp của tế bào thường với trứng không nhân của con cừu cái khiến nhiều nhà tôn giáo, đạo đức lo sợ một ngày nào đó con người cũng được sinh sản vô tính. Sẽ có thuốc chặn sự nuôi dưỡng, tăng trưởng tế bào ung thư khiến chúng bị hủy diệt hay gửi những "siêu trùng " đột nhập tế bào ung thư để tiêu hủy. Và bộ phận cơ thể sẽ được cấu tạo từ những tế bào gốc (stem cells) để thay thế cho trái tim già nua, lá gan suy yếu. Tuy nhiên, Y khoa hiện nay vẫn bó tay trước bệnh ung thư, Aids, Ebola...và đã phạm nhiều sai lầm tai hại. Mới đây, quần chúng bị một cú sốc lớn về kích thích tố. Các nhà khoa học vừa công bố một loạt nghiên cứu lớn (những nghiên cứu trên cả triệu tình nguyện viên) cho thấy phụ nữ mãn kinh dùng kích thích tố nữ và progestin (hormone replacement therapy, hay HRT) có nguy cơ bị ung thư vú, nghẽn máu, đột quị, và đau tim cao hơn là những người không dùng HRT. Như vậy, mỗi khi nghe hay đọc một bản tin về một phát hiện huyền diệu trong y khoa, chúng ta nên cảnh giác, nên đặt câu hỏi một cách nghiêm túc. Điều cần nhớ là đại đa số những lợi ích mà giới y khoa quảng bá về các khám phá khoa học chỉ là những sự đoán già, đoán non, trong cái thời đại mà chỉ mới hôm qua đây thôi, họ vẫn chưa thể nói cho công chúng biết được những ảnh hưởng thực của dược phẩm và các cách điều trị hiện nay. Sức đề kháng của cơ thể Mô bạch huyết ở đầu và cổ Sức đề kháng là khả năng kỳ diệu mà hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại những vi sinh vật gây bệnh trong khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Để bảo vệ sức khỏe, trong thế giới đầy mối nguy hại cho con người, tạo hóa đã trang bị bên trong cơ thể con người một hệ thống phòng thủ đặc biệt, hay còn gọi là sức đề kháng của cơ thể, mang những đặc tính như những vũ khí bén nhạy, để chống lại những đe dọa gây hại cho cơ thể đến từ bên ngoài, như các trường hợp tai nạn, bạo hành, bệnh tật, . . . Sự đề kháng cơ thể có những đặc tính sau đây : - Các cơ quan tri giác có nhiệm vụ giúp cơ thể nhận thức được những báo động trước khi tai nạn, hoặc một mối tấn công sắp đến. Thí dụ như mắt có thể nhận thấy, hay tai có thể nghe những âm thanh nguy hiểm, mũi có thể ngữi khám phá ra những mùi gây nguy hiểm, từ ngọn lửa đưa đến, hay hơi độc của chất hóa học. - Cơ thể có những phản xạ tự nhiên đối với kích thích của môi trường bên ngoài cũng như bên trong của cơ thể. Phản ứng này thực hiện nhờ hệ thần kinh chỉ huy chận lại các nguy hiểm cho các bộ phận trong cơ thể. - Đau nhức là tình trạng báo động sự mất an toàn của cơ thể, một biểu lộ có sự cố của một số chức năng trong cơ thể. Những cảm giác đau nhức được biểu lộ qua nhiều cách khác nhau như : cơn đau nhức có thể kéo dài liên tục, hay gián đoạn từng cơn, dữ dội (nhanh mạnh), hay ngấm ngầm (chậm nhẹ), đau nhói hay nóng bỏng. . . - Tuyến phòng thủ đầu tiên có nhiệm vụ ngăn chận sự xâm nhập vi trùng gây bệnh là phần da và chất nhờn của cơ thể. Khi phần da bị phá vỡ sẽ tạo nên một vết thương, và vùng bị ảnh hưởng chung quanh vết thương. Trước tiên, chất huyết tương (Clotted Blood) trong máu có nhiệm vụ bao phủ lên trên mặt vết thương. Ngoài việc ngăn chận sự chảy máu nơi vết thương, huyết tương còn tạo nên một màng phòng thủ chống lại sự nhiễm trùng. - Tuyến phòng thủ thứ hai là bạch huyết (lymph). Chúng phá vỡ quá trình nhiễm độc trầm trọng và bảo vệ các cơ quan trọng yếu của cơ thể. - Cơ Chế Miễn Nhiễm Riêng Biệt (Specific Immune Mechanism) có nhiệm vụ đáp ứng với ngoại chất, mà cơ thể đã có lần xúc tác. Những ngoại chất nầy bao gồm các mầm độc từ Viruses, và những độc tố của vi khuẩn (Bacterial