Wednesday, August 16, 2017

Huyết áp cao


Image result for hypertension

Huyết áp là lực của dòng máu tác động vào thành mạch. Huyết áp cao có nghĩa là áp suất trong động mạch tăng cao hơn mức bình thường. Huyết áp cao (Tiếng Anh là high blood pressure - HBP) còn có tên Tiếng Anh khác là hypertension.

Huyết áp được viết thành hai con số, chẳng hạn như 112/78 mm Hg. Con số ở trên - số tâm thu, là huyết áp khi tim đập/co bóp. Con số ở dưới, huyết áp tâm trương, là huyết áp khi tim nghỉ giữa hai lần đập. Huyết áp bình thường thấp hơn 120/80 mm Hg. Đối với người lớn, huyết áp tâm thu từ 120 đến 139, hoặc huyết áp tâm trương từ 80 đến 89 (hoặc cả hai), là "tiền cao huyết áp". Huyết áp cao là huyết áp tâm thu duy trì từ 140 trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương duy trì từ 90 trở lên trong một khoảng thời gian.

Không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp huyết áp cao. Chứng bệnh này không thể chữa khỏi, nhưng có thể kiểm soát được nó. Huyết áp cao thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Chính vì thế mà nó rất nguy hiểm.

Khoảng 80 triệu người Mỹ trên 20 tuổi, và 1 trong số 3 người lớn mắc chứng bệnh này, và nhiều người thậm chí không biết họ mắc bệnh. Huyết áp cao mà không được điều trị thì rất nguy hiểm. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Quý vị có thể sống khỏe mạnh hơn nếu quý vị điều trị và kiểm soát chứng bệnh này!

Hãy chắc chắn rằng quý vị đo huyết áp thường xuyên và điều trị theo lời khuyên của bác sĩ.

Những ai có nguy cơ cao?
  • Người có người cận huyết thống bị huyết áp cao
  • Người Mỹ gốc Phi
  • Người bị thừa cân hoặc béo phì
  • Người ít hoạt động thể chất
  • Người ăn quá nhiều natri (muối)
  • Người uống quá nhiều rượu bia
  • Người bị bệnh tiểu đường, bệnh gout hoặc bệnh thận
  • Phụ nữ có thai
  • Phụ nữ uống thuốc tránh thai, thừa cân, đã từng bị huyết áp cao trong thai kỳ, tiền sử gia đình có người bị huyết áp cao hoặc bị bệnh thận nhẹ
Nhìn chung, càng nhiều tuổi quý vị càng có nguy cơ mắc chứng huyết áp cao.
Làm thế nào để biết liệu tôi có bị huyết áp cao không?

Thông thường quý vị không thể tự biết được! Nhiều người mắc bệnh mà không biết. Cách duy nhất để biết liệu huyết áp của quý vị có cao hay không là đến bác sĩ để kiểm tra thường xuyên.

Huyết áp cao mà không điều trị thì có thể dẫn đến hậu quả gì?

  • Đột quỵ
  • Đau tim, đau thắt ngực hoặc cả hai
  • Suy tim
  • Suy thận
  • Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Tôi có thể làm gì?
  • Đạt được và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh.
  • Ăn những bữa ăn có lợi cho sức khỏe với ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển dạng, muối (natri) và đường bổ sung.
  • Đối với phụ nữ, chỉ uống không quá một suất đồ uống có cồn mỗi ngày. Đối với nam giới, uống không quá hai suất mỗi ngày.
  • Vận động thể chất nhiều hơn. Nếu quý vị bị huyết áp cao, hãy đặt mục tiêu thực hiện ít nhất 40 phút cho hoạt động thể dục thể thao với cường độ vừa phải trong ít nhất từ 3 đến 4 lần một tuần.
  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Biết rõ huyết áp của quý vị nên ở mức nào và nỗ lực để duy trì mức huyết áp đó.
Thuốc có thể giúp được gì?
Một số thuốc, chẳng hạn như các thuốc giãn mạch, giúp cho mạch máu giãn ra để máu có thể lưu thông tốt hơn. Thuốc lợi tiểu có thể giúp cơ thể tránh giữ quá nhiều nước và muối. Các thuốc khác có thể giúp tim đập chậm hơn và bớt sức ép hơn.

Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Hãy gọi 1-800-AHA-USA1 (1-800-242-8721), hoặc truy cập heart.org để tìm hiểu thêm về bệnh tim và đột quỵ.
  2. Đăng ký nhận tạp chíHeat Insight, một tạp chí miễn phí dành cho bệnh nhân tim và gia đình, tại heartinsight.org.
  3. Kết nối với những bệnh nhân khác chia sẻ cùng hành trình điều trị bệnh tim và đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại heart.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm heart.org/answersbyheart để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi hoặc có điều gì đó muốn trao đổi với bác sĩ hoặc y tá?

Hãy dành vài phút viết ra câu hỏi của chính quý vị để mang theo trong lần tiếp theo đến gặp nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ví dụ:

Liệu tôi có phải luôn luôn dùng thuốc không?

Huyết áp tôi ở mức nào thì được?

©2015, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)
       

No comments:

Post a Comment