Ngụ ngôn thiền
Bà mẹ giải thích sự việc cho đứa con trai nhỏ hiểu:
- Ông nội về nhà để chết.
Chú bé bắt đầu hỏi tới:
- Nhưng ai cũng nói…
Mẹ chú cắt ngang:
- Mẹ biết rồi. Mọi người tưởng tượng sự việc sẽ khác, nhưng không thể làm gì được nữa. Mẹ biết vì ông nội con sẽ rất ngoan.
Lúc chỉ có ông nội ngồi với chú bé, ông hỏi:
- Họ nói cho con biết hết rồi chứ, cháu cưng?
- Vâng.
- Chẳng có gì phải sợ. Đời là thế, và nó xảy ra thế.
- Ông có sợ không?
- Ờ, sợ, nhưng sợ y như lúc mình ngồi xe trượt ở công viên thôi. Dù sao rồi con cũng biết là mọi chuyện rốt cuộc sẽ tốt cả.
- Có đau không?
- Chết chẳng đau. Nhưng đoạn đường đi đến đó có thể khổ đấy. Mà ông có thuốc.
Những ngày còn lại, ông tập chơi các trò chơi vidéo, dạy chú học bảng cửu chương, cách che giấu sự đau đớn, cách quân bình thuốc men.
Người bạn thâm niên của ông nội bảo:
- Tệ quá nhỉ! Thế ông có thể làm được gì?
- Có lẽ tôi có thể dạy thằng bé không sợ chết.
Dù càng lúc càng yếu dần, ông nội vẫn giữ được vẻ tươi vui (nhất là lúc có thằng cháu nội). Hai ông cháu vẫn thân thiết tuy ít được gần nhau hơn.
Giờ phút cuối, cậu bé hỏi:
- Nhưng tại sao ông phải chết chứ?
- Con biết đấy, khi con buồn ngủ đến độ không mở mắt lên nổi, dù con đang chơi vui đến đâu cũng phải đi ngủ, có không nào?
- Ờ há.
- Thế, chết cũng gần gần thế đó. Giờ ông mở mắt hết nổi nữa rồi. Con cần ngủ. Ông cũng cần giấc ngủ của ông.
“Một thằng bé”.
Trên bức tường phòng thâu nhạc, có ai viết mấy chữ ấy để chào mừng người cha mới, mắt còn đỏ hoe, rốt cuộc cũng xuất đầu lộ diện ở phòng làm việc.
Một anh bạn phỏng vấn:
- Sao, có đứa con rồi thấy thế nào?
Anh chàng cố tìm lời để nói, nhưng đổi ý, đến ngồi bên cây dương cầm chơi một khúc nhạc.
Khúc nhạc kết thúc, vẫn anh bạn kia hỏi nữa:
- Vâng, nhưng có đứa con mình thấy thế nào?
Anh chàng chơi lại khúc nhạc từ đầu.
Anh bạn hỏi:
- Nghĩa là tuyệt lắm ư?
Người thanh niên mới được làm cha gật đầu, bởi anh không thể nói, và anh bạn anh cũng chẳng nói được.
Một trong những bài học độc đáo của thiền cho thấy khả năng bất toàn của ngôn ngữ và ca ngợi giá trị của kinh nghiệm trực tiếp.
Một bà mập tròn cười luôn miệng, hớn hở tâm sự với nữ giảng sư dạy thiền những ước mơ tuyệt đẹp bà hy vọng sẽ đạt được: Một chàng trai quyến rũ yêu bà, một thân hình yểu điệu thanh mảnh, một chỗ làm tốt để thực hiện những hoài bão trong cuộc sống, và…
Giảng sư chận ngang:
- Hy vọng có thể thành ghiền như thuốc an thần.
- Không có hy vọng tôi không sống được.
Lần đầu tiên, nụ cười tắt mất trên mặt bà.
Giảng sư bảo:
- Phải, chúng ta ai cũng cần hy vọng. Không có nó, ta không vượt qua nổi một hiện tại buồn thảm để tính tương lai.
- Nhưng hy vọng không tốt sao?
- Tốt và không tốt. Hy vọng có giá trị khi cho ta mục đích. Hy vọng chỉ khiến ta mơ suông chẳng làm gì cả, chính là thuốc an thần nguy hiểm. Mải mơ về ngày mai làm ngày nay mất hết sức sống.
- Xin cho tôi ví dụ.
- Thay vì mơ một chàng trai lý tưởng, cô hãy biến mối giao hảo với những chàng trai cô đang quen thành ra thật tốt đẹp. Thay vì ngồi mơ một thân hình thon mảnh, hãy bắt đầu vài bước nhỏ để có thân hình thon mảnh ấy.
- Tỉ như…?
- Tỉ như bỏ cái bánh bích quy kia xuống.
- Ô!
Một đời sống trọn vẹn giống như cuộc phiêu lưu thật kỳ thú, ta đã phí bao nhiêu của cuộc phiêu lưu ấy với những ước mơ nào là “khi tôi lập gia đình”, “khi tôi tốt nghiệp”, “khi mình có tiền”. Với những vụ mơ màng này, thiền có lập trường rất thực tế, cảnh giác ta đừng để mơ mộng thay thế hành động.
Sư trưởng liêu nạt chú Sa-di nhỏ nhất có nhiệm vụ lên dây và canh đồng hồ chạy đúng:
- Chỉnh đồng hồ đi chớ!
- Nhưng nó hư rồi.
Trưởng liêu quát thêm:
- Đem sửa ngay!
