Bệnh thường gặp khi tuổi già
Loãng xương
Loãng xương là một căn bệnh thường gặp khi bắt đầu bước vào giai đoạn trung niên và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thể chất và tâm lý lúc an dưỡng tuổi già. Nếu mắc bệnh, xương sẽ trở nên yếu và có thể dễ dàng bị gãy do ngã hoặc thậm chí chỉ là khi đang thực hiện các động tác hoạt động hàng ngày như vươn vai, khom lưng… Đa số bệnh nhân loãng xương không có triệu chứng, bệnh nhân chỉ có thể phát hiện khi xương đã bị gãy. Vì vậy, xét nghiệm mật độ xương thường xuyên, được gọi là DEXA scan để kiểm tra sức khỏe của xương là điều thiết yếu bạn cần làm.
Thoái hóa điểm vàng
Theo thời gian, điểm vàng – bộ phận giúp bạn có thể nhìn tốt sẽ bắt đầu bị thoái hóa, điều này dẫn đến sa sút nghiêm trọng thị lực, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi đọc, nhận diện khuôn mặt và bối cảnh xung quanh. Người cao tuổi cần lên lịch khám mắt theo định kỳ, đặc biệt là khi có dấu hiệu nhìn mờ, nhìn kém.
Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp cũng là một bệnh lý ảnh hưởng đến tầm nhìn. Hầu hết bệnh tăng nhãn áp là do sự gia tăng áp lực chất lỏng ở bên trong mắt, dần dần làm tổn hại thần kinh thị giác nối từ võng mạc đến não bộ. Tăng nhãn áp không có triệu chứng lúc đầu, người bệnh chỉ có thể nhận ra khi mắt không thể nhìn thấy những vật gần ngay trước mặt. Bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.
Suy giảm thính lực
Hình thức phổ biến nhất gây suy giảm/mất thính lực liên quan đến tuổi là presbycusis (nghễnh ngãng tuổi già), được biểu hiện với triệu chứng nghe không rõ, “ông hỏi gà, bà nói vịt”. Dạng thứ hai là mất thính giác do tiếng ồn, xảy ra khi bệnh nhân phải tiếp xúc với những âm thanh quá lớn trong một thời gian dài.
Suy giảm thính lực ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp
Alzheimer
Alzheimer làm xói mòn khả năng ghi nhớ và mức độ tỉnh táo, lâu dần có thể làm người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày như ăn, giao tiếp, đi vệ sinh… Đây là bệnh lý khó phục hồi và thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi. Dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer là hay quên, khả năng ghi nhớ kém. Tuy nhiên, quá trình lão hóa tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, vì vậy, cần đi khám và thực hiện xét nghiệm cần thiết để kiểm tra Alzheimer. Ngoài ra, bác sỹ cũng sẽ tư vấn cho bạn một số biện pháp để có thể cải thiện khả năng ghi nhớ.
Suy giảm nhận thức
“Suy giảm nhận thức” là thuật ngữ cho chứng mất trí nhớ do tuổi tác nhưng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với quá trình lão hóa tự nhiên. Nếu bạn đã trên 65 tuổi, bạn sẽ có 68% nguy cơ bị suy giảm nhận thức. Trên thực tế, những người bị suy giảm nhận thức nhẹ vẫn có thể trò chuyện nhưng họ thường hay quên và có thể trở nên bối rối khi thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như thanh toán hóa đơn…
Tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý người cao niên. Phụ nữ trên 50 tuổi có nhiều khả năng gặp phải vấn đề này. Lúc này, cơ sàn chậu sẽ mất đi khả năng kiểm soát bàng quang gây ra tình trạng này. Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể gặp phải tình trạng đi tiểu không tự chủ.
Viêm khớp
Viêm khớp gây ra đau đớn do các chất lỏng và sụn trong khớp bị hao mòn. Những hình thức phổ biến nhất của viêm khớp ảnh hưởng đến sức khỏe là viêm xương khớp, là kết quả hao mòn trên các khớp, đặc biệt là ở các ngón tay, hông, đầu gối, cổ tay, cổ và cột sống.
Táo bón
Táo bón là triệu chứng được định nghĩa có ít hơn 3 lần đi tiêu trong một tuần. Tình trạng này xảy ra khi thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống, thiếu hoạt động thể chất và mất nước. Táo bón có thể tự điều trị tại nhà, tuy nhiên trong các trường hợp nặng hơn như không thể đi tiêu, cần đi khám bác sỹ để có biện pháp điều trị phù hợp.
No comments:
Post a Comment