Thursday, August 3, 2017



'Giàu bất hạnh, nghèo hạnh phúc'


 Image result for mai nha tranh

 


Hãy tưởng tượng bạn có thu nhập hàng trăm nghìn đô la một năm, sở hữu ít nhất một ngôi nhà và có khoản tài sản trị giá 1 triệu đôla. Rõ ràng đó là dấu hiệu của sự thành công dựa trên chuẩn mực toàn cầu?

Thực tế không phải như vậy.

Một cuộc khảo sát đối với các nhà đầu tư tại Mỹ do hãng dịch vụ tài chính toàn cầu UBS thực hiện cho thấy 70% những người đạt các tiêu chuẩn nêu trên không tự nhận mình giàu có.
Chỉ có những người với khối tài sản giá trị trên 5 triệu đôla mới tự tin cho rằng mình không cần phải lo lắng về tương lai, trong khi phần lớn những người khác đều lo sợ cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra một biến động nào đó. Nếu ngay cả những triệu phú còn không cho rằng mình giàu, thì những người còn lại trong chúng ta phải nghĩ sao? Liệu chúng ta có nên cố gắng khi kiếm bao nhiêu tiền vẫn không đủ để cảm thấy giàu có?
Những nghiên cứu trải dài suốt hàng chục năm nay đã phủ nhận khái niệm tiền bạc có thể mua được hạnh phúc về lâu về dài. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng ngay cả những người trúng xổ số cũng không hài lòng với cuộc sống của mình sau khi nhận thưởng. Báo New York Times hồi tháng Hai năm 2017 còn đưa tin về những tỷ phú phải đi trị liệu về tâm lý.
"Khi trở nên giàu có hơn, con người ta thường trở nên thoả mãn trong thời gian đầu, thế nhưng sự thoả mãn không kéo dài," Jolanda Jetten, một nữ giáo sư về tâm lý xã hội tại Đại học Queensland của Úc, tác giả cuốn The Wealth Paradox, giải thích.
Bà cho biết nhiều người có thu nhập cao vẫn không thể đạt được sự thoả mãn ngay cả khi họ ý thức rằng đã có được một cuộc sống ổn định, chỉ bởi vì họ cho rằng giá trị của bản thân là do đồng tiền quyết định.
Jetten giải thích điều này là do những người giàu thường so sánh thu nhập, các khoản đầu tư, giá trị tài sản của mình với những người còn giàu hơn, thay vì so sánh bản thân với phần lớn xã hội.
"Càng làm ra nhiều tiền bao nhiêu thì bạn càng muốn nhiều tiền hơn bấy nhiêu - nó giống như một cơn nghiện," bà nói. Đó là vòng quay đã trở nên quá quen thuộc với Pia Webb, một chuyên gia tư vấn về cuộc sống và sự nghiệp, người đã làm việc với rất nhiều các quản lý cao cấp tại châu Âu. Ngay cả ở quê hương bà, Thuỵ Điển, quốc gia vốn có nền dân chủ xã hội và coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhiều người vẫn tự so sánh mình với những người có thu nhập cao hơn, bà cho biết.
"Không ai ngưỡng mộ bạn vì bạn chăm chỉ lao động ở Thuỵ Điển. Thế nhưng bạn lại phải đối mặt với áp lực phải bắt kịp người khác, thể hiện mình là người có tiền, ví dụ như đi nghỉ với gia đình, sở hữu một chiếc thuyền hoặc một căn nhà nghỉ dưỡng," bà nói.
Webb đã yêu cầu các khách hàng của mình nhớ lại về các trải nghiệm hoặc những món đồ khiến họ cảm thấy hài lòng, thay vì cố gắng kiếm tiền nhiều hơn để bắt kịp với những người ngang hàng.
"Mọi người đều nghĩ rằng tiền là thứ làm nên sự giàu có. Thế nhưng bạn không cần quá nhiều tiền nếu bạn đang thực sự cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại," bà nói.
Webb cũng từng lao đầu theo tiền cho đến khi cạn kiệt sức lực vào 10 năm trước. Giờ đây, bà tìm thấy niềm vui trong những điều nho nhỏ, ví dụ như tắm hơi, đi dạo trong rừng, dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Những người giàu bất hạnh

Nghiên cứu của Jetten chỉ ra rằng những người nghèo khổ đã quen với việc tìm niềm vui trong cuộc sống, và khái niệm niềm vui của họ vượt lên trên tiền và vật chất. Chẳng hạn, họ sẽ thường xuyên dành thời gian cho gia đình hoặc làm các công việc tình nguyện hơn.
"Một cuộc sống lành mạnh liên quan trực tiếp đến nguồn vốn xã hội tại một quốc gia và sự kết nối giữa người với người, bà giải thích.
"Tại các quốc gia đang phát triển, tuy một khoản tiền nhỏ cũng có thể tạo nên một sự khác biệt lớn đối với cuộc sống của một người, mang lại cho họ nhiều hơn nhu cầu thiết yếu, nhưng những người không có gì nhiều cũng không quá sợ hãi sự mất mát," bà nói.
Carol Graham, giáo sư tại trường chính sách công Đại học Maryland, đã gọi nghịch lý này là 'vấn đề của những người nông dân hạnh phúc và các triệu phú bất hạnh'.
"Các quốc gia giàu có hơn thường hạnh phúc hơn những quốc gia nghèo, thế nhưng vấn đề phức tạp hơn như vậy," bà nhận định trong một bài viết năm 2010, trong đó bà cho rằng người dân ở Afghanistan có mức độ hạnh phúc tương đương với người Mỹ Latin.
"Tự do và dân chủ khiến người dân cảm thấy hạnh phúc, thế nhưng những điều này trở nên kém quan trọng hơn khi nhu yếu phẩm còn thiếu thốn. Con người có thể phải đối mặt với sự thiếu thốn và vẫn lạc quan, hoặc có tất cả, và vẫn bất hạnh."
Tất nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta tốt hơn nên sống trong nghèo khổ. Thế nhưng nghiên cứu của Graham chỉ ra rằng những người giàu có thể thích nghi với việc thu nhập thấp hơn trước tốt hơn là họ nghĩ.
Jetten cũng cho rằng những người giàu, vốn đã quen với lối sống lý tưởng, có thể phải học lối sống 'dựa vào nhau và kết nối với nhau', điều khá phổ biến ở các nhóm và xã hội nghèo hơn.
Krishna Prasad Timilsina, một hướng dẫn viên tại Nepal, nói ông đã chứng kiến cảnh người dân ở đây chấp nhận và vượt qua hậu quả của trận động đất tồi tệ nhất ở nước này vào năm 2015 ra sao.
Thảm hoạ đã cướp đi 8000 sinh mạng và khiến hàng nghìn người lâm vào cảnh vô gia cư. Thế nhưng nhiều người dân ở đây vẫn cảm thấy may mắn.
"Một cơn động đất có thể phá huỷ rất nhiều thứ, thế nhưng nhiều người vẫn thấy vui vì họ không mất gia đình… hậu quả đã có thể tồi tệ hơn nhiều," người đàn ông 36 tuổi này nói.
Trên thực tế, trong lúc nền du lịch của Nepal bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm hoạ nói trên, nước này vẫn vượt lên 8 bậc để lên xếp thứ 99 trên 155 quốc gia trong Chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu năm 2017, đứng trên cả Nam Phi, Ai Cập và trên cả quốc gia láng giềng Ấn Độ - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên Tilmilsina không tin là đất nước của ông sẽ tránh khỏi tình trạng chạy đua tiền bạc như những quốc gia khác. "Ở khu vực thành phố, nhiều người được giáo dục lại tỏ ra lo lắng về cuộc sống hơn. Bố mẹ tôi không có tiền nhưng họ lại hạnh phúc hơn tôi," ông cười nói.

Tương lai của sự giàu có

Trong lúc các nghiên cứu về thu nhập và đời sống trở nên đa dạng hơn, ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng hình tượng truyền thống của vật chất - như việc sở hữu một chiếc xe hơi hay một ngôi nhà, đang thay đổi, do thế hệ thiên niên kỷ ở nhiều quốc gia trở thành thế hệ đầu tiên kiếm ít tiền hơn bố mẹ mình và gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà. Eileen Cho (nhiếp ảnh gia thời trang 25 tuổi người Mỹ) cho rằng việc kiếm ra tiền để tiết kiệm hoặc đầu tư vào bất động sản không khác nào 'bản án chung thân' Mặc dù thế hệ thiên niên kỷ có thể tỏ ra khó chịu trước điều này, thế nhưng nó cũng có nghĩa là 'thế hệ này sẽ ít phải hứng chịu những tác động tiêu cực của vật chất hơn, ví dụ như sự ích kỷ, ái kỷ...,' Jetten nói.
Cũng có các tín hiệu cho thấy ngay cả những người thu nhập cao, vốn hoàn toàn có khả năng đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản, lại chọn trả tiền cho những trải nghiệm. Tại Hoa Kỳ, kể từ năm 1987, tỷ lệ tiêu dùng đối với các sự kiên và các hoạt động mang tính trải nghiệm trực tiếp so với mức tiêu dùng đối với hàng hoá đã tăng 70%, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Eileen Cho là một ví dụ, cô lớn lên tại Seattle, thế nhưng cô cho rằng việc kiếm ra tiền để tiết kiệm hoặc đầu tư vào bất động sản không khác nào 'bản án chung thân'.
Mặc dù được gia đình đề nghị giúp đỡ về tài chính để mua nhà, cô lại quyết định thuê căn hộ 30 mét vuông ở cùng với bạn trai.
"Chúng tôi trả 1.030 đôla một tháng và vẫn có đủ tiền đi du lịch quốc tế," cô nói.
"Đối với tôi, cái quan trọng là có được những trải nghiệm và cảm thấy hạnh phúc. Ngày mai tôi sẽ đi Tây Ban Nha; chuyến đi tiếp theo của tôi là Marrakech."
Đây là cách nhìn mà Pia Webb ủng hộ, mặc dù bà cho rằng những lao động trẻ tuổi cần tránh biến việc du lịch và những trải nghiệm khác trở thành xu hướng cạnh tranh mới.
"Du lịch là cách rất tốt để học về những nền văn hoá khác, để hiểu hơn về bản thân mình và xem mình thuộc về đâu, thế nhưng nó cũng có thể trở thành một kiểu nghiện. Bạn có thể thích thú với việc trải nghiệm những điều mới - cũng giống như những người đi mua sắm. Thế nhưng điều này có nghĩa là bạn không có cuộc sống ổn định, hoặc bạn đang bỏ lỡ thời gian dành cho gia đình," bà nói.
"Lời khuyên tốt nhất của tôi dành cho bạn là hãy tìm những gì phù hợp với mình và học cách để có được hạnh phúc từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống, dù bạn ở bất cứ đâu."

No comments:

Post a Comment