Bói Kiều là tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Du, ni sư Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp về tình trạng hiện tại của mình và để biết cách tu tập, tiếp xử như thế nào cho có hạnh phúc và thành công trong năm tới. 'Thác là thể phách, còn là tinh anh', tuy hình hài cụ Tiên Điền không còn, nhưng tinh anh của thi hào vẫn còn mãi mãi trong ta, chung quanh ta và trong sức sống của dân tộc. BBT xin được trích đăng một số câu bói Kiều trong dịp Tết Giáp Ngọ tại Làng Mai.
Câu hỏi: Cũng như nhiều bạn trẻ, con đang đứng trước ngưỡng cửa của chuyện lập gia đình hay đi xuất gia. Nếu con chọn con đường lập gia đình thì con có tu thành đạo được như con đường xuất gia hay không?
Cụ Nguyễn Du cho anh câu 202:
“Thấy nhau mừng rỡ trăm bề
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân…”
Sư Ông giải Kiều:
Câu thứ hai tuy vậy mà khó. Khó ở từ lắm lúc đi về. Lắm lúc là nhiều khi. Chữ lắm lúc có vẻ như tiêu cực chứ không phải là tích cực. Trong những ngày xuân, nếu tuổi trẻ không biết chăm sóc năng lượng của tuổi trẻ thì có thể sẽ bị nhiều dằn vặt, đau khổ. Mình có tuổi trẻ nhưng nếu mình không tu thì mình sẽ có vấn đề với tuổi trẻ, vì tuổi trẻ có nhiều bồng bột, nóng nảy, thiếu tự giác, thiếu bình tĩnh. Mình đang có tuổi trẻ. Tuổi trẻ rất quý nhưng có biết bao nhiêu người trẻ làm hư tuổi trẻ của chính mình, khổ đau với tuổi trẻ.
Lắm lúc đi về với xuân là nhiều khi cũng cực với tuổi trẻ. Lắm lúc đi về với xuân còn có nghĩa là quá mệt. Có tuổi trẻ mà không biết chăm sóc năng lượng tuổi trẻ là mệt chết với tuổi trẻ. Tuổi trẻ rất quý nhưng nếu ta không biết chăm sóc thì tuổi trẻ cũng là một vấn đề. Đó là ý của câu thứ hai. Còn tuổi già? Tuổi già cũng có cái hay của tuổi già. Tuổi già có sự đằm của tuổi già. Tuổi già giống như một dòng sông lớn đi chầm chậm, chầm chậm. Tuổi trẻ còn bồng bột nên có những khó khăn, bức xúc của tuổi trẻ.
Đi tu hay không đi tu, đó không phải là vấn đề lớn nhất. Vấn đề lớn nhất là mình phải học cách sống. Trong mỗi con người của mình đều có một ước muốn là mình gặp được người có thể hiểu được mình, thương được mình. Đó là ước muốn của mình. Nếu có nhiều người hiểu mình, thương mình thì quý rồi nhưng ít nhất phải có một người. Có những người suốt đời không có bạn, đi tìm mà không có được một người bạn. Đó là những người vô phước. Thấy nhau ở đây là gặp được một người bạn có thể hiểu mình, thương mình, có thể đi với mình suốt đời. Phải có phước đức gì đó thì mình mới gặp người bạn như vậy. Người bạn đó là người bạn thiệt. Với người đó thì mình mới không đau khổ. Có những người kết bạn với nhau nhưng sau sáu tháng hay một năm thì họ đau khổ và họ bỏ người bạn đó để đi tìm một người bạn khác. Cứ thay bạn như thay áo. Điều đó sẽ đưa đến tình trạng Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân. Đau khổ vô cùng. Thay đổi bạn như thay đổi người yêu, như thay áo. Câu này của cụ Nguyễn Du rất sâu sắc.
Nhờ phước đức ông bà mà mình có thể gặp được, thấy được người bạn lý tưởng của mình. Cố nhiên là có những người cư sĩ tu rất giỏi, có khi giỏi hơn cả người xuất gia. Mình không kỳ thị người cư sĩ. Người cư sĩ cũng có thể tu thành được. Nhưng phải công nhận một điều là người cư sĩ tu khó hơn người xuất gia. Ở Việt Nam có câu: khó nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ, khó ba tu chùa. Tu chùa rất dễ vì hoàn cảnh trong chùa rất dễ cho mình tu. Có Tăng thân lo cho mình, bao bọc, che chở cho mình nên tu rất dễ.
Đi xuất gia cũng giống như lập gia đình. Bên kia là lập gia đình với một người còn bên này lập gia đình với cả một đoàn thể lớn. Nhau ở đây có thể là một người mà cũng có thể là một đoàn thể lớn. Nhưng không phải chùa nào cũng có tăng thân. Có những người họ đi từ chùa này sang chùa khác, bảy, tám chục chùa mà không tìm thấy một Tăng thân nào thích hợp với mình. Và cuối cùng thì tìm thấy một Tăng thân thích hợp. Đó là tìm được nhau, đó là những người may mắn. Cho nên chuyện thấy nhau là một phước rất lớn. Mình gặp được người tri kỷ, gặp được người cùng lý tưởng với mình rồi thì đó là hạnh phúc lớn nhất trên đời, là mừng rỡ trăm bề. Chưa gặp thì chưa có cái đó mà hễ gặp rồi là có cái đó. Nhưng gặp rồi mà không nắm lấy cơ hội thì ôi thôi…
Vậy cho nên mình phải dùng trí thông minh của mình, mình phải nhìn lại cho kỹ. Mình phải nhìn lại những người bạn của mình, họ sống như thế nào, họ đi kiếm người tri kỷ như thế nào, họ lên xuống như thế nào. Vậy nên khi đi xuất gia cũng giống như mình lập gia đình. Mình lập gia đình với một đoàn thể và mình cam kết suốt đời không phản bội. Cụ Nguyễn Du không hề thành kiến. Cụ không nói rằng người tại gia không tu được. Người tại gia tu được chứ không phải là không. Nhưng sự thực là tu xuất gia thì dễ hơn. Vậy cho nên mình phải chọn lựa.
Thiền sư Nhất Hạnh
No comments:
Post a Comment