Toxins), được gọi là những kháng nguyên. - Tính miễn nhiễm (Immunization) tự nhiên trong cơ thể sau một cơn bệnh như đậu mùa, sởi, phong đòn gánh... - Hồi phục sức khỏe sau khi bị bệnh. Cơ thể tiếp tục hoàn thành chức năng. Nhiều mô tầng có thể được thay thế sau khi bị thương. Tóm lại một số bệnh tật có thể tự nhiên khỏi (self limiting) sau một thời gian nào đó, nghĩa là bệnh có thể biến đổi ngày này qua ngày khác và nhờ vào sức đề kháng của cơ thể bệnh có thể bớt đi kể cả các bệnh nan y. Placebo và Phép lạ Placebo Hội Ung Thư Hoa Kỳ có ghi rằng: "Khi một người tin tưởng một cách mãnh liệt rằng người chữa bệnh sáng tạo một phương cách chữa, tác dụng trấn an (placebo effects) có thể xảy ra. Sự tin tưởng được chữa lành có thể làm tăng sự an bình trong tâm hồn, giảm trầm uất, bớt đau đớn và hồi hộp và tăng thêm sức mạnh muốn được sống…” Tây y dựa vào thử nghiệm để bào chế thuốc men và phương pháp điều trị. Để biết được một loại thuốc mới (hay phương pháp điều trị mới) có hiệu nghiệm ở người hay không và hiệu nghiệm ở mức độ nào, các nhà nghiên cứu y khoa thường hay tiến hành những cuộc thử nghiệm lâm sàng. Tiếng Anh gọi những cuộc thử nghiệm này là "Randomized controlled clinical trials" (Thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên). Đây không phải là một cuộc thí nghiệm như các nhà khoa học thường làm trong các phòng thí nghiệm, mà là một chương trình nghiên cứu. Chương trình này được các cơ quan y tế chính phủ giám sát cực kỳ gắt gao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Chỉ những nhà nghiên cứu có uy tín mới được phép làm những thử nghiệm này. Gọi là “randomized” vì bệnh nhân được phân chia từng nhóm một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, và “controlled” là vì bệnh nhân được chọn theo những tiêu chuẩn đã định sẵn, và được theo dõi trong một môi trường có kiểm soát. Đây là một phương pháp khoa học được giới khoa học, khoa bảng, và các cơ quan y tế chính phủ chấp nhận và công nhận là khách quan nhất và kết quả có độ tin cậy cao nhất. Tất cả các loại thuốc và phương pháp điều trị, trước khi được phép bán trên thị trường hay dùng vào việc điều trị, đều phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên. Tùy theo trường hợp bệnh tật, loại thuốc, và giai đoạn, những cuộc thử nghiệm này thường được nhiều bệnh nhân tình nguyện tham gia để được điều trị và theo dõi thường xuyên bởi thầy thuốc. Thông thường, trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng, bệnh nhân được chia thành hai (hoặc nhiều hơn) nhóm; trong đó, có một (hay vài) nhóm mà bệnh nhân được điều trị bằng thuốc thật với liều lượng khác nhau, và một nhóm được "điều trị" bằng "placebo". Chữ "Placebo" xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa tiếng Anh là "I shall please" (Tôi sẽ làm vui lòng). Placebo là một loại thuốc giả mà các nhà nghiên cứu bào chế sao cho nó hoàn toàn không có một tác dụng sinh lý gì đến căn bệnh, nhưng đồng thời cũng không làm hại đến sức khỏe bệnh nhân. Placebo được bào chế có hình dạng và mùi vị giống y như thuốc thật, với ý định không cho người dùng phân biệt được thuốc thật hay giả. Bệnh nhân được phân chia nhận thuốc thật và placebo một cách ngẫu nhiên. Để bảo đảm tính khách quan trong khi thẩm định quá trình tiến triển của bệnh nhân, bác sĩ và y tá không biết bệnh nhân đang nhận thuốc thật hay giả. Bệnh nhân cũng không biết mình dùng thuốc thật hay giả. Đây là cách nghiên cứu “double-blind”, tức cả hai thành phần trong cuộc thử nghiệm đều “mù”. Trong nhóm nghiên cứu, chỉ có một nhà nghiên cứu độc lập có danh sách bệnh nhân nhận thuốc