Ngụ ngôn thiền
Trưởng lớp khóa học về “Kiểm soát trọng lượng cơ thể” giải thích cho lớp học nghe:
“ Ăn kiêng thật sự theo kiểu thiền không phải kiêng thức ăn. Chủ yếu là tâm. Một anh bạn thiền bày tôi kỹ thuật kỳ đặc này. Nó kết hợp hai nguyên lý nhà Phật: Sống với hiện tại, và tôn trọng quà tặng thiên nhiên – thí dụ như thức ăn. Kỹ thuật đó như vầy:
- Thứ nhất: Sống với hiện tại. Phải tắt truyền hình đi. Hạn chế mọi sự phân tâm. Chú tâm vào việc ăn. Tâm vừa nghĩ lan man liền phải quay về bàn ăn và giây phút hiện tại. Ăn trong chánh niệm. Nhai chậm rãi. Phải nhận ra từng mùi vị riêng biệt của thức ăn.
- Thứ nhì: Phải quý trọng thức ăn mình sắp ăn, dù số lượng ít ỏi tới đâu, dù mùi vị dở kém tới đâu. Hãy nấu nướng nó một cách cẩn trọng. Dọn lên dĩa sao cho hấp dẫn. Khung cảnh chung quanh phải nên dễ chịu. Trụ tâm vào những ưu điểm của bữa ăn và khoảng thời gian đang ăn.”
Những người đã ứng dụng nghiêm túc cách ăn kiêng theo nhà thiền này thấy giảm cân nhiều, và khi theo một thời gian lâu, lại cho biết họ thật sự thấy ăn ngon hơn.
Anh đánh cá Shiro thích nhất lúc một mình trên biển khơi, khuất bóng đất liền. Khi đã kéo lưới đủ số cá trong ngày, anh thường hướng thuyền mải miết chạy về tây, ra tận biển Nhật Bản. Shiro tưởng tượng như đang đơn độc một mình, không đất, không người. Anh ngồi trên khoang tàu, mắt khép hờ, nhiếp tâm thiền định cho đến lúc mặt trời lặn. Sau đó, anh xem hướng sao và lái thuyền về.
Vợ anh thắp ngọn đèn lồng đặt trên trụ cao ở cuối bến đỗ thuyền. Anh thường tìm cái anh gọi “sao nhà” để lái thuyền đi trong tối, về đến chỗ neo thuyền, và lên giường ngủ.
Vợ anh (quá lo lắng) trách:
- Sao lúc nào anh cũng về cuối cùng vậy?
- Cá lớn luôn luôn ở mãi tít ngoài nơi xa nhất.
Anh dối vợ, bởi không thể nói niềm vui khó tả khi được ở tư thế bềnh bồng tự do trong vũ trụ, ở trạng thái an trú chân tâm với một khối đại dương vĩ đại phập phồng bên dưới, và vũ trụ bầu trời bao la bềnh bồng bên trên.
Vợ anh tiếp:
- Chàng à, đôi khi em nghĩ anh thực tình không muốn về nhà.
- Em chỉ vớ vẩn.
Shiro đáp, vì chàng biết rõ ngôi nhà thực sự của mình ở đâu.
Hành giả tu thiền nào thường tọa thiền mải miết hết giờ này qua giờ nọ, từ ngày này đến ngày khác, hiểu được điều Shiro đang theo đuổi.
Hai hiệp sĩ lãnh chúa tuyên thệ đánh nhau tới chết. Thế là thời kỳ chiến tranh khốc liệt đã đến. Một sư trẻ thể lực rất tốt bị gọi đầu quân.
Sư bản tính hiền hòa phong nhã. Rất lo âu, sư gặp thầy, hỏi:
- Bạch thầy, bổn phận con phải làm gì?
- Làm bổn phận của anh.
