Tuesday, January 31, 2017

Những lý do để uống trà xanh

Lan Hương sưu tầm
Càng ngày càng có nhiều tin tức tốt đến từ trà xanh. Ở Việt-Nam, ngoài Bắc thì nhà nào cũng trồng trà để lấy lá nấu nước uống. Vào trong Nam thì phải nói đến Blao (Bảo Lộc) và Di Linh vì nơi đây có những vườn trà bao la, trải dài trên nhiều quả đồi, trông xanh ngát. Blao (hay Lâm Đồng ngày nay) là nơi sản xuất trà khô và tươi quanh năm. Trà cũng được đem lên trồng tại Đalat để dùng trong nhà chứ không có tính cách làm thương mại. Sau đ16y là 7 lý do nên uống nước trà xanh:

1.- Giảm bớt nguy cơ bị ung thư


Trà xanh có nhiếu chất polyphenols (80%) - loại chống oxy hoá nổi tiếng - có thể chế ngự các tế bào ung thư tăng trưởng, lan ra ngoài, đồng thời đè bẹp những động mạch mới mà tế bào ung thư cần nương tự để sống còn trong thân thể của chúng ta.
Hết nghiên cứu nọ đến nghiên cứu kia tất cả đều xác nhận là những người uống trà xanh đều đều sẽ tránh được hiểm hoả bị ung thư ngực (đàn bà), dạ dầy, thanh quản, ruột già và tiền liệt tuyến (đàn ông).

2.- Làm da dẻ mịn màng


Nếu uống trà xanh còn thừa thì đừng đổ đi. Lấy một miếng bông gòn thấm vào trà, chà vào chỗ bị thương sẽ làm sạch vết thương và chống nhiễm trùng hay những bị sưng, như mu mắt chẳng hạn sẽ đỡ đau nhức rất nhiều.
Trong phòng thí nghiệm, thì trà xanh ngăn cản những bệnh ung thư da do ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào, có thể uống hay lấy bông gòn tẩm trà mà bôi lên da đều tốt, vì vậy mà các nhà bác học đang dùng trà xanh trong những dược phẩm chống ánh sáng mặt trời và làm cho da mịn màn.

3.- Kiện định áp huyết


Giữ cho áp xuất máu khoảng 120/80 là tốt, và làm sao giữ hoài được như vậy mới là khó. Nhưng với người chỉ mỗi ngày làm một ngụm trà xanh thì 50% chắc chắn sẽ có áp huyết hơn những người không dùng trà xanh. Tại sao? Tại vì chất polyphenol - đặc biệt là loại ECGC- làm cho mạch máu không teo lại để tắng áp huyết lên.

4.- Giúp bảo vệ trí nhớ


Trà xanh giúp không làm cho tế bào óc bị nhờn và xơ cứng. Các người hơi lớn tuổi 1 chút từ 50 tuối trở lên uống mỗi ngày 2 ly, thì có nhiều hy vọng không bị mất trí nhớ hơn là người không uống nước trà. Tại sao vậy? Thưa là chất chống oxy hoá trong trà xanh giúp chống lại sự lão hoá của những giấy thần kinh màng óc thường tìm thấy trong các bệnh mất trí nhớ (Alzheimer) và chân tay run rẩy (Parkinson).

5. Trẻ mãi không già


Các mạch máu của chúng ta khoẻ mạnh và trẻ trung thì cũng làm cho con người chúng ta mạnh khoẻ như vậy. Muốn như vậy thì làm sao? Dùng 1 số lượng trà xanh mỗi ngày sẽ làm cho thành mạch máu không bị đóng vẩy - gây ra bệnh đột quỵ và bệnh tim. Số luợng trà xanh uống càng nhiều mỗi ngày thì càng giúp hút bớt chất mỡ và cholesterol trong máu, những chất này thường đóng vào thành mạch máu cản sự lưu thông của máu gây ra chứng đột quỵ (stroke) và bệnh tim (heart disease), có thể chết bất đắc kỳ tử.

6.- Giúp Giảm cân


Uống trà xanh giúp cơ thể ta mạnh khoẻ tiêu thụ và đốt cháy calories nhanh chóng, sẽ giảm cân. Bác sĩ Abdul Dullo, thuộc Viện Đại Học Geneve ở Thụy Sĩ nói là uống trà không làm tăng nhịp tim đập. Nhiều cuộc khảo cứu cho thấy là uống nước trà sẽ giúp con người tiều thụ nhiều calories hơn ít nhất là tăng 4% mỗi ngày. Những người béo phì muốn giảm cân chỉ có 2 cách: một là kiêng cữ hai là tiêu thụ nhiều calories và trong trà xanh có chất làm tiều thụ nhanh số lượng calories. Chất trà có chứa một số nhiều catechin polyphenols có tác dụng với nhiều dược phẩm khác để tiêu huỷ mỡ tạo thành nhiệt trong người.

7.- Giúp răng tốt không bị sâu


Uống trà thì hay bị hàm răng vàng nhưng nhờ những chất trà bám vào răng làm cho vi khuẩn, vi trùng gọi là sâu răng, chạy mất tiêu. Hàm răng vẫn vững chắc tuy hơi vàng 1 chút, nhất là nướu răng vẫn cứng cáp không bị sâu răng ăn hết xương.

