Wednesday, January 25, 2017

TUỖI GIÀ LẼ BÓNG


Image result for tuoi gia co don

Cảm giác cô đơn, trống rỗng khi bạn đời ‘ra đi’
– “Tôi là một phụ nữ ngoài 60 tuổi, chồng qua đời 10 năm, lẻ loi, không có tài sản, có Medical, không bị các bệnh truyền nhiễm, tự chăm sóc bản thân được, biết lái xe, muốn tìm nơi nương tựa cuối đời. Xin liên lạc về email…”
 Nội dung email này, do một độc giả gửi tới tòa soạn, có thể khiến nhiều người bật cười theo nhiều nghĩa khác nhau. Thế nhưng, đọc thêm một lần, rồi một lần nữa, có thể nghe ra được nỗi gì cô độc đến não nề.
Ngồi xuống nghe tâm tư của những người gần bước đến tuổi 70 hoặc hơn nữa, cả đàn ông lẫn phụ nữ, những người hiện đang lẻbóng, bởi người phối ngẫu qua đời hoặc ly dị đã lâu, chợt hiểu thêm thật nhiều về nỗi cô đơn cũng như khao khát tìm được người bạn tâm giao, tri kỷ để tìm vui, để nương tựa trong những năm tháng cuối, ray rứt và da diết đến mức nào.
Cảm giác cô đơn, trống rỗng
Một nghiên cứu theo dõi hơn 2,000 người trên 50 tuổi trong vòng 6 năm và kết quả nhận được cho thấy nỗi cô đơn làm nguy cơ tử vong tăng lên gấp 2 lần và có nguy cơ chết sớm cao hơn 14% so với người không cô đơn.
Một nghiên cứu khác lại cho thấy 43.2% trong số 1,600 người trên 70 tuổi cho rằng họ cảm thấy cô đơn và thường thiếu bạn tâm giao.
Một nửa trong số những người tham gia khảo sát nói nỗi cô đơn của họ càng hiển hiện rõ hơn vào cuối tuần và ba phần tư trong sốđó phải chịu đựng nỗi cô độc khi đêm về.
Bà Mai Phương, 69 tuổi, hiện sống một mình ở Anaheim cũng là người mang trong lòng nỗi trống trải, cô đơn kể từ khi chồng qua đời cách đây hơn 2 năm. Nhìn cách bà đi làm, tham gia những sinh hoạt hội nhóm, bạn bè, khó ai có thể nghĩ được trong bà lại có một góc cô đơn hun hút đến vậy.
Thời gian ổng mới mất, trong tôi hoàn toàn trống rỗng.” Bà bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói buồn và nhẹ hơn bình thường.
Không còn những đêm mất ngủ vì lo lắng cho bệnh tật của chồng. Không còn những thấp thỏm mỗi khi đưa ông vào bệnh viện. Không còn phải suy nghĩ đến chuyện lo hôm nay nấu món gì, ngày mai đổi món nào. Nhưng lấp đầy cho những cái “không còn” đó lại là một khoảng trống đến rợn người.
“Tôi không dám ở nhà một mình, tôi cứ bám víu vào thằng con út khi đó còn ở chung nhà. Nó đi đâu tôi theo đó, nó đi ăn sushi ở hướng Nam, tôi đi theo hướng Nam. Nó lái xe ngược hướng Bắc đi uống boba, tôi cũng ngồi xe theo hướng Bắc. Có lúc ngồi trong xe cũng chỉ ngủ gà ngủ gật nhưng mà vẫn cứ leo lên xe con mỗi khi nhìn thấy nó đi đâu, cho dù nó có muốn hay không muốn mang mình theo.” Người đàn bà có đôi môi luôn cười nhưng ánh mắt lại rười rượi, nhớ lại.
Bà biết con bà không thích như thế.
  Bà biết bà không nên bám theo con   như thế.
Nhưng mà… biết làm sao.” Bà Phương cười buồn.
Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này chậm rãi nói tiếp, “Tôi thấy rõ ràng mình mất một chỗ tựa, như thiếu một cây gậy đểchống mà đi kể từ lúc ổng mất. Cô đơn lắm!”
Nỗi cô đơn, trống vắng không chỉ ở chỗ thiếu đi một bóng hình, một người hằng ngày ra vào mình trông thấy, nhìn thấy, chuyện trò, mà ngay cả, như bà Phương tâm sự, nhìn những hàng cây khô héo, nhìn bụi vương trong nhà, lại chợt nhớ ra có người đã từng làm thaymình những việc như thế. Đó là chưa kể những lúc ngồi lần hồi giảiquyết từng cái hóa đơn điện, nước, gas, rác… lại nhớ bao lâu rồi mình không phải làm những việc này.
“Nhiều lúc đang ở sở làm mà nỗi buồn cũng ập đến, tôi phải đi vào trong restroom đứng khóc một mình,”bà kể.
Với bà Kim Lan, 70 tuổi, chồng qua đời đã 16 năm, khi bà mới 52 tuổi, thì nỗi cô đơn, trống trải càng về những năm sau này càng mãnh liệt hơn so với thời gian đầu khi người bạn đời của bà ra đi, bởi “khi đó tôi không có thời gian và tinh thần để nghĩ đến nó. Tôi phải bận rộn trong việc đi làm hai ‘job’ để kiếm tiền nuôi con, trả tiền nhà.”
