Saturday, October 15, 2016

Ngụ ngôn thiền




Chờ cứu
Vị sư nọ rất thánh thiện, sống một mình nơi vùng hay bị lụt, về những tháng gió mùa, vùng này thật nguy hiểm. Lúc ấy nước dâng cao, nhiều người đến cảnh giác vị sư nên di tản, nhưng ông nhất quyết không chịu rời lều.
Từng đoàn người di tản đến khuyên, ban cứu hộ địa phương đem xe bò đến kêu đi, sư đều từ chối hết, và giải thích:
- Tôi nằm mộng thấy có vị trời hứa sẽ bảo hộ tôi.
Sau cùng, một đội cứu hộ đem tàu đến. Sư vẫn kiêu hãnh đáp:
- Vị trời đã hứa với tôi rồi.
Ông sư sùng mộ chết đuối, và người đầu tiên sư gặp là vị trời thấy trong mộng.
Vị trời hỏi:
- Ông làm gì ở đây?
- Nhưng Ngài hứa với tôi…
- Tôi vẫn giữ lời hứa, ông sư chậm tiêu ạ! Tôi cho hàng xóm ông đến kêu, xe đến kêu, rồi một đội cứu hộ đem tàu tới.
- Ồ!!!
Đạo Phật trang bị những thứ để ta tự mình làm lấy, chứ không phải tặng món quà phép lạ. Hành giả đạo Phật phải: đại tín, đại nghi, đại tinh tấn.
Người mẹ mệt mỏi
- Mẹ ơi, con muốn phát điên rồi.
Cô gái tâm sự cùng mẹ khi cô đã hết sức mệt mỏi với bổn phận làm mẹ.
Bà mẹ bảo:
- Chắc chắn là con làm quá nhiều rồi đa.
- Hai đứa nhóc, lại không có người phụ. Con mệt đừ, đầu quay mòng mòng mẹ à.
- Cưng ạ, mẹ biết là mệt lắm, nhưng con sẽ nhìn lại và thấy đây là giai đoạn con làm được nhiều việc tốt đẹp nhất suốt đời con.
- Có lẽ với ba mẹ đúng đấy, nhưng con thì không.
- Rồi con sẽ thấy. Mẹ chỉ ước ao giá chi hồi đó mẹ biết quý những điều kỳ diệu xảy ra – ngay lúc chúng đang có.
- Những điều kỳ diệu nào? Thiếu ngủ, thiếu tiền ư, mẹ?
- Mẹ đã khám phá ra nghệ thuật sống là tìm tất cả những gì kỳ diệu trong hiện tại, còn những cái khác chỉ chịu cho qua là xong.
Khi mẹ về rồi, cô gái lẩm bẩm:
- Cũ rích!
Số là cô chỉ muốn tìm cách mượn mẹ ít tiền.
- Hiện tại có cái gì kỳ diệu thế?
Cô vừa hỏi mình, bỗng một cậu bé ba tuổi trần truồng thật bụ bẫm dễ thương, đầu đội chiếc mũ nồi lính giả làm bằng chiếc quần của nó, chân mang đôi bốt đi mưa rộng thình của chị, nện lộp cộp từ trong phòng ngủ đi ra. Người mẹ trẻ phá lên cười sặc sụa, lòng bỗng dậy lên tình thương đột ngột đến nỗi cô đổi từ cười ra nước mắt đến khóc vì vui hồi nào không hay.
Nhớ lời mẹ nói, cô kê ra một lô những niềm vui nho nhỏ trong hai ngày qua.
Và cô bắt đầu lập lại công việc ấy vào cuối mỗi ngày.
Đời cô vẫn thế, nhưng cách cô nhìn đời có khác. Và cô thay đổi.Chỉ khi ấy đời cô mới thực sự có đổi thay.
Dấu mực trên trán
Sư tu hành rất tinh tấn nhưng lại gặp trục trặc về lòng dục khó ngăn, sợ phạm giới, bèn đến than với thầy mỗi khi sư vào sâu trong định lại có người con gái rất khêu gợi xuất hiện.
Vị thầy trao sư cây bút lông chấm mực sẵn:
- Đây! Lần sau cô ta còn làm rộn, con đánh dấu thập lớn trên trán cổ, để ta có thể nhận diện thủ phạm.
Sư nhận cây bút lông.
Cuối buổi tọa thiền tiếp theo trong thiền đường, sư đến gặp thầy, thưa to:
- Hiệu quả rồi. Cô ta cố khêu gợi con, con làm y lời thầy, cổ biến mất.
- Tốt lắm. Giờ con có thể rửa mặt để đi ngủ.
Sư vào phòng tắm, nhìn vô gương và ngạc nhiên xiết bao khi thấy trên trán mình một chữ thập thật lớn.
Sư chạy đến gặp thầy, cầu giải thích.
Thầy bảo:
- Có thể đây là ví dụ cho thấy, biết bao lần ta đổ lỗi người khác gây rắc rối cho mình, mà chính mình mới là đầu mối thực sự của vấn đề. 
Quân bình của thiên nhiên
Thiền sư nhái bén thông thái đang giảng dạy cho lũ nhái con nghe về sự quân bình của thiên nhiên.
- Các cháu có thấy con ruồi kia đang ăn con nhặng không? Còn giờ thì (đớp một cái) bác ăn ruồi. Đây đều là bộ phận nằm trong sự an bài qui mô của mọi vật.
Một chú nhái trầm tư hồi lâu, hỏi:
- Phải giết chóc để được sống còn, chẳng phải là tệ lắm ư?
- Cũng tùy…
Bác nhái thông thái mới nói đến đó liền bị anh rắn chộp được vào mồm, nuốt chửng.
Bầy nhái học trò la xôn xao:
- Tùy cái gì?
Câu trả lời nghẹn nhỏ vẳng ra từ bụng rắn:
- Tùy các cháu nhìn mọi sự từ bên trong hay bên ngoài.
Đối trước cái chết, người già yếu can đảm và yên phận biết bao. Tuy nhiên, họ tỏ ra có ý kiến riêng của mình về lúc nào thì nên nhượng bộ.
Tay chỉ mặt trăng
Chú chó của thiền sư rất thích những buổi đi dạo chiều với thiền sư. Chú thường phóng tới trước, lượm cây gậy, ngoắt đuôi chạy trở lại, và chờ trò chơi khác.
Chiều nay, thiền sư cho đồ đệ xuất sắc nhất của mình cùng đi. Anh trò thông minh đến nỗi bối rối vì những mâu thuẫn trong kinh Phật.
Thiền sư dạy:
- Con nên hiểu lời kinh chỉ là bảng chỉ đường. Đừng để ngôn ngữ hoặc biểu tượng che lấp chân lý. Đây, thầy sẽ cho con thấy.
Thiền sư liền gọi chú chó hớn hở kia lại:
- Đi lấy mặt trăng cho ta.
Ông đưa tay chỉ mặt trăng, bảo chó.
Rồi ông hỏi người đồ đệ thông minh:
- Con chó của thầy nhìn đâu?
- Nó nhìn ngón tay thầy ạ.
- Đúng thế. Con đừng làm như nó. Đừng lầm ngón tay chỉ vật với vật được chỉ. Lời Phật dạy đều là bảng chỉ đường. Qua lời dạy của người khác, mỗi người phải phấn đấu tìm đường đi để đạt đến chân lý riêng mình.
Chẳng bao giờ nên lấy việc hành thiền làm cứu cánh. Nó chỉ là phương tiện giúp hành giả hiểu sâu hơn mọi vấn đề, giống như tùy theo công việc ta chọn dụng cụ, mỗi người nên hình thành dụng cụ mình sao cho thích hợp với những nhu cầu riêng của mình.
Bài học tập nhảy
Thiền sư đưa nhóm đồ đệ khóa chuyên tu vào núi. Phần lớn các thiền sư trẻ xuất thân từ thành thị hoặc các nông trại, chưa biết gì về rừng núi.
Một người hỏi:
- Trong núi có thú vật không?
Người khác kêu:
- Phòng tắm đâu?
Thiền sư bảo:
- Ta vào đây để tiếp cận với thiên nhiên và chính mình.
Thầy dạy trò dựng trại và đốt lửa.
Suốt đêm gió gào rú, rồi một trận mưa lạnh ngắt trút xuống đám thiền sinh không lấy chi làm hạnh phúc lắm.
Sáng sớm, thiền sư dạy:
- Ngày hôm nay, mình sẽ bắt đầu bằng một buổi bơi lội ngoài trời. Cởi áo ra! Chúng ta sẽ nhảy cho ấm người lên.
Nhưng, thay vì ra suối, Thiền sư dẫn đám thiền sinh ngược một con đường mòn dốc, đến chỗ vách đá chìa ra trên cái hồ núi (nhảy từ đây làm ta khiếp vía thật, nhưng không nguy hiểm).
Thầy bảo đám đ�� đệ đứng run rẩy:
- Có thể các con tưởng chúng ta đang tập thể dục. Không phải. Đây là một bài tập luyện tinh thần. Thầy muốn các con xếp hàng một cạnh nhau trên bờ vách đá và lần lượt nhảy vào hồ, cho chân xuống trước. Chuyên gia bơi lội phụ tá của thầy chực sẵn ở dưới, bảo đảm các con không chết đuối đâu. Nào, sắp hàng theo a b c và nhảy đi!
Sư Ashito khựng lại trên bờ vách đá, rồi khựng thêm lần nữa. Các thiền sinh hét:
- Nhảy đi chớ. Tụi tui lạnh cóng muốn chết đây!
Ashito la từ trên bờ vách cho đến khi rớt tung toé xuống hồ, trồi lên khỏi mặt nước và được đỡ lên bờ. Anh gọi vói lên cho các huynh đệ bên trên.
- Không sao hết!
Sau khi lau khô, sưởi ấm và ăn uống xong, cả nhóm họp mặt trong lều chính.
Sư Ashito hỏi:
- Thưa thầy, bài học tinh thần của chúng con sáng nay là gì?
