Wednesday, September 6, 2017

Ống đỡ động mạch

Image result for stent

Ống đỡ động mạch là một cái ống nhỏ có cấu trúc dạng mắt lưới. Nó chống đỡ để động mạch mở thông và được đặt vĩnh viễn tại chỗ.

Khi động mạch vành (động mạch cung cấp máu cho cơ tim) bị hẹp lại do các chất béo lắng đọng, còn gọi là mảng bám, tích tụ lại, nó có thể làm giảm lượng máu lưu thông. Nếu lượng máu lưu thông đến cơ tim giảm đi, có thể dẫn đến đau tức ngực. Nếu một cục máu đông làm tắc hoàn toàn dòng máu cung cấp cho một phần cơ tim, thì sẽ dẫn đến đau tim.

Ống đỡ động mạch giữ cho động mạch vành luôn mở thông và giảm nguy cơ đau tim.

Ống đỡ động mạch được bung ra như thế nào?

Để mở thông một động mạch bị hẹp, bác sĩ có thể làm một thủ thuật gọi là can thiệp động mạch vành qua da (PCI) hay còn gọi là nong động mạch. Với thủ thuật này, một cái ống có gắn một quả bóng ở đầu gọi là ống thông được luồn vào trong động mạch và di chuyển đến điểm tắc nghẽn. Sau đó quả bóng được bơm căng lên, ép vào mảng bám và mở thông chỗ bị hẹp. Khi mạch máu đã được mở thông, quả bóng được tháo hơi và ống thông được rút ra.

Ống đỡ động mạch được dùng như thế nào?

Khi đưa ống đỡ động mạch vào, nó được thu gọn và bọc bên ngoài ống thông có quả bóng. Sau đó nó được đưa vào vùng nghẽn. Khi bóng được bơm căng, ống đỡ động mạch bung ra, chốt tại chỗ và tạo thành một giàn đỡ. Nó giữ cho động mạch mở thông. Ống đỡ động mạch sẽ nằm lại vĩnh viễn trong động mạch và giữ cho động mạch được mở thông. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim và giảm nhẹ các triệu chứng (thường là tức ngực).

Ống đỡ động mạch được dùng tùy thuộc vào những đặc tính nhất định của khối xơ vữa động mạch. Những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định có dùng ống đỡ động mạch hay không bao gồm kích thước của động mạch và vị trí của chỗ tắc nghẽn.

Đặt ống đỡ động mạch đã trở nên khá phổ biến. Hầu hết các thủ thuật nong động mạch đều sử dụng ống đỡ động mạch.

Dùng ống đỡ động mạch có những ưu điểm gì?


Đối với một số bệnh nhân, ống đỡ động làm mạch giảm hiện tượng tái hẹp mà đôi khi xảy ra sau khi làm thủ thuật nong động mạch bằng bóng hoặc các thủ thuật khác có dùng ống thông.
Những bệnh nhân được nong động mạch và đặt ống đỡ động mạch phục hồi sau thủ thuật nhanh hơn nhiều so với những bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG). Họ cũng đỡ khó chịu hơn nhiều.

Các động mạch được đặt ống stent có bị đóng trở lại không?

Ở hơn một phần ba số bệnh nhân được nong động mạch mà không đặt ống đỡ động mạch, động mạch đã được nong bắt đầu hẹp lại trong vòng vài tháng sau khi làm thủ thuật. Hiện tượng đó được gọi là tái hẹp.

Ống đỡ động mạch giúp phòng ngừa hiện tượng này. Có hai loại ống đỡ động mạch. Ống đỡ động mạch được phủ thuốc ngăn không cho mạch máu bị tái hẹp gọi là ống đỡ có tẩm thuốc. Ống đỡ động mạch không được phủ thuốc được gọi là ống đỡ động mạch kim loại trần. 

Nếu ống đỡ động mạch không có tác dụng và động mạch bị tái hẹp, quý vị có thể sẽ cần được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG).

Tôi cần uống thuốc gì sau thủ thuật đặt ống đỡ động mạch?


Quý vị sẽ cần uống một hoặc nhiều loại chất chống ngưng tập tiểu cầu. Những thuốc này giữ không cho tiểu cầu ngưng tập lại với nhau và hình thành huyết khối trong ống đỡ động mạch và gây tắc động mạch.

Aspirin là một chất chống ngưng tập tiểu cầu. Loại thứ hai gọi là chất ức chế P2Y12.  Quý vị có thể được kê một trong ba chất ức chế P2Y12-- clopidogrel, prasugrel, hoặc ticagrelor.  Loại thuốc mà bác sĩ của quý vị kê đơn sẽ dựa vào việc họ cảm thấy thuốc nào tốt nhất cho quý vị, căn cứ trên rủi ro chảy máu và hình thành huyết khối của quý vị. Khi sử dụng aspirin cùng với chất ức chế P2Y12 , người ta gọi là liệu pháp điều trị chống ngưng tập tiểu cầu kép (DAPT).
Ngoài DAPT, quý vị có thể được kê bổ sung thêm các loại thuốc khác nữa.

Tôi cần phải dùng những thuốc này trong bao lâu?
Aspirin được dùng vô hạn định. Thời gian quý vị cần dùng chất ức chế P2Y12 phụ thuộc vào lý do quý vị được kê loại thuốc đó, cũng như rủi ro chảy máu và hình thành huyết khối của quý vị trong tương lai.
  • Nếu quý vị bị đau tim, khuyến nghị chung là quý vị nên dùng chất ức chế P2Y12 trong ít nhất một năm.  Nếu quý vị không có nguy cơ chảy máu cao, thời gian dùng liệu pháp trị liệu dài hơn có thể hữu ích cho quý vị và giảm bớt rủi ro bị đau tim trong tương lai.
  • Nếu quý vị có nguy cơ chảy máu cao, quý vị có thể đã được điều trị có sử dụng ống đỡ động mạch làm bằng kim loại trần.  Trong trường hợp này, quý vị nên dùng chất ức chế P2Y12 trong ít nhất một tháng. 
  • Nếu quý vị được điều trị có sử dụng ống đỡ động mạch có tẩm thuốc thì nhìn chung, quý vị sẽ được điều trị trong ít nhất 6-12 tháng bằng chất ức chế P2Y12.  Nếu quý vị có nguy cơ chảy máu cao hơn, quý vị có thể được điều trị trong một khoảng thời gian ngắn hơn (3-6 tháng).  Nếu quý vị không có nguy cơ chảy máu cao, thời gian dùng liệu pháp trị liệu dài hơn (trên 6-12 tháng) có thể hữu ích cho quý vị và giúp giảm bớt rủi ro bị đau tim và hình thành huyết khối trong ống đỡ động mạch trong tương lai.
Điều quan trọng là quý vị nên dùng thuốc như đã kê. Việc tự ý dừng thuốc có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ hình thành huyết khối bên trong ống đỡ động mạch, đặc biệt là trong tháng đầu hoặc những tháng đầu tiên sau khi đặt ống đỡ động mạch.

Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Hãy gọi 1-800-AHA-USA1 (1-800-242-8721), hoặc truy cập heart.org để tìm hiểu thêm về bệnh tim và đột quỵ.
  2. Đăng ký nhận tạp chíHeat Insight, một tạp chí miễn phí dành cho bệnh nhân tim và gia đình, tại heartinsight.org.
  3. Kết nối với những bệnh nhân khác chia sẻ cùng hành trình điều trị bệnh tim và đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại heart.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm heart.org/answersbyheart để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi hoặc có điều gì đó muốn trao đổi với bác sĩ hoặc y tá?
Hãy dành vài phút viết ra câu hỏi của chính quý vị để mang theo trong lần tiếp theo đến gặp nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ví dụ:

Thủ thuật này có thể gây ra những biến chứng nào?

©2017, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)

No comments:

Post a Comment