Truyện ngắn nhất
Người Phụ Nữ Kiêu Ngạo
Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo lẽ lịch sự, ông đã nói với người này: “Cô thật là xinh đẹp!”.
Người phụ nữ đó lại không hề cảm kích, mà còn cao ngạo nói: “Rất tiếc là tôi không có cách nào để nói lời khen tương tự như thế với ông!”.
Mark Twain rất bình thản, nói: “Không sao cả, cô có thể giống như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi”.
Chuột Sa Lu Gạo
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, việc ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được. Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa.
Phẫu Thuật Thành Công
Một bác sĩ làm phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư, sau khi mổ ra mới phát hiện chỗ bị viêm cắt bỏ không được, ông đành phải may lại, rồi giải thích tình huống với bệnh nhân. Bệnh nhân nầy đến từ vùng quê, không hiểu thuật ngữ y khoa, thế nên nghe xong thì vững tin rằng phẫu thuật xong rồi thì bệnh sẽ khỏi.
Bác sĩ không còn cách nào khác, đành phải để ông xuất viện.
Một năm sau tái khám, bệnh quả nhiên đã khỏi hẳn, các tế bào ung thư đã hoàn toàn biến mất.
Chuyến Xe Đò
Một chiếc xe đò sắp rời bến. Nhưng có một băng chưa đủ người, vì có một ông cùi ngồi nên còn hai chỗ không ai chịu ngồi cả. Bác tài lại thương thuyết gì đó với ông cùi, nhưng ông tỏ vẻ bất bình, không chịu. Sau cùng chú lơ xe lại đôi co:
- Ông đi làm tôi mất hết hai chỗ ngồi.
- Việc đó đâu phải lỗi tại tôi, Ông cùi đáp. Người ta không đi mặc họ, tôi đi trả tiền đủ thôi!
Chú lơ cáu lên:
- Ông xuống đi xe khác, tôi cho tiền xe ông!
Ông cùi đáp:
-Tôi cần về nhà, chứ không cần tiền. Nếu ai cũng nói như chú thì tối nay tôi ngủ đâu?
Không giải quyết được, tài xế và lơ xe lằng nhằng hoài. Hành khách cũng nhốn nháo. Ngay lúc ấy, một cô hành khách rất "mốt" đứng dậy nói:
- Để tôi giải quyết cho!
Chú lơ xoay lại hỏi:
- Chị chịu trả thêm hai chỗ ngồi nữa hôn?
- Không cần! Cô ấy nói. Tôi giải quyết ổn thôi.
Rồi cô đến bên ông cùi và nói:
-Thưa Bác, Bác ngồi sát vô, con ngồi kế Bác là xong!
Cô vừa ngồi bên ông cùi, một người lên ngồi cạnh cô và một người khác đến ngồi ghế cô vừa bỏ trống.
Hạnh Phúc Trong Tầm Tay
Ông giáo, nhà ở trong ngọn, dạy học ngoài vàm và ở luôn bên vợ ngoài ấy.
Bữa nọ chiếc tàu đò trong ngọn chạy ra, dừng chầm chậm ngay trường học. Có một người thò đầu ra hỏi to:
- Có thầy A ở đó không?
Lũ học trò đáp:
- Dạ không có! Thầy A chưa đến!
- Bây báo tin gấp cho ổng hay: "Má ổng chết rồi!".
Tàu mở máy chạy luôn. Học trò hỏa tốc chạy cho thầy hay! Ông giáo quýnh quáng, báo cho gia đình bên vợ và Ban Giám Hiệu. Ai nấy vội vàng đi mua đồ phúng điếu. Riêng thầy A đạp xe chạy thục mạng về trước, lòng buồn vô hạn. Ông đinh ninh từ nay đã mất mẹ rồi!
Về tới nhà, xe vừa quẹo vô tới cửa rào thấy mẹ xách hai thùng nước nhỏ tưới trầu, ông quăng ngay chiếc xe, nhào lại ôm mẹ kêu:
- Trời ơi! Má! Má! Má ơi Má!
Bà già ngạc nhiên hết hồn, không biết vụ gì mà con bà ôm chặt lấy bà với nước mắt ràn rụa và cứ kêu má mãi! Hồi lâu ông giáo mới bệu bạo:
- Vậy mà ai ác ôn, nhắn tin nói má chết rồi!
Lát sau, bên vợ ông giáo và mấy thầy cô đồng nghiệp chở đồ phúng điếu vô đến, hay rõ sự việc ai nấy cười ngất. Sẵn đồ đạc, thôi thì họ làm một bữa tiệc ăn mừng!
Bây giờ ông giáo rất vui. Ông không oán trách kẻ trác mình, vì vụ "chơi khăm" vừa qua giúp ông nhận được bài học quí. "Mẹ còn là nguồn hạnh phúc lớn lao!" Chớ có thờ ơ uổng phí!