Thiền sư dạy:
- Là con đường đưa đến giác ngộ. Trong lúc hành thiền, các con phải lột bỏ trần trụi hết, và phải can đảm. Hãy tin tưởng thầy mình. Bỏ lối suy nghĩ cũ của mình đi để tìm một tầm mức hiểu biết khác – như đứng tại chỗ khác với bơi vậy. Nên nhớ, các con không nhào đầu vô hồ. Chỉ bước vào trong không và được đưa xuống hồ. 
Không còn gì để mất
Một thương gia già giàu có bỗng gặp đủ thứ tai họa liên tiếp, rốt cuộc ông mất bà vợ đẹp (nhưng rất khó chịu), mất tòa biệt thự (vì hỏa hoạn), mất tài sản (vào tay trộm cướp), và mất cả tự do (vì đã nhục mạ vị lãnh chúa trong vùng).
Viên cai ngục có mẹ trước đó giúp việc ông thương gia. Hắn để ý thấy thương gia thay đổi thật kỳ lạ. Trước đây, ông nổi tiếng keo kiệt, luôn sợ người ta lừa. Vô ngục rồi, ông tỏ ra rất hạnh phúc. Hắn bèn hỏi:
- Tâm ông vẫn thường chứ? Tại sao ngày nào ông cũng cười vui thoải mái thế?
Thương gia cười thích thú:
- Chẳng còn tí ti nào để mất nữa cả.
Thiền dạy một trong những nguyên nhân chính gây khổ đau là sự ràng buộc, đắm trước.
Hai họa sĩ già
Viên chức trông coi trại dưỡng lão xếp hai nhà họa sĩ già ở chung phòng, nghĩ rằng họ sẽ tìm được nhiều điểm tương đồng. Ông có lý. Tuy vậy, té ra cũng khá khó khăn cho nhà họa sĩ đã rẽ đường, ra dạy hội họa ở trường trung học, đến tìm sự cảm thông với ông bạn họa sĩ kia, danh vang khắp nước, có tranh treo tại các viện bảo tàng.
Dần dà, họ cũng mau chóng kết bạn với nhau, như hai kẻ sống sót có chung kẻ thù (bệnh tật) sống nương vào nhau (giúp nhau các việc vặt hằng ngày).
Họa sĩ nhà giáo được gia đình gọi điện và thăm viếng thường xuyên. Tường nhà ông đầy ảnh chụp, danh thiếp và tranh vẽ của lũ cháu chắt. Nhà danh họa chỉ lác đác vài người khách, dăm bức thư, còn là thư từ giao dịch công việc.
Nhân viên trại dưỡng lão xì xào sau lưng họ: “Ông Vui” và “Ông Rầu”.
Đêm nọ, hai ông tắt đèn nằm chia nhau điếu thuốc hút lén, tâm sự đời mình. Họa sĩ nhà giáo nói:
- Suốt đời tôi mơ vẽ một bức kiệt tác. Tôi có sẵn nó trong tâm rồi. Nhưng tôi không làm sao khiến tay khiến màu mang nó ra trình diện được. Tôi bỏ cả đời chạy theo nó, vẫn thất bại. Tôi chẳng làm được gì ra hồn.
- Bác khờ ơi, bác không nhận ra mỗi người chỉ vẽ được một bức kiệt tác ư? Đó là cuộc đời mình với những gì mình đã tạo tác và những gì mình để đời tác động lên mình. Tranh của tôi có đến thăm tôi không? Chúng đem bánh cho tôi không? Giờ này, mấy bức tranh ấy đang nằm cô độc trong bóng tối các nhà bảo tàng – y như tôi nè! 
Thiêu rụi nó!
Viện trưởng các thiền viện đảo Honshu lấy làm lo ngại khi tiếp nhận những báo cáo về tình trạng bê bối nghiêm trọng của tăng chúng tại ngôi thiền viện đẹp nhất nằm ở phố cảng Yokosuka. Trước đây nó là một tòa lâu đài, được cúng dường làm thiền viện. Chúng tăng (còn phàm phu) khó giữ được giới, khó nhớ lời nguyện của mình về “tam thường bất túc” ở một nơi sang trọng như thế. Viện trưởng liền cho thỉnh một vị sư vào hàng trưởng thượng đã về quy ẩn, độc cư trong hang đá.
Ngài bảo sư:
- Ông hãy xem xét giùm vụ việc Tăng chúng tà hạnh, phóng túng buông lung và tất cả các hành vi sai trái khác.
Vị sư già hỏi lại:
- Nhiệm vụ của tôi phải làm gì?
- Chỉnh đốn lại.
- Thẩm quyền của tôi đến đâu?
- Ông có mọi thẩm quyền không giới hạn.
- Trong bao lâu?
- Tùy ông.
Nửa tháng sau, vị sư già trở lại.
Ngài Viện trưởng hỏi:
- Giải quyết chóng vậy sao?
- Dạ, xong.
- Cách nào?
- Cho mồi lửa thiêu rụi nó.
Thiền giả cũng thấy cần có lúc phải hành động quả quyết, nhanh gọn.

No comments:

Post a Comment