Tuesday, January 17, 2017

TIẾNG HÁT ĐÊM GIAO THỪA
MANG VIÊN LONG



Không ai biết rõ tên thật của ông, chỉ nghe nhiều người quen gọi là “Sáu Nhỏ” , hay có lúc gọi là “Sáu Đẹt”. Với cái tên gọi này có lẽ ai cũng hiểu ra thâm ý của nó khi được gặp ông: Ông gầy ốm, đen điu, nhất là chiều cao không quá một mét ba. Không hiểu chiếc lưng gù của ông có từ lúc nào – từ thời trai trẻ hay qua tháng năm gian khổ với đời sống, với nghề nghiệp – đã khiến cho con người vốn đã thấp bé, lại càng cúi gần mặt đất thêm nữa ! Dường như lúc nào ông đi, mắt không để vượt quá tầm nhìn của thân mình – chỉ cắm cúi bước lẹt đẹt.
Ông Sáu Nhỏ đã nhận quét dọn rác rưởi cho khu phố chợ này rất lâu; có lẽ đã hơn hai chục năm rồi. Ông lầm lũi làm việc, đều đặn, cẩn thận như một robot – dù trời nắng hay mưa – ngay từ lúc chợ chiều vừa tan cho đến tối mịt. Người ta thấy ông lọc cọc kéo chiếc xe cải tiến với chổi, cào, xẻng, giỏ tre – âm thầm trở về nhà …
Cách nay hơn mười hai năm, trong một buổi tối thu dọn rác ở các lều chợ, ông gặp một người đàn bà nằm co ro trên sạp, thân đắp tạm mảnh chiếu đã rách nhiều lỗ; người rét run cầm cập. Tiếng rên ư ử từng chặp nổi lên trong cái yên vắng trống trải của khu chợ, khiến ông chú ý. Ông dừng tay, bước lại gần, lấy cán chổi đập nhẹ lên đôi chân trắng bệch đang thò ra ngoài – lớn tiếng hỏi : “Sao giờ này còn nằm ở đây, hử ?”.
Tiếng đáp lại khàn đục, run run : “Ư ư … tôi đau quá, tôi lạnh quá!”.
-Đau thì về nhà nằm chứ? – ông vẫn lớn giọng.
-Tôi không có nhà – giọng người đàn ba thều thào.
Ông Sáu Nhỏ hơi nhếch môi cười – “Không nhà… không nhà thì từ nhỏ đến lớn, bà sống ở đâu?”.
Im lặng kéo dài.
Buổi tối hôm ấy, sau khi hoàn tất công việc, ông Sáu Nhỏ quay xe trở lại đón người đàn bà về nhà mình. Đơn giản là vậy. Người ta thấy trên chiếc xe cải tiến cọc cạch thường ngày; có thêm một người nằm cuộn tròn…
Từ đó, người đàn bà đồng ý ở lại với ông trong túp lều dựng tạm nơi cuối con đường dẫn vào thành. Không tuổi tác, lễ lộc, cưới hỏi ồn ào linh đình – họ đã sống gắn bó với nhau, chăm sóc, sẻ chia, thương yêu nhau như đôi vợ chồng.
Từ ngày có “vợ” giúp sức, ông Sáu Nhỏ có phần vui vẻ, linh hoạt, tươi trẻ hơn. Khu phố chợ ngày càng đông đúc, rác rưởi đủ loại càng nhiều- nếu không có “bà Sáu” theo ông quét dọn, có lẽ một mình ông với sức vóc bé nhỏ sẽ không làm xuể được!
Có một buổi sáng sớm, người ta thấy ông ăn mặc tươm tất (áo sơ mi trắng nhàu nhò bỏ trong quần rộng thùng thình) cắm cúi đi ra dãy phố chợ. Ông ghé vào các phố quen (thường nhờ ông tải rác), vòng tay chào chủ nhà, lắp bắp xin tiền để mua sắm ít vật dụng cho trẻ sơ sinh… Thế là cả chợ đều đồn ầm lên một cách thích thú – “Sáu Nhỏ đã có con trai đầu lòng rồi!” – họ làm y như việc ông có con là một điều gì lạ lùng! Nhiều bà có hảo tâm, sau câu nói trêu ghẹo “Sáu Nhỏ nay được lên chức, sướng rồi phải không? ” – gởi cho ông lon sữa, hay tấm áo, cái quần con nít đã may sẵn. Những lúc đó, ông chỉ biết cười hề hề thẹn thùng, bối rối – “Dạ, Dạ, tui đã có con…”.