Ra trận, chàng trai trẻ chẳng bao lâu nổi tiếng với biệt hiệu “Chó điên sát địch”, khiến quân địch rất sợ hãi, đồng đội rất ngưỡng mộ. Khi cuộc chiến tranh đẫm máu kết thúc, chiến thắng trở về, ông sư nhà binh đến thiền viện, khôi giáp huy hoàng rực rỡ, kiếm hiệp sĩ mạ vàng lóng lánh bên hông.
Sư bạch thầy:
- Thưa thầy, con đã về. Nhưng con không còn thích hợp để sống với các huynh đệ hiền thiện nữa.
- Vào đây. Anh đã làm bổn phận mình. Còn bây giờ bổn phận anh là thiền định. Vào đi. Nhưng hãy cởi chiếc áo giáp ngô nghê kia ra và lau chân anh trước đã.
Cũng thật thú vị khi nghĩ đến tất cả những đoạn đời khác nhau ta đã trải qua suốt một đời, và các đoạn đời trước ảnh hưởng đến tất cả những đoạn đời sau.
Bà mẹ giải thích sự việc cho đứa con trai nhỏ hiểu:
- Ông nội về nhà để chết.
Chú bé bắt đầu hỏi tới:
- Nhưng ai cũng nói…
Mẹ chú cắt ngang:
- Mẹ biết rồi. Mọi người tưởng tượng sự việc sẽ khác, nhưng không thể làm gì được nữa. Mẹ biết vì ông nội con sẽ rất ngoan.
Lúc chỉ có ông nội ngồi với chú bé, ông hỏi:
- Họ nói cho con biết hết rồi chứ, cháu cưng?
- Vâng.
- Chẳng có gì phải sợ. Đời là thế, và nó xảy ra thế.
- Ông có sợ không?
- Ờ, sợ, nhưng sợ y như lúc mình ngồi xe trượt ở công viên thôi. Dù sao rồi con cũng biết là mọi chuyện rốt cuộc sẽ tốt cả.
- Có đau không?
- Chết chẳng đau. Nhưng đoạn đường đi đến đó có thể khổ đấy. Mà ông có thuốc.
Những ngày còn lại, ông tập chơi các trò chơi vidéo, dạy chú học bảng cửu chương, cách che giấu sự đau đớn, cách quân bình thuốc men.
Người bạn thâm niên của ông nội bảo:
- Tệ quá nhỉ! Thế ông có thể làm được gì?
- Có lẽ tôi có thể dạy thằng bé không sợ chết.
Dù càng lúc càng yếu dần, ông nội vẫn giữ được vẻ tươi vui (nhất là lúc có thằng cháu nội). Hai ông cháu vẫn thân thiết tuy ít được gần nhau hơn.
Giờ phút cuối, cậu bé hỏi:
- Nhưng tại sao ông phải chết chứ?
- Con biết đấy, khi con buồn ngủ đến độ không mở mắt lên nổi, dù con đang chơi vui đến đâu cũng phải đi ngủ, có không nào?
- Ờ há.
- Thế, chết cũng gần gần thế đó. Giờ ông mở mắt hết nổi nữa rồi. Con cần ngủ. Ông cũng cần giấc ngủ của ông.
“Một thằng bé”.
Trên bức tường phòng thâu nhạc, có ai viết mấy chữ ấy để chào mừng người cha mới, mắt còn đỏ hoe, rốt cuộc cũng xuất đầu lộ diện ở phòng làm việc.
Một anh bạn phỏng vấn:
- Sao, có đứa con rồi thấy thế nào?
Anh chàng cố tìm lời để nói, nhưng đổi ý, đến ngồi bên cây dương cầm chơi một khúc nhạc.
Khúc nhạc kết thúc, vẫn anh bạn kia hỏi nữa:
- Vâng, nhưng có đứa con mình thấy thế nào?
Anh chàng chơi lại khúc nhạc từ đầu.
Anh bạn hỏi:
- Nghĩa là tuyệt lắm ư?