Mặc dù không nhận ra nỗi trống vắng, cô đơn vào thời gian ấy, nhưng bà Kim Lan lại gần như bị rơi vào tình trạng “trầm cảm.” Bà nhớ lại, “Tôi đi làm gần như câm lặng, chỉ có hai câu ‘Hi’ khi đến và ‘Bye’ khi về. Trong lòng lúc nào cũng như buồn bực, ray rứt.”
“Tôi cảm thấy như tôi giận chồng tôi rất nhiều. Bởi vì chúng tôi đều thích sống ở miền quê, cả hai hẹn nhau khi nào con ra trường thì sẽtìm nơi vắng vẻ, thanh tịnh để ở. Vậy mà chưa chi ổng đã bỏ tôi ra đi. Tôi cứ cố nghĩ đến những tính xấu của ông để mà giận thêm. Và tôi trút sự tức giận đó lên các con tôi, như một người điên sẵn sàng la hét cho dù chỉ là một điều nhỏ nhặt.” Bà Lan tiếp tục kể bằng giọng tâm tình khi đêm xuống mỗi lúc một sậm màu hơn.
Rồi thì thời gian đó cũng qua khi bà được bạn bè rủ đi tập Taichi, nghe tiếng người ta trò chuyện, nhìn người ta cười giỡn với nhau, bà Lan tìm lại được nụ cười và tiếng nói của chính mình.
Về hưu ở tuổi 63, bà Lan lại tiếp tục giúp con nuôi cháu. Những niềm vui giản dị này không cho bà có thời gian buồn, sự bận rộn với các cháu khiến bà không thấy lẻ loi.
Tuy nhiên, khi các cháu lớn dần, bà ngoại không còn là người đểchúng gần gũi, quyến luyến, và như một lẽ thường tình “càng về già càng thấy hụt hẫng,” bà Lan cảm nhận.
“Nhiều lúc thấy mình bơ vơ, trống vắng, hay có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi. Những lúc đau ốm, yếu trong người là lúc cảm thấy cô độc nhất, sợ hãi nhất. Bạn bè đến thăm thì vui, nhưng họ bước chân ra về là mình thấy chơi vơi.” Người phụ nữ có giọng nói của người Hà Nội xưa nói như trải lòng.
Cảm giác lẻ loi, trống trải đến nao lòng đó không chỉ là cảm nhận của riêng phụ nữ mà đàn ông vẫn không làm sao thoát được nhữnglúc nỗi cô đơn ùa đến, bủa vây.
“Một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với” là điều mà ông Vương Văn Chương cảm nhận được từ khi vợ ông qua đời, cách đây “3 năm 9 tháng.”
Ông Chương năm nay 72 tuổi, hiện ở Garden Grove, sống cùng con cháu kể từ khi vợ mất, bởi “sống trong ngôi nhà cũ, nhìn đâu cũng thấy bóng hình vợ tôi, buồn lắm, chịu không được.”
Ông Chương kể, “Vợ tôi đi làm suốt 29 năm, khi vừa về hưu được hai tháng, đang lên kế hoạch đi du lịch đây đó thì phát hiện bị ung thư bao tử giai đoạn cuối. Năm tháng sau thì vợ tôi mất.”
Sự ra đi của người bạn đời đã đồng hành cùng ông suốt 42 năm, người cùng ông trải qua chuyến vượt biển thập tử nhất sinh vào năm 1977 với 27 ngày trôi trên biển cho đến khi được tàu cứu vớt, rồi sang Mỹ vui buồn, sướng khổ có nhau, để lại trong lòng người đàn ông này một khoảng trống mênh mông.
Ông Chương dọn về ở với gia đình con trai, như một sự trốn chạy những kỷ niệm, dù vậy, ông vẫn cảm thấy “rất cô đơn, nhất là khi đêm về, lúc con cháu đi vắng, tất cả đều im vắng.”
“Đó là nỗi cô đơn của sự thiếu một vòng tay, một giọng nói, một cái hôn, mà ở người đàn ông thì họ lại thích có những cái vuốt ve mơn trớn, giờ thiếu hết tất cả. Thiếu nhiều lắm, một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với.” Ông Chương mô tả.
Trong cuốn “Loneliness (Nỗi cô đơn)”, ông John Cacioppo, nhà tâm thần học của trường Đại Học Chicago, nói rằng, “Nỗi đau của sự cô đơn cũng giống như nỗi đau thể xác vậy.”
Nghiên cứu của trường Đại học UC San Francisco cũng đưa đến những ngạc nhiên bất ngờ khi biết rằng không chỉ ở một mình người ta mới thấy cô đơn. Trong số 43% người già cho rằng mình cô đơn thì chỉ có 18% sống một mình.
Với người lớn tuổi, cảm giác lẻ loi có thể hủy hoại tinh thần, sức khỏe nhiều gấp đôi so với chứng bệnh béo phì. Chính vì điều này mà người già lẻ bóng vẫn luôn khao khát tìm được một người bạn tâm giao, tri kỷ để nương tựa khi tuổi về chiều.
tìm được người bạn tâm giao, tri kỷ để tìm vui, để nương tựa trong những năm tháng cuối, ray rứt và da diết đến mức nào./.

No comments:

Post a Comment