Tính Dung Dị Của Người Việt

Đào Văn Bình





Trong bài viết Người Việt: Những Đức Tính Tốt và Xấu phổ biến trên các diễn đàn vào ngày Mùng 4 Tết Kỷ Sửu 2009 tôi đã đưa ra 10 tính xấu cũng như 10 tính tốt của người Việt Nam. Nay tôi xin trở về với kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc tức Tục Ngữ và Ca Dao để tìm hiểu những tính tốt mà những đức tính này không phải chỉ là nền tảng cho sự thành công của cá nhân người Việt mà còn giúp cả cộng đồng, đất nước chúng ta:
- Dễ dàng hòa nhập với cộng đồng thế giới
- Theo kịp đà tiến hóa của nhân lọai, không bị lạc hậu / tụt hậu.
- Giao hảo với các nước láng giềng, sẽ không gây chiến tranh tôn giáo hoặc can dự vào những cuộc chiến tranh tôn giáo.
- Đất nước sống trong hòa thuận và không làm khổ nhau.
- Gia đình là tổ ấm tốt lành vì không bị ràng buộc bởi những quy tắc đạo đức, và tín điều khắc nghiệt.
Cứ thử nhìn vào sự thành công của khối ba triệu người Vịệt hải ngọai trên mọi lãnh vực thì sẽ thấy. Ngòai sự thông minh, hiếu học, cần cù chịu thương chịu khó, chúng ta còn có những đức tính khác nữa làm nền tảng cho sự thành công. Giả dụ, chúng ta có đầy đủ những tính tốt nói trên, nhưng nếu truyền thống văn hóa và con người chúng ta bị ràng buộc bởi những tín điều hoặc qui tắc đạo đức khắc nghiệt khiến xung đột với dân bản xứ. Khi xung đột với dân bản xứ như vậy thì chúng ta chỉ còn nước quây quần trong cái “ốc đảo” của mình. Và như thế thì làm sao khá được? Giả dụ trong huyết quản chúng ta có máu kỳ thị chủng tộc, giả dụ chúng ta khó chơi, không chan hòa, cởi mở với mọi người thì người Việt chúng ta có thành công như ngày hôm nay không? Hỏi tức là trả lời. Người Việt chúng ta chắc chắn không có những tính đó.
Tôi dám bảo đảm rằng nếu người Việt chúng ta sinh sống ở Ấn Độ sẽ kiêng cữ không ăn thịt bò để không làm tổn thương đến tín ngưỡng của dân bản xứ. Nếu có sống ở một nước Hồi Giáo như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ v.v…cũng sẽ không ăn thịt lợn để xúc phạm đến Hồi Giáo. Và hiển nhiên là người Việt đang sinh sống ở  Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Đại Lợi, Canada v.v…đã không ăn thịt chó để chứng minh mình cũng biết yêu mến súc vật như người ta.
Tục lệ phóng sinh (thả chim, thả cá) trong những dịp cầu siêu cho ông bà cha mẹ hay trong dịp Lễ Vu Lan là một cử chỉ rất đẹp chứng tỏ người Việt rất yêu mến Tự Do, không muốn ngay cả lòai vật chịu cảnh tù đày “cá chậu chim lồng”. Có lẽ người Tây Phương nay tìm hiểu văn hóa Việt Nam cũng phải kính phục. Những đức tính tốt nói ở trên đó chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong ca dao, tục ngữ lưu truyền hơn 4000 năm nay.
1. Tính xuề xòa, dễ tha thứ qua câu tục ngữ “Chín bỏ làm mười”. Dĩ nhiên trong toán học, trong kinh tế, thương mại, ngân hàng, tài chánh thì 9 không thể là 10. Chẳng hạn nếu chúng ta nợ nhà đèn 10 đồng, chúng ta viết chi phiếu trả 9 đồng, chắc chắn hóa đơn tính tiền tháng tới sẽ cộng thêm 1 đồng mà chúng ta chưa trả. Nhưng trong cuộc sống, một người nợ ta 1000 đồng, vì nghèo túng hoặc vì vợ đẻ, con đau chỉ có khả năng trả 900 đồng thôi. Do tấm lòng tốt ta có thể xí xóa cho họ 100 đồng mà không lấy. Vậy với cái Tâm, bằng sự cảm thông giữa con người và con người mà 9 đã trở thành 10 (chín bỏ làm mười). Trong cuộc đời này, bao thảm họa, đổ vỡ, giết chóc xảy ra chỉ vì con người khó mà nhường nhịn nhau. Như vậy trong lúc tình hình căng thẳng, cãi cọ hơn thua nhau vì một vài lời nói, vì chút lợi lộc nho nhỏ, nếu có ai nhắc nhở ta hoặc ta nhớ tới câu  “chín bỏ làm mười” chắc chắn mọi chuyện sẽ diễn ra vô cùng tốt đẹp.
2. Không khắc nghiệt, không cực đoan qua câu nói “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”. Khi chúng ta cay nghiệt quá thì thế nào cũng tạo ra “oan trái” oán hận và người đời sẽ tìm cách trả thù. Một ông vua hà khắc thì tiếng oán than sẽ “thấu trời đất” nếu có dịp dân chúng sẽ đứng lên lật đổ họăc giết ông vua đó. Trong gia đình cũng vậy, nếu cha mẹ khắc nghiệt con cái sẽ bỏ đi hoặc sống trong địa ngục. Giáo sĩ dạy tín đồ những tín điều cực đoan, khi vào đời tín đồ sẽ đụng chạm với các tôn giáo khác và như thế xã hội, đất nước sẽ vô cùng căng thẳng và có khi phải chia cắt để biến thành hai, ba quốc gia cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng lịch sử nhưng chỉ khác tôn giáo mà không thể sống chung với nhau và có khi coi nhau như kẻ thù “bất cộng đái thiên”! Hiện nay cả thế giới đang phải đối đầu với những tư tưởng, tín điều cực đoan hoặc văn hóa quá phóng túng. Chẳng hạn như phụ nữ Âu Châu, Hoa Kỳ thì quá phóng túng. Càng hở hang nhiều thì càng nổi tiếng và kiếm tiền càng nhiều. Trong khi đó thì phụ nữ Hồi Giáo lại buộc phải ăn mặc phủ kín từ đầu tới chân. Hai thái cực này đụng chạm với nhau và đưa tới chiến tranh - bề ngòai là chiến tranh tôn giáo nhưng thực chất là xung đột về những giá trị văn hóa, đạo đức. Tại sao con người lại không thể tìm tới một giải pháp Trung Dung/Trung Đạo (Middle Way) vừa vừa phai phải? Theo tôi, thế giới Hồi Giáo, nếu chính quyền là một chính quyền thế tục (không bị khống chế bởi tu sĩ) thì từ từ họ sẽ cởi mở cho phụ nữ, nhưng con đường phóng túng và sa đọa của Tây Phương và Hoa Kỳ thì giống như chiếc xe lao xuống dốc mà không có thắng.  
