Friday, August 19, 2016

Hoa Sấu



Tên Việt: sấu Tên Hoa: 人面子(nhân diện tử) Tên Anh: Yanmin Tên Pháp: pancovier; dracontomelum Tên khoa học: Dracontomelon duperreanum Pierre, Fl. Họ: Anacardiaceae
* sấu đỏ Sandoricum koetjape (Burm. f.) Nakai. (Meliaceae)


Mấy hôm, chiều lại cơn giông
Có lùm hoa sấu trước song, quên mình
Chiều nay, mây tạnh nắng lên
Đàn ong quen, lại đến tìm lùm hoa
Ồ hoa đậu trái bao giờ ?
Bầy ong ngơ ngẩn.., một bờ sấu xanh.
Hoa Sấu Bầy Ong - Huy Cận

Hiệu quả của việc trồng cây sấu
Ở thành phố còn trồng được sấu thì làm sao ở nhà quê lại không trồng được. Mỗi nhà hãy ít nhất trồng lấy vài cây Sấu.
Đã bắt đầu vào mùa sấu. Ở Hà Nội, giá quả Sấu cao ngất ngưởng: 40.000 đồng/kg. Tôi nhớ, năm trước khi lên thăm Ba Vì, một bác nông dân cho tôi biết, cây sấu của bác thu được tới 6 tạ quả! Nếu chỉ tính giá 20.000 đồng/kg thì cây Sấu của bác cũng thu được tới 12 triệu đồng.
Thật là một con số hấp dẫn. Nếu có 10 cây sấu thì thu nhập ngang ngửa với một nông dân sản xuất giỏi. Thế còn, nếu như quả đổi của bác mà trồng tới 100 cây sấu thì... mua xe máy làm gì, mua hẳn ô tô mà đi cho sướng!
Sấu là cây rất quen thuộc với chúng ta, phân bố chủ yếu ở phía Bắc. Khi tới thăm khu rừng nguyên sinh ở Cúc Phương (Ninh Bình) hoặc lên thăm hồ Ba Bể (Bắc Kạn), ta có thể sẽ được ngắm nghía những cây sấu có tuổi tới cả 1.000 năm.
Chả đi đâu xa, khi tới Hà Nội, xin bạn hãy đi vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Chúng ta dễ dàng nhận ra những cây sấu được trồng từ thời Pháp vẫn còn đứng vững và tỏa mát quanh hồ. Sấu là cây có rễ cọc và bạnh vè. Bão tố không thể quật đổ nó được. Mặt khác, cây Sấu là cây xanh quanh năm (có nghĩa là nó là cây có lá rụng đều đều trong năm nên trên cây bao giờ cũng còn đầy lá). Vì vậy, càng ngày người ta càng trồng nhiều cây Sấu ở các đường phố.
Các trường học, bệnh viện, nhà máy, doanh trại quân đội... rất nên trồng nhiều cây Sấu. Tôi vào Nha Trang mới biết, có một sĩ quan người Bắc được gia đình gửi sấu chín vào làm quà. Anh ăn rồi gieo hạt ngay cửa nhà. Tới nay các cây Sấu đó đã mọc lên tươi tốt, quả đầy trên cành. Như vậy, sấu cũng có thể đưa dần vào phía Nam.
Sấu là cây đa tác dụng. Nó vừa trồng để lấy gỗ, vừa cho chúng ta thu nhập từ quả. Ở các khu dân cư, nó là loại cây bóng mát tuyệt vời, cây thẳng, lá xanh thẫm, bóng rợp và không bị gẫy, đổ.
Tôi sang Thái Lan thấy người ta trồng me ở khắp nơi. Có chỗ, họ trồng thành rừng. Me phủ kín 7 tỉnh phía Bắc. Họ trồng me để lấy quả. Từ quả me, họ chế biến ra hàng loạt sản phẩm bán khắp thế giới. Nước nào cũng có mứt me, kẹo me, bột me... của Thái Lan. Mình thấy chạnh lòng.
Me làm sao ngon được bằng sấu của ta! Vị của quả sấu rất đặc sắc. Nó vừa chua chua lại vừa thơm. Nước sấu quả ăn đứt các loại nước giải khát khác. Sấu còn được dùng làm ô mai... Tuy nhiên, cũng còn quá ít các sản phẩm được làm ra từ quả sấu.
Ta nên học tập Thái Lan để đầu tư nghiên cứu làm ra nhiều mặt hàng nữa từ quả sấu. Nếu có điều kiện, nhà nào cũng nên trồng sấu. Ta trồng quanh nhà, quanh vườn, trồng dọc các lối đi, men sườn đồi, sườn núi. Sấu là cây ưa sáng. Nếu có các khu đồi trống, rất nên trồng sấu vào đó. Cây Sấu chịu hạn rất tốt vì có bộ rễ rất khỏe, ăn sâu vào lòng đất để hút nước.
Ở thành phố còn trồng được cây Sấu thì làm sao ở nhà quê lại không trồng được. Mỗi nhà hãy ít nhất trồng lấy vài cây Sấu.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng


No comments:

Post a Comment