Tuesday, August 16, 2016

Cây ô môi



Tên Việt: ô môi Tên Hoa : 大果鐵刀木(đại quả thiết đao mộc) Tên Anh : rainbow shower Tên Pháp: cassier Tên khoa học: Cassia grandis L. [Bactyrilobium molle Schrader, C. brasiliana Lam., C. mollis Vahl.] Họ: Vang (Caesalpiniaceae


...
Vẫn khựng lại một sân trường áo trắng,
Cây phượng hè hoa đỏ rụng vai ai...
Cắn mảnh đầu trái ô môi đen đắng,
Bỗng giật mình không lẽ nắng vàng phai.
(Ô môi - ĐTK)

Cây ô môi (tên khoa học là Cassia grandis L.F) là một loài cây gỗ to, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae), thân cao tới 10-12m, vỏ thân nhẵn, những cành non có lông mầu rỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim gồm hàng chục đôi lá chét dài 7-12cm, rộng 4-8cm, có phủ lông mịn. Hoa màu hồng tươi mọc thành chùm ở những kẽ lá đã rụng. Chùm hoa thõng xuống, dài tới 20-40cm. Quả hình trụ, cong như lưỡi liềm, dài 40-60cm, đường kính 3-4cm, có 50-60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt, quanh hạt có cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc. Vỏ quả màu đen, có gân nổi ôm tròn từng khía. Lúc quả ô môi chín già, khi vừa hái xuống thì có mùi khăn khẳn hăng hắc, không mấy ai ăn ngay, mà thường đem về đặt dưới nền nhà ít hôm mới sử dụng. Càng để lâu, chất lượng quả càng tăng, ăn ngon ngọt có hương vị đặc biệt.

Hoa cây ô môi
 Ô môi không chỉ là một loại quả ngon độc đáo của vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn là một vị thuốc bổ được so sánh ngang với Canh-ki-na. Chính thứ cơm màu nâu đen đặc sền sệt chứa trong quả ô môi này được nhân dân ta ngâm rượu làm thuốc bổ uống. Rượu ô môi có màu đỏ đẹp như mầu rượu canh-ki-na và cũng có tác dụng như rượu canh-ki-na, nên ô môi còn được gọi là “canh-ki-na Việt Nam”.
Quả ô môi
Cách chế biến như sau: về mùa thu, khi quả ô môi chín, người ta hái quả về, bỏ vỏ, hạt, chỉ lấy cơm ngâm rượu. Trung bình một quả ô môi có thể ngâm với một nửa lít rượu 25-30o trong 15-20 ngày là dùng được Nhưng nếu càng để lâu thì càng tốt.
Qua phân tích thành phần hoá học, người ta thấy trong cơm quả ô môi có gluxit, chất nhầy, tanin, saponin, canxi oxalat, antraglucozit, tinh dầu và chất nhựa. Rượu ô môi được nhân dân ta dùng làm thuốc bổ, tăng cường tiêu hoá, giúp ăn ngon miệng, ngoài ra còn có tác dụng chữa đau lưng, đau xương. Liều dùng: ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ trước bữa ăn. Ngoài việc ngâm rượu uống, nhân dân ta còn lấy cơm quả ô môi nấu cao mềm uống làm thuốc kích thích tiêu hoá, nhuận tràng.



No comments:

Post a Comment