Tuesday, January 24, 2017

Tết ơi!
Dương Hoàng Dung



…Tết tết tết đến rồi… Xuân ơi xuân…xuân đến xuân ơi….
Những điệu nhạc xuân rộn rã vang lên từ máy nhạc như đem Tết vào nhà ,rước Xuân về tận đầu ngõ dẫu hàng xóm chung quanh vẫn im lìm, dẫu ngoài trời tuyết trắng đang bao phủ trùm không khí lạnh buốt giá lên vạn vật . Ngày không rõ ngày vì ngày thiếu vắng bóng mặt trời , không thấy chúa Xuân nơi đâu , nhưng người ta đã có lịch ghi ngày Âm lịch và Tết vẫn cứ đến với những người Việt Nam đang sống nơi đất khách. Mùa Xuân không đi qua cửa sổ , mùa xuân đang khua vui rộn rã trong lòng người , như những ý nghĩ vui tươi về ngày Tết. Năm mới đã đón xong từ sau Nöel cùng với những câu chúc đã trao cho nhau vào ngày Giao thừa ,ngày cuối của năm 2013 . Tết Việt Nam không là dịp đón mừng năm mới nhưng Tết vẫn quay về như câu  
              „Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết“.
Những ngày Tết Việt Nam mang niềm vui thầm kín cho người xa quê như khi có dịp quay về lại quê hương . Không phải ai cũng có thể quay về thăm quê và ăn Tết , nhưng nơi dù ở tận nơi xa xôi nào người ta vẫn không quên đón Tết mỗi năm. Hương vị quê hương qua những món đặc trưng ngày Tết được gấp rút chuẩn bị sau những giờ làm việc, vào dịp cuối tuần được nghĩ . Trong các cửa hàng bán đồ châu Á người người đua chen mua sắm tấp nập thật đúng như đi chợ Tết trong khung cảnh những hộp mứt, những đống lá chuối ,lá dong ,những rau trái thân quen đến từ quê nhà. Hoa mai, hoa đào cùng những bánh chưng, giò chả, nem được bày la liệt trên các kệ hàng. Người quen đi chợ gặp nhau chào hỏi lao xao , chúc Tết nhau và chuyền đưa tin tức về những nơi tổ chức Tết chung của cộng đồng, cùng hẹn nhau đi lễ Chùa đầu năm. Nhà cửa được quét dọn sạch sẽ , các thứ đã mua sắm giờ được bày biện chu đáo.Những cành mai sắc vàng rực rỡ, đào hồng thắm, bánh chưng, bánh Tét xanh mướt, dĩa trái cây „ ngũ quả“ tươi ngon hòa quệt cùng khói hương nghi ngút trên bàn thờ tạo không khí trang nghiêm. Nghiêm trang vì những ngày này ông bà,người thân khuất mặt dù ở tận quê nhà xa xôi cũng đã được rước về đây , để xum họp cùng con chau nơi hải ngoại. Những ngày Tết là những ngày xum họp gia đình, cùng đi thăm viếng mộ ông bà, giờ đây thường là ở những ngôi chùa với những bình tro cốt . Tết là dịp hỏi thăm chúc Tết bà con, thầy cô, bạn bè dù chỉ qua điện thoại. Tết đã là những ngày không thể thiếu vắng khi suốt năm do mãi mê công việc đã không còn thời gian dành cho nhau. Tết còn nhắc nhở điều gì đó không thể quên lãng được, như khi ta từ lâu đã xa quê hương nhưng kỷ niệm vẫn đong đầy ký ức : Tiếng trống đình làng, tiếng đập thùng thiếc vào giờ giao thừa trong những năm pháo bị cấm đốt,những dòng người cười nói lao xao tấp nập mua bán nơi các chợ Tết ,những chậu đầy hoa trái màu sắc rực rỡ , cành lá xanh tươi đem phước lộc muôn nhà, những buổi quây quần gói bánh chưng, bánh tét cùng giây phút quanh quẩn nơi bếp lửa ấm áp, trông nồi bánh chín. Hương vị dĩa mứt dừa,mứt gừng ,mứt bí thơm ngon vừa được sên xong từ bàn tay thương yêu của mẹ,của chị .Trên mâm cúng dẫy dầy những món ăn truyền thống.Mâm cỗ gia đình người Bắc sẽ là những giò, chả, mộc , miến, bánh chưng ,bánh dày,bánh giò. Ở các gia đình miền Trung sẽ thấy nem tré, mắm tôm chua , các thứ bánh lá gói nhiều hương vị đặc sắc.Và trên bàn tiệc Tết dân Nam sẽ không thể thiếu món thịt kho hột vịt, dưa giá, khổ qua hầm, đầu heo ngâm giấm, canh vịt tiềm , chả giò , nem, bì cùng bánh tét, bánh ú và cặp dưa hấu. Hương vị Tết khác nhau qua ba miền đất nước cũng được mang đến xứ người như những truyền thống quê nhà không bị quên lãng . Tết còn đem niềm tự hào nho nhỏ khi có dịp kể cho người bạn khác xứ nghe về truyền thống đón Tết của dân Việt Nam cùng niềm vui khi nghe những câu hỏi ngô nghe từ người bạn khác xứ „ Năm nay là năm con gì..A..con rồng..hay quá…thế tôi có tuổi con rồng không ? „ . Ở Âu châu „Con Rồng Á châu „ vẫn được trân trọng, nhất là vào những dịp xuân về khi trên sân khấu có các màn múa Lân,múa Rồng. Tại Việt Nam gần đây có ý kiến nhập Tết Ta vào Tết Tây. Lẽ nào người Việt Nam đã chán „ăn Tết „ ngay trên xứ mình ? Lẽ nào mọi người thích ăn Tết Tây hơn Tết Ta, vì nếu muốn thu gọn những ngày nghỉ lễ và vui chơi tại sao không nhập Tết Tây vào Tết Ta mà ngược lại ? Tết Tây dù gì cũng chỉ có một ngày lễ là ngày đầu năm. Nhưng Tết Ta với không khí „ Tháng giêng là tháng ..