Sunday, September 17, 2017

Ăn mất ngon


Image result for loss appetite

Bác sĩ Nguyễn Ý- Ðức
            Ngon miệng (appetite) là khoái cảm, thèm muốn ăn uống. Ăn mất ngon xảy ra khi không còn thèm muốn này, mặc dù cơ thể vẫn có nhu cầu về năng lượng, thực phẩm.
Dù do nguyên nhân nào, ăn không ngon miệng là một chuyện quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là người cao niên và trẻ đang tăng trưởng.
             Ăn mất ngon không phải là một bệnh mà là dấu hiệu, triệu chứng của một bệnh nào đó.
            Khi ăn không ngon thì sự tiêu thụ thực phẩm giảm. Mà thực phẩm lại mang năng lượng cho mọi sinh hoạt của cơ thể, cung cấp vật liệu để tu bổ tế bào hư hao, tạo ra tế bào mới. Không có đủ chất dinh dưỡng sẽ dẫn tới giảm cân, cơ thể mệt mỏi, bắp thịt teo, tâm thần buồn rầu, giảm khả năng miễn dịch, kém sức chịu đựng. Tử vong có thể xảy ra nếu mỗi năm liên tục sụt đi 10% sức nặng cơ thể.
Các cụ ta có kinh nghiệm là “không ăn thì mẻ cũng chết, nói chi con người”.
Nguyên nhân ăn mất ngon
Có nhiều nguyên nhân gây ra ăn mất ngon
1- Ăn mất ngon vì bệnh như:               
a- Trong bệnh tim- phổi, người bệnh mệt mỏi không muốn ăn, lại còn bị sụt cân vì các chức năng tuần hoàn, hô hấp cần nhiều năng lượng hơn để làm việc.
Ngoài ra, các thuốc trị bệnh tim phổi như steroid, theophyllin làm tăng hơi trong bao tử, bệnh nhân cảm thấy no bụng, không muốn ăn.
            b- Bệnh ung thư đặc biệt là ung thư phổi và bao tử
            c- Nhiễm trùng như trong trường hợp bênh lao, bệnh AIDS.
            d- Bệnh nội tiết như tuyến giáp trạng ác tính, bệnh tiểu đường
            đ- Trầm cảm, buồn phiền vì sống cô lập hoặc mất bạn đồng hành.
            e- Rối loạn vị giác và khứu giác khiến cho không biết được hương vị thực phẩm và không ăn
2- Nghiện rượu
Rất thường xẩy ra ở người cao tuổi. Khi uống rượu say, họ coi thường việc tiêu thụ thực phẩm. Khi hồi phục cơn say, họ ói mửa, tiêu chẩy, không muốn ăn.
Rượu cũng gây hư hao các chức năng và cấu trúc của gan, ảnh hưởng tới sự tiêu hóa, hấp thụ và tồn trữ thực phẩm, sinh tố và kim loại cần thiết.
3- Ăn mất ngon do tác dụng phụ của dược phẩm
– Thuốc amphetamine làm giảm sự ăn, cho nên nhiều người mập phì muốn giảm cân đã dùng.
– Lạm dụng các loại thuốc kích thích thần kinh (thuốc lắc ectasy)
– Thuốc trụ sinh gây tiêu chảy và làm thay đổi mùi vị thực phẩm; thuốc trị ung thư gây ăn mất ngon đồng thời cũng đưa tới táo bón, ói mửa, tiêu chẩy.
– Các thuốc trị bệnh tim, thuốc an thần, thuốc ngủ giảm khoái cảm ăn uống.
– Vài loại thuốc gây khô miệng (cogentin, artane), khiến cho sự nhai nuốt thức ăn khó khăn.
– Thuốc chống đau nhức, thuốc trị cảm, chống nghẹt mũi
Ngoài ra, người cao tuổi còn kém ăn vì dùng nhiều loại thuốc trong ngày, khiến cho ngang bụng, không muốn ăn.