nào, và chính nhà nghiên cứu này phân tích dữ kiện và căn cứu vào các dữ kiện này để đánh giá sự hữu hiệu của thuốc. Khi đánh giá sự hữu hiệu của thuốc, các nhà nghiên cứu thường so sánh tác dụng của thuốc thật và placebo. Nếu tác dụng của thuốc thật cao hơn tác dụng placebo, các nhà nghiên cứu có bằng chứng để có thể kết luận rằng thuốc đang được thử nghiệm có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tác dụng của hai nhóm placebo và thuốc thật giống nhau, thì các nhà nghiên cứu không có lý do nào khác hơn là kết luận rằng thuốc đang thử nghiệm không có hiệu quả. Còn lý do tại sao thì sẽ là đề tài bàn thảo, tranh luận, nghiên cứu và có thể làm ... thử nghiệm thêm. Nhưng trong thực tế, những gì xảy ra không đơn giản như thế. Có nhiều nghiên cứu cho thấy placebo cũng có tác dụng không kém gì thuốc thật! Nhiều vấn đề nan giải được đặt ra như đánh giá sự hiệu nghiệm của thuốc thật như thế nào cho công bằng (chẳng hạn như có nên so sánh với placebo hay so sánh với tình trạng của bệnh nhân trước khi dùng thuốc), và quan trọng hơn là tại sao tác dụng placebo lại đáng kể, trong khi theo khoa học nó “đáng lẽ” không có tác dụng gì cả. Phải nói ngay rằng: "tác dụng placebo là thực". Tuy rằng ảnh hưởng của placebo có thể là ảo tưởng, nhưng không phải là giả tạo. Bệnh nhân với bất cứ đau nhức nào, từ nhức đầu đến đau tim, đến ung thư, có thể cảm nhận được lợi ích từ placebo. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể thấy đau nhức được giảm đến 50% trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy placebo còn có thể giảm nôn ói, giảm ho, giảm độ mỡ trong máu, v.v... Rất nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng trên thế giới đã và đang đi tìm nguyên nhân cho hiện tượng tác dụng placebo, và cho đến nay, một số thuyết đã ra đời. Một trong những thuyết cổ điển nhất cho rằng một khi bệnh nhân đã kinh nghiệm bớt đau trong một môi trường y khoa (bệnh viện hay phòng mạch bác sĩ) với thuốc men và sự chú ý của người thầy thuốc, thì lần sau khi được đặt trong một môi trường như thế, họ sẽ cảm thấy bớt đau. Có thể hiểu thuyết này như là thuyết "mớm cung", giống như trường hợp nổi tiếng về mối quan hệ giữa tâm lý và thức ăn mà Bác sĩ Pavlov đã đề xuất vào khoảng đầu thế kỷ 20. Thuyết thứ hai dựa vào các nghiên cứu sinh hóa cho thấy khi bệnh nhân dùng placebo, cơ thể họ cũng đồng thời bài tiết một hormone có tên là endorphin. Endorphin là một hóa chất ở trong não, và có khả năng giảm đau tương tự như thuốc phiện. Phần nhiều các loại thuốc giảm đau thường có tác dụng làm giảm đau qua điều chỉnh sự giải thoát endorphin trong cơ thể. Thuyết thứ ba dựa vào các dữ kiện nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ở trong một tình huống căng thẳng và nhạy cảm như suyển và huyết áp cao thường phản ứng rất tích cực khi dùng placebo. Và trong tình huống nguy kịch như thế, một viên thuốc, dù giả, có thể đem lại cho bệnh nhân một sự yên tâm, giảm căng thẳng, và tăng niềm hi vọng, như người đang đuối trên sông biển vớ được một mảnh gỗ để làm phao. Tất cả ba thuyết trên đây có một mẫu số chung: yếu tố kỳ vọng, sự hứa hẹn được giúp đỡ từ một người khác. Niềm hi vọng có tác dụng rất lớn không những trong đời sống hàng ngày mà còn trong bệnh tật và thậm chí thời điểm qua đời của bệnh nhân. "Một số bệnh nhân, dù ý thức được là bệnh của họ đang trong giai đoạn nguy kịch, nhưng lại hồi phục sức khỏe, đơn giản chỉ vì họ hài lòng với sự chăm sóc của người thầy thuốc." Quả vậy, tác dụng placebo có xu hướng tùy thuộc vào sự tương tác giữa người thầy thuốc với bệnh nhân. Một nghiên cứu cho thấy