Tết miệt vườn
Không khí bắt đầu từ những gốc mai ấy đấy. Khoảng giữa tháng Chạp là người ta dứt lá cho mai và sau đó, cành nhánh trơ trụi của nó có cái gì trọng đại sắp bắt đầu.
Một gốc mai ở giữa sân, đó là nhu cầu, thói quen và cũng là biểu hiện của văn hóa và may mắn. Ngày thường, mai chỉ là loại cây xanh uốn nắn được, nhưng ngày tết, ánh vàng và sức nở tưng bừng của nó mới thật bất ngờ. Những nhà có cụ ông nhìn vào rất dễ biết, vì gốc mai của họ được chăm sóc công phu, trông chúng y như một ông chủ điệu nghệ: tỉa gọt đấy nhưng vẫn xù xì một cách phong sương và khí phách.
Nước trong sông rạch đầy dần sau mỗi con triều. Đã qua mùa lụt, phù sa đã nằm sâu ở vị trí mà thiên nhiên đền bù cho con người, nước trong vắt leo lẻo gọi là mùa nước bạc. Thế rồi, cùng với thứ gió se se ngọn dừa, với màu nắng tươi như mật loãng, với tiếng trống lân sập sận chuẩn bị, Tết đã áp sát một bên.
Thật ra, Tết đã đến rục rịch đến từ sau mùa gặt, khi lúa hạt đã vào bồ nhường sân cho những chiếu bánh phồng san sát. Tuần bánh nhộn lên trước lúc đưa ông táo về trời và kéo dài cho tới ngày giáp cuối. Nếp hạt hoặc khoai mì sẵn trong nhà, xôi chín lên trong nước cốt dừa rồi đưa vào cối, những chiếc cối của thời gạo giã được giữ lại chuyên cho bánh phồng. Cả xóm thức liên miên cùng với nhịp chày và tiếng giỡn hớt thả cửa của cánh chị em đi cán bánh vần công. Đó là dịp duy nhất họ quây quần bên nhau náo nức với cái gì đó rất chung nhưng hoàn toàn không giống với việc cấy gặt ngoài đồng. Cánh đàn ông cũng bị dựng dậy thay phiên cầm chày, trong lúc chờ đến lượt, họ lặng lẽ hút thuốc, thỉnh thoảng độp vào câu chuyện ngồi lê của cánh đàn bà bằng những câu đùa độc địa khiến con nít cũng bị lôi cuốn ra khỏi mùng. Thế là chúng biến thành cánh chạy bánh đắc lực từ người cán tới người phơi bánh. Không có loại việc nào lôi kéo được tất cả mọi người như việc làm bánh phồng.
Đã nhìn thấy vết thâm quầng đáng yêu trên mi mắt các bà các cô. Nhưng nào họ đã thôi trò thi đua bánh mứt. Nếu các đức ông coi việc chăm sóc cửa nhà, mai kiểng, lân pháo là nghĩa vụ đối với Tết thì cánh đàn bà ra sức làm sống lại nghề bánh khéo. Bánh kẹp cuốn ống ngậy hương vị nước cốt dừa, bánh bông lan đổ bằng khuôn mỏng hình trái tim, bánh thuẩn nướng trong nồi cát này, bánh bưa kem đường… để đề tài bánh trái sẽ đậm đà hương vị thăm hỏi nhau của cánh chị em trong ba ngày Tết, để tiếng khéo đồn xa, để được “tết thì tết cả xóm”.
Còn có một loại bánh dân tộc không thể thiếu với người miệt vườn là bánh tét cải tiến từ bánh chưng thời Nguyễn Huệ thần tốc trên lưng ngựa. Đòn bánh tét là lễ với tổ tiên, là chữ hiếu với cha mẹ, là nghĩa thày trò, là miếng điểm tâm sáng ngày mồng một, là quà quê cho con cháu ở xa. Gói bánh tét không dễ vì không phải ai cũng đặt đúng cái nhân đậu mỡ ở giữa và phải niềng sao cho hai đầu cân nhau và các nuộc lạt bóng lên tăm tắp. Qua đòn bánh, người phụ nữ nhà đó được xem xét, không chỉ việc khéo vụng mà còn xem có nền nã, chặt chẽ hay không bao giờ ra bánh, người ta cũng treo thành sào cạnh bồ lúa trông thật ấm áp. Có nhà còn gói thật nhiều bánh, ngâm trong nước sạch để ra giêng ăn dần.