Cuộc sống của gia đình Sáu Nhỏ vẫn êm ả, thầm lặng trôi qua, từng ngày, từng tháng, từng năm – như những cụm mây. Cho đến một ngày kia – bà Sáu sinh đứa con thứ hai, trở dạ cả ngày, không sinh được như thằng Lượm. Bà kêu khóc. Rên rỉ. Mặt tái nhợt. Và máu ra nhiều… ông Sáu Nhỏ chỉ biết đứng nhìn vợ, có lúc- bỏ chạy ra ngoài cổng bệnh viện ngồi co ró…
Không có tiền chuyển viện, mua máu, bà Sáu Nhỏ đã kiệt sức; nằm chết sóng soãi trên nền nhà sau khi sinh ra được một đứa con gái. Bà đã chết đơn giản, chóng vánh như thế – trong một ngày. Nhưng cũng từ đây, nỗi khổ đau, bất hạnh đã phủ chụp lên ông Sáu và hai đứa con…
Thằng Lượm phải nghỉ học để ở nhà trông em, lo việc bếp núc, sữa cháo cho con Mót thay mẹ. Năm tháng rồi cũng đi qua, những khổ đau hay hạnh phúc rồi cũng trôi chảy – con Mót đã được ba tuổi. Rồi bốn tuổi… Nhờ Trời, con bé ít đau ốm, dễ nuôi, dễ dạy ; có gương mặt bầu bầu giống mẹ như hai giọt nước.
Buổi chiều, Lượm đi theo sau ông Sáu ra chợ, để phụ giúp cha. Lượm chăm chỉ làm việc. Lặng lẽ. Ít khi nói gì với cha . Nhưng cũng từ ngày có Lượm, người ta bắt đầu nghe tiếng ông Sáu Nhỏ hát –lúc trầm, lúc bỗng: “Trời chiều tối rồi, cô em lại đây, cho anh nhắn đôi lời gởi về biên khu…” . Ông vừa dùng cây chổi sắt cào dồn mọi thứ rác lại từng đống – vừa cất tiếng hát đều đều : “… Ai đi vô trong Nam ? Ai đi ra Việt Bắc? – đường dài xa cách, đường đi mấy mươi ngày ! Trời chiều tối rồi, cô em lại đây…”.
Khi các đống rác đã được cào hốt lên đầy xe cải tiến – ông tới trước cầm cán xe thay con, cong lưng – trườn người, cố kéo chiếc xe nhích về phía trước. Phải có sức đẩy phụ của Lượm phía sau, chiếc xe mới nặng nề chuyển bánh. Không ai biết rõ chiếc xe đã đi và về mấy lượt từ khu chợ đến bãi rác tận cuối phố, nhưng khoảng chín giờ đêm, thì cả khu phốù chợ nhầy nhụa rác – đã trở nên sạch sẽ… “Trời chiều tối rồi, cô em lại đây, cho anh nhắn đôi lời gởi về biên khu…” – Ông Sáu Nhỏ vừa kéo chiếc xe cải tiến ọc ạch trở về nhà – vừa cất giọng hát đều đều, say sưa. Lượm lủi thủi đi sau chiếc xe như một cái bóng. Đôi lúc, lặng lẽ nhìn cha, rồi cười vu vơ…
Trong những ngày tháng Chạp khu chợ nhóm lan rộng ra dần dọc theo dãy phố, kéo dài suốt ngày. Những gian hàng mới cũng được dựng lên, che chắn, trang hoàng, để phục vụ cho mấy ngày Tết. Con đường phố vì thế đã hẹp lại – thu nhỏ, đến các loại xe hai bánh cũng phải chen nhau khó khăn. Lượng rác thải ra, đủ loại – vất bừa bãi khắp nơi ngày một nhiều hơn. Đã hơn 11 giờ đêm, người ta vẫn còn thấy cha con ông Sáu Nhỏ cặm cụi thu gom rác- cào quét, hốt lên xe, cọc cạch từng chuyến đi ra ngoài thị trấn. Tiếng hát của ông lại vang lên trong cái trống trải im vắng nghe rõ từng lời : “Trời chiều tối rồi, cô em lại đây, cho anh nhắn đôi lời gởi về biên khu…”. Trong đầu ông, cái dĩ vãng của chín năm đánh Pháp lại hiện ra đầy quyến rũ và phấn chấn. Mấy năm trời làm giao liên, mấy năm trời làm Nông Hội; cái quá khứ của thời tuổi trẻ sôi nổi bây giờ chỉ còn đọng lại hình ảnh thơ mộng của một chiều biên khu nào đó xa lơ – “Ai đi vô trong Nam ? Ai đi ra Việt Bắc? Đường dài xa cách đường đi mấy mươi ngày…” – Ông Sáu Nhỏ hát theo nhịp cái chổi sắt đang cào quét mặt đường…
