Bí kíp sống khỏe
Cuộc đời không ngắn chẳng dài, những ‘bí kíp’ này có thể giúp bạn tạm an tâm bình thản đi hết quãng đường nhân sinh dặm trường sương gió. Trước tiên, chúng ta hãy làm quen với khái niệm về ‘năm cái phúc’ của đời người, sau đó chúng ta sẽ học cách để an tâm vững bước trong suốt hành trình:
5 cái phúc của một đời người
* Bình an là phúc: Trên đời có bao nhiêu người đang phải chịu cảnh chiến tranh loạn lạc, đang sống trong tranh đấu, hiểm nguy. Chúng ta được sống trong bình an thì nhất định là đại phúc. * Khỏe mạnh là phúc: Mỗi ngày trên thế gian có biết bao nhiêu người đã khuất, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu người nằm viện. Chúng ta khỏe mạnh, tráng kiệt, vậy không phải đã là có phúc rồi sao? * Khờ khạo là phúc: Xưa nay có bao nhiêu người thông minh quá lại bị thông minh hại, vậy nên có lúc chỉ muốn làm kẻ khờ. Thông minh khó, khờ khạo khó, từ thông minh chuyển sang khờ khạo càng khó, buông tay ra, lùi một bước, lòng yên ổn. * Chịu thiệt là phúc: Trên đời có bao nhiêu người khôn lanh, rốt cuộc có mấy người là khôn thực sự. Có rất nhiều người cam chịu thiệt thòi, luôn phải gánh chịu nhiều hơn, nhưng từ xưa đến nay, người cam chịu thiệt thòi so với người khôn lanh thì luôn hạnh phúc hơn. * Kính dâng là phúc: Trời đất tại vì sao có thể lâu dài vậy? Bởi vì trời đất không phải vì chính mình mà tồn tại, cho nên mới lâu dài. Ánh nắng mặt trời, không khí tại sao có thể dài lâu vậy? Bởi vì mặt trời, không khí bằng lòng giao hết cho muôn loài, cho nên mới lâu dài. Đại Vũ, Ngu Công tại sao lại được mọi người ghi nhớ mãi? Bởi vì họ vô tư vô ngã, chỉ muốn làm điều tốt cho muôn dân, người ta mới có thể khắc ghi họ. Từ xưa đến nay, kính dâng chính là phúc.
10 thứ cần phải tu dưỡng
* Thiện dưỡng đức: Mỗi ngày hành thiện, tích thiện thành đức. * Cười dưỡng thọ: Cười một cái, trẻ hơn mười tuổi; cười mỗi năm, trẻ mãi không già. * Họa dưỡng phúc: Phúc họa tương y, tránh họa đắc phúc. * Xả dưỡng đắc: Là tâm hoan hỷ, vui thích với hạnh phúc của người khác. Có xả tất sẽ được nhiều. * Thành dưỡng bạn: Đối xử với mọi người thành tâm thành ý, tình bạn ắt sẽ dài lâu. * Tĩnh dưỡng tâm: Tùy kỳ tự nhiên, thanh tĩnh dưỡng tâm. * Động dưỡng thân: Tập luyện điều độ, thân thể khỏe mạnh. * Học dưỡng thức: Học hỏi nhiều sẽ biết kiến thức, đọc sách nhiều giúp hiểu lý lẽ. * Cần dưỡng tài: Người biết cần cù, siêng năng ắt không lo bần cùng túng quẫn. * Ái dưỡng gia: Gia đình hòa hợp vạn sự hưng thịnh, gia đình yêu thương nhau vạn sự tất thành.
3 việc cần phải biết
(1) Đầu tiên là biết người, cũng là việc quan trọng bậc nhất Biết người rồi, làm việc sẽ thuận lợi, sẽ thành công. Hiểu sai người, làm việc sẽ có nhiều ngăn trở, sẽ thất bại. Vậy nên, trong cuộc sống cần phải tìm đúng người. Phải tìm quý nhân ủng hộ: Có quý nhân phù trợ, giống như lưng tựa đại thụ, hóng gió mát, sự nghiệp như diều gặp gió mà phất lên cao. Phải tìm người thân yêu trợ giúp: Phía sau sự thành công của một người đều có một bàn tay của người thân tài giỏi. Có người thân yêu trợ giúp, chẳng khác nào làm chơi ăn thật. Phải tìm bạn bè trợ lực: Đi thuyền cần có mái chèo tốt, có bạn bè trợ lực, chắc chắn sẽ xuôi gió xuôi thuyền. Phải tránh âm mưu của tiểu nhân: Thà cãi nhau với quân tử còn hơn nói chuyện với tiểu nhân. Gặp phải kẻ tiểu nhân, 36 kế, chuồn là thượng sách.
