Thoái hoá hoàng điểm do tuổi già là một trong những nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở những bệnh nhân trên 65 tuổi. Đặc biệt ở những nước phát triển, tỷ lệ các bệnh thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc và uống rượu nhiều là những yếu tố nguy cơ cho bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già xuất hiện.
Bệnh hiếm khi gây mù hoàn toàn nhưng làm giảm khả năng nhìn chi tiết mọi vật và làm giảm chất lượng cuộc sống ở người có tuổi.
Hoàng điểm là trung tâm của võng mạc, là nơi tập trung chủ yếu các tế bào thần kinh thị giác tinh tế nhất, cho phép mắt nhìn sự vật một cách rõ nét nhất. Khi xảy ra những rối loạn nuôi dưỡng hoàng điểm, tạo ra các mạch máu bất thường và làm rối loạn về cấu trúc của hoàng điểm sẽ gây ra bệnh lý thoái hóa hoàng điểm do tuổi già.
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già gồm 2 thể:
–  Thoái hóa hoàng điểm thể khô hay teo: Các cấu trúc võng mạc tại hoàng điểm bị teo thoái hóa gây giảm thị lực từ từ.
–   Thoái hóa hoàng điểm thể ướt hay tân mạch: Tại hoàng điểm có nhiều mạch máu bất thường phát triển làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm, gây bong biểu mô sắc tố, xuất huyết võng mạc rồi gây ra một cấu trúc sẹo xơ mạch vùng hoàng điểm gây tổn thị lực nghiêm trọng.
Triệu chứng:
–   Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi.
–   Ban đầu, người bệnh có thể nhìn thấy vật bị biến dạng (VD nhìn thấy đường thẳng thành đường cong, nhìn mặt người bị méo mó…), đọc sách rất khó khăn.
–   Tiếp theo là giai đoạn nhìn mờ như có màn sương che phủ trước mắt, màn sương này ở ngay trung tâm, còn vùng xung quanh có thể vẫn sáng bình thường.
–   Giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể giảm thị lực, kèm theo dấu hiệu nhìn hình bị bé lại, có thể thấy ruồi bay và cuối cùng là giảm thị lực rất nhiều, thậm chí mất thị lực.
Điều trị:
Bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già điều trị tương đối khó khăn, cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị hiện đại cùng với điều chỉnh lối sống, giảm bớt các yếu tố nguy cơ của bệnh:
–   Dùng thuốc: thuốc chống oxy hóa các gốc tự do, các thuốc giãn mạch, các thuốc tăng cường cung cấp oxy võng mạc…
–   Laser quang đông võng mạc tiêu diệt tân mạch
–   Tiêm nội nhãn các thuốc tiêu diệt tân mạch: Avastin, Lucentis. Các thuốc này khá đắt tiền, quy trình tiêm thuốc phải đảm bảo vô trùng để tránh biến chứng viêm nội nhãn. Ngoài ra còn có thể gặp một số biến chứng khác tuy tỷ lệ rất thấp như xuất huyết dịch kính, bong võng mạc…
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt:
–   Hạn chế hút thuốc, uống rượu
–   Ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh, cá biển
–   Đeo kính mát khi ra đường. Những loại kính này phải đảm bảo tiêu chuẩn ngăn tia cực tím
–   Kiểm tra thị lực thường xuyên. Những người trên 50 tuổi nên đi khám mắt định kỳ một năm một lần.
– Tự phát hiện sớm bệnh: Kiểm tra mắt bằng lưới Amsler gồm những đường kẻ vuông góc với nhau tạo thành nhiều ô vuông: bình thường những đường thẳng này thẳng hàng. Khi có bệnh hoàng điểm, những đường thẳng này bị mờ, biến dạng.
Bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già vẫn còn đang được tiếp tục nghiên cứu và chúng ta hy vọng trong tương lai còn có nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc phòng và chữa bệnh này.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền



Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Anh Dương hỏi về Tế bào gốc và Bệnh thoái hóa điểm vàng tuổi già (AMD):