khi bác sĩ tỏ ra tin tưởng với một loại thuốc nào đó (chẳng hạn như câu phát biểu "Thuốc này rất mạnh, và tôi tin là nó sẽ giúp cho anh chị khỏi bệnh"), bệnh nhân càng cảm nhận tác dụng placebo cao hơn, có thể lên đến 80%. Nguyên lý cơ bản của mối quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân còn có thể hiểu như một hợp đồng: bệnh nhân chuyển giao lòng tín nhiệm của mình cho người thầy thuốc; và tin rằng người thầy thuốc từ đó sẽ giúp đỡ họ. Hứa hẹn này đặt trên một nền tảng chính là người bác sĩ sẽ điều trị bệnh nhân bằng những kỹ năng và tri thức tiên tiến nhất và có ích cho bệnh nhân. Với một niềm tin như thế, bệnh nhân cảm thấy an tâm là họ đang được chăm sóc. Dù công nghệ y học cũng như sự chuyên môn hóa ngành y đã phát triển thành trụ cột nền y học hiện đại nhưng vì phương pháp chữa trị trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân vẫn hiệu quả giúp giảm thiểu đau bệnh nên chúng cần tiếp tục thực hiện, thông qua việc quan tâm đến cảm xúc cũng như lòng trắc ẩn nói chung của con người. Bệnh nhân đến Lourdes chữa bệnh Đức tin cuối cùng vẫn là một phương thức để giúp con người tự chữa được bệnh. Alexis Carrel là một bác sĩ vô thần, đã theo đạo Công giáo, khi ông chứng kiến một hiện tượng khỏi bệnh mà khoa học không thể giải thích được. Ông phụ trách một toa xe chở bệnh nhân từ Paris về Lourdes. Trong số bệnh nhân này có một cô gái chân cao chân thấp, phải đi vẹo vọ. Thế mà sau khi cầu nguyện, hai chân cô lại dài ngắn bằng nhau, đi lại bình thường. Alexis Carrel, ngẩn ngơ. Lý trí của ông đầu hàng đức tin. Cá hồi từ cửa sông, lội ngược hàng ngàn cây số, phải nhảy thác để về tới nguồn, nơi “chôn nhau cắt rún” của nó. Nó phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nó đẻ trứng. Trứng nở con. Cá con xuôi dòng về cửa sông. Hai năm sau nó lại mở cuộc hành trình đầy gian khổ và nguy hiểm để về nguồn, để đẻ…Tại sao thế? Các nhà khoa học vẫn làm thinh, đó là mầu nhiệm mà khoa học không trả lời được. 11 tháng 2 hằng năm là ngày lễ kính kỷ niệm Đức Mẹ Maria hiện ra ở Lourdes năm 1858. Ngày 01.03.1858 đang khi Đức Mẹ hiện ra với thiếu nữ Bernadette, một phụ nữ 93 tuổi đến dòng suối nước hang đá Lourdes cầu nguyện. Bà lấy ngón tay chạm vào nước nơi đó với lời nguyện xin ơn chữa lành, liền sau đó bà được khỏi bệnh tê liệt. Phép lạ chữa lành bệnh cho bà. Và từ đó dòng người tuôn chảy đến nơi đây cầu khẩn xin ơn ngày càng đông từ hơn 150 năm qua. Và từ năm 1992 Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã lấy ngày này là ngày cầu nguyện cho những người bị bệnh tật, còn gọi là "ngày bệnh nhân thế giới“. Từ khi Đức mẹ Maria hiện ra tất cả 18 lần với thiếu nữ Bernadtte, Lourdes trở thành trung tâm hành hương quốc tế kính viếng Đức Mẹ. Hằng năm hàng triệu người hành hương đến đây cầu nguyện xin ơn chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tinh thần. Trong dòng hành hương nầy có hơn 50.000 bệnh nhân và bị tật nguyền đến cầu khẩn xin ơn chữa lành. Vì thế người ta gọi Lourdes là thủ đô của bệnh nhân. Một ủy ban các bác sĩ y khoa quốc tế, gồm những nhà khoa học thuộc đủ mọi thành phần tôn giáo, qua nhiều cấp khám nghiệm, cứu xét rất nghiêm ngặt từng trường hợp được chữa lành bệnh khác thường xảy ra ở Lourdes. Cho tới nay có hơn 7000 trường hợp được ghi nhận là đã được chữa lành. Nhưng chỉ có hơn 68 trường hợp được chính thức công nhận là được chữa lành do phép lạ ở Lourdes. Bác sĩ y khoa Dr. Alexis Carrel tự xưng mình là người không có tin tưởng gì, sau khi khảo sát xem xét trường hợp một bệnh nhân bị ung thư được chữa lành do phép lạ ở Lourdes đã nói lên bằng chứng : " Không bao giờ tôi quên được biến cố đau thương này, khi tôi tận mắt nhìn thấy cục bướu ung thư to lớn ở cánh tay của một người thợ trước đó, mà sau này đã từ từ nhỏ dần lại chỉ còn lại một vết thẹo nhỏ. Tôi không thể hiểu được điều đó, nhưng tôi cũng không hồ nghi gì điều tôi đã tận mắt nhìn thấy.