(2) Thứ hai là phán đoán sự việc Con người miễn là còn sống, thì luôn phải làm việc hay nghĩ tới công việc. Có thể nói việc bất ly thân, thân không rời việc. Sự khác biệt giữa người với người chính là khả năng phán đoán. Phán đoán chuẩn xác trong thương lượng buôn bán, thì sẽ kiếm được lời. Phán đoán chuẩn xác chính sự quốc gia, thì liền có thể làm quan. Trong cuộc sống sẽ gặp phải những việc lớn, việc nhỏ, chuyện tốt, chuyện xấu, việc gấp, việc khó. Khi đối với chuyện phức tạp rắc rối, điều đầu tiên bạn nhất định phải làm là phán đoán tốt xấu, phân rõ chuyện lớn nhỏ, khó dễ, chuyện cần làm gấp, chuyện có thể rời lại. Nhất định phải phán đoán được việc mình sẽ làm, phán đoán chuẩn rồi mới làm.
(3) Thứ ba là dưỡng sinh Sức khỏe là tài sản quan trọng nhất của đời người. Bởi vậy, nhất thiết phải biết dưỡng sinh. Muốn dưỡng sinh tốt cần làm được hai dưỡng, mười phải.
Hai dưỡng: * Dưỡng sinh đầu tiên phải bồi dưỡng tâm: Bệnh tùy tâm sinh, có nhiều bệnh nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý bản thân không tốt. Tâm trạng vui vẻ, khoan khoái, dễ chịu là cái gốc cho một thân thể tráng kiệt. Dù sao cũng không nên vì cớ gì mà suy tư, sinh hờn dỗi, mù quáng lo lắng, dày vò bản thân mình. * Dưỡng sinh cần coi trọng việc dưỡng dạ dày: Bệnh từ miệng mà vào, không ít loại bệnh là vì ăn mà gây ra họa. Lúc chuẩn bị ăn cái gì, nhất định phải chú ý quan sát và suy nghĩ một chút, xem xem mình có nên ăn hay không, nên ăn nhiều hay ít. Ăn vào rồi thì khó nhả ra, nhất định không được thích gì ăn nấy, đừng để cái miệng làm tổn hại sức khỏe của bạn.
Mười phải: * Tâm phải tĩnh: Dưỡng tâm là sử dụng các biện pháp cần thiết để điều hòa đời sống tinh thần, tình cảm, cốt sao đạt được sự ổn định và cân bằng. Tâm tịnh thì cõi tịnh. Vui buồn là thứ dục tình không bình thường ảnh hưởng tới tu tâm. Mừng giận là dục vọng sai lầm tác động vào dưỡng tính. Yêu ghét khiến cho lòng căng thẳng. Vì vậy, có câu rằng, sự sống vận hành cùng đất trời, cái chết biến hoá như muôn vật. Khi yên tĩnh tức là âm khí trong cơ thể phát ra. Tinh thần điềm đạm tĩnh lặng là đạt mức tối cao, không bị ngoại vật mê hoặc khiến tâm không bị bó buộc. Cho nên, tâm là chủ của hình, thần là vật báu của tâm. Hình hài liên tục vất vả sẽ ngả gục, tinh lực hao phí quá độ sẽ cạn kiệt. Người giỏi dưỡng sinh rất coi trọng tâm thần và bảo dưỡng nó, không dám để tâm thần hao phí. * Thần phải định: Theo y học cổ truyền, “thần” là một trong ba thứ cực kỳ quan trọng (tam bảo) của nhân thể cùng với “tinh” và “khí”. Thần phải ở trạng thái hoàn toàn bình lặng. Không vì đang khỏe mạnh mà vui (không biết lo xa), không vì thiếu mà buồn, không vì hèn mà gấp gáp. Hình, thần, khí, chí, mỗi cái có vị trí của mình, hoạt động tuỳ theo sự sắp đặt bẩm sinh. Hình là nơi trú ngụ của sự sống. Khí là môi trường của sự sống. Thần là sự thống lãnh sự sống. Một cái không đúng vị trí khiến cả ba cùng tổn thương. Vì vậy, hình mà không được ở nơi yên ổn thì bỏ đi, khí mà không đầy đủ cho sự sống thì tiêu tán, thần mà không hoạt động phù hợp thì mờ tối. Ba điều này, nhất định phải gìn giữ thận trọng. * Đầu phải tỉnh: Thời đại công nghệ số, điện thoại và máy móc có vẻ “thông minh” hơn, con người lại trở thành ù lì . Thật vậy, khi người càng ít sử dụng đến tư duy, bộ não sẽ càng trì trệ. Do đó luyện tập cho não là rất cần thiết nếu muốn phát triển trí tuệ của mình. Nghiên cứu cho thấy thiền định giúp não trẻ ra, phục hồi thương tổn, tăng cường các vùng chịu trách nhiệm cho cảm xúc tích cực…Có thể chỉ đơn giản là sử dụng một ít thời gian một mình để thư giãn, thả hồn hòa mình vào tự nhiên bao la. * Bụng phải rỗng không: Không ăn quá no, tức là không được ăn to uống nhiều, phải thường xuyên giữ cho cơ thể có cảm giác đói vừa phải, ăn nhiều không có lợi cho dưỡng sinh, hay nói cách khác là “thường có ba phần đói, bách bệnh không dám đến.” Dạ dày là nơi đầu tiên phải “hứng chịu” hậu quả khi ăn quá no. Mỗi ngày, bộ phận này phải tiết khoảng 8000 mg dịch tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Ăn