Đặc trưng Tết miền Nam và những phong tục truyền thống
Ở miền Nam trước đây thông thường người ta chuẩn bị tết từ rất sớm. Mỗi gia đình nông dân đều có dành một thửa ruộng trên khu đồng của mình cấy một giống nếp ngon thêm để đồ xôi, làm bánh. Khi những dé lúa nếp bắt đầu lấm tấm những hạt đỏ ở đuôi (chưa chín già) nhà nào cũng chọn cắt ít bó về đâm cốm dẹp. Trong những đêm đầu tháng chạp, khắp xóm thôn đâu đâu cũng rộn ràng tiếng chày giã cốm “cúp cum” nghe rất vui tai. Khi mùa màng thu hoạch xong thì không khí tết ở thôn làng rộn lên trong tiếng chày quết bánh phồng. Loại bánh nay làm bằng gạo nếp nấu chín bỏ vào cối giã như giã giò, quết cho thật nhuyễn, rồi ngắt từng viên cỡ nắm tay dùng ống tre xoa mỡ cán mỏng ra thành hình tròn như chiếc bánh đa nem, dày độ một ly. Gọi là bánh phồng, vì khi để trên lửa nướng nó phồng tướng lên cả chiều dày lẫn vòng tròn. Chiếc bảnh mỏng như chiếc đĩa ấy, khi nướng chín nó nở to bằng cái chậu thau rửa mặt và chiều dày phồng lên hơn một phân tây. Người ta còn phơi những nong bột nếp phơi khô để dành gói bánh ếch.
Ở miền Nam, bắt đầu từ hai mươi tháng chạp ta, khắp nơi mở những phiên chợ Tết cho đến giao thừa đêm ba mươi. Quầy hàng hoa tươi, rau quả, bánh mứt, vải vóc, thịt cá… đều trang hoàng hấp dẫn. Nhưng đông vui nhất phải nói là chợ dưa. Tại các chợ, thuyền chở dưa đổ lên chất thành đống như núi. Nổi tiếng nhất là dưa Trảng Bàng, Trà Vinh… Bổ quả dưa ra, ruột đỏ như son, hạt đen huyền nhỏ rít, thịt óng ánh như hạt đường kính, ăn ngọt tê cả răng. Người ta mua dưa về trước để cúng tổ tiên ngày tết trên bàn thờ nhà nào cũng thấy hai quả dưa hấu to cỡ quả ấm tích. Người ta dán lên lớp vỏ xanh mượt của mỗi quả một miếng giây hồng điều cắt thành hình bông hoa xinh xắn, và đặt nó ngồi chễm chệ giữa mấy nải chuối chín vàng tươi xếp vây tròn quanh một chiếc đĩa bằng sứ màu trắng. Mỗi quả dưa đội trên đầu một trái hồng khô ép dẹp như trùm lên chiếc mũ nồi màu xám. Người ta còn đặt lên trên cùng, một quả quýt đỏ mọng, giống như cái mào gà ngất ngưởng. Cạnh hai trái dưa, bắt buộc phải có hai bánh đường phổi. Đường phổi không phải là đường mà là một thứ quả ngọt chế tạo bằng đường cát và lòng trắng trứng gà. Hình bánh đường ấy giống hệt một lá phổi người và bên trong có nhiều lỗ hổng cũng như phổi người. Đường ấy cứng như đá, để cả năm cũng không chảy nước và chỉ đập ra cho trẻ con ăn chơi sau tết, mặc dầu dùng đường này nấu chè thì rất ngon. Có nhà bầy mâm ngũ quả, mà nhiều khi số trái cây lại vượt quá con số năm. Người ta chú ý đến bốn thứ trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là “cầu vừa đủ xài”. Cũng có nhà đĩa trái cây, dưới hết là năm bảy nải chuối, bắt buộc là chuối sứ, không phải nghi lễ nào cả, mà vì chuối sứ chín rất chậm, sau ba ngày tết chuối vẫn còn chưa rục. Trên chuối phải có hai món bắt buộc nữa, không biết lý do, là cam Tàu, loại cam mà Âu châu không gọi là Orange mà gọi là Tangerine và hồng phơi khô, cả hai thứ này đều là hàng nhập cảng từ Trung Quốc gởi sang, vào dịp Tết ta, còn ngày thường thì xưa kia không bao giờ có bán như sau này. Gần đến tết, người ta sắm tranh Tết, hoa Tết, thường có cành mai cắm trên lọ độc bình trên bàn thờ và trang hoàng từ trong nhà đến ngoài ngõ. Trước đây người ta hay cắt giấy vàng bọc thành những ô vuông hay hình quả trám dán trên cổng, cửa, cột nhà, chuồng trâu, chuồng heo, cối xay, cối giã, lu nước, cây ăn trái trong vườn… Người ta cũng đem lư đồng ô trầu chén dĩa, ly tách chậu hoa, bình rượu ra đánh bóng, lau sạch.