ăn chơi“..dù không được ăn chơi cả tháng, vẫn là tháng giêng với nhiều ý nghĩa trong đời sống người Việt. Trong tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, nhà khảo cứu Đào Duy Anh đã đưa ra nhận xét xã hội xưa : “Trong làng thường năm có nhiều kỳ tế lễ để dân làng có dịp “ăn uống” và “vui chơi”. Những cuộc tế 1ễ lớn nhất là lễ Kỳ phúc về mùa Xuân và mùa Thu để cầu bình yên cho dân làng, lễ Nhập tịch hay vào đám vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai, khi thường thì chiếu lệ tế lễ dăm bảy ngày, năm nào hòa cốc phong đăng dân gian làm ăn thịnh vượng hay nhân lễ rước sắc thần, hay nhân lễ khánh thành đình mới thì mở Đại hội, bày những cuộc vui chơi hát xướng đến nửa tháng hay cả tháng.” . Dân Việt Nam thưở trước vào dịp Tết dịp của những Lễ Hội không thể bỏ qua như câu ca dao : Lễ Phật quanh năm,Không bằng hội Rằm tháng Giêng. Có những nơi như vùng “quan họ Bắc Ninh „còn vạch ra lịch vui Xuân của từng làng, để các làng tổ chức khỏi trùng nhau và dân chúng các vùng lân cận có thể tham gia:
Mồng bốn là hội Kéo Co, Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về. Mồng sáu đi hội Bồ Đề, Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao .
Một khi xã hội phá triển theo hướng công việc làm ăn ngày càng chật vật, ít có ngày nghỉ ngơi ,vui chơi như khi xưa , có thể gọi đó là xã hội phát triển tốt đẹp hơn ? Các phong tục tốt đẹp , các lễ hội dân gian dần dần bị xóa bỏ, phải chăng là biểu hiện của văn hóa dân tộc đang được “ hội nhập” vào nền văn hóa thế giới ?
Với dân Việt từ ngàn xưa, tháng giêng âm lịch mới chính thật là tháng bước qua năm mới chứ không phải tháng một dương lịch „ Qua giêng hết năm, qua rằm hết tháng”. Chữ “Tết” do chữ “Tiết” mà thành. Trong “ Tết nguyên đán “ Nguyên có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “Đán” là buổi sáng sớm.Như vậy Tết có nghĩa thời điểm đất trời bắt đầu giao mùa, lập xuân. Mọi công việc thường được khởi đầu vào tháng giêng ,đấy là tháng Xuân về với nhiều dự định tốt đẹp như „ Sang giêng anh sẽ cưới em“ 
Nếu Tết Ta nhập vào ngày đầu Năm dương lịch chúng ta sẽ đón ông Táo vào ngày nào .? Hay có thể cùng rơi vào dịp đón chào Chúa ra đời , để thay vì đưa ông Táo về trời báo cáo cùng Ngọc Hoàng ta tự vào nhà thờ xưng tội cùng Chúa ?Và rồi những tuổi Rồng ,tuổi Ngựa cũng sẽ trôi vào quên lãng để được thế bằng Song Ngư ,Hổ cáp ?… Ôi ..còn đâu  niềm tự hào của những “ con rồng Á Châu “.. Người Việt Hải ngoại khó nhập chung Tết ta vào Tết Tây, dù Tết Tây nơi xứ người luôn được chào đón rầm rộ hơn. Không phải chỉ vì do khó bày tiệc nhậu giữa hai đám bạn khác ngôn ngữ, khó cho bánh chưng thịt kho dưa giá , giò chả hội nhập cùng phô mai, súc xích, súp bò, khoai tây ,bánh kem bơ. Mà vì trong tâm hồn người Việt xa xứ mãi mãi vẫn còn một góc riêng dành cho quê hương, không để hội nhập vào xứ người, đó là những phong tục truyền thống dân tộc muôn đời được gìn giữ , truyền lại cho nhau qua những ngày tổ chức Tết tại quê người. Xuân tha hương, xuân viễn xứ, Tết quê người luôn mang đến nỗi buồn để người ta ngâm nga qua thơ văn như một “ thú đau thương”:
Tha hương chẳng gặp người tri kỷ Một cánh hoa tươi đủ ấm lòng Tết này chưa chắc em về được Em gửi về đây một tấm lòng.. ( Xuân tha hương-Nguyễn Bính)
Dù không có không khí Tết, nhưng nhiều người xa xứ vào những ngày cuối tháng chạp vẫn chờ đón Tết về, để cùng sống với nỗi buồn “ Xuân tha hương”..
Chén rượu tha hương, trời : đắng lắm Trăm hờn nghìn giận một mùa đông “ ( Xuân tha hương-Nguyễn Bính)
Thật khó yêu mùa đông khi người ta ra đời nơi quanh năm có nắng ấm, để khi sửa soạn đón Tết vào mùa đông người ta phải gọi thầm : Xuân ơi!…Tết ơi !..Xin đừng bỏ ta và ta cũng sẽ không bỏ Tết…
Dương Hoàng Dung
Munich Chiều 29 tháng Chạp.

No comments:

Post a Comment