Thursday, August 3, 2017

Những yếu tố nguy cơ của  đột quỵ


Image result for stroke risk factor


Biết được những yếu tố nguy cơ của quý vị đối với đột quỵ là bước đầu tiên trong việc ngăn ngừa đột quỵ. Quý vị có thể thay đổi hoặc xử lý một số yếu tố nguy cơ, nhưng lại không thể làm vậy với những yếu tố khác. Thông qua việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và biết được rủi ro của mình, quý vị có thể tập trung vào những gì mình có thể thay đổi và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Tôi có thể thay đổi hoặc xử lý những yếu tố nguy cơ nào?
  • Huyết áp cao Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với đột quỵ vì đó là nguyên nhân Số 1 gây ra đột quỵ. Tìm hiểu huyết áp của bạn và kiểm tra ít nhất 2 năm 1 lần. Huyết áp bình thường thấp hơn 120/80. Huyết áp thường xuyên ở mức 140/90 hoặc cao hơn là quá cao. Trao đổi với bác sĩ của quý vị về cách kiểm soát huyết áp.
  • Sử dụng thuốc lá. Sử dụng thuốc lá làm tổn hại mạch máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong những mạch máu đó, gây ra đột quỵ. Không hút thuốc và tránh hít phải khói thuốc thụ động.
  • Tiểu đường. Tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ vì tiểu đường có thể gây ra bệnh đối với các mạch máu trong não. Hãy trao đổi với bác sĩ về cách trị bệnh tiểu đường.
  • Cholesterol cao. Cholesterol cao làm tăng nguy cơ tắc động mạch. Nếu một động mạch dẫn tới não bị tắc nghẽn, thì có thể dẫn tới đột quỵ.
  • Ít vận động và béo phì. Ít vận động, béo phì hoặc cả hai, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
  • Bệnh liên quan đến động mạnh cảnh hoặc động mạch khác. Các động mạch cảnh trong cổ cung cấp phần lớn lượng máu tới não. Một động mạch cảnh bị tổn hại do sự tích tụ mỡ hình thành mảng bám bên trong thành động mạch có thể dẫn tới bị tắc nghẽn bởi một cục máu đông. Điều này gây ra đột quỵ.
  • Các cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Việc nhận biết và điều trị các cơn thiếu máu não thoáng qua có thể làm giảm nguy cơ bị đột quỵ nghiêm trọng. Các cơn thiếu máu não thoáng qua gây ra các triệu chứng giống đột quỵ nhưng không có tác động lâu dài. Biết các dấu hiệu cảnh báo của cơn thiếu máu não thoáng qua và tiến hành điều trị y tế khẩn cấp ngay lập tức.
  • Rung tâm nhĩ (AFib) hoặc bệnh khác về tim. Trong chứng rung tâm nhĩ, buồng trên của tim rung động (giống như một bát gelatin) thay vì đập một cách nhịp nhàng, có tổ chức. Điều này khiến máu bị tụ và đóng cục lại, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Rung tâm nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp năm lần.  Những người bị các chứng bệnh khác liên quan đến tim cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
  • Các rối loạn máu nhất định. Số lượng tế bào hồng cầu cao làm tăng khả năng máu bị đóng cục, dẫn tới tăng nguy cơ đột quỵ. Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm làm tăng nguy cơ đột quỵ vì các tế báo "hình liềm" ghim vào thành mạch máu và có thể làm tắc nghẽn động mạch.
  • Dùng rượu bia quá mức. Uống trung bình nhiều hơn một ly mỗi ngày đối với nữ hoặc nhiều hơn hai ly một ngày đối với nam có thể làm tăng huyết áp. Chè chén say sưa có thể dẫn tới đột quỵ.
  • Sử dụng ma túy bất hợp pháp. Tiêm ma túy vào tĩnh mạch làm tăng nguy cơ đột quỵ. Sử dụng cocaine cũng có liên quan đến đột quỵ. Ma túy bất hợp pháp thường gây ra đột quỵ do xuất huyết. 
Đâu là các yếu tố rủi ro mà tôi không thể kiểm soát?
  • Tuổi tác gia tăng. Đột quỵ ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Nhưng tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng cao.
  • Giới tính. Trong hầu hết các nhóm tuổi, nam bị đột quỵ nhiều hơn nữ, nhưng nữ chết vì đột quỵ nhiều hơn.
  • Di truyền và sắc tộc. Những người có quan hệ huyết thống gần gũi đã từng bị đột quỵ thì có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong và tàn tật do đột quỵ cao hơn người Mỹ da trắng. Bởi vì họ hay bị huyết áp cao. Người Mỹ gốc Hispanic cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
  • Đột quỵ trước đó. Những người đã từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ tiếp cao hơn.  
Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Hãy điện thoại số 1-888-4-STROKE (1-888-478-7653) để tìm hiểu thêm về đột quỵ hoặc tìm các nhóm hỗ trợ tại địa phương, hoặc truy cập StrokeAssociation.org.
  2. Đăng ký để nhận tạp chí Stroke Connection, một tạp chí miễn phí dành cho những người sống sót sau đột quỵ và người chăm sóc tại strokeconnection.org.
  3. Kết nối với những người khác cùng chia sẻ hành trình điều trị đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại strokeassociation.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm strokeassociation.org/letstalkaboutstroke để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi nào dành cho bác sĩ hay y tá của quý vị không?
Hãy dành vài phút để viết ra các câu hỏi của chính mình cho lần sau quý vị gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe:

Đâu là những yếu tố nguy cơ của tôi đối với đột quỵ?     
Đâu là những dấu hiệu cảnh báo đối với cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ?


©2015, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)

No comments:

Post a Comment