Khi đồng hồ từ tiệm sửa về nó chạy quá chậm. Cả lớp lỡ bữa ăn chiều. Chú Sa-di út không những gặp rắc rối với Sư trưởng liêu mà còn bị các sư khác cùng lớp càm ràm đầy tai. Thêm một chuyến viếng cửa tiệm, và giờ nó lại chạy quá nhanh.
Cuối cùng, nổi quạu, chú Sa-di gỡ hết mấy cây kim, viết lên mặt đồng hồ vỏn vẹn một chữ: “Bây giờ”.
Trưởng liêu hỏi:
- Huynh viết chữ “bây giờ” chi vậy?
- Chẳng phải Sư huynh nói thời gian chỉ là giả tưởng và ta chỉ có “bây giờ” sao? Làm thế lúc nào đồng hồ cũng chạy đúng, không cần lên dây.
- Cha chả, láu cá!
Trưởng liêu hét vang rồi điệu chú đến gặp Thiền sư để thi hành kỷ luật. Ngài thấy vấn đề quan trọng đến độ lấy chân lý của cách chú Sa-di lập luận làm đề tài bài giảng ngày chủ nhật của Ngài (sau khi mua tặng chú một đồng hồ đeo tay).
Thật thú vị khi cho rằng kim đồng hồ chỉ ghi lại một hiện tại tương tục và luôn luôn thay đổi.
Vị sư trông coi các chú tiểu bảo:
- Tại thiền viện, cả muỗi cũng không được đập.
Chú tiểu Koro hỏi:
- Ngay cả lúc đang tọa thiền ư?
- Đúng, đặc biệt lúc ấy đấy. Đây là một trắc nghiệm rất kỳ thú về sự tập trung xem ta có trạo cử không và thêm một trắc nghiệm khác về lòng từ nữa, xem ta có giết một sinh vật không ngay khi nó đang tìm cách hút máu mình.
Thiền viện tọa lạc đúng vào chỗ có nhiều bãi sình lầy làm môi trường tốt cho muỗi sinh sôi. Các chú côn trùng bé tí có cánh vo ve này thường thử thách quyết tâm tu hành của các chú tiểu.
Koro khổ sở hơn ai hết. Hình như muỗi khoái làn da mịn màng ngon lành của chú. Mỗi khi một tên muỗi đáp trên trán, chú vội lén chìa môi dưới, phì lên một làn hơi. Muỗi đậu má, chú ráng nháy mắt cho nó bay. Thế nhưng cuộc thử thách cam go nhất xảy đến khi một tên muỗi đầy lông dạo tới dạo lui miết cửa vào lỗ mũi bên trái của chú.
Chú thổi, chú nháy nhó, vặn vẹo. Vô ích. Koro biết chắc tên muỗi sửa soạn chích lớp màng mềm mềm mỏng mảnh trong mũi mình. Chú nghĩ thầm: “Nó sẽ để lại một vệt ngứa đỏ rần làm mình ngồi thiền không yên cả mấy tuần cho xem. Nhân lúc thầy giám thiền không ngó, mình có thể đét nó một cái… Nhưng mà nó là một chúng sanh… Giết là giết, là tội sát. Mình đã thọ giới… Muỗi chích một phát có tới đâu so với giác ngộ giải thoát?”
- O o o…
Tên muỗi kêu và cong mình chích.
- Bép!
Koro đập chết tên muỗi lông lá. Chú tự biện bạch: “Đâu có ai hoàn toàn!”.
- Chát!
Thầy giám thiền vung thiền bảng đánh vào vai Koro.
“Quỷ tha ma bắt! Con cũng là chúng sanh đây”. Koro nghĩ thầm trong bụng.
Thiền đòi hỏi ta phải chọn lựa một cách có ý thức. Cả người ăn chay cũng phải cắt cây cỏ ăn để sống. Và những Phật tử năng động không ăn thịt nhưng vẫn ăn cá, cũng là một cách giải quyết tạm ổn. Thiền đưa ra nhiều vấn đề rất lý thú. Chọn lựa tùy mỗi người.
Vợ và các con ông đi xem chiếu bóng. Ông ở nhà để hoàn tất cuộn băng vidéo của ông. Tiễn cả nhà ra cửa, ông bảo:
- Cuộn băng tiệc sinh nhật kỳ này sẽ đoạt giải Viện Hàn Lâm cho xem.
Chỉ lát sau, ông đã bù đầu vào công việc: Phối hợp các cảnh quay xa với các cận cảnh và xen vào vài cảnh buổi tiệc sinh nhật lên năm tuổi của ông. Ông sắp xếp phần âm thanh, rồi lồng nhạc đệm.
Ông đặc biệt thích cảnh vợ ông mang chiếc bánh sinh nhật đi vào căn phòng mờ tối và ông nhận ra bắt bà phải làm đi làm lại ba lần cũng bõ công, dù có bị bả cằn nhằn.
Khi cuộn băng hoàn tất, sang một bản cho ông bà nội cũng đã xong, ông xem phim lại từ đầu và bỗng khám phá một điều rất quan trọng: Trong bữa tiệc mừng sinh nhật con trai mình, ông bận rộn lăng xăng lo chụp hình nên chẳng tham dự được tiệc. Ông bù đầu làm cuộn băng vidéo nên bỏ lỡ buổi đi xem chiếu bóng với vợ con. Và ông băn khoăn nghĩ: “Không biết mình còn vuột mất gì nữa cà?
No comments:
Post a Comment