3. Chừng mực, không bức bách ai, không quá đáng qua câu nói “Khó người khó ta, dễ người dễ ta” hoặc “Già néo đứt giây” “Cắm sào sâu khó nhổ.” . Qua những câu nói này chúng ta có thể tin chắc rằng trong cuộc sống hằng này, ông/bà nào tính tình cởi mở, dễ dãi thế nào cũng có nhiều bạn. Còn ông/bà nào khó chịu, khắt khe thì chỉ có “ma” nó chơi với mình. Trên trường quốc tế cũng thế. Một quốc gia có nhiều nước tới làm ăn buôn bán là một quốc gia giàu mạnh. Nếu mình đặt ra nhiều luật lệ khắt khe quá thì thế giới họ cũng trả đũa lại. Cuối cùng thì đất nước sẽ bị cô lập. Một đất nước bị cô lập thì không chết thì cũng bị thương. Cho nên mọi thứ trên cõi đời này cứ “vừa vừa phai phải” là tốt nhất.
4. Thích nghi với hòan cảnh mới, tình thế mới, thời đại mới qua câu nói “Ăn theo thưở, ở theo thì”. Không thủ cựu, không cứng nhắc. Đây là châm ngôn làm nền tảng cho sự ứng xử trong mọi hòan cảnh. Ngoài ra nó còn là sự tự chế, kiềm hãm những sở thích của mình khi sở thích đó không thích hợp ở một môi trường khác. Ở sao cho đẹp lòng người chứ không phải để thỏa mãn lòng mình là cách sống thông minh và tốt đẹp nhất. Chỉ sống cho mình, chỉ biết có mình, không cần biết những gì xảy ra chung quanh là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân phóng túng cũng nguy hiểm như chủ nghĩa cực đoan. Ở Việt Nam, quan niệm Gia Đình, Làng, Nước tưởng chừng như những hàng rào trói buộc, nhưng thực chất nó lại là một thứ nhắc nhở về trách nhiệm khiến chúng ta không thể không thể không nghĩ đến người khác. Khi nghĩ đến người khác, khi nghĩ tới phong tục tập quán của người, văn hóa của người, tôn giáo của người mà thích nghi thì đó gọi là “Ăn theo thuở, ở theo thì”. Quan niệm “phá chấp” của Phật Giáo thật phù hợp với tâm tính của dân tộc Việt Nam.
5. Phê phán đầu óc bảo thủ cứ mãi tiếc thương, tôn thờ những gì thuộc quá khứ mục nát, hư hỏng qua câu nói “Bảo hòang hơn vua.” Thái độ “Bảo hòang hơn vua” sẽ làm cản bước đi lên của lịch sử, phân hóa xã hội và bất ổn chính trị khi đất nước vẫn còn những người cứ mãi nuối tiếc một chế độ, một chính quyền thối nát đã bị lật đổ, đào thải. Hiện nay trong và ngoài nước vẫn còn một thiểu số nuối tiếc dĩ vãng mục nát do được hưởng đặc quyền đặc lợi nhưng tuyệt đại đa số thì muốn chôn vùi quá khứ để nhìn về tương lai. Chúng ta phải hiểu rằng tim hiểu và kế thừa lịch sử và nuối tiếc dĩ vãng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn tìm hiểu về Cuộc Trịnh-Nguyễn Phân Tranh là chuyện cần thiết để rút ra bài học đoàn kết đất nước nhưng thương nhớ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong hoặc Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài là nuối tiếc dĩ vãng.
6. Khoan dung, nhẹ tay, nặng về răn dạy hơn là trừng phạt qua câu nói “Giơ cao đánh khẽ “ và “Chém đằng sống chứ ai chém đằng lưỡi.” Điều này đã thấm vào máu thịt dân tộc Việt Nam, không phải chỉ ở hàng thứ dân mà ở cả vua quan nữa, điển hình như đức nhân từ của Vua Lý Thánh Tông và Vua Lê Thánh Tông qua Bộ Luật Hồng Đức. Sử Việt chép rằng khi Vua Lý Thánh Tông ngồi xử án ở Điện Thiên Khánh năm 1064 đã chỉ vào Động Thiên Công Chúa đang đứng bên cạnh mình và phán với triều thần “Trẫm yêu thương thần dân của trẫm cùng nhiều như yêu thương con gái trẫm. Họ phạm tội vì họ không biết (luật) và trẫm có nhiều tình thương cho họ. Từ nay trở đi, trẫm muốn tất cả các tội phạm, nặng hay nhẹ, đều phải được xét xử với sự khoan hồng”.
7. Không cầu tòan, không buộc ai phải giống mình, không buộc ai phải tin điều mình tin, theo những gì mình thích, tôn thờ những gì mình tôn thờ qua câu nói “Bàn tay có ngón dài ngón ngắn” và “Cha mẹ sinh con Trời sinh tính”. Quả đúng như vậy. “Bàn tay có ngón dài ngón ngắn” trong gia đình và xã hội cũng đều như vậy cả. Giả dụ mình là người thông minh, nhưng đừng nghĩ ai cũng thông minh như mình. Mình giỏi giang nhưng không phải ai cũng giỏi giang như mình. Mình giàu có, sang cả nhưng không phải ai cũng giàu có, sang cả như mình. Nếu hiểu được như thế thì sẽ cảm thông, chan hòa với mọi người. Thấm nhuần tư tưởng này thì ngòai xã hội thì tìm cách giúp đỡ kẻ kém thông minh, thiếu may mắn. Còn trong gia đình thì không ép buộc con cái phải sống theo ước vọng của mình bởi vì “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.”
8. Chớ có tự thị, chớ có ỷ y, phải thận trong khi phê phán, chê cười người khác qua câu nói “Cười người chớ có cười lâu. Cười người hôm trước hôm sau người cười”. Câu châm ngôn này thật chí lý và giống như câu “Bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành” bởi vì phàm là con người (human being) thì ai cũng mắc phải lỗi lầm. Hiểu được như thế thì phải hết sức thận trọng khi phê phán, chê cười người khác. Nếu có phê phán thì cũng nên nhẹ nhàng chứ đừng đao to, búa lớn, bé xé ra to, thêu dệt thêm vào đó - bởi vì ông bà chúng ta nói rằng “Một lời nói là một đọi máu”. Một lời nói nhẹ nhàng, an ủi giống như được tắm ở giòng suối mát. Một lời chửi rủa, mắng nhiếc giống như dao đâm vào da thịt, như mũi tên tẩm thuốc độc, như lửa hắt vào mặt. Một lời vu oan giá họa khiến người ta có thể lâm vòng tù tội. Một lời vu khống, chụp mũ nếu viết ra thành sách, quảng bá sâu rộng khiến tổn thương đến danh dự không phải chỉ bản thân người nào đó - mà còn cả gia đình người ta nữa và lưu lại đời sau. Trong một xã hội văn minh, không có gì ghê gớm cho bằng “verbal abuse” tức là mắng chửi người ta. Mình cứ tưởng một lời nói sẽ qua đi như gió thỏang chăng? Thưa không! Một lời chửi rủa, mắng nhiếc, thóa mạ sẽ theo đuổi chúng ta mãi. Dường như nó cắn vào làn da, sớ thịt làm cho chúng  ta tủi hổ, nuôi dưỡng trong lòng rồi từ đó sinh ra thù hận, báo oán. Một xã hội tốt lành không phải chỉ là ăn sung mặc sướng, luật pháp công minh, xã hội công bằng mà con người cần phải đối xử dịu dàng với nhau. Nặng lời, chửi rủa, nhục mạ, bêu riếu nhau thì dù có ngồi trên đống vàng, đống bạc cũng chỉ là ngồi bên lò lửa mà thôi.