Ngày Tết, ngày xuân là ngày hội đoàn tụ, đoàn viên, nếu không thì là những ngày nhớ thương da diết nhất. Trước tiên là nghĩ đến những người đã chết, họ tổ chức đi chạp mộ để tỏ lòng “uống nước nhớ nguồn”. Chiều 23 tháng chạp, “đưa ông Táo về trời”. Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà” và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Người ta cũng dựng nêu, đốt pháo, nhưng lại thích gói bánh tét chứ không gói bánh chưng. Bánh tét có nhiều loại: bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt. Bánh tét chay không nhân. Người ta chỉ trộn đỗ đen vào nếp rồi gói lại đem nấu. Có thể cho thêm vào cùi dừa nạo nhuyễn để tăng vị béo. Gói bánh tét mặn, người ta trải gạo nếp trên lá chuối, rải lớp đỗ xanh lên, rồi đặt một thỏi mỡ gần bằng ngón chân cái dài suốt đòn bánh như một sợi bấc, xong cuộn tròn lại buộc chặt. Bánh tét ngọt nhân làm bằng đỗ xanh xào đường.
Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Tục xưa quan niệm rằng mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Trong số những câu liễn treo ngày Tết có câu: “Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế, Đào phù vạn hộ khánh tân xuân” (một tiếng pháo tiễn đưa năm cũ; muôn nhà, bùa đào tức cây nêu đón chào năm mới).
Giao thừa là thời điểm thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, khi đất – trời giao cảm, muôn vật như tạm thời ngưng đọng trong giây phút để rồi bừng ra một sức sống mới, một sự tái sinh kỳ diệu. Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trong mục “Phong tục chí” có đoạn: “Phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu mới được nhắc đến. Mồng một người ta thường hay đến cúng vái và thăm hỏi những nhà bên họ nội, mồng hai sang lễ tết bên nhà vợ và mồng ba đến thăm thầy, vì thế có câu “Mồng một tết cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy”. Khi đến thăm họ hàng, bạn bè, người ta thường chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu, may mắn gọi là “làm tuổi”, và “lì xì” tức là cho tiền vào phong bao giấy đỏ “mừng tuổi cho trẻ em”.
Ở miền Nam, bốn món cúng và là bốn món ăn ngày Tết, món thứ nhất là thịt hầm. Bắt buộc phải là thịt bắp đùi, hầm cho nhừ với vài vị thuốc Bắc. Món này chỉ để ăn chơi chớ không ăn với cơm. Món thứ nhì là thịt kho tàu, bắt buộc phải là thịt ba rọi (ba chỉ) và bắt buộc phải lớn miếng phải to ít lắm cũng bốn phân trên bốn phân và bắt buộc phải đổ vào nồi thịt kho ấy ít lắm cũng một trái dừa xiêm, để cho món thịt kho ấy lạt đi, hầu ăn được to miếng. Món thứ ba là khổ qua nạp ruột dồn thịt heo bầm nát vào đó rồi cũng hầm y như hầm món thịt nói trên. Món thứ tư thật ra là hai món nhưng chỉ để ăn chơi nên xem như một, đó là nem và bì. Rau chỉ có một thứ độc nhất và cũng bắt buộc, ấy là món dưa giá tức là giá sống ngâm trong nước có ít muối. Ăn bất kỳ món nào trong bốn món kể trên cũng bắt buộc ăn với dưa giá. Những món trên đây chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai thì thôi, sang ngày mồng ba phải cúng và ăn món khác như gà, cá. Muốn cho đỡ ngấy vì thịt mỡ, người ta thường nấu một nồi cháo cá ám, ăn với rau ghém, chuối cây xắt mỏng và các loại rau thơm, rau mùi, một con cá lóc nướng ăn với lá bông súng non hay đọt vừng. Ngày tết thường có nhiều trò vui đặc biệt như đá gà, đá cá lia thia, thi cây kiểng, đu tiên, đua ghe, đánh bài, đánh me và xóc đĩa.
