Nước Mắt Chảy Xuôi
Chu Thụy Nguyên
Mỗi lần cùng bè bạn mang massage chairs vào Nursing Home để làm massage free cho những người già, lòng tôi luôn trĩu nặng. Mặc dù đang sống ở Mỹ và biết rõ rằng những người già ở Nursing Home (Việt Nam gọi là Viện Dưỡng Lão) luôn được chăm sóc chu đáo, tôi vẫn không khỏi xốn xang mỗi khi bước vào những nơi ấy.
Bạn sẽ dễ dàng nhận ra một mùi đặc trưng kết hợp bởi mùi thuốc men và mùi thức ăn của Mỹ khi tiến vào khu ở của những người già tại đây. Tôi không khỏi chạnh lòng khi trước mắt mình những người già, tóc bạc phơ ngồi đây đó, hoặc trên những chiếc xe lăn. Họ ngồi như bất động, cũng có người nói thì thầm, lảm nhảm trong miệng điều gì đó. Có người lặng lẽ rơi nước mắt, cũng có người òa lên khóc như chợt nhớ đến điều gì bất hạnh trong đời. Đa phần là người Mỹ, thỉnh thoảng cũng có vài người Châu Á trong số đó có người Việt Nam. Mỗi lần nhìn thấy họ, tôi cứ tưởng trước mặt mình là những pho tượng bất động ở những kho chứa ma-nơ-canh nào đó. Đôi mắt họ sâu hút, buồn xa xăm. Cũng có lúc tôi có ý nghĩ họ là những chiến binh đã chiến đấu trường kỳ trên đường đời nghiệt ngã, cuối cùng đều đã thất trận, bàng hoàng cùng kéo nhau về ngồi lại chốn nầy. Có một điểm rất chung của họ là mọi con mắt đều đổ dồn nhìn về hướng cửa thang máy mỗi khi nó bật mở. Ngày qua ngày, họ luôn ngồi miệt mài nhìn về hướng đó với mong ước bất chợt sẽ có một ai đó, bè bạn hay người thân đến thăm.
Họ rất thích thú mỗi khi đến lượt được gọi tên lên ghế để được massage. Một phần là họ được xoa bóp những nơi mà lâu nay họ cảm thấy đau nhức, phần khác là họ có dịp để giải tỏa tâm sự với những người xa lạ, không phải là những gương mặt quá quen thuộc của các y tá. Họ thường nói rất nhiều về họ, về gia đình, con cái họ.
Họ thường khoe những tấm ảnh chụp lúc cả gia đình họ đang hạnh phúc. Họ khoe hình ảnh từng đứa con với thành tích học hành hoặc nghề nghiệp của chúng. Mỗi một ngày làm việc ở Nursing Home chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện và cũng học được rất nhiều điều từ họ. Trong số rất hiếm những người Việt Nam ở Viện Dưỡng Lão nầy chúng tôi đã gặp được dì Năm. Lần đầu tiên gặp được đồng hương tôi rất mừng, và dì Năm cũng đã mừng đến rơi lệ khi biết trong nhóm làm việc có tôi là người Việt Nam. Dì đã nắm tay tôi thật chặt, từ trên chiếc xe lăn dì ngước lên nhìn tôi mà mắt ướt đỏ hoe. Thoạt nhìn dì Năm, đầu óc tôi tự dưng hiện về những câu ví von mà tôi đã được học lúc còn ở Việt Nam:
– Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Lại cũng có câu hát nghe được như sau:
– Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mỗi lần tôi mời dì đến để massage, dì Năm luôn xem tôi như một đứa con hay đứa cháu của dì. Dì đã tâm sự rất nhiều, tâm sự hết về cuộc đời của dì. Dì Năm là người gốc ở đồng ruộng miền tây Việt Nam. Do cuộc sống quá khó nhọc, dì lên Sài gòn tìm phương lập nghiệp rồi sau đó lập gia đình ở Sài gòn luôn. Chồng dì cũng là một người dân lao động tay chân từ miền quê Hậu Giang lên Sài gòn kiếm sống. Cuộc sống của hai vợ chồng thoạt đầu khá vất vả nhưng họ rất yêu thương nhau. Hai người đã cho ra đời hai đứa con bụ bẫm. Đứa con trai được đặt tên Quân, người con gái mang tên Thảo. Có hai đứa con gia đình có vui hơn thật, nhưng cuộc sống ngày càng chật vật hơn. Chồng của dì Năm sau nầy lại sinh tật nghiện rượu nặng và tật cờ bạc. Ông đã khiến cho gia đình vốn nghèo khó lại càng khốn đốn hơn. Tệ hại hơn nữa là càng ngày khi rượu vào thì lời ra, ông lại sinh tật về nhà đập đồ đạc và đánh đập vợ con. Dì Năm tuy buồn nhưng luôn cố gắng làm việc quần quật để có thể có đủ tiền nuôi cho hai con ăn học nên người. Dì đã không nề hà bất cứ việc gì từ gánh nước mướn, giặt đồ mướn, thậm chí ở đợ cho người ta. Năm 1978 chồng dì qua đời vì nghiện rượu, sau đó Dì vô Chợ lớn ở đợ cho một gia đình Hoa Kiều. Họ rất thương cho hoàn cảnh của dì nên khi đóng ghe đi vượt biên họ đã cho dì và hai đứa nhỏ đi theo.
