Saturday, September 23, 2017

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)

Image result for transient ischemic attack

Image result for thieu mau thoang qua tia

Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu đưa máu và ô-xy đến não bị tắc hoặc bị vỡ. Khi điều này xảy ra, các tế bào não không nhận đủ máu và ô-xy cần thiết để sinh tồn. Điều này khiến cho các tế bào thần kinh ngừng hoạt động và chết trong vòng vài phút. Khi đó, bộ phận cơ thể do các tế bào đó điều khiển cũng không thể hoạt động. Ảnh hưởng của đột quỵ có thể là vĩnh viễn, tùy thuộc vào việc có bao nhiêu tế bào bị tổn thất, những tế bào đó có ở não hay không, và các yếu tố khác.
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 5 và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật nghiêm trọng, lâu dài tại Mỹ.
TIA là gì?
TIA, hay cơn thiếu máu não thoáng qua, là một "cơn đột quỵ nhỏ" xảy ra khi một cục máu đông làm tắc động mạch trong một khoảng thời gian ngắn. Các triệu chứng của TIA cũng giống như triệu chứng của đột quỵ, nhưng chúng thường chỉ kéo dài vài phút. Khoảng 15 phần trăm các cơn đột quỵ lớn có dấu hiệu tiền triệu là TIA, vì vậy đừng bỏ qua TIA. Hãy gọi 9-1-1 hoặc tìm kiếm dịch vụ cấp cứu y tế ngay lập tức.
Liệu đột quỵ có phải là hết hy vọng?
Không. Phần lớn đột quỵ có thể phòng ngừa. Quý vị có thể giảm nhẹ nguy cơ đột quỵ bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh — kiểm soát huyết áp cao; không hút thuốc; ăn theo một chế độ ăn lành mạnh với ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển dạng; tích cực hoạt động thể chất; duy trì trọng lượng cơ thể lành mạnh; quản lý bệnh tiểu đường; và uống đồ uống có cồn với số lượng ít hoặc không uống chút nào.
Ngoài ra, người ta đã làm được nhiều điều để chống lại tác động của đột quỵ. Có loại thuốc làm tan cục máu đông gọi là chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) để điều trị đột quỵ. tPA có thể làm ngừng sự tiến triển của một cơn đột quỵ và giảm nhẹ sự tàn tật do đột quỵ gây ra, bằng cách phá vỡ cục máu đông có thể đang làm tắc dòng chảy của máu lên não. Tuy nhiên, để đủ điều kiện sử dụng tPA, quý vị phải đi cấp cứu ngay lập tức và được xác định bị đột quỵ do cục máu đông. Thuốc này phải được cho dùng trong vòng 3 đến 4,5 giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng. Thuốc tPA được cho dùng càng sớm, thì càng có khả năng đạt kết quả tốt hơn sau cơn đột quỵ.
Đối với người có cục máu đông trong những động mạch lớn hơn, tPA thường không làm tan được cục máu đông hoàn toàn. Trong trường hợp này, một thủ thuật, gọi là lấy huyết khối bằng phương pháp cơ học, phải được thực hiện trong vòng sáu giờ sau khi có những triệu chứng đầu tiên của đột quỵ. Trong hầu hết các trường hợp, thủ thuật này chỉ được thực hiện sau khi bệnh nhân đã được dùng tPA đường tĩnh mạch. Để loại bỏ huyết khối, bác sĩ sẽ luồn một ống thông (ống nhỏ) cùng với một ống đỡ (stent) qua động mạch ở háng lên động mạch bị tắc ở não. Ống đỡ (stent) sẽ bung ra và giữ lấy cục máu đông. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy ống đỡ (stent) ra cùng với cục máu đông đã được giữ trong đó. Nếu cần, cũng có thể dùng các thiết bị khác.

Đột quỵ có những dấu hiệu cảnh báo nào?
Quý vị và gia đình mình nên nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ. Quý vị có thể có một vài hoặc tất cả các dấu hiệu này. Hãy lưu ý thời gian các dấu hiệu bắt đầu xuất hiện và gọi tới 9-1-1 hoặc số điện thoại cấp cứu tại khu vực của quý vị. Đột quỵ cần phải được cấp cứu khẩn cấp!
Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo này, ngay cả khi chúng tự hết. Thời gian là điều quan trọng.
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:
  • Bất ngờ có cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể   
  • Đột ngột bị lẫn lộn, gặp vấn đề trong việc nói và hiểu
  • Đột ngột có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt
  • Đột ngột có vấn đề trong việc đi lại, bị hoa mắt, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể
  • Đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân
F.A.S.T. là một phương pháp để dễ nhớ cách nhận biết một cơn đột quỵ và việc cần làm.  NHANH CHÓNG nhận biết một cơn đột quỵ. Face (mặt) rũ xuống. Arm (cánh tay) yếu ớt. Speech (lời nói) khó khăn. Time (đã đến lúc) gọi 9-1-1.

Trước khi quý vị cần thực hiện hành động cấp cứu, hãy lập danh sách các số điện thoại cấp cứu và để một bản bên cạnh điện thoại của mình và bên mình trong mọi lúc.

Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Gọi tới 1-888-4-STROKE (1-888-478-7653), hoặc truy cập strokeassociation.org để tìm hiểu thêm về bệnh tim và đột quỵ.
  2. Đăng ký để nhận tạp chí Stroke Connection, một tạp chí miễn phí dành cho những người sống sót sau đột quỵ và người chăm sóc, tại strokeconnection.org.
  3. Kết nối với những người khác cùng chia sẻ hành trình điều trị đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại strokeassociation.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm strokeassociation.org/letstalkaboutstroke để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi hoặc có điều gì đó muốn trao đổi với bác sĩ hoặc y tá?Hãy dành vài phút viết ra câu hỏi của chính quý vị để mang theo trong lần tiếp theo đến gặp nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ví dụ:

Gần chỗ tôi, cơ sở nào được trang bị tốt nhất để điều trị cho tôi nếu tôi có các triệu chứng đột quỵ?

Tôi làm thế nào để giảm nguy cơ đột quỵ?

©2015, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)
       

No comments:

Post a Comment