Người thanh niên mới được làm cha gật đầu, bởi anh không thể nói, và anh bạn anh cũng chẳng nói được.
Một trong những bài học độc đáo của thiền cho thấy khả năng bất toàn của ngôn ngữ và ca ngợi giá trị của kinh nghiệm trực tiếp.
Một bà mập tròn cười luôn miệng, hớn hở tâm sự với nữ giảng sư dạy thiền những ước mơ tuyệt đẹp bà hy vọng sẽ đạt được: Một chàng trai quyến rũ yêu bà, một thân hình yểu điệu thanh mảnh, một chỗ làm tốt để thực hiện những hoài bão trong cuộc sống, và…
Giảng sư chận ngang:
- Hy vọng có thể thành ghiền như thuốc an thần.
- Không có hy vọng tôi không sống được.
Lần đầu tiên, nụ cười tắt mất trên mặt bà.
Giảng sư bảo:
- Phải, chúng ta ai cũng cần hy vọng. Không có nó, ta không vượt qua nổi một hiện tại buồn thảm để tính tương lai.
- Nhưng hy vọng không tốt sao?
- Tốt và không tốt. Hy vọng có giá trị khi cho ta mục đích. Hy vọng chỉ khiến ta mơ suông chẳng làm gì cả, chính là thuốc an thần nguy hiểm. Mải mơ về ngày mai làm ngày nay mất hết sức sống.
- Xin cho tôi ví dụ.
- Thay vì mơ một chàng trai lý tưởng, cô hãy biến mối giao hảo với những chàng trai cô đang quen thành ra thật tốt đẹp. Thay vì ngồi mơ một thân hình thon mảnh, hãy bắt đầu vài bước nhỏ để có thân hình thon mảnh ấy.
- Tỉ như…?
- Tỉ như bỏ cái bánh bích quy kia xuống.
- Ô!
Một đời sống trọn vẹn giống như cuộc phiêu lưu thật kỳ thú, ta đã phí bao nhiêu của cuộc phiêu lưu ấy với những ước mơ nào là “khi tôi lập gia đình”, “khi tôi tốt nghiệp”, “khi mình có tiền”. Với những vụ mơ màng này, thiền có lập trường rất thực tế, cảnh giác ta đừng để mơ mộng thay thế hành động.
Sư trưởng liêu nạt chú Sa-di nhỏ nhất có nhiệm vụ lên dây và canh đồng hồ chạy đúng:
- Chỉnh đồng hồ đi chớ!
- Nhưng nó hư rồi.
Trưởng liêu quát thêm:
- Đem sửa ngay!
Khi đồng hồ từ tiệm sửa về nó chạy quá chậm. Cả lớp lỡ bữa ăn chiều. Chú Sa-di út không những gặp rắc rối với Sư trưởng liêu mà còn bị các sư khác cùng lớp càm ràm đầy tai. Thêm một chuyến viếng cửa tiệm, và giờ nó lại chạy quá nhanh.
Cuối cùng, nổi quạu, chú Sa-di gỡ hết mấy cây kim, viết lên mặt đồng hồ vỏn vẹn một chữ: “Bây giờ”.
Trưởng liêu hỏi:
- Huynh viết chữ “bây giờ” chi vậy?
- Chẳng phải Sư huynh nói thời gian chỉ là giả tưởng và ta chỉ có “bây giờ” sao? Làm thế lúc nào đồng hồ cũng chạy đúng, không cần lên dây.
- Cha chả, láu cá!
Trưởng liêu hét vang rồi điệu chú đến gặp Thiền sư để thi hành kỷ luật. Ngài thấy vấn đề quan trọng đến độ lấy chân lý của cách chú Sa-di lập luận làm đề tài bài giảng ngày chủ nhật của Ngài (sau khi mua tặng chú một đồng hồ đeo tay).
Thật thú vị khi cho rằng kim đồng hồ chỉ ghi lại một hiện tại tương tục và luôn luôn thay đổi.
No comments:
Post a Comment