Đến Mỹ, do không biết tiếng Anh, cuộc sống của dì tiếp tục tay làm hàm nhai. Tuy nhiên, dù sao đi nữa cuộc sống ở Mỹ của dì vẫn đỡ khổ hơn những ngày lầm than thê thảm ở Việt Nam. Dì luôn tất bật trên xứ người, làm đủ mọi việc từ lặt rau, phụ bếp nhà hàng Việt Nam cho đến làm cá, chặt thịt ở chợ, miễn sao dì có thể kiếm đủ tiền lo cho hai đứa con ăn học trên xứ người. Con của dì cả hai đều không học lên cao, đứa nào cũng cố cho xong lớp 12 rồi đi tìm việc làm. Đứa con gái học và đi làm nails, đứa con trai học và theo một số người Việt Nam làm nghề lót sàn nhà. Năm năm sau, con gái của dì mua nhà, dì và đứa con trai về ở chung với nó. Ngày trước lúc mới qua Mỹ, dì thuê nhà cho con cái có chỗ ở với dì. Hai đứa con dì ăn ở bày bừa ra đầy nhà mỗi ngày. Dì vừa lo đi làm kiếm cơm tất bật, về đến nhà vừa lo thu vén, dọn dẹp ngăn nắp. Từ khi đứa con gái mua nhà, dì ở chung với chúng, mỗi ngày chúng luôn nhắc nhở, nặng nhẹ dì đủ điều, nào là phải quét nhà, lau nhà, phải đổi dép đi trong nhà. Mỗi cuối tuần khi chúng ở nhà, chúng luôn cằn nhằn dì mỗi khi chúng lau dọn:
– Má! Ở đây là Mỹ, không phải là những ổ chuột như ở Việt Nam, má phải ăn ở cho sạch sẽ, ngăn nắp.
Mỗi năm gia đình có hai ngày giỗ, một ngày giỗ bà ngoại và một ngày giỗ ba của sắp nhỏ. Hồi trước dì thuê nhà cho con ở, mỗi khi làm đám giỗ dì đều đốt đèn cầy, đốt nhang để tưởng nhớ đến người quá cố mà chẳng có đứa nào nói gì. Nay ở nhà của chúng, nghe đầy lỗ tai, buộc dì phải biết kiêng, biết dè chừng. Thay vì đốt 3 cây nhang cho người quá cố, dì chỉ đốt một cây thôi. Tuy vậy, con gái dì vẫn chưa thấy hài lòng, nó đề nghị dì ra chợ tìm mua nhang bằng điện về cúng, còn đèn cầy thì dứt khoát không được đốt. Đứa con gái cằn nhằn khói nhang sẽ bám trần nhà, còn đứa con trai thì lén mẹ đem vứt bó nhang thơm ngắn vào túi rác. Dì Năm cho biết dì có tài nấu ăn ngon, các con dì từ bé đến khi lớn khôn đều mê những món ăn ngon của mẹ. Rồi bỗng một hôm, chúng yêu cầu dì không được nấu ăn trong nhà nữa, mọi thứ cứ để chúng lo. Chúng bắt đầu chê món ăn Việt Nam là hôi thúi. Chúng bắt đầu tập cho dì Năm làm quen với món Spaghetti, Marcaroni, Hamburger, Hot dog…. Chúng yêu cầu dì phải tập xa lìa với nồi cá kho, nồi thịt kho hột vịt, món bún bò, món bánh canh cua… Cũng kể từ hôm đó nước mắm trong nhà đã đội nón ra đi, thay vào đó là chai xì dầu hiệu Maggi. Những món ăn Mỹ bỗng trở nên xa lạ, nhạt nhẽo thế nào đó đối với dì. Cuộc sống bất ngờ phải lìa xa mọi thứ quen thuộc đã từng ăn sâu vào máu, vào xương tủy của mình.