9. Người Việt chúng ta thích làm lành, sợ làm ác và sợ quả báo qua câu nói “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” và “Có đức mặc sức mà ăn”. Mà Đức ở đây là gì ? Đức, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là làm những gì tốt lành cho người khác. Cứ thử tưởng tượng một người chuyên dùng của cải của mình để xây trường học, xây chùa, nhà thương, cô nhi viện, học bổng cho học sinh nghèo, cứu người họan nạn, giúp đỡ kẻ vô gia cư thì uy đức của vị này như thế nào? Chắc chắn vị này sẽ được mọi người kính nể. Trộm cướp có lẽ cũng không dám tới xâm phạm. Kẻ côn đồ, lưu manh muốn phá phách cũng sẽ tìm chỗ khác. Khi đi ra ngòai đường thì được mọi người chào hỏi, khi chết có khi sử sách ghi công. Con cháu đời sau cũng được hưởng tiếng thơm. Không những thế mà quỷ thần còn kính nể “Đức trọng quỷ thần kinh.” Chính vì vậy mà người Việt mình rất lo “Tu nhân, tích đức”. Ngòai ra khi đã có Đức rồi thì có thể thóat qua nhiều hoạn nạn, cải số trời – tưởng chết mà sống, nghèo hóa thành giàu, thi rớt hóa thi đậu qua câu truyền tụng “Đức năng thắng số” mà chúng ta có thể tìm thấy trong rất nhiều chuyện cũ tích xưa.
10. Người Việt, theo truyền thống có một quan niệm rất dung dị về tôn giáo cho nên không bao giờ tôn thờ một Thần Linh Tối Thượng hoặc Độc Thần. Cho dù  Ông Trời có là một vị có uy quyền ghê gớm đi nữa thì uy quyền này cũng đã được người Việt san xẻ cho Đất. “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Một mình Ông Trời không đủ khả năng để “nổi cơn gió bụi” mà cần phải có Đất nữa. Khi chúng ta làm điều gì mà không cần ai biết, chúng ta nói “Có Trời biết, Đất biết”. Khi đau khổ chúng ta kêu lên “Trời Đất ơi!”. Và sau này khi đạo Phật du nhập vào đất nước ta, khi khấn nguyện điều gì chúng ta nói “Xin Trời Phật chứng giám.” Vì ông Phật không phải là thần linh tối thượng mà chỉ là Một Vị Giác Ngộ cho nên khi đưa ông Phật vào vị trí ngang với Trời, Đất, người Việt chỉ muốn đưa thêm yếu tố Nhân vào trong lý thuyết Tam Tài: Thiên Nhân Địa. Theo quan niệm này, Trời mà không có Đất thì Trời cũng vô dụng. Đất mà không có Trời thì Đất chỉ là một khối khổng lồ tối thui. Có Đất, có Trời mà không có Người thì Đất Trời đó chỉ là một hành tinh chết. Theo triết lý Tam Tài thì ba yếu tố Thiên Nhân Địa không yếu tố nào lấn lướt yếu tố nào, mà phải phối hợp hòan mỹ để có cuộc sống tốt đẹp.
- Khí hậu, mưa gió sấm chớp, nóng lạnh thuộc về Trời.
- Động đất, lụt lội, cây cỏ, sông hồ, suối, biển, rừng, núi, muông thú thuộc về Đất.
- Cầy cấy, điều hòa khí hậu, quần tụ để phát triển, hạnh phúc hay khổ đau, đạo đức, chiến tranh hay hòa bình thuộc về Nhân (con người). Tuy con người rất yếu đuối so với Trời và Đất nhưng không phải lúc nào cũng phải cúi đầu tuân phục Trời, Đất mà có thể “cải số Trời” , “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Kiều). Khi Ông Trời làm điều gì quá cay nghiệt, con người có quyền phàn nàn, than trách “Trách Con Tạo đành hanh quá đỗi.” (Cung Oán Ngâm Khúc). Câu chuyện Bánh Giày, Bánh Chưng thời Hùng Vương cho thấy từ thuở ban sơ lập quốc, người Việt đã coi Trời và Đất là hai vật tối linh, biểu tương cho sự vận hành của Vũ Trụ và cuộc sống của con người. Khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam thì yếu tố “Phật” tức “Nhân” trở nên hoàn thiện và giao hòa, trường tồn với Trời-Đất.
Hiện nay cả nhân lọai đang tiến vào giai đọan Toàn Cầu Hóa. Mà Tòan Cầu Hóa chỉ có được, ngòai vấn đề giao thương, các quốc gia cần có mối giao hảo với nhau. Trong khi giao hảo như thế thì không thể tránh khỏi những luồng giao lưu về tư tưởng, tôn giáo và văn hóa. Chẳng hạn như Đạo Protestant (Tin Lành), Đạo Thiên Chúa (Ca-tô Giáo La Mã) cùng phong tục tập quán của Âu Châu, Hoa Kỳ sẽ vào Á Châu, Iraq, Afghanistan, Iran v.v… và đạo Phật, Hồi Giáo cùng phong tục tập quán sẽ vào Hoa Kỳ và Âu Châu. Tín điều và qui tắc đạo đức cực đoan sẽ làm cản trở cho tiến trình Tòan Cầu Hóa và có nguy cơ đưa tới những cuộc xung đột xã hội, xung đột tôn giáo.
Mới đây nhất nước Pháp đã trải qua một cuộc xung đột về văn hóa khi nữ sinh Hồi Giáo (Hồi Giáo chiếm khỏang 10% dân số Pháp) đi học ăn mặc theo lối truyền thống của phụ nữ Hồi với khăn trùm đầu. Trong khi đó thì nam sinh Pháp lại đeo những thập giá quá lớn khiến trường học Pháp có nguy cơ trở thành môi trường chia rẽ. Tổng Thống Jacques Chirac đã giải quyết vấn nạn này bằng cách vận động quốc hội thông qua một đạo luật cấm nữ sinh Hồi Giáo đội khăn khi đi học và nam sinh Pháp đeo chữ thập quá lớn.
Rồi mới đây nhất tại Hoa Kỳ, một phụ nữ da trắng cải đạo sang Hồi Giáo khi xuống hồ tắm đã mặc nguyên bộ quần áo phủ kín từ đầu tới chân với lý do đạo đức Hồi Giáo không cho phép phụ nữ ăn mặc hở hang. Nhưng ông chủ hồ tắm lại không đồng ý và cho rằng ăn mặc như vậy mà xuống hồ tắm làm mất vệ sinh. Áo tắm hai mảnh (Bikini) thì OK, cho nên đã mời bà này lên. Người phụ nữ sau đó đã đi kiện với lý do bị kỳ thị tôn giáo. Dĩ nhiên chuyện này đã qua nhưng nó là dấu hiệu mở đầu cho thấy - có thể có một cuộc xung đột về qui tắc đạo đức phát xuất từ tôn giáo mà hơn 200 năm qua Hoa Kỳ không bao giờ có.
Chẳng cần phải học Đông học Tây, chẳng cần phải đợi ai đến “ khai sáng văn minh”. Chỉ cần đào xới lại gia tài tục ngữ ca dao do ông bà để lại, người Việt chúng ta cũng đủ khả năng ứng phó với đời.
May thay! Chúng ta nên nhớ rằng “Vỏ quýt dày, móng tay nhọn”. Các tôn giáo cực đoan, các nền văn hóa cực đoan sẽ đối đầu với tôn giáo và văn hóa cực đoan và sẽ tự hủy diệt lẫn nhau. Chắc chắn chúng ta không muốn điều đó xảy ra trên đất nước Việt Nam.
Đào Văn Bình