“ Thiền - Dinh dưỡng - Vận động Thiền Trong cơ thể con người có 2 phần: phần xác và phần hồn, mà sinh viên y khoa cần phải học qua. Phần xác là một bộ máy thống nhất, và tinh vi từ toán học, vật lý, hóa học, sinh học, hóa sinh học, sinh lý, sinh lý bệnh học, vi sinh, ký sinh, dược lý học, triệu chứng học, bệnh học, v.v... Phần hồn là tâm lý học, tâm lý người bệnh, phân tâm học của Freud,... Khi chủ nghĩa duy lý chưa ra đời và chưa chi phối đời sống con người, đời sống tâm linh ở con người rất dễ được nhận thấy, thậm chí nó thâm nhập tất cả các mặt đời sống khác của con người. Nhưng trong xã hội hiện đại, lý trí được tôn thờ như một quyền lực vạn năng, nó lại làm cho con người mất đi nhiều thứ vốn có của nó, trước hết là đời sống tâm linh. Từ đó, nảy sinh ra một ngành mới trong y khoa gọi là ngành y khoa thuộc về tâm bệnh hay là psychosomatic. Danh từ psychosomatic gồm hai chữ psycho tức là linh hồn và soma nghĩa là thể xác. Hai chữ ghép lại psycho và soma thành chữ psychosomatic. Các nhà nghiên cứu hiện nay thấy phần đông bệnh nhân đều bị xúc cảm về thần kinh. Do đó kết luận rằng : có sự liên quan mật thiết giữa xúc cảm, xúc động về cảm giác và chứng bệnh về thể chất của họ. Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Ngoài ra, trong điều kiện phát triễn của nền văn minh công nghiệp với tính cạnh tranh cao, con người luôn phải đối mặt với nhiều loại áp lực thì việc phải gánh chịu stress làm giảm sức đề kháng và dễ dẫn đến nhiều bệnh tật là điều đáng lo ngại. Từ những thực tế nầy nhiều người đã tìm đến với thiền. Thiền không nhất thiết là một phương pháp tu tập của Phật giáo để giải thoát mà đơn giản chỉ là một sự thực hành tập trung tư tưởng vào một đối tượng cụ thể, được dùng làm phương thuốc trị liệu để bồi dưỡng sức khỏe. Theo nhiều công trình nghiên cứu y học hiện đại, Thiền mỗi ngày cũng có thể mang lại những tác động tích cực, giúp bình ổn huyết áp, giảm cholesterol và hoạt chất cortisol trong máu, tăng cường miễn nhiễm và khả năng sáng tạo, chống suy nhược cơ thể… Thiền đã được con người phát hiện từ thời xưa, đó là một phương pháp dưỡng sinh kỳ diệu. Nói một cách dễ hiểu, thiền là nhận biết chính mình. Phẩm chất đó của con người được thể hiện qua việc chứng kiến, quan sát bản thân như một đối tượng một cách khách quan. Người ta có thể thiền cả trong khi bất động và hoạt động. Quá trình thiền dần dần sẽ làm cho tâm tư tĩnh lặng và sáng suốt hơn. Con người thường bệnh là vì có nhiều sự rối rắm, bất ổn trong tâm, đo đó tập Thiền là cách để giúp mình hồi phục lại được sự yên tỉnh, giải tỏa những căng thẳng, lo lắng, bất an . Một cách đơn giản, thiền là phương pháp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra. Có nhiều phương pháp để tập thiền, nhưng tựu trung nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào. Đơn giản nhất trong việc tập thiền là biết thở đúng cách. Cách thở theo thiên nhiên và bình thường chính là thở bụng. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga... đều bắt đầu bằng tập thở bụng. Phương pháp tập thở nầy, ngày càng được phổ biến ở trung tâm y khoa lớn trên thế giới để chữa stress, căn nguyên các bệnh dịch không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gout… Thiền cần suy tưởng. Trước hết là suy tưởng về hơi thở vào và thở ra. Lợi ích bất ngờ là khi theo dõi hơi thở, lại giúp chúng ta cắt đứt các dòng suy nghĩ linh tinh khác (Tâm viên ý mã). Gom thân tâm ta về một mối là hơi thở của chính mình. Ở đây và bây giờ, dứt bật những lo âu phiền muộn. Nói khác đi, nó làm ta được “thảnh thơi”, nó giải stress, nghĩa là mang lại sức khỏe, hạnh phúc. Tháp dinh dưỡng của Weil Thiền là phương pháp luyện tâm nhưng đồng thời sự hiểu biết tường tận về ích lợi cách thức giữ gìn ăn uống quân bình, việc tập luyện cơ thể, đã đóng góp rất nhiều vào việc ngừa bệnh và hạ thấp mức tử vong. Theo đó, môn dinh dưỡng học chiếm một vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển tinh thần và cơ thể. Mỗi thời kỳ phát triển của con người, nhu cầu về dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên việc đáp ứng nhu cầu ấy một cách hợp lý cần phải đáng chú ý, vì đó là nền tảng của sức khỏe. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, vì các sai lầm về dinh dưỡng trong giai đoạn ấu thơ có khi gây những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài đến suốt đời. Chất dinh dưỡng thiết yếu là chất dinh dưỡng cần thiết cho các chức năng của cơ thể bình thường, mà cơ thể không thể tự tổng hợp, hoặc không thể tổng hợp được với số lượng đầy đủ để cơ thể có sức khỏe tốt (ví dụ: niacin, cholin), và do đó cơ thể phải thu nạp từ chế độ ăn uống. Các chất dinh dưỡng thiết yếu cũng được xác định bởi các bằng chứng sinh lý học về tầm quan trọng của chúng trong chế độ ăn uống. Một số loại chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm các vitamin, khoáng chất dinh dưỡng, axit béo và axit amin . Nước và oxy cũng cần thiết cho sức khỏe và đời sống con người, nhưng cơ thể không thể tổng hợp được oxy, còn nước là một sản phẩm phản ứng hóa sinh của sự trao đổi chất thì lượng nước sinh ra cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Cả nước và oxy đều cần thiết như là chất phản ứng sinh hóa trong một số quá trình, và nước được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như là dung môi, chất mang, chất làm mát, và tham gia vào cấu trúc phân cực, nhưng cả nước và oxy thường không được coi là chất dinh dưỡng. Các loài khác nhau có các chất dinh dưỡng thiết yếu rất khác nhau. Ví dụ, hầu hết động vật có vú tự tổng hợp được axit ascorbic, và vì thế axit ascorbic không được xem là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho các loài đó. Tuy nhiên, axit ascorbic là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho con người do con người cần đến nguồn axit ascorbic từ bên ngoài (về mặt dinh dưỡng axit ascorbic được gọi là vitamin C). Nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu có tính độc hại ở liều lượng lớn. Ngược lại, một số chất dinh dưỡng thiết yếu có thể có trong chế độ ăn điển hình với lượng lớn hơn cần thiết mà không có ảnh hưởng rõ rệt nào. Có trên 40 chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hàng ngày nhưng nhìn chung có thể chia các chất dinh dưỡng thiết yếu này ra làm 3 nhóm chính : 1. Nhóm chất dinh dưỡng đa lượng sinh năng lượng: Chất bột đường, chất béo, chất đạm và chất cồn. Ngoài vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể, các chất dinh dưỡng đa lượng sinh năng lượng còn tham gia vào cấu trúc cơ thể, tham gia vào các hoạt động hấp thu, chuyển hóa, miễn dịch… 2. Nhóm chất dinh dưỡng vi lượng: Không cung cấp năng lượng nhưng có vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa của cơ thể, có ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật. Nhu cầu hàng ngày của cơ thể thường ít, tính bằng miligam, thậm chí microgam. Bao gồm các