Vẫn còn thiếu nghiêm trọng nếu như Tết ở miệt vườn chưa có mứt dừa, thứ vật liệu cây nhà lá trời mênh mông. Dừa được chọn kỹ như thể chọn dâu: dừa cứng, mứt có mùi dầu, khô và vô duyên, dừa ướt, mứt ỉu, ăn thấy chán. Những nhà có thẩm mỹ tinh tế thường chỉ pha vào mứt hai màu, hồng phấn và trắng tinh, trông chúng gợi cảm như thiếu nữ. Chưa đủ, chỉ mỗi thứ mứt dừa thì hộp mứt tết sẽ nghèo nàn lắm, vì vật họ còn thi nhau làm mứt bí, mứt me, mứt cà, mứt gừng, mứt khế, và cả những thư tưởng không thể nào thành mứt được như trái khổ qua chẳng hạn. Cầm chúng lên, dù thực khách là gã đàn ông kiêu ngạo, bất cần hay chai sạn cũng phải mềm lòng trước sự kỳ diệu của đôi tay, khối óc và tâm hồn người đàn bà.
Vẫn còn thiếu nghiêm trọng nếu như Tết ở miệt vườn chưa có mứt dừa, thứ vật liệu cây nhà lá trời mênh mông. Dừa được chọn kỹ như thể chọn dâu: dừa cứng, mứt có mùi dầu, khô và vô duyên, dừa ướt, mứt ỉu, ăn thấy chán. Những nhà có thẩm mỹ tinh tế thường chỉ pha vào mứt hai màu, hồng phấn và trắng tinh, trông chúng gợi cảm như thiếu nữ. Chưa đủ, chỉ mỗi thứ mứt dừa thì hộp mứt tết sẽ nghèo nàn lắm, vì vật họ còn thi nhau làm mứt bí, mứt me, mứt cà, mứt gừng, mứt khế, và cả những thư tưởng không thể nào thành mứt được như trái khổ qua chẳng hạn. Cầm chúng lên, dù thực khách là gã đàn ông kiêu ngạo, bất cần hay chai sạn cũng phải mềm lòng trước sự kỳ diệu của đôi tay, khối óc và tâm hồn người đàn bà.
Thời gian đã chạy bứt lên khiến con người lao muốn đứt hơi theo nó. Người ra chợ, quả cây ngũ sắc đầy ắp ghe thuyền, tiếng máy đuôi tôm dào dạt bờ sông. Người ở nhà gấp rút đưa tất cả những thứ cần giặt giũ ra sông, tiếng đập chiếu trên mặt nước âm âm nghe thật thúc hồi. Có tiếng réo nhau vào hội, cứ mươi nhà thì hùn nhau vật một con heo sẵn trong chuồng của nhà ai đó, ai không tiền mặt cứ việc đưa thịt về ăn tết đã, ra năm tìm cách tính sau. Trẻ con bưng bê gì mà xuôi ngược hấp hởi vậy? Thì ra, nhân ngày áp chót, người ta tranh thủ đưa biếu nhau những thứ quả chỉ có ở vườn mình để sau ngày ba mươi thì không ai động đến cây và trái nữa, chính là để chúng được yên lành hưởng chọn lộc xuân như con người.
Bữa cơm chiều ba mươi thật hệ trọng với từng nhà như khắp mọi nơi trong đất nước. Chỉ khác là tổ tiên luôn được ở trong vườn nhà, vì vậy, trước khi rước ông bà vào mâm cỗ thì nấm mộ phải sạch cỏ, phải khang trang. Bận rộn đến mấy, chuyện này thường không được chậm trễ và, khi nén nhang cong trên bàn thờ, con cháu mừng hơn được vàng vì thế là ông bà đang về đấy, đang phù hộ cho con cháu, nhất định năm mới sẽ may nhiều dữ ít. Như con người vừa được an ủi.
Công việc của cánh đàn bà nào đã xong. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét bên góc sân, còn phải quét sân trước sân sau để ra ngoài mồng thì đố dám động chổi. Còn phải tắm táp cho lũ nhỏ để chúng được ngủ trong mùi vải mới. Trong ý tưởng trẻ thơ, tối giao thừa được mặc quần áo mới thì năm sau sẽ mau lớn.
Công việc của cánh đàn bà nào đã xong. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét bên góc sân, còn phải quét sân trước sân sau để ra ngoài mồng thì đố dám động chổi. Còn phải tắm táp cho lũ nhỏ để chúng được ngủ trong mùi vải mới. Trong ý tưởng trẻ thơ, tối giao thừa được mặc quần áo mới thì năm sau sẽ mau lớn.
Cuối cùng việc nhà cũng phải chấm hết. Trong mệt mỏi ngọt ngào, các bà các cô mang đèn dầu xuống bờ sông, giấu chúng vào bụi cây để hé ra ánh sáng mập mờ, ấy là bữa tắm chậm rãi nhất, long trọng nhất của họ trong vòng mấy trăm ngày. Họ ngụp sâu trong nước mát, nhẩn nha giữa quá khứ và tương lai, bởi tâm tư họ đang bước đến giao thừa. Họ bước lên, quần áo tóc tai cẩn trọng trong căn nhà bỗng như mới bừng lên, trên chiếc gối còn thơm mùi xà bông mùi nắng, bên cơ thể thơm tho của lũ trẻ, họ thả lưng thư giãn một cách trang nghiêm. Có biết bao điều ập đến, biết bao nỗi buồn được tiễn đưa và cũng biết bao mơ ước được gọi dậy, ấy là lúc họ tẩy trần đầu óc và tâm hồn vốn bình dị của họ.
Rồi bước chân tời gian như vừa khởi động và đang tràn sầm sập qua xóm vắng. Người già dậy trước bật hết đèn lên, chốc sau đã nghe mùi bánh phồng toả ra từ bếp lửa. Giao thừa bao giờ cũng phải có phồng trên bàn thờ. Không khí bắt đầu ngầy ngà khắp xóm trẻ con bật dậy sà ngay vào trò chơi pháo chuột, như chúng chưa hề chợp mắt, còn các cụ bà thì lần ra sân bái lạy đủ bốn phương tám hướng. Đêm đen sóng sánh, cây trong vườn trầm mặc và con sông như bát ngát ra. Có cái gì đang dừnglại trong mỗi con người, bịn rịn ngậm ngùi, rưng rưng. Buổi giao thừa ở quê thường không có mấy truyền hình, người nhà ai nấy tụm vào quanh ông bà mình nghe chuyện xửa chuyện xưa chờ cho nhang tàn để đưa lộc từ trên bàn thờ xuống bắt đầu nhấm nháp. Bấy giờ người ta mới thấm mệt như có cái gì đó ghê gớm xuyên qua, xâu chuỗi người ta lại và cũng đặt người ta vào vòng quay chóng mặt nhưng vô cùng thú vị.
Sáng mồng một nhà nào cũng dậy muộn, trừ một vài người lớn phải cúng kiến cho ông bà. Trẻ con lăng xăng với bộ quần áo đẹp nhất, nhẩm trong đầu những câu chúc thọ người lớn sao cho được khen và được cả tiền lì xì. Xống áo thanh niên bắt đầu chộn rộn đường quê, cũng chừng ấy mẫu mã thời trang thị thành, chỉ khác là màu nổi hơn để chứng tỏ với chung quanh sự hiện diện của mình. Người đứng tuổi ra đường vào buổi xế, bấy giờ rượu mới là thứ được việc để người ta nhìn nhau thoải mái sau bao nhiêu va chạm ngày thường, để những câu chúc nhau cháy đượm.
Mồng hai Tết mới thực sự là ngày của hỉ xả. Thường người ta góp nhau sắm lân sắm trống từ rất sớm, mỗi xã một đội. Người thủ vai lân phải khỏe, phải có bước nhảy mang tinh thần thượng võ, còn ông địa thường là cậu bé con sôi nổi, cũng có khi là một bà góa có tính chọc trời khuấy nước. Cả xóm được một ngày vui, một ngày cười, cả lân, cả địa thường được thưởng rượu để bước chân tròng trành hơn.
Mồng hai Tết mới thực sự là ngày của hỉ xả. Thường người ta góp nhau sắm lân sắm trống từ rất sớm, mỗi xã một đội. Người thủ vai lân phải khỏe, phải có bước nhảy mang tinh thần thượng võ, còn ông địa thường là cậu bé con sôi nổi, cũng có khi là một bà góa có tính chọc trời khuấy nước. Cả xóm được một ngày vui, một ngày cười, cả lân, cả địa thường được thưởng rượu để bước chân tròng trành hơn.
Ngày mồng ba đánh thức mọi người dậy sớm như nhau. Sau khi cúng tất niên bằng chú gà giò, người ta săm soi bộ chân nó để xem thời vận và treo nó ở hàng hiên để khoe với hàng xóm. Cũng là ngày bọn trẻ đổ ra đường khệ nệ mang lời chúc của gia đình và bánh trái đến mừng tuổi thầy cô. Phong tục cổ truyền ấy đã làm cho ngày cuối cùng của dịp tết bừng lên một lần nữa, thiêng liêng rộn rịp không kém gì ngày ba mươi vừa qua.
Hết Tết, xóm ấp rã rượi một cách ngọt ngào như cô dâu sau tuần trăng mật. Đó là sự kỳ diệu mà tổ tiên và thiên nhiên cùng bạn tặng để mỗi năm một lần con người trở lại với giá trị hằng của mình: thanh sạch, vị tha, giao hòa và mơ ước.
Hết Tết, xóm ấp rã rượi một cách ngọt ngào như cô dâu sau tuần trăng mật. Đó là sự kỳ diệu mà tổ tiên và thiên nhiên cùng bạn tặng để mỗi năm một lần con người trở lại với giá trị hằng của mình: thanh sạch, vị tha, giao hòa và mơ ước.
Dạ Ngân/Chim Việt Cành Nam
No comments:
Post a Comment