Nghe Audio tục lệ về cưới xin



http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Que%20Huong%20Men%20Yeu_%20Cuoi%20Xin%2006282004.mp3

Chồng tôi
 
 Dương Ngọc Ánh Tạp Bút


 

Thực sự càng vào tuổi già chàng càng “ ngớ ngẫn” và hay quên. Ngày xưa khi chàng còn trai trẻ thì có lẽ có “hạnh kiểm” hơn trong những ngày tháng muộn màng. Thưở ấy (dưới mắt chàng) tôi có một dáng dấp không đến nỗi tệ. Bây giờ chàng đã quên mất cô vợ ngày ấy; thay vào đó là những cái nhìn ngẩn, nhìn ngơ cho những cô gái chân dài bất tận, không liên hệ chi với chàng, mà còn khen rối rít,“con nhỏ đó có cặp giò ngon dễ sợ!” Đi ngoài đường thấy gái đẹp thì chàng quên bẳng là đang đi với vợ mà tưởng rằng tôi là thằng bạn nối khố của chàng, “ Trời! Trời! Ngó cái mông thiệt đã!” Có khi tôi đã thấy chàng nhìn chăm chăm mấy cô gái phô bày cặp ngực, khêu gợi, căng đầy nhựa sống; rồi chàng nhìn theo trong kính chiếu hậu tiếc ngẩn tiếc ngơ; tôi cũng đoán được chàng đang suy nghĩ gì!

     Có phải ông cha ta đã nói: “Gìa thì phải nên nết”. Hình như đây chỉ là một giả thuyết? “Cụ” nhà tôi bây giờ còn “tinh nghịch” hơn xưa. Cụ đã cùng với những cụ khác dấu diếm gởi cho nhau những tấm hình táo bạo, những khúc phim “đặc sắc” để chiêm ngưỡng, rồi cười đùa khoái trá như những cậu học sinh trung học ngỗ ngáo. Nếu bị phát giác thì cụ lại chối leo lẻo “No, I’m a good guy!” Mỗi lần có hình khỏa thân hấp dẫn hay phim “nghèo” là trong làng bằng hữu của chồng tôi thật nhộn nhịp, rộn ràng:

     “Mày cho tao xin phim này đi. Mày upload lên megaupload thì rất thuận tiện vì tao có premium account với thằng này.”  Ngay cả những anh thường hơi thẹn thùng trong chuyện đóng góp và tán dóc cũng trồi lên, “Thằng … trồi lên chỉ khi nào nó ngửi thấy mùi : dâm , vú … Tôi còn nhớ khi cụ nhà tôi gởi tựa đề của cuốn sách 365 sex positions lên mail group của cụ thì gần như suốt một tuần các cụ đã tranh cãi và thảo luận sôi nổi về đề tài nầy còn hơn những bài luận văn chính trị cuối mùa văn hóa hồi các cụ còn mài đũng quần ở Đà lạt! Chưa đủ, có cụ còn chôm nguyên cuốn sách trình làng với đầy đủ hình ảnh chi tiết. Có cụ còn muốn vớt vát cho cái lém lĩnh của mình bằng sự trấn an của khoa học:- Nói có sách, mách có chứng. Mỗi ngày chỉ cần 10 phút coi hình thiếu vải thì hạ huyết áp, tránh được bệnh tim. Bí quyết sống lâu đây rồi, mỗi ngày chỉ 10 phút thôi, không phải tin đồn bậy bạ mà có nghiên cứu đàng hoàng. Đã có gan coi hình tươi mát mà còn sợ “thượng mã phong!”

     Đàn ông, theo y học chứng minh-đầu óc của họ lúc nào cũng đầy dẫy chuyện gió trăng và hơi hám đàn bà lúc nào cũng vương vấn trong những cuộc đối thoại. Không sai tí nào! Khi chồng tôi dự định mua máy hình, anh hỏi loại máy hình gì tốt, đẹp và bền, thì ngay lập tức các đồng môn của anh xúm lại khuyên bảo : “Nhu cầu của mỗi người khác nhau, vấn đề là mình phải biết nhu cầu của mình là gì thì mới chọn lựa được sản phẩm thích hợp. Có người thích em trắng, kẻ thích em đen, người chuộng da rám nắng, kẻ thích vú bự, người mê ăn quýt. Tùy theo khẩu vị mà chọn hàng. Nhưng nói gì thì nói họ vẫn thuộc làu câu ca dao tục ngữ gối đầu giường “Ta về ta tắm ao ta…” Rồi lại phụ đề thêm Việt Ngữ:  “Cái này là nói mấy em chân dài, nói phở thôi. Cơm nhà dù sao vẫn chắc bụng, no lâu. Phở dĩ nhiên, nấu vừa mất thời gian lại còn tốn kém nhưng anh nào cũng khoái “ăn vụng”. Điều nầy không phải không đáng sợ.