vitamin và khoáng chất vi lượng. - Vitamin : Gồm các vitamin tan trong nước (B, C) và các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K). - Chất khoáng vi lượng : Hiện đã xác định được khoảng 10 loại khoáng chất vi lượng hiện diện trong cơ thể nhưng chỉ mới biết được chức năng và chuyển hóa của Zn, Fe, Mg, Cu, I, F, Se. 3. Nhóm chất dinh dưỡng đa lượng không sinh năng lượng: Bao gồm chất khoáng đa lượng, chất xơ và nước. - Chất khoáng đa lượng: Canxi, Phosphor, Potassium, Sulfur, Sodium, Cloride, Magnesium - Nước: Là thành phần chính yếu của khẩu phần dù ít được quan tâm. - Chất xơ: Không tiêu hóa, không hấp thu nhưng có vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động của hệ tiêu hóa. Hạn chế "nạp" các loại chất béo và carbohydrat. Việc dư thừa các chất béo trong cơ thể sẽ khiến bạn phải đối mặt với việc dư thừa cholesterol dẫn đến các bệnh liên quan đến tim mạch. Cắt giảm hàm lượng đường. Việc dư thừa lượng đường trong cơ thể chính là "kẻ thù" của sức khỏe. Chúng ta sẽ có nguy cơ mắc phải căn bệnh tiểu đường nếu như thường xuyên có thói quen ăn đồ ngọt. Tuy nhiên, nếu quá "kiêng" mà hoàn toàn "đoạn tuyệt” với đường thì cũng thật sai lầm. Chính bởi vậy, thay bằng việc ăn đường, bạn hãy dùng mật ong, hoặc từ những loại trái cây hay nước ép trái cây có vị ngọt tự nhiên. Bớt ăn mặn vì khi ăn mặn, cơ thể chúng ta sẽ “nạp vào” một lượng natri lớn. Khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc “quá công suất” mới lọc máu được, cơ thể lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tăng huyết áp , tim mạch, dạ dày… Cân bằng protein vì nó rất cần thiết cho một cơ thể sống khỏe mạnh, nó cung cấp cho chúng ta năng lượng và sinh lực sống. Nên ăn nhiều hoa quả tươi và rau xanh vì nó chứa một lượng lớn những loại vitamin và khoáng chất, rất tốt cho sức khỏe. Thực phẩm không có gluten có hàm lượng đường và chất béo rất thấp đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe và giảm cân. Omega 3 là một loại axí béo thiết yếu của cơ thể. Có chúng sẽ giúp cơ thể làm việc bình thường. Trong vấn đề ăn uống cần nhớ các điều sau đây: - Ăn vừa đủ - Ăn đa dạng - Ăn kiêng tùy theo cơ thể và bệnh tật của từng người - Ăn chay trường phải đúng cách và đầy đủ Tập thể dục dưới nước Kết hợp với thiền và ăn uống là vận động cơ thể. Tập thể dục là yếu tố không thể thiếu để giúp chúng ta duy trì được sự cân bằng cơ thể, đồng thời có được cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật, xây dựng duy trì mật độ xương, sức mạnh các cơ, khớp, tính cơ động, đẩy mạnh sự khỏe mạnh sinh lý, giảm nguy hiểm phẫu thuật, và làm tăng sức mạnh hệ miễn dịch. Không phải tất cả mọi người đều có lợi ích như nhau từ các bài tập vận động. Có một sự khác biệt lớn trong sự đáp ứng mỗi người với các loại và bài tập thể dục. Những bài tập quá sức có thể là nguyên nhân gây nên đột tử. Ở tuổi trưởng thành, mỗi ngày cần vận động thân thể tối thiểu 30 phút. Chúng ta có thể tập luyện một bài tập nào đó lặp lại hàng ngày, hoặc cũng có thể thay đổi các hình thức luyện tập khác, miễn sao cảm thấy thích thú. Nhìn chung, luyện tập thể dục có thể chia thành hai nhóm theo tác động lên cơ thể con người: - Tập luyện về cơ bắp, chẳng hạn như uốn dẻo, nhằm chăm sóc chức năng vận động của cơ và các khớp. Các bài tập Aerobic như đi bộ và chạy tập trung vào việc tăng sức chịu đựng của hệ tuần hoàn. Nâng tạ hoặc chạy nước rút tăng sức mạnh của cơ trong thời gian ngắn. - Tập luyện về khí huyết, tinh thần, chẳng hạn như việc hô hấp, hít thở, nhằm chăm sóc chức năng vận động khí huyết, thư giãn và tập trung tinh thần. Các bài tập thái cực quyền, khí công, yoga làm tăng sự lưu thông khí huyết và hướng tinh thần vào các động tác tập luyện. Từ đó làm tăng khả năng tập trung, rèn luyện trí nhớ. Kết luận Đói ăn rau đau uống thuốc. Khi có bệnh thì phải tìm đúng thầy đúng thuốc. Chỉ khi nào thầy thuốc bó tay thì mới đi tìm các cách chữa trị khác. Còn nước còn tát, đây cũng là cách đi tìm một hệ quả placebo hay phép lạ. Nhưng coi chừng, chính lúc nầy, các thần y, thần dược giả mạo xuất hiện để lường gạt những bệnh nhân đau khổ. Trước hết người bệnh phải theo sự chữa trị của các thầy thuốc chuyên môn. Việc chữa trị, người thầy thuốc phải theo những nguyên tắc y khoa căn bản. Định bệnh phải đúng theo sách giáo khoa y học và phải tuân thủ các điều kiện hữu hiệu, tránh phản ứng phụ. Tránh những cách chữa bệnh theo các quảng cáo rầm rộ trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Nói chung, quảng cáo càng đao to búa lớn kiểu “bảo đảm sẽ khỏi” (trong Y khoa Mỹ, không bác sĩ nào dám nói tiếng bảo đảm), sản phẩm họ bán càng đắt tiền, chúng ta càng cần đề phòng chuyện tiền mất tật mang, hoặc thuốc, sản phẩm của họ mắc gấp mười so với thuốc, sản phẩm tốt ngang mua ở chỗ khác. Ở đời, con người thường có một số ngộ nhận đối với mọi sự việc, ngay cả trong vấn đề sức khỏe, bệnh tật. Nguyên do đưa đến ngộ nhận là thiếu sót hiểu biết hoặc tiếp nhận nguồn tin tức không được chính xác. Thuốc chỉ là một thành phần trong kế hoạch điều trị bệnh. Các thành phần khác như di dưỡng tinh thần, ăn uống cân bằng, hợp lý, có nếp sống lành mạnh, thường xuyên vận động cơ thể... cũng rất quan trọng để giúp thuốc tác dụng hữu hiệu hơn. Trước kia, khi chưa có máy vi tính, các bài thuốc được phổ biến trên báo chí, ngoại trừ các báo lá cải chỉ biết đăng các bài hấp dẫn để câu độc giả, các chủ bút thường cân nhắc và lựa chọn bài nào có giá trị, mới cho phổ biến. Ngày nay, bất cứ ai cũng có thể phổ biến một bài thuốc mà không cần cân nhắc, phân tích gì cả. Phần lớn là vô tình chỉ vì muốn gửi cho người thân và bạn bè, các thông tin y khoa để phòng ngừa và chữa trị , nhưng có biết đâu, đây là những bài thuốc "tam sao thất bổn", chỉ cần đánh sai một chữ hoặc một con số về cân lượng cũng đủ tai hại rồi. Nói chi các bài thuốc "tào lao" do một người nào đó phổ biến để quảng cáo, đùa cợt hoặc với một ác ý nào đó. Bởi thế, khi chúng ta đọc các bài thuốc này thì chỉ nên xem để tham khảo, chứ không thể nào sử dụng chúng như một toa thuốc để trị liệu . Một cơ thể khỏe mạnh, miễn nhiễm với bệnh tật luôn là ao ước của mọi người. Hãy chủ động điều tiết công việc hàng ngày và hạn chế những căng thẳng không cần thiết, đồng thời biết “thi vị hoá” các vấn đề của cuộc sống để tạo ra liều thuốc tinh thần trong việc hóa giải các áp lực công việc mà bạn phải đối mặt hàng ngày. Người ta ngày càng nhận ra rằng sức khỏe được duy trì và cải thiện không chỉ qua những thành tựu và ứng dụng của khoa học y tế, mà còn qua những cố gắng và những lựa chọn cách sống thoải mái của một cá nhân hay xã hội. Y học đã sử dụng các thành tựu của các ngành khoa học, càng ngày càng đi sâu vào việc khám phá các nguyên nhân gây bệnh, tức nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh tật, không chịu khuất phục trước bệnh tật, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người. Càng ngày con người càng có sức khỏe với đầy đủ ý nghĩa của nó, là một tình trạng hoàn toàn thoải mái về thể xác, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh tật hoặc tàn phế. Lê Tấn Tài (Theo các tài liệu y học) |
Saturday, October 1, 2016
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment