Chuyện ít biết về Bùi Giáng:
Làm thơ bằng tiếng Quảng Nam
Sinh thời, Bùi Giáng khiêm tốn tự nhận mình là người làm thơ dở. Bùi Giáng muốn đi ngược lại thói háo danh thành nếp của đời người.
Ông cứ gọi thơ mình là thơ dở. Cũng có khi, ông tự gọi mình là nhà thơ điên mặc dù trong đời sống và trong thơ, ông có điên thật hay không thì chỉ có ông mới hiểu rõ.
Thơ ông là thơ của một người Quảng Nam tài hoa và lãng mạn, gặp lắm nỗi đau đời nên chữ nghĩa hóa thành thơ. Điều ấy có nghĩa thơ ông là sự biểu hiện, sự phát tiết rất đỗi trung thực về chữ tình.
Người ta từng khen Bùi Giáng là một tài hoa thi ca Quảng Nam. Thế nhưng, ông vẫn viết một cách ngược đời:
Thơ hay thiên hạ làm rồi
Chỉ còn thơ dở cuộc đời cho tôi
Dụm dành dở ẹc rã rời
Dồn trăm năm lệ điệu cười vu vơ.
Đất Quảng Nam là vùng đất giàu phương ngữ. Gần 600 năm hình thành xứ sở nằm ngay trung lộ của đất nước, người Quảng Nam giao tiếp nhau thông thường bằng phương ngữ. Ngày xưa đi lại khó khăn, phía bắc khó có người vào; phía nam khó có người ra. Ngôn ngữ nói của người Quảng Nam vì vậy cũng ít được giao lưu với ngôn ngữ của miền khác. Cho nên, trong văn nói, người Quảng Nam cơ bản chỉ dùng phương ngữ của địa phương mình mà trao đổi, giao tiếp. Tổ phụ người Quảng Nam vốn từ Thanh – Nghệ vào, mang theo vốn phương ngữ Thanh – Nghệ truyền xuống các đời con cháu. Vốn phương ngữ ấy lại giao thoa với phương ngữ của người Chămpa bản địa, hình thành một hệ thống phương ngữ đặc sắc.
Năm 1975, đất nước thống nhất, mối quan hệ giao lưu giữa người và người trong cả nước phát triển mạnh mẽ. Phương tiện phát thanh truyền hình ngày càng phổ biến; hệ thống ngôn ngữ phổ thông cả nước càng lấn át phương ngữ từng địa phương. Có lẽ vì vậy mà nhiều người cầm bút Quảng Nam ngày nay thấy phương ngữ quê nhà mình không “sang trọng” bằng tiếng nói xứ khác nên không dùng đến nó để viết trong văn chương.
Bùi Giáng đi xa Quảng Nam rất lâu. Thế nhưng, từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn cho đến những tác phẩm về sau này, ông vẫn tích cực dùng phương ngữ quê nhà. Thơ ông phong phú những phương ngữ đất Quảng Nam:
Dở òm, dở ẹc, dở om/Dở bùng ra dở sớm hôm sụt sùi/… Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi/Đi lên đi xuống đã đời du côn.
Ngay khi dịch Trăng Tỳ hải (Anthony and Cleopatra) của Shakespeare (bản tiếng Pháp), Bùi Giáng cũng dịch rất… Quảng Nam. Chữ Voilà (đây rồi) được ông dịch ra là “Coi tề”, chữ Belle (đẹp) được ông dịch ra là “Mười sáu mười bảy cái nõn nường”:
Coi tề, coi tề/Con mẹ Cléopâtre mười sáu mười bảy cái nõn nường đã ra rồi!
Vận dụng lối nói lái của người Quảng Nam, Bùi Giáng cũng đưa vào thơ lối nói lái dân dã. Thủ pháp này bà Hồ Xuân Hương đã từng sử dụng trong thơ Nôm nhưng còn khiêm tốn. Thơ Bùi Giáng thì “banh xà rông”, có cả trăm câu nói lái mà câu nào cũng “ớn chè đậu”! Tôi chỉ xin giới thiệu một câu thôi để bạn biết thơ ông nghịch ngợm thế nào: “Làm con gấu, con beo, con bò rừng, con hổ/Làm con chồn lùi lũi chạy vào hang”.
Nói chung, Bùi Giáng là con người đạt đạo, chẳng giận hờn ai hết dù người đó muốn lỡm ông, thậm chí muốn nhại giọng Quảng Nam của ông để làm trò vui. Trong bách tính của VN, chỉ có tộc Bùi. Vậy nhưng có hai cô gái nào đó gọi giỡn ông là tộc Buồi, tức là thêm một chữ ô vào giữa nữa, ông vẫn khoái! Họ ghẹo ông như vầy: “Ông tên Soáu Gioáng phải không?/Quoảng Noam – Đòa Noẽng chánh tông tộc Buồi?/Nói xong bèn phá ra cười/Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo”. Ngay trong tình huống bị phụ nữ đuổi đi chỗ khác chơi, Bùi Giáng cũng phản ứng từ tốn, cái từ tốn của bậc túc nho đạt đạo: “Bây giờ, em đuổi anh đi/Anh ồ vâng ạ, anh đi từ từ”.
Không buồn khi mất nhẫn
Tiệm cà phê 81 Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) ngày trước là nơi thỉnh thoảng Bùi Giáng vào đó uống cà phê, nói chuyện thi ca. Một hôm ông đến, đeo chiếc nhẫn vàng chói lọi trên ngón đeo nhẫn của bàn tay trái. Bùi Giáng chịu đeo nhẫn vàng thì rõ ràng đã là một “sự kiện” lớn rồi. Mọi người ngồi cùng bàn ai cũng mừng cho ông, nghĩ có lẽ ông vừa có được một món nhuận bút kha khá; cầm bàn tay ông lên trầm trồ, khen ngợi. Vàng ở thời điểm ấy khoảng 900.000 đồng một chỉ, chiếc nhẫn của Bùi Giáng khá lớn, có đến hai chỉ.
Có một người nói giọng miền Trung biết ông, đến ngồi xuống bên cạnh ông, cũng cầm bàn tay ông đưa lên xem chiếc nhẫn rồi nhắc: “Năm kia, anh đã bỏ tiền trong túi áo, ra cổng xe lửa số 6 bị mấy đứa trời ơi chặn đánh lấy hết tiền rồi. Năm nay, anh còn bày đặt đeo nhẫn vàng nữa, nguy hiểm lắm. Đâu, để cho em xem nhẫn đẹp cái coi”. Nói rồi, bèn kéo chiếc nhẫn ra khỏi tay ông, đeo vào ngón tay anh ta. Cuộc cà phê kéo dài, người ấy cũng nói đôi điều ba chuyện rồi đi sang bàn khác, sau đó đi đâu mất…
Những người còn lại trách Bùi Giáng sao mà nhẹ dạ cả tin, sao mà không lấy chiếc nhẫn lại để tay dở hơi lấy đi mất, biết chỗ nào mà tìm. Bùi Giáng vẫn thản nhiên uống cà phê, hút thuốc, nói như đinh đóng cột: “Cách chi hắn cũng đem chiếc nhẫn trả lại cho tôi”. Mọi người hỏi: “Sao anh biết chắc vậy?”. Bùi Giáng nói một cách tỉnh khô: “Tôi mới mua chiếc nhẫn ấy chiều hôm qua trong chợ Bà Chiểu. Giá nó có ba ngàn hè!”. Mọi người sướng quá, vỗ bàn cười lên hô hố.
Vũ Đức Sao Biển
No comments:
Post a Comment