"Tôi tên là Anh Dương, năm nay 67 tuổi. Thưa bác sĩ, thuở nhỏ tôi bị con mắt không thấy đường, nhưng lúc đó vẫn chạy xe được. Nhưng có điều khi đi ra đường, gặp người quen thì không nhận ra được. Ban đêm mà không có đèn thì dứt khoát không thấy gì hết. Nhưng màu sắc thì bây giờ tôi vẫn còn nhớ và bây giờ tôi vẫn nhìn trong phạm vi khoảng 20 mét được, màu sắc vẫn nhận thấy được. Tôi đã đi chữa nhiều nơi. Các bác sĩ ở Việt Nam đã xác định là bị thoái hóa võng mạc, tức là đáy mắt. Các bác sĩ đều kết luận như vậy. Nay tôi nghe thấy ở Mỹ có nhân bản để cấy vào đáy mắt. Ngay ở Singapore, người ta lấy mẩu răng để nhân bản, tái tạo võng mạc. Tôi rất mừng khi nghe tin đó, nhưng mà tôi nghĩ Hoa Kỳ là nơi đã đào tạo ra các bác sĩ ở Singapore, thì có lẽ là rõ ràng hơn. Xin bác sĩ chỉ dẫn cho tôi biết là cái việc đó có đúng hay không? Nếu có thì khám ở bệnh viện nào tại Mỹ, ở tiểu bang nào? Xin cám ơn bác sĩ."

Tế bào gốc & bệnh thoái hoá điểm vàng tuổi già (AMD)

Sinh lý mắt:

Ánh sáng từ một vật ở ngoài chiếu vào mắt, lọt qua con ngươi (pupil), đi qua nhãn cầu (buồng dịch kính, vitreous body) và chiếu trên một màn hình, gọi là võng mạc (retina), do những tế bào thị giác (photoreceptors) tạo nên. Những tế bào này được nuôi dưỡng bởi những mạch máu nằm sau nó (đem oxy, glucose và các chất dinh dưỡng cân thiết như omega 3). Các mạch máu này được sắp xếp trên một màng đen (màng mạch,choroid), màng đen này có tác dụng ngăn cản ánh sáng chung quanh, tạo nên một phòng tối trong lòng của tròng mắt, tương tự như phòng tối trong máy chụp hình.Võng mạc đóng vai trò tương tự như màn điện tử trong máy quay phim video, biến các xung lực ánh sáng thành những xung lực điện, nhờ dây thần kinh thị giác truyền vào óc.Có điều quan trọng là các mạch máu li ti (mao quản, capillaries) tuy nằm sát phía sau võng mạc để nuôi dưỡng nó, nhưng máu và thanh dịch (serum) trong máu không được tràn qua võng mạc, nếu vào do dò rỉ (leaks) sẽ làm hư hại võng mạc (tương tự như ống dẫn nước đem nước vào nhà chúng ta, nhưng nếu ống nước bị xì, dò rỉ thì sẽ gây hư hại cho máy móc trong nhà).

Trung tâm của võng mạc là điểm vàng (macula lutea, hoàng điểm), ở giữa có một hố lõm nhỏ (fovea). Nơi đây có nhiều tế bào thị giác tập trung nhất, và là nơi cho chúng ta nhìn màu sắc và chi tiết rõ nhất. Hết 50% các tế bào thị giác nằm trong vùng fovea. Do đó, nếu vùng này bị hư hại, thị giác của bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng ngay, khác với những bệnh mà các vùng ngoại biên của võng mạc bị tổn thương, lúc đó triệu chứng xuất hiện một cách chậm chạp, và bệnh nhân có thể không ý thức được.

Dưới lớp tế bào thần kinh võng mạc (photoreceptors) và trước màng mạch (choroid) có một lớp tế bào gọi là retinal pigmented epithelium (RPE, tạm dịch là biểu bì võng mạc có sắc tố). Lớp tế bào mỏng này phụ trách điều hoà và phối hợp chuyển hoá (metabolism) và cơ năng của các tế bào thần kinh thị giác của võng mạc nằm phía trên của chúng. Trong bệnh thoái hoá điểm vàng tuổi già (AMD), các tế bào RPE này bị viêm và các chất phế thải từ chuyển hoá của các tế bào thần kinh photoreceptor không được tái chế biến một cách bình thường (recycling of metabolic waste of sensory cells).

Bệnh thoái hoá điểm vàng tuổi già (AMD)


AMD là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh mù cho người lớn tuổi ở các nước phát triển.. Có 2 loại AMD:

● 10% là AMD dạng ướt (wet AMD), trong đó những mạch máu mớ bất bình thường thành hình, máu chảy vào võng mạc và có thể chữa bằng thuốc chích vào mắt hay laser.
● 90% là dạng khô (dry AMD), hiện nay chưa có phương pháp trị hữu hiệu. Một số chất dinh dưỡng như omega 3 fatty acids ( trong cá salmon, cá nước lạnh), chất supplement lutein, zeaxanthin có thể che chở cho các tế bào sắc tố trong mắt và ngừa hay giảm AMD.

Tế bào gốc /Stem cell

Stem cell (“stem” nghĩa là cái mầm) là tế bào chưa phân hoá, chưa được phát triển thành một tế bào phụ trách một cơ năng, công việc chuyên môn, chuyên biệt. Ví dụ một tế bào gốc của phôi thai (embryonic stem cell) có thể phát triển, chuyên môn hoá để trở thành tế bào mắt, tế bào gan, tế bào xương sau khi nó phân hoá. Trong những năm gần đây, người ta đã thành công ở nhiều trung tâm trên thế giới trong việc kích thích và nuôi dưỡng trong ống nghiệm các tế bào gốc (stem cells) để biến chúng thành những tế bào RPE chuyên biệt có những đặc điểm và khả năng của tế bào RPE tự nhiên. Người ta cũng thực hiện cấy thử thành công các tế bào RPE này dưới tế bào võng mạc của thú vật. Ví dụ đầu năm 2014, vừa có tin các nhà khảo cứu đại học Bonn, Đức, cộng tác với các nhà khảo cứu Mỹ ở New York trong việc dùng các tế bào RPE được nuôi dưỡng từng lớp mỏng trên các dĩa silicon từ các tế bào gốc của người hiến tặng (human donors). Các tế bào này được gắn dưới lớp tế bào võng mạc con thỏ, và qua bốn ngày có vẻ vẫn sống, và sau bốn tuần lễ vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ khả năng dùng loại tế bào tương tự để thay thế các tế bào RPE bị hư hại ở người mắc chứng thoái hoá võng mạc.(1)

Về thử nghiệm trên lâm sàng clinical trial, trên người bệnh, năm 2011 hãng Advanced Cell Technology (ACT) được FDA cho phép nghiên cứu dùng tế bào RPE làm từ tế bào gốc của phôi thai (embryonic stem cells) để chữa AMD loại khô và bệnh Stargardt là bệnh loạn dưỡng võng mạc (macular dystrophy) xảy ra trên người trẻ tuổi. Năm 2012, người bệnh đầu tiên ở châu Âu và 3 bệnh nhân được bắt đầu nghiên cứu ở Mỹ. Tháng 2-2012, FDA chấp thuận cho StemCells.Inc dùng thử tế bào gốc thần kinh người tinh chế (purified human neural stem cells) chích dưới võng mạc. Bệnh nhân được theo dõi sau 1 năm và sẽ được theo dõi 4 năm sau đó. Có nghĩa là phải đợi vài năm nữa mới có kết quả.(2)

Mới đây nhất (1-2014), John Gurdon, nhà khảo cứu về nhân bản (cloning) từng được giải Nobel, tuyên bố ở Hồng Kông rằng chừng sáu tháng nữa sẽ được phép dùng phương pháp tế bào gốc để trị bệnh AMD khô cho bệnh nhân; chỉ cần ba tháng nữa để có thể biết là các thí nghiệm có kết quả tốt không, và sau đó áp dụng liệu pháp này cho người bệnh. Theo ông thì thủ thuật tốn chừng 4000 bảng Anh (US$ 6.600), không đắt hơn giải phẫu cườm cataract.

Tóm lại, trị liệu dùng stem cell thay thế các tế bào hư hại trong bệnh thoái hoá võng mạc đang trong vòng nghiên cứu và chưa được FDA chính thức chấp thuận. Những lối giải quyết khác như dùng microchip thay thế (visual prosthesis, retina prosthesis) hay dùng tế bào RPE các vùng lành mạnh để thay thế tế bào vùng bị hư hại phần lớn đều trong vòng khảo cứu, tìm hiểu.Thường những "clinical trial"(thử nghiệm trên lâm sàng) này dành cho các bệnh nhân gần như mù hẳn (bệnh rất nặng, nếu gặp vấn đề với trị liệu mới cũng không thiệt thòi gì nhiều ). Hiện có một võng mạc nhân tạo ("bionic retina" của hãng SecondSight sản xuất) còn rất thô sơ, được cho phép dùng ở Âu châu, có thể sẽ được cho phép ở Mỹ.(4)

Bệnh nhân cần bác sĩ chuyên khoa võng mạc (retina specialist) điều trị, theo dõi và tư vấn về các tiến bộ trong lĩnh vực này có thể sắp được áp dụng trong những năm tháng tới.

Về câu hỏi nơi nào chữa mắt tốt nhất, vị thính giả nên hỏi bác sĩ chuyên về võng mạc đang chữa cho mình. Ở Mỹ, theo US News (5), những nơi nổi tiếng là giỏi nhất về bệnh mắt:

1. Bascom Eye Institute at the University of Miami,
2. Wills Eye Hospital, Philadelphia, PA;
3. The Wilmer Eye Institute at Johns Hopkins, Baltimore, Maryland;
4. Massachusetts Eye and Ear Infirmary, Massachusetts General Hospital, Boston, Massachusetts.

Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền