Saturday, August 12, 2017

Có những biến chứng thường gặp nào do đột quỵ?


Stroke Education


Trách nhiệm cao nhất của bác sĩ điều trị là ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra do đột quỵ và phòng ngừa một cơn đột quỵ khác. Bác sĩ của quý vị cần phải xác định liệu quý vị đã ổn định về mặt y tế và có thể khôi phục các hoạt động tự chăm sóc bản thân hay chưa. Điều này có nghĩa là tất cả các biến chứng phải được điều trị và trong tầm kiểm soát.

Một số biến chứng xảy ra do kết quả trực tiếp của tổn thương ở não do đột quỵ. Những vấn đề khác là do thay đổi về khả năng của quý vị. Ví dụ, không thể cử động thoái mái do lở loét vì nằm liệt giường. Chứng trầm cảm lâm sàng cũng có thể xuất hiện khi bị đột quỵ.

Có những biến chứng thường gặp nào do đột quỵ?
Những biến chứng thường gặp nhất của đột quỵ là:
  • Phù não - não bị sưng sau một cơn đột quỵ.
  • Viêm phổi - gây ra các vấn đề về hô hấp, một biến chứng của nhiều trọng bệnh. Viêm phổi có thể xảy ra vì không thể cử động, do hậu quả của đột quỵ. Các vấn đề về nuốt xảy ra sau đột quỵ đôi khi có thể dẫn đến việc thức ăn di chuyển không đúng ống dẫn, gây ra chứng viêm phổi do sặc.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và/hoặc vấn đề về kiểm soát bàng quang.  UTI có thể xảy ra do đặt ống thông tiết niệu để dẫn nước tiểu khi mà người sống sót sau đột quỵ không thể kiểm soát chức năng bàng quang.
  • Co giật - hoạt động xung điện bất thường trong não gây ra các cơ co giật.  Những biến chứng này thường xảy đối với các cơn đột quỵ lớn.
  • Trầm cảm lâm sàng - một bệnh có thể điều trị được, thường xảy ra khi bị đột quỵ, và gây ra những phản ứng không mong muốn về mặt cảm xúc và thể chất trước những thay đổi và mất mát.  Điều này rất thường gặp sau khi bị đột quỵ hoặc có thể trở nên nặng hơn ở những người đã bị trầm cảm trước khi bị đột quỵ.
  • Lở loét vì nằm liệt giường - các vết loét do tì đè vì giảm khả năng vận động và đè lên các phần của cơ thể do nằm bất động.
  • Co cứng chân tay - cơ bắp ở tay và chân bị co rút do giảm khả năng cử động chi bị ảnh hưởng, hoặc do không luyện tập.
  • Đau vai - có nguyên nhân do thiếu sự chống đỡ của cánh tay vì tay bị yếu hoặc bị liệt. Điều này thường xảy ra khi cánh tay bị ảnh hưởng phải treo lên, tạo ra lực kéo của cánh tay lên vai.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) - các cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân vì bị bất động do đột quỵ. 
Những trường hợp nào có thể can thiệp được?
Nếu quý vị cần điều trị y tế, thì bác sĩ của quý vị sẽ kê toa thuốc.
  • Điều trị y tế thường bao gồm giám sát y tế, các liệu pháp dược phẩm và theo dõi.
  • Điều trị vật lý thường bao gồm một số loại hình hoạt động do quý vị tự mình thực hiện, hoặc được thực hiện bởi một người chăm sóc sức khỏe, hoặc cả quý vị và người chăm sóc cùng thực hiện. Các loại hình điều trị có thể bao gồm:
    • Các bài tập về phạm vi vận động và liệu pháp vật lý để tránh co cứng chân tay, đau vai và các vấn đề về mạch máu.
    • Trở mình thường xuyên khi nằm để phòng ngừa lở loét do tì đè và dinh dưỡng tốt.
    • Các chương trình tập luyện bàng quang để chữa trị chứng mất kiểm soát tiểu tiện.
  • Liệu pháp hô hấp và nuốt, và các bài luyện tập thở sâu. Những hoạt động này giúp giảm nguy cơ viêm phổi.
  • Điều trị tâm lý có thể bao gồm tư vấn hoặc trị liệu đối với những cảm giác xuất phát từ trầm cảm lâm sàng. Các loại hình điều trị có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm, liệu pháp tâm lý, hoặc cả hai. Quý vị cũng có thể được giới thiệu đến một nhóm hỗ trợ đột quỵ ở địa phương.
Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Hãy điện thoại số 1-888-4-STROKE (1-888-478-7653) để tìm hiểu thêm về đột quỵ hoặc tìm các nhóm hỗ trợ tại địa phương, hoặc truy cập StrokeAssociation.org.
  2. Đăng ký để nhận tạp chí Stroke Connection, một tạp chí miễn phí dành cho những người sống sót sau đột quỵ và người chăm sóc tại strokeconnection.org.
  3. Kết nối với những người khác cùng chia sẻ hành trình điều trị đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại strokeassociation.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm strokeassociation.org/letstalkaboutstroke để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi nào dành cho bác sĩ hay y tá của quý vị không?
Hãy dành vài phút để viết ra các câu hỏi của chính mình cho lần sau quý vị gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe:

Tôi có nguy cơ cao nhất bị biến chứng nào?      
Tôi có thể làm gì để phòng ngừa biến chứng?


©2015, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)

No comments:

Post a Comment