Không rõ ông đã học được ở đâu, hay tự ông nghĩ ra- gần đây ông đã hát thêm vài câu vọng cổ rất mùi. Ông lên giọng xuống giọng điệu nghệ giữa cái im vắng của khu chợ về đêm chỉ một mình ông nghe : “Cúc Hoa ơi, nếu em thật tình yêu anh thì sao em nỡ đành bỏ anh bơ vơ nơi cõi… dương trần! – Ngày đêm anh than khóc âm thầm!” . Những lúc nghe cha say sưa với câu vọng cổ – thỉnh thoảng Lượm cũng dừng tay ngó về phía cha – rồi mỉm cười. Lượm đã thuộc nằm lòng mấy câu hát của ông, nhưng cứ mỗi lần nghe cha hát nó lại cảm thấy như có một sợi dây ràng buộc thêm với ông, càng thương ông nhiều hơn trong nỗi nhọc nhằn. Đồng thời, cũng từ tiếng hát ấy, tự dưng nó lại nhớ mẹ da diết mà không biết vì sao. Tuổi thơ mau nhớ nhưng lại dễ quên. Đôi lúc, nó cố hình dung lại gương mặt của mẹ, nhưng cũng chỉ thấp thoáng mơ hồ. Dường như sự nghèo khổ lam lũ càng làm cho gương mặt người ta mờ nhạt, không rõ nét? Nó chỉ biết nhớ mẹ, không biết buồn từ ngày vắng bà.
Thực sự là ông Sáu Nhỏ đã gần đến ngày phải rời cái chổi sắt, cái cào, cái cán xe cải tiến mà ông đã cầm nắm hơn hai chục năm qua để trao mọi thứ lại cho con. Lưng của ông đã uốn cong; sống lưng nổi một cục u nhô cao, mặt chỉ nhìn thấy đất. Trông ông mặc chiếc áo của ai đó cho, rộng thùng thình, che khuất chiếc quần đùi – tay cầm cán chổi dài uể oải cào quét từng nhúm rác – người ta có thể tưởng ra một hình cộm ngoài đồng đang rung rinh trước gió.
Hôm nay thằng Lượm cũng đã mặc bộ đồ mới (quần kaki xanh, áo sơ mi rằn), đầu đội chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in chữ Sport và bốn vòng tròn màu đỏ. Ông Sáu Nhỏ cũng đã mang theo con Mót để cho nó được xem chợ Tết chiều 30. Mót đã sáu tuổi, trong bộ áo quần hoa màu tím may sẵn – trông nó rất dễ thương. Chỉ có sự rụt rè và ngơ ngác của nó đứng xơ rơ một góc chợ với cái túi nilon đựng đủ thứ vặt vãnh cầm chắc trong tay – người ta dễ nhận ra ngay Mót là con của ông.
Ông Sáu Nhỏ vẫn mặc chiếc áo sơ mi cũ vàng bệch dài phủ gối, mới nhìn tưởng ông không mặc quần! Ông dừng tay cào, mang hai trái cam nhặt được từ trong cái thùng giấy rách đến chỗ Mót.
-Con ngồi xuống đi ! – Ông nói.
-Con không mỏi chân mà con buồn ngủ – Mót thỏ thẻ.
-Lên cái sạp trống kia mà ngủ, xong ba chở về…
-Mai là Tết rồi hả ba ?
-Ừ, Tết rồi…
Ông mở túi nilon bỏ hai trái cam vào, nhìn thoáng qua cái túi đã căng đầy bánh trái – mỉm cười: “Cúc Hoa ơi, nếu em thật tình thương anh sao em nỡ đành bỏ anh bơ vơ nơi cõi dương… trần ! Anh nhớ em, ngày đêm than khóc âm thầm…”.
Nhìn thấy có nhiều người ăn mặc tươm tất, sang trọng đã ra đường; ông Sáu biết được đã đến giờ giao thừa. Năm cũ sắp hết. Năm mới lại bước qua. Con Mót sẽ thêm một tuổi. Thằng Lượm và ông sẽ thêm một tuổi. Còn bà Sáu thì sẽ lùi xa cha con ông thêm một năm… Mới ngày nào, chiều tối 30, hai vợ chồng vội vã thu gom rác để được về nhà sớm lo việc đèn đóm, quét dọn, để cúng giao thừa… Mới ngày nào mà đã bảy năm. Bảy năm lướt qua đời ông nhanh chóng và mơ hồ – đến nỗi ông không còn nhớ rõ. Chúng như những cái bóng. Như những đám mây …
Trước thềm mỗi nhà ở dãy phố dọc hai bên khu chợ đã bày biện bàn thờ, hoa quả, đèn nhang sáng rực. Các loại xe gắn máy, từng tốp, thỉnh thoảng lướt qua mặt ông. “Người ta đã đi xuất hành rồi, làm lẹ lên con!” – ông quay về phía Lượm nói lớn. Từng đống rác đã được chuyển đi dần – từng chuyến xe lạch cạch vội vã trên đường – tiếng hát của ông Sáu Nhỏ nghe đều đều – buồn buồn : “Trời chiều tối rồi, cô em lại đây, cho anh nhắn đôi lời gởi về biên khu…”.