     “ Trên bảo dưới không nghe.” Đây là điều đáng quan tâm nhất của các đấng mày râu khi họ đến tuổi về già. Tôi thấy đức lang quân của tôi thường nhận được những lời chia xẻ của bạn bè để làm thế nào mà “ trẻ mãi không già” Chưa đủ, họ còn truyền cho nhau những loại rượu, có khi luôn cả những thang thuốc truyền kỳ để cùng tìm hiểu bí quyết về huyền sử ái ân. Khi có dịp gặp nhau thì lại thì thầm, mách nước xem thử kết quả có ly kỳ như họ nghĩ hay không. Lạ lùng thay tôi chưa nghe anh nào thật sự thố lộ là những chung rượu thần kỳ và các liều thuốc nổi danh lịch sử đã làm cho họ cải lão hoàn đồng! Đức lang quân của tôi cũng đã dại khờ, liều mạng tu gần nữa chai rượu của một người bạn quý cho anh để đi tìm kết quả. Nhưng chàng đã quên mất rằng hai anh em, thằng lớn, thằng nhỏ, cùng một tuổi thì thuốc tiên, phép lạ cũng phải bó tay.

     Chồng tôi có một đặc điểm là biết “vâng lời” vợ. Một phần là nhờ anh ở phương tây khá lâu nên không ít thì nhiều anh cũng có tiêm nhiễm về nếp sống văn minh nơi xứ người. Kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật hoặc ngày của tình yêu mà quên là anh “lãnh nợ”. Để tránh khỏi mua quà tầm bậy anh thường cẩn thận hỏi trước (thà mất lòng trước được lòng sau!) , “ Em thích qùa gì cho sinh nhật của em?”. Tiền đâu anh mua hột xoàn, kim cương; tiền đâu anh mua xe hơi, nhà lầu hay những món quà đắt giá! Nhưng dại gì mà nói, anh phải tự suy nghĩ để đem lại sự ngạc nhiên vui thích cho mình- “Không cần đâu anh! Em đâu thiếu gì!”  Ông chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, cứ thế mà làm theo, chẳng quà cáp gì ráo. Tưởng vâng lời như thế thì được điểm tốt, nhưng chiến tranh lạnh đã xảy ra. Anh lại ngây thơ thăm hỏi, “ Sao em lạnh lùng như băng giá?” Khi chiến tranh bùng nổ thì anh trả lời “ Em nói em không cần gì hết mà tại sao bây giờ không vui! Em nói sao thì anh nghe vậy có gì mà hờn giận, trách móc………?.

     Nếu cho rằng anh là một ông chồng “lý tưởng”- nghĩa là: đẹp trai, vạm vỡ, hào hoa, phong nhã, đa tình, lãng mạng thì có lẽ anh sẽ được chấm hạng dưới trung bình; cũng có thể gọi là hạng chót! Nhưng anh là một người thật thà. Ngày xưa anh yêu tôi vì tôi có mái tóc thật dài, xõa ngang lưng, thơm mùi quyến rũ. Ngày hôm nay tôi càng cố gìn giữ bao nhiêu, thì hàng chục sợi tóc đáng thương cứ cuốn theo chiều gió mà bay mãi. Chải tóc cho tóc mượt thì chỉ thấy nền nhà phủ đầy những sợi tóc khô khan của tuổi đời. Anh bây giờ không còn vuốt tóc tôi như ngày xưa mà còn bảo: “ tóc em sao rụng quá cỡ vậy? Vài năm nữa không đội tóc giả thì cũng thành ni cô! Nghe mà nóng gà, muốn nổi tam bành lục tặc.

     Một điểm đặc biệt và “đáng yêu” của chồng tôi là anh rất thẳng thắng phải nói rằng- “toạc móng heo”. Tôi có một cái tính là thích ăn mặt hơi hở hang, có lẽ cũng muốn níu kéo một tí gì trước khi xã hội xếp mình vào dĩ vãng. Nhưng khi mặc áo đầm , váy ngắn hoặc áo cổ rộng tròn phơi bày thì sẽ được anh thẳng thắn khuyên nhủ:- “ Em mặc như vậy có ngày trúng gió bất tử.” Anh làm tôi cụt hứng – tưởng rằng ăn mặc mát mẻ sẽ làm anh gợi cảm và nhìn tôi như những đàn bà trẻ đẹp khác. Thiệt chán còn hơn ăn cơm nếp nát.

     Về nghệ thuật, chồng tôi có một cái nhìn rất khác người. Khi đi mua sắm, tôi thường “mời” anh đi theo, trước thì để xách đồ, sau là làm “cố vấn thời trang”. Có lẽ là vì được nhờ nên anh đóng góp ý kiến rất nhiệt tình. Áo quần hơi có bông ba màu sắc thì anh bảo “sao không mua thêm vài cái lư hương lập miếu lên đồng cho đủ bộ”. Khi mua nịt da bảng bự cho hợp thời trang thì anh đến bên tôi nói nhỏ “anh thấy tiệm kia bán nịt còn cho thêm cái khiên, cây kiếm và đôi sandal. Em mua để đóng phim Gladiators coi được lắm”. Còn mua quần nhiều túi thì anh chêm vào: “ Được đó! Mua cái quần này thì đi chợ khỏi cần trolley”. Tức muốn chết người.

     Đủ thói hư tật xấu, mất nết thiếu hạnh kiểm nhưng tôi biết rằng anh chỉ vui rôm rả với bạn bè. Có lẽ nhờ vậy mà lúc nào tôi thấy anh và các bạn vẫn luôn luôn trẻ mãi. Dù sáu hay bảy bó, không là chuyện lớn. Ngày nào anh và các bạn còn nhìn được hình tươi mát; ngày nào mắt còn rõ để phân biệt được bầu, mướp cam, bưởi thì không thể gọi là già; ngày nào còn xách đồ được cho vợ, còn hơi để làm “cố vấn thời trang” là ngày đó còn hạnh phúc. Ra đường nhìn gái còn khen là đầu óc còn sáng suốt (khi nào nhìn đàn ông thành đàn bà thì tôi mới run). Sự sống trên trái đất này sẽ không tồn tại nếu không có những người như chồng tôi và bạn bè của anh.