Bửa Cơm Ngon Tuyệt
Ông anh bị bắt vào trại tù, khao khát được ăn một miếng canh rau tươi. Bên ngoài vách trại có loại rau trai. Ông lấy kẽm gai làm cây móc để khều từng cọng rau kẽ theo vách, khó khăn lắm mới nhặt được một đọt. Được 5,7 đọt ông rửa sạch để vào lon Guigoz cho vào ít nước và muối, đậy kín gởi trong chảo cơm. Thế là bữa đó có món canh ngon! Mà lâu lắm mới được một bữa như vậy.
Nghe ông anh kể nỗi khổ trong tù, chú giáo xúc động lắm!
Chiều hôm đó vợ chú dọn cơm canh bồ ngót với cá kho. Bữa cơm bình dân, đạm bạc thôi, thế mà chú ăn ngon lạ!
Chủ Nhơn Ông
Có một ông khách hỏi nửa đùa nửa thật :
- Có ông "Quỷ Cốc Tiên Sinh" đây, nhờ ông giải nghĩa dùm câu này. Mấy cháu nó hỏi: "Khó tìm cho gặp chủ nhơn ông..." Vậy làm sao tìm?
Ông cư sĩ nói:
- Ôi, Thầy đã nói khó tìm, tìm chi cho cực!
Có người hỏi tiếp:
- Không tìm rồi làm sao gặp?
Ông tu sĩ nói:
-Thôi mình làm chủ lấy mình dễ hơn!
Say Thì Có Tội
Bác Hai cư sĩ đi dự tiệc nhà người bạn. Họ đãi mặn, có riêng một mâm chay. Đồ chay dầu nhiều, hơi khó chịu, Bác với lấy ly bia uống ít hớp. Chủ nhà mừng quá nói:
- Ừ, vậy mới thông cảm chứ!
Một người bạn khác nói thêm:
- Uống rượu không sao, miễn đừng say thôi, nếu say là có tội, phải không Bác Hai?
Bác Hai không dám ừ vì Ông biết họ cố ý gài mình tán đồng việc uống rượu của họ. Ông nói:
- Say! Không phải đợi chân này đá chân kia mới là say. Còn "nhiều thứ say lắm" mà hễ "say là có tội!".
Hai Lối Sống
Một hôm ông Jorba, gặp một ông lão trồng cây hồ đào (loại cây lâu năm), ông ta hỏi:
- Nội ơi! Nội năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Cụ già ngẩng đầu lên cười đáp:
- Lão sống như không bao giờ chết.
- Còn tôi sống như sắp chết đến nơi vậy. Jorba nói.
Hai lối sống kể trên đều tuyệt vời cả. Ở phương diện nào đó mình phải sống như không bao giờ chết; và ở một mặt khác, mình phải biết sống như sắp chết đến nơi vậy.
Sẵn Sàng
Tôi đi thăm người bạn, ngày về là lúc trời bão nhưng mình có vấn đề phải về thôi. Mấy người bạn cầm nán lại nhưng tôi quyết đi, dù mưa cũng đi.
Tôi dẫn xe đạp ra về, nhưng may, ngày hôm ấy về đến nhà không bị mưa. Tắm xong lên giường nằm, Tôi nghĩ lại hôm nay mình đi dưới trời mưa gió mà lòng bình an như ngày đẹp trời vậy bởi mình sẵn sàng chấp nhận.
Suy rộng ra, nếu đối với mưa gió của đời mình, mà mình có tâm trạng sẵn sàng như vậy, chắc là sống yên lành, hạnh phúc lắm.
Đổi Mạng
Hồi Pháp thuộc, đồn bót đóng khắp nơi. Sinh mạng người dân thời loạn rẻ rề!
Một đêm kia, Bác Hai nằm mộng đi ngang đồn thấy lính dẫn năm người ra xử tử (3 đàn ông, 1 đàn bà và 1 trẻ em). Nhìn thấy Bác, tên lính đồn trưởng kêu:
- Đổi mạng không?
Bác lắc đầu. Nó mặc cả:
- Một mạng đổi hai nè!
Bác cũng lắc đầu. Nó tăng thêm:
- Thôi, một mạng đổi năm đó!
Bác liền gật đầu, đi vào ngồi dưới cột cờ chờ nó bắn. Tên đồn trưởng lại trớ trêu ra điều kiện:
- Mỗi người phải mắng ông này một câu mới về.
Mấy người đàn ông lấp bấp chưởi coi bộ gượng gạo lắm. Đến lượt người đàn bà, bà ta xỉ xỏ chưởi mắng Bác thậm tệ như oán hận đâu đời nào. Ơn cứu tử còn ràng ràng mà lòng người sao chóng phôi pha! Bác tức cười cho tình đời sao quá ư đen bạc, tiếng cười làm Bác thức giấc.
Lòng hân hoan sung sướng vô cùng, nhớ lại việc đổi mạng cho năm người, mình chỉ thấy vậy là lời, nên xem cái chết rất nhẹ. Ngồi giữa pháp trường mà như ngồi ngắm hoa cảnh giữa công viên, không chút sợ sệt. Không nghĩ mạng đem đổi là mạng mình và năm mạng được cứu sống là mạng của người khác; giữa mình và người không phân chia, cách biệt. Trong giây phút mộng mị ấy mình đã vượt khỏi tử sanh; sống chết không phải vấn đề nữa.
Con Người Từ Đâu Đến?
Một số anh em cư sĩ làm trong nhà thuốc nam, lúc rảnh việc hay thảo luận đạo lý. Hôm đó bàn về đề tài: "Con người từ đâu đến, chết rồi về đâu?"
Người bàn thế nầy kẻ luận thế nọ vẫn chưa ngã ngũ.
Trong nhóm có một chú bị bệnh tâm thần nhẹ, hiền lành và hay đến làm công quả ở phòng thuốc nam miễn phí. Trong cuộc thảo luận trên, mọi người phát biểu xong xoay qua chỉ chú em "khùng" ấy hỏi:
"Còn đệ ý kiến ra sao Con người từ đâu đến, chết rồi về đâu?"
Chú ta tỉnh bơ đứng dậy nói gọn gàng:
- Trước khi chết, má tôi bảo: "Con ở lại ráng lo tu hiền tạo phúc đức nghe con!"
Nghe câu trả lời trớt lớt ngoài đề ai cũng ôm bụng cười.
Con người từ đâu đến, chết đi về đâu? Việc ấy quá xa vời. Điều cần yếu là mình làm được những gì có ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.
Mãi Mong Cái Không Có
Cô cháu gái than phiền với bác Hai:
-Trong nhà con cũng có tương đối đủ đồ hết, thế mà ba má con không bao giờ thỏa thích khen cái này tốt, cái kia đẹp... mà bà cứ đòi hỏi cái chưa có không hà! Nào là mình còn thiếu quạt trần, ti vi màu, tủ lạnh,v.v… Còn cái sẵn có bà không hề nhắc tới!
Nghe xong bác cười:
- Mãi mong cái không có. Cái không có đã là không có rồi, cái có cũng mất luôn! Bởi không nghĩ đến nó thì cũng như không có vậy!
Để Cha Mẹ Không Phải Sống Thừa
Có chú nông dân tay nghề về nông nghiệp rất cao. Chú làm ruộng rẫy ít khi bị thất bại. Tuy vậy, mỗi khi sửa soạn làm mùa là chú hay hỏi ý và bàn bạc với cha, dù ông đã ngoại bát tuần rồi. Muốn đổi giống lúa khác, mua bán lúa, cày sạ, xuống giống, nhứt nhứt chuyện gì chú cũng thỉnh ý cha. Hỏi ý, thảo luận vậy chớ ít khi làm y theo. Vì các cụ đâu theo kịp với thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến như ngày nay.
Sở dĩ chú làm thế để cha mẹ già vui, vì cảm thấy mình còn có chút quyền hạn và hữu dụng đối với con cháu. Đó là lòng hiếu thảo của người con nuôi thân cha mẹ mà còn lo nuôi dưỡng cả tinh thần cha mẹ nữa.
Dẫu rằng kiến thức của các cụ già đã lạc hậu, nhưng nếu con cái đối xử lạnh nhạt, phũ phàng khiến các cụ tủi thân!
Còn Quá Ít
Có người quen mách lại, ai đó phê bình, nói xấu Bác Hai đủ điều... Kể xong hỏi Bác:
- Người ta nói xấu anh như vậy, có đúng không?
Bác nói:
- Cũng may, họ nói đó hãy còn quá ít. Chứ nếu họ biết cái tệ của tôi như tôi tự biết mình, thì còn có nước độn thổ bỏ xứ luôn!
Đừng Đặt Thành Vấn Đề
Một hôm, có đứa cháu là thợ may, đến thăm và hỏi Ông tu sĩ: - Con may đồ, rồi trao hàng cho khách khác phái, con trao thẳng cho họ được không, hay phải để xuống bàn ghế... để người ta lấy? Hồi xưa có lệ là "nam nữ thọ thọ bất thân": Chữ thọ trước là trao, chữ thọ sau là nhận, tức nam nữ không được nhận đồ trực tiếp, mà phải để qua một trung gian nào đó rồi mới được nhận. Có mấy huynh trưởng dạy con như vậy.
Nghe nó kể, Ông tu sĩ cười nói:
- Chuyện đó đã lỗi thời rồi. Đừng đặt thành vấn đề thêm khó khăn, rắc rối. Trao hàng làm như vậy, còn đo cắt mới làm sao? Hay đi xe ngồi chen chúc giữa nam nữ thì sao? Thôi, việc đời cứ tùy tiện, quan trọng là phải "chính tâm".
No comments:
Post a Comment