Miệng thì không ngớt tiếng hát nhưng trong đầu ông lại hiện ra cái Tết đầu tiên lúc có bà Sáu về nhà. Mái nhà sao mà ấm cúng, sáng sủa quá ! Dạo ấy rác không nhiều như bây giờ, vợ chồng ông đã gắng làm xong trước giờ giao thừa. Về đến nhà vừa tắm rửa vội vàng, thay tấm áo mới – bà Sáu đã dọn xong mâm hoa quả; ông lên đèn, thắp nhang là đến giờ… Sáng sớm, ông cùng vợ đi chùa G.H. lễ Phật, rồi đón xe lam lên ngay nghĩa trang thăm mộ… từ ngày bà Sáu mất, lại thêm con nhỏ, ông Sáu chưa bao giờ được cúng giao thừa đúng giờ; đi chùa, thăm mộ vào sáng sớm Mồng Một như xưa. Trở về ngôi nhà tối lù mù, lạnh lẽo – cha con ông lui cui làm hết việc này đến việc khác – mệt nhoài, lăn ra ngủ một giấc dài cho đến khi mặt trời gần đứng bóng… Một mình Mót dậy sớm, tự tìm thức ăn – tự mặc quần áo mới, rồi lững thững ra ngõ nhìn mọi người đi chơi xuân mà lòng bùi ngùi nhớ mẹ. Mót chưa một lần được nhìn thấy mẹ để nhớ, chưa bao giờ được mẹ nắm tay dẫn đi dạo chợ Tết, chơi Tết, đến nhà Văn hóa, khu vui chơi giải trí ngoài phố hay nô đùa ở Công viên… như các bạn quanh xóm. Nó thèm được như con Thu, con Phương, thằng Tí… dù chỉ một lần thôi. Anh nó – thằng Lượm, chỉ chở nó đi một vòng thoáng qua, trên chiếc xe đạp cọc cạch vào chiều Mồng một; rồi luông tuồng với bạn bè cả ngày – có khi mãi tới khuya mới chui về ngủ. Phải chờ đến chiều Mồng Ba, ông Sáu Nhỏ mới dắt nó ra khu phố chợ để xem hô lô tô, và ghé lại thăm, “mừng tuổi” vài người tốt bụng quanh phố. Đến nhà nào Mót cũng được cho ăn bánh kẹo, được nhận tiền lì xí trong bao giấy đỏ. Những lúc ấy, Mót mới thực sự cảm thấy ngày Tết đang đến với mình…
Tiếng chuông điểm giờ của chiếc đồng hồ nơi một ngôi nhà nào đó trong phố đã lặng lẽ đổ ba tiếng rời rạc. Âm thanh chợt vang lên rõ mồn một rồi tắt chìm vào không gian lạnh lẽo, im vắng. Cha con ông Sáu Nhỏ đã hoàn tất công việc: khu chợ đã trở nên sạch sẽ, tươm tất. Ông móc ở túi áo ra một điếu thuốc thơm hiệu White Horse của một người quen nào đó cho lúc chiều; lấy hai ngón tay nắn sửa, vuốt vuốt cho ngay ngắn – rồi châm lửa hút. Khói bay nhanh theo chiều gió. Trời se lạnh. Mưa xuân lất phất…
Lượm tiến lại gần ông, vừa đi vừa cởi áo lau mồ hôi ở mặt, ở cổ – “Ba mệt không?”.
-Mệt, mệt quá…
Ông hít một hơi thuốc dài rồi vất nửa điếu thuốc còn lại xuống đất như vất đi một cái gì khó chịu.
Đặt Mót nằm trên mấy tấm bìa của các thùng giấy cứng bị vứt bỏ – ông còng lưng đẩy xe cho Lượm cầm cán. Chiếc xe lạch cạch lạch cạch… Tiếng hát của ông Sáu Nhỏ chợt vang lên : “Cúc Hoa ơi, nếu em thật tình thương anh sao em nỡ đành bỏ anh bơ vơ nơi cõi dương… trần ! Anh nhớ em ngày đêm than khóc âm thầm …”.

No comments:

Post a Comment