    

     Dương Ngọc Ánh

Phong Tục Về Cưới Xin

Nguyễn Dư Biên Khảo

Luân lý Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một bổn phận thiêng liêng của con cháu. Thờ phụng phải được tiếp nối liên tục qua các đời. Vì vậy mỗi người đàn ông phải sớm lập gia đình để mau có con trai nối dõi, lo việc đèn nhang.Sớm là bắt đầu từ mấy tuổi ?
Luật lệ ngày xưa không ấn định tuổi được phép lấy vợ lấy chồng. Chúng ta được biết vài trường hợp trai gái lấy nhau khá sớm :
– Gái thập tam, nam thập lục (gái 13, trai 16),
– Em lấy anh từ thuở mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con…
– Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng…
Năm 1888, nhà nước bảo hộ Pháp ấn định con gái 14 tuổi, con trai 16 tuổi mới được làm đám cưới. Tuy không thay đổi là bao so với 13 và 16 tuổi, nhưng ít ra luật pháp cũng chính thức cấm tục tảo hôn(lấy vợ sớm), không cho phép con trai dưới 16 tuổi lấy vợ. Tuy bị cấm, nhưng ở nông thôn miền Bắc, hủ tục này còn rơi rớt đến tận những năm 1940. Một vài cậu bé con nhà giàu, mới lên tám, lên mười đã được cha mẹ cưới cho một cô vợ lớn gấp hai, ba lần tuổi mình. Thật ra mục đích của cha mẹ cậu bé là kiếm một người giúp việc không công, chứ chẳng phải là lo cho con, hay cho ông bà tổ tiên.Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy . Con gái không có quyền quyết định. Duyên phận phó mặc cho may rủi, chọn lựa của cha mẹ.
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Ý muốn của chàng trai cũng phải được cha mẹ chấp nhận thì mọi chuyện mới trôi chảy êm đẹp.Ngày xưa, lễ nghi cưới xin của ta bắt chước Tàu. Rất rườm rà, phức tạp.
Theo sách Văn công gia lễ thì cưới xin có 6 lễ chính:
1- Nạp thái : nhà trai đến nhà gái ngỏ ý
2- Vấn danh : nhà trai hỏi tên tuổi cô gái để tính ngày giờ, xem có bị xung khắc không ?
3- Nạp cát : chọn được ngày tốt, xác nhận với nhà gái
4- Nạp tệ : đưa đồ thách cưới do nhà gái ấn định
5- Thỉnh kỳ : định ngày làm lễ cưới, nộp nữ trang, vải vóc cho nhà gái
6- Nghinh hôn (thân nghinh): lễ rước dâu
Năm 1477 nhà Lê quy định rằng :
Phàm người lấy vợ, trước hết phải mượn người mối đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân. Lễ cầu thân xong rồi mới định lễ dẫn cưới. Dẫn cưới xong rồi mới định ngày đón dâu. Ngày hôm sau chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến lễ nhà thờ. Nghi thức tiết mục, phải theo đúng như điều đã ban xuống mà làm. Không được như trước, nhà trai dẫn lễ cưới rồi để đến 3, 4 năm mới cho đón dâu.
Bắt đầu, nhà trai bắn tin thăm dò. Các nhà quyền quý thường tìm nơi môn đăng hộ đối (gia đình tương xứng). Sau khi đã được nhà gái đồng ý, nhà trai mới nhờ ông mai hoặc bà mối mang trầu cau và trà tới xin dạm.
Đẹp như rối, không mối không xong
Vai trò trung gian của ông mai bà mối rất quan trọng.
Lễ dạm tương đương với ba lễ đầu của ngày xưa.
Trầu cau luôn luôn có mặt trong các lễ cưới hỏi của người Việt Nam.Truyền thuyết kể rằng :
Ngày xưa có hai anh em nhà kia, hơn nhau một tuổi và giống nhau như đúc(có người kể là hai anh em sinh đôi). Cha mẹ mất sớm. Được 17, 18 tuổi, hai anh em đến xin trọ học tại nhà một đạo sĩ. Học hành chăm chỉ, tính tình đứng đắn, cả hai được thầy yêu quý. Thầy có người con gái tuổi trăng tròn, xinh đẹp dịu hiền. Cô gái đem lòng yêu mến hai anh em.
Ít lâu sau cô xin phép cha lấy người anh làm chồng. Từ ngày lập gia đình, người anh quấn quýt bên cô vợ trẻ, lơ là với em. Người em cảm thấy lẻ loi. Một hôm hai anh em cùng lên nương làm việc đồng áng, tối trời mới về. Người em vào nhà trước. Chị dâu trong buồng chạy ra, tưởng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Người em lúng túng kêu lên. Hai người cùng ngượng ngùng xấu hổ. Được chứng kiến cảnh vợ và em ôm nhau, người anh đem lòng nghi ngờ. Từ đó tình anh em lại càng lạnh nhạt.
Một buổi chiều kia, anh chị đi vắng, người em cảm thấy cô đơn, buồn tủi, quyết định bỏ nhà ra đi. Chàng đi, đi mãi đến một khu rừng, có con suối chắn ngang. Màn đêm xuống dần… Mỏi mệt, đói khát, buồn chán, chàng lịm thiếp đi rồi chết. Xác chàng biến thành một tảng đá.
Vợ chồng người anh về nhà không thấy em. Qua ngày hôm sau vẫn vắng bóng. Người anh lẳng lặng bỏ nhà đi tìm. Đến khu rừng, cạnh con suối, ngồi tựa lưng vào tảng đá nghỉ mệt. Thương nhớ em… Chàng thiếp đi, chết giữa đêm khuya, hóa thành một cây mọc thẳng bên cạnh tảng đá.
Đến lượt người vợ trông chờ mãi không thấy chồng về, cũng lần theo con đường mòn đến cạnh bờ suối. Đêm đó nàng chết, hóa thành một cây leo, quấn chặt thân cây cao.
Một hôm vua Hùng Vương đi qua chốn ấy. Nghe dân làng kể chuyện, vua sai người lấy lá cây leo, hái quả cây cao. Nghiền lá với quả thì thấy một mùi thơm nhẹ nhàng toát ra. Nhai thử thì thấy vị cay, tê tê đầu lưỡi. Nước tiết ra, nhổ lên tảng đá thì thấy một màu đỏ thắm hiện lên.
Dân làng đặt tên cây cao là cau, cây leo là trầu, tảng đá là vôi.
Nước ta có tục ăn trầu từ đó.
Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa thủy chung, thắm thiết. Miếng trầu là đầu câu chuyện, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp gỡ nhau người ta cũng thường mời nhau miếng trầu. Ngày nay miếng trầu có thêm tí vỏ, ít thuốc lào, càng làm tăng thêm hương vị.Sau lễ dạm đến lễ nạp tệ, hay thách cưới.
Nhà gái đưa ra một danh sách những đồ vật và tiền bạc bắt nhà trai phải nộp.Thông thường thì cũng phải:
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau
Chàng trai nói giúp cho lịch sự chứ thật ra là bị bắt buộc. Có khi nhà gái thách cao, đòi bò, đòi trâu, vòng vàng, xà tích bạc…Năm 1663 vua Lê Huyền Tông ban điều giáo hóa :
Vợ chồng là gốc luân thường, lấy vợ, gả chồng phải theo lễ nghĩa, không được suy bì giàu nghèo, đòi nhiều tiền của. Lấy nhau phải phân biệt họ hàng, nòi giống, không được tham giàu sang mà phối hợp loạn luân thường, không được cẩu hợp không có sính lễ để đến nỗi gần như giống cầm thú…
Năm 1804 vua Gia Long định lệ :
Trai lấy vợ, gái lấy chồng thì sính lễ phải châm chước. Trong 6 lễ phải tùy sức nhà trai giàu nghèo, không được bắt ép viết văn khế cầm ruộng…
Bên cạnh thách cưới, nhà trai còn phải nộp cheo cho làng cô gái. Có nộp cheo mới được làng công nhận chuyện cưới xin.
Xưa kia nước ta không có sổ sách hộ tịch. Khi nhận tiền nộp cheo, làng viết giấy chứng nhận. Giấy này có giá trị như giấy giá thú ngày nay. Đám cưới nào không nộp cheo thì cặp vợ chồng đó sẽ bị làng coi như sống lén lút :
Có cưới mà chẳng có cheo
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài
Nộp cheo bằng đồ vật hay tiền bạc. Có làng bắt nộp chiếc mâm đồng, ít chén bát để dùng cho hội hè đình đám. Có nơi đòi ít gạch để lót lại quãng đường hư hỏng, hay một ít vật liệu để sửa cái cầu, giếng nước…Luật xưa quy định :
Bất cứ ở cùng một làng hay làng khác đều cho phép thu cheo một quan tiền cổ và một vò rượu. Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm (1663).
Về tiền cheo thì nhà giàu phải nộp 1 quan 5 tiền, nhà bậc trung nộp 6 tiền, nhà nghèo nộp 3 tiền (1804).
Tuy luật quy định như vậy nhưng trong thực tế vẫn có sự phân biệt người cùng làng hay khác làng. Và tiền cheo thường bắt nộp quá mức luật định.
Nhà trai sắm sửa đủ đồ thách cưới thì lảm lễ hỏi , mang tới nộp nhà gái.
Sau lễ hỏi, nhà trai phải năng lui tới thăm hỏi, sêu tết nhà gái. Mùa nào thức ấy: nhãn, vải, hồng, cốm…trong khi chờ đợi lễ cưới.
Lễ cưới, còn gọi là rước dâu, đón dâu, tên chữ là nghinh hôn, là lễ quan trọng nhất.
Lễ cưới phải chọn ngày tốt, đón dâu phải lựa giờ tốt. Ngày xưa có tục đón dâu vào buổi tối. Nhà trai mang trầu cau, rượu, xôi, gà, lợn…đến nhà gái. Dẫn đầu là một cụ già, không có tang, vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu. Cụ già mặc áo thụng xanh, cầm bó hương hay ôm lư trầm. Theo sau là những người đội lễ vật, tiếp đến chú rể, họ hàng. Ngày xưa chú rể đội nón. Đến đầu thế kỷ 20, chú rể tân thời bỏ chiếc nón, thay bằng cái ô tây, miệng phì phèo thuốc lá. Ngoài Bắc, chỉ có cha chú rể đi đón dâu. Trong Nam, cha mẹ chú rể cùng đi.
Trên đường đến nhà gái, nhà trai thường bị những người nghèo và trẻ con tổ chức bày hương án, chăng giây ngăn cản. Mục đích của đám này là đòi ăn uống, tiền bạc, họa hoằn mới để mua vui. Muốn cho mọi chuyện được êm đẹp, khỏi bị quấy phá, chửi rủa tục tằn, làm chậm trễ buổi lễ, nhà trai thường phải chiều ý chúng.Khi nhà trai tới đầu ngõ, nhà gái đốt pháo đón mừng. Người chủ hôn hoặc cha chú rể đứng ra tuyên bố xin đón dâu. Đại diện mẹ chú rể bưng trầu cau đặt trước mặt nhà gái để xin con dâu.
Nhà gái mời đại diện nhà trai cùng cô dâu chú rể làm lễ cáo gia tiên . Đây cũng là một dịp để trẻ con bên nhà gái đóng cửa nhà thờ nhõng nhẽo vòi tiền nhà trai.
Sau đó, nhà trai xin rước dâu. Ngoài Bắc, cha mẹ cô dâu không đưa tiễn con gái về nhà chồng. Trong Nam, nhà gái cũng kén một cụ già cầm bó hương đi trước, theo sau là cô dâu và cha mẹ họ hàng, bạn bè đưa tiễn.
Đám rước dâu vẫn do cụ già của nhà trai cầm bó hương dẫn đầu, đằng sau là hai họ. Đoàn người về tới đầu ngõ thì nhà trai đốt pháo chào mừng.
Trong lúc đi đường, cô dâu ăn mặc đẹp sợ bị thiên hạ quở quang, phải cài vài cái kim vào choàng áo để trấn áp những câu nói độc mồm độc miệng.
Giữa bậc cửa vào nhà chú rể đặt một hỏa lò than hồng để cô dâu bước quaThan hồng sẽ đốt hết những vía xấu đi theo quấy phá cô trên đường về nhà chồng.
Trước khi cô dâu bước vào nhà, mẹ chú rể xách bình vôi lánh mặt một lúc lâu rồi mới về chào mừng hai họ.
Có ngườì cho rằng bình vôi tượng trưng cho của cải trong nhà. Lại có người cho rằng bình vôi là một tục bái vật cổ truyền xa xưa của dân ta. Bình vôi là bà chúa trong nhà, chưa ai định danh là bà chúa gì, nhưng bình vôi tượng trưng cho uy quyền chúa nhà, nhà nào cũng có bình vôi. Khi làm vỡ bình vôi thì đem mảnh bình còn lại cất ở chỗ uy nghiêm hoặc đưa lên đình chùa, không vứt ở chỗ ô uế.
Tại sao bình vôi lại là uy quyền, của cải ?
Chữ vôi (nôm) được viết bằng chữ khôi (hán việt). Khôi chính nghĩa là tro, là màu xám. Chữ khôi có nhiều từ đồng âm. Trong đó có chữ khôi (bộ quỷ) nghĩa là đứng đầu và chữ khôi (bộ ngọc) nghĩa là quý báu.
Do đó cái bình vôi của ta được dùng để tượng trưng cho người đứng đầu