Rồi một ngày nọ, trong bữa ăn chiều của gia đình, hai đứa con của dì đã cho dì biết là dì phải chuẩn bị tìm phòng để thuê, chúng sẽ lấy nhà lại để bán, vì được giá. Dì Năm đã chạy đôn chạy đáo để tìm cho ra một chỗ cho share phòng. Cuối cùng dì cũng được một bà cụ Việt Nam thương tình cho hoàn cảnh của dì, đã đồng ý cho dì về sống chung. Kể từ hôm dì dọn ra, chỉ vỏn vẹn quần áo và giấy tờ trong một chiếc vali cỡ trung và hai bức ảnh của hai người thân đã quá cố. Hai đứa con của dì cũng chẳng màng đến việc đi tìm xem mẹ mình ở đâu và sống ra sao. Ngày qua ngày mòn mỏi, dì Năm buồn lắm, nhưng trong lòng dì cảm giác buồn các con thì ít mà lo cho các con thì nhiều. Nhiều đêm dì trằn trọc không sao ngủ được, cứ lo không biết hai đứa nó bán nhà rồi ở đâu, hai đứa nó biết ăn uống ra sao? Ngày xưa lúc chúng còn bé, hễ hôm nào kiếm được khá tiền một chút là dì vội chạy ra chợ mua món ngon vật lạ về nấu những món ngon cho con. Bây giờ chúng bán nhà rồi đi đâu? Ai có thể nấu cho chúng những món ăn ngon mà chúng vừa miệng nhất?
Thức ăn Mỹ tuy lạ nhưng nhạt nhẽo, lạ kỳ, rồi đây chúng sẽ chán cho coi! Tiếng thở dài của dì vẫn hằng thườn thượt trong đêm. Cả tháng sau đó trôi đi, Dì chẳng còn hy vọng trông thấy bóng dáng hai đứa con dì hằng yêu thương xiết bao. Mỗi khi ra chợ gặp những người đồng hương, dì thường hỏi xem có ai đã thấy hay biết hai đứa con của mình ở đâu không? Không ai có thể giúp dì giải đáp thắc mắc đáng thương nầy. Cho đến một hôm, do quá lao lực và lo rầu thương nhớ con không ngủ được, dì đã bất ngờ ngã bệnh và bị stroke. Dì đã được những người đồng hương gọi 911 chở đi cấp cứu, dì đã bị liệt nhẹ một chi. Sau thời gian ở bệnh viện, người ta đã không tìm ra thân nhân của dì nên cuối cùng dì đã được chở vào Nursing Home nầy để chăm sóc. Từ ngày ấy đến nay dì đã ở đây, hằng ngày vẫn ngồi trên chiếc xe lăn, mắt luôn hướng nhìn về phía cửa thang máy. Đôi mắt dì ngày như càng sâu hơn, hun hút, vô vọng khi bóng dáng các con dì ngày càng biền biệt xa hơn. Lần nào thấy tôi vào dì cũng rất mừng, níu chặt tay tôi hỏi dồn dập :
– Con có thấy thằng Quân, con Thảo con của dì không con? Chắc con gặp tụi nó rồi phải không con? Tụi nó có nói chừng nào vô thăm dì không con? Tội nghiệp! Hai đứa nó ngoan lắm con! Nếu con gặp tụi nó ở đâu nhớ cho dì biết để dì xin về, đi chợ nấu ăn cho tụi nó nghe con? Tội nghiệp cái thằng Quân nó thích ăn bún bò dì làm lắm con. Còn con Thảo, cái con nầy hổng biết sao mà nó mê món bún riêu dì Năm nấu lắm con!…
Lần khác, trước khi tôi chia tay dì ra về, dì níu chặt tay tôi nói trong nước mắt:
– Con ơi! Làm ơn có gặp thằng Quân, con Thảo nhớ nói dùm là dì nhớ tụi nó nhiều lắm nhe con! Nói với tụi nó cho dì gặp tụi nó một lần thôi cũng được nhe con! Hổm rày không có dì lo cho tụi nó ăn uống chắc tụi nó ốm yếu, tội nghiệp lắm con ơi! Sao dì lo cho tụi nó quá con ơi!…
Một lần khác dì đã tâm sự với tôi, lúc các con dì bán nhà, dì có ý định: thôi con mình nó không thích mình ở làm phiền nó thì mình trở về Việt Nam, quê hương chôn nhau cắt rún của mình vậy! Lúc đó dì chưa có đủ tiền để trở về, dì định làm thêm một thời gian nữa, dành dụm rồi về sau cũng được. Nào ngờ, bây giờ trong hoàn cảnh nầy, dì biết rõ mọi thứ đã trở nên xa vời, thật xa vời, vuột khỏi tầm tay dì rồi. Chiếc xe lăn bây giờ ngày càng nặng nề hơn cùng với nỗi nhớ mong hai con ngày càng trì nặng trong lòng dì.
Tôi vội chia tay dì, quay bước nhanh vào thang máy trước khi kịp nhìn thấy nước mắt đầm đìa trên gương mặt xương xẩu của một người mẹ Việt Nam trên xứ người. Một ngày nữa lại sắp qua đi…
Chu Thụy Nguyên
No comments:
Post a Comment