4- Bệnh răng miệng, răng giả lung lay, nhai nuốt khó khăn; yếu sức hoặc đau nhức không sử dụng tay hữu hiệu để đưa thức ăn vào miệng; ăn chậm làm thức ăn nguội không hấp dẫn, bỏ dở bữa ăn.
5- Không có thực phẩm, nghèo túng, suy yếu không đi mua đồ ăn được, không nấu nướng được.
Ðiều trị
            Vì kém khẩu vị chỉ là dấu hiệu của một bệnh nào đó trong cơ thể, cho nên cần đi bác sĩ để tìm ra nguyên nhân rồi điều trị nguyên nhân đó.
            Với bệnh nhân, nên lưu ý tới các điểm sau đây:
– Ăn chung với bạn bè hợp tính sẽ vui hơn và ăn được nhiều hơn.
– Bày biện bàn ăn với chén bát mầu sắc, sạch sẽ, kèm thêm vài bông hoa, điệu nhạc hấp dẫn
– Ăn làm nhiều bữa nhỏ mỗi hai giờ trong ngày thay vì hai hoặc ba bữa ăn chính. Một mâm cơm với nhiều món ăn có thể làm nhiều người thấy ngán, không muốn ăn. Ăn ít một giúp tiêu hóa dễ dàng hơn rồi sau đó tăng dần dần phần ăn.
– Món ăn phải hợp với khẩu vị, ý thích của mỗi cá nhân
– Khi ăn, nên chậm rãi nhai để thưởng thức hương vị món ăn và tạo ra sự muốn ăn món đó trong tương lai
– Bữa ăn nào thấy ngon miệng thì tăng món ăn trong bữa đó.
– Thêm gia vị, mầu sắc khi nấu nướng để món ăn hấp dẫn hơn
– Tránh uống nhiều nước hoặc uống thuốc trước bữa ăn để tránh no bụng.
– Kiêng món ăn có thể làm no hơi như nước có gas, cà phê, rau cải bắp, broccoli.
– Ðể có đủ năng lượng và chất đạm, uống hai ly sữa ít chất béo hoặc sữa đậu nành mỗi ngày.
– Tránh tiêu thụ quá nhiều rượu và thuốc lá là những chất kích thích niêm mạc dạ dày, ruột khiến cho ăn không thấy ngon. Nhiều người dùng một chút rượu gọi là “khai vị” để giúp ăn ngon, nhưng nên uống trước bữa ăn khoảng nửa giờ.
– Uống nước đầy đủ để miệng khỏi khô, khó nhai nuốt thực phẩm.
– Tránh táo bón và tiêu chẩy.
– Ði bộ hoặc tập luyện nhẹ giúp ăn ngon hơn đồng thời cũng giúp cơ thể tiêu thụ chất dinh dưỡng. Tránh các tập luyện quá sức của mình.
– Giữ gìn vệ sinh răng miệng, điều chỉnh răng giả, khám bác sĩ nha khoa theo định kỳ.
– Giảm thiểu nguyên nhân tinh thần như căng thẳng bằng tâm lý trị liệu, áp dụng phương pháp thư giãn cơ thể, thiền định, tập trung hít thở để giảm bồn chốn, lo âu, nhờ đó có thể cải thiện sự ăn uống.
Kết luận
Ăn uống là cả một nghệ thuật. Ðể ăn ngon cũng phức tạp hơn. Chẳng thế mà lão thi sĩ Tản Ðà đã thốt ra:
Nghề ăn cũng lắm công phu
Làng ăn ta phải biết cho đủ mùi 
Cụ cũng nêu ra bốn tiêu chuẩn để có bữa ăn ngon miệng:
Thức ăn ngon
Lúc ăn ngon
Chỗ ăn ngon
Người ăn cùng ăn ngon 
Thì mới có hứng thú mà ăn.
Nếu liên tục ăn không ngon, cơ thể sẽ thiếu chất dinh dưỡng, suy nhược, gầy mòn, mất tinh anh, có thể đưa tới tử vong.
Và dân gian ta cũng ghi nhận:
Ăn được ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ, mất tiền thêm lo 
Xét ra cũng có lý vậy.
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Theo TB

No comments:

Post a Comment