Hoa Mai – Đặc trưng Tết miền Nam
Trong bộ tranh Tứ Thời thường được các gia đình ưa chuộng treo để trang trí nhà cửa, thì hình ảnh Hoa Mai được xếp đầu tiên rồi mới đến Lan – Cúc –Trúc. Năm cánh hoa mai là hình ảnh của 5 vi thần may mắn, của ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Mai cũng như đào biểu tượng cho sự trường thọ. Người ta diễn tả đặc trưng này bằng những đóa hoa rực rỡ trên một thân cây trụi lá và gân guốc; vững chải như sức công phá của thời gian chẳng làm gì được nó.
Trong truyền thuyết dân gian, hoa mai liên quan đến hình ảnh của một cô gái xinh đẹp, hết lòng thương yêu cha mẹ, gia đình và làng xóm. Với tài trí của mình, cô gái nhỏ nhắn đã hy sinh sau khi giao đấu, diệt trừ yêu quái để cứu dân. Không ai biết cô đã chết, vì hàng năm vào chiều 29 tết, nàng quay lại với chiếc áo vàng mẹ nhuộm cho trước lúc ra đi, cùng ăn tết với gia đình, cho đến lúc cúng đưa ông bà, mới chịu ra đi. Mãi cho đến khi cha mẹ mất, người ta không thấy cô gái áo vàng trở lại nữa; vào những ngày cuối năm trong khu vườn quen thuộc nơi cô ở, xuất hiện một con chim lông vàng óng ả cất tiếng hót líu lo. Xóm làng thương nhớ và tri ân cô bằng cách lập một miếu thờ, hàng ngày hương khói. Từ lúc ấy, trước ngôi miếu mọc lên một loại cây lá xanh um, nhưng cứ vào những ngày giáp tết, lá lại rụng trơ cành và như một phép lạ, toàn thân xuất hiện những nụ bông vàng năm cánh rực rỡ.
Trong truyền thuyết dân gian, hoa mai liên quan đến hình ảnh của một cô gái xinh đẹp, hết lòng thương yêu cha mẹ, gia đình và làng xóm. Với tài trí của mình, cô gái nhỏ nhắn đã hy sinh sau khi giao đấu, diệt trừ yêu quái để cứu dân. Không ai biết cô đã chết, vì hàng năm vào chiều 29 tết, nàng quay lại với chiếc áo vàng mẹ nhuộm cho trước lúc ra đi, cùng ăn tết với gia đình, cho đến lúc cúng đưa ông bà, mới chịu ra đi. Mãi cho đến khi cha mẹ mất, người ta không thấy cô gái áo vàng trở lại nữa; vào những ngày cuối năm trong khu vườn quen thuộc nơi cô ở, xuất hiện một con chim lông vàng óng ả cất tiếng hót líu lo. Xóm làng thương nhớ và tri ân cô bằng cách lập một miếu thờ, hàng ngày hương khói. Từ lúc ấy, trước ngôi miếu mọc lên một loại cây lá xanh um, nhưng cứ vào những ngày giáp tết, lá lại rụng trơ cành và như một phép lạ, toàn thân xuất hiện những nụ bông vàng năm cánh rực rỡ.
Cây mai từ đó được người dân nhân giống và trồng trong nhà mình, như một cách tưởng nhớ đến cô gái, cũng như răn đe loài quỷ dữ sợ oai phong của cô mà không dám quấy động đời sống yên lành của mọi người.
Cũng như hoa đào, truyền thuyết về cô gái áo vàng cũng nhạt dần để thay vào đó hoa mai được đón chào trong ngày xuân như một cảm nhận mang tính nghệ thuật. Cành mai được chọn trên những tiêu chí không khác mấy vơi hoa đào, nhưng tinh thần của một cành mai được ngưỡng mộ không chỉ đẹp ở hoa với sắc thắm, cánh phân bố đều , nhụy thắm, mà còn ở sự gân guốc của cành, với những khoảng gập khúc của dáng cành theo hình chữ nữ. Thần thái ấy mang hình ảnh của một ẩn sĩ nơi thâm sơn, kiêu hãnh nhưng thanh thoát, vững chải trước nắng gió và thời gian.
Mâm ngũ quả: Nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được; thì người miền Nam lại có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu.”
Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là “mâm.” Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo.”
Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân Việt. Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình.
No comments:
Post a Comment