no khiến cho dạ dày bị căng phồng, nhu động chậm lại, dịch tiêu hóa tiết không đủ khiến thức ăn không thể tiêu hóa hết. * Chân phải nóng: Chân được ví như con tim thứ hai của cơ thể. Việc giữ ấm cho cơ thể nhất là bàn chân vào lúc trời lạnh phải được chú trọng hàng đầu. Bên cạnh những loại quần áo dày, giữ nhiệt, các loại tất chân, gang tay cũng là những món đồ không thể thiếu trong những ngày đông giá rét. Theo Đông y tất cả các huyệt ở chân đều ảnh hưởng đến các cơ quan khác với vô số đầu dây thần kinh nối liền với não. Tất cả máu lưu thông trong cơ thể đều đi qua mạng mạch máu dưới chân. Bảo vệ đôi chân là bảo vệ sức khỏe của cơ thể. Nếu khí huyết lưu thông tốt , cơ thể sẽ mạnh khoẻ và tránh được bệnh tật. Mà chân lại là nơi giao nhau của rất nhiều kinh mạch, tập trung nhiều huyệt đạo, nên giữ cho khí huyết lưu thông ở chân rất quan trọng. * Cẳng phải động: Con người cần vận động. Sự sống là vận động, cơ thể con người dù ở bất cứ trạng thái nào cũng luôn luôn vận động. Bất cứ cái gì cũng phải có mức độ, ăn phải có mức độ, ngủ phải có mức độ, luyện tập cũng phải có mức độ, luyện tập quá mức cũng sẽ khiến cho chức năng miễn dịch bị giảm. Nên tập luyện mỗi ngày, nội dung tập luyện có thể sử dụng những phương pháp đơn giản nhất, đi bộ, đi dạo cũng được, đó là phương pháp đơn giản, kinh tế và hiệu quả nhất. * Ăn phải đa dạng: Cơ thể con người cần nhiều chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn lương thực khác nhau. Vì vậy hằng ngày nên thay đổi các loại lương thực khác nhau - quan trọng là chú ý đến chất lượng. Ai ăn uống đa dạng, thỉnh thoảng có thể tự cho phép ăn "nhiều" một lần! Ăn uống đơn điệu có thể có hại, vì một số dinh dưỡng được đưa vào cơ thể quá nhiều, trong khi những chất quan trọng khác lại thiếu. Nhất định phải ăn sáng thật ngon, ăn trưa đủ, ăn tối ít. Con người hiện nay đều làm ngược lại, buổi sáng ăn qua loa, buổi trưa ăn đối phó, buổi tối ăn đầy bụng, đây chính là nguồn gốc của bách bệnh. Bữa cơm buổi sáng bằng với việc uống thuốc bổ, là bữa ăn quan trọng nhất, nhất định phải ăn thức ăn có nhiều dinh dưỡng. * Ham muốn phải tiết chế: Tâm an tịnh thì ít dục vọng, không sợ hãi, hoạt động vừa đủ không quá độ, khí huyết toàn thân lưu thông, mỗi ý nguyện đều được đáp ứng. Người như vậy thì mọi ham muốn không làm mờ được mắt họ, mọi tà dâm không thể làm mê được lòng họ. Họ sống trăm tuổi mà động tác không già lão. "Bế tinh dưỡng khí tồn thần, thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình" (Giữ tinh khí luôn luôn đầy đủ, bão toàn sức lực cường tráng, giữ gìn tinh thần thanh thản, giữ lòng trong sạch, giảm thiểu ham muốn, giữ gìn chân khí sung mãn, luyện tập cơ thể thường xuyên - Tuệ Tĩnh). Đó là những nội dung trọng yếu của nghệ thuật dưỡng sinh, là bí quyết kiểm soát, điều chỉnh, rèn luyện, gìn giữ sức khỏe để sống tốt, sống khỏe. * Uống thuốc phải thận trọng: Về mặt nguyên tắc, đã gọi là thuốc, bất kể thuốc tây hay thuốc ta, thì đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người. Không tuỳ tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc có chuyên khoa. * Thân thể phải kiểm tra: Đa phần những căn bệnh khi được phát hiện sớm thì việc kiểm soát, điều trị bệnh đạt được kết quả cao hơn, tiết kiệm được chi phí, thời gian và tránh được các biến chứng do bệnh gây ra. Ngoài ra, vɩệc kiểm tra sức khỏe định kỳ còn giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về sức khỏe cũng như có sự điều chỉnh phù hợp, tốt hơn về chế độ ăn uống, dinh dưỡng, phương thức sống, phương pháp làm việc,… Chính vì vậy cho nên cần biết cách kiểm tra thân thể, điều tiết tinh thần và tình cảm, và quan trọng nhất là giữ cho “tính khí” trung hòa; tức là giữ cho tinh thần và tình cảm ở trạng thái quân bình. Làm được như vậy thì chân khí không bị nhiễu loạn, lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa, tà khí từ bên ngoài không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy bệnh tật không thể phát sinh, cơ thể được khỏe mạnh và tuổi thọ kéo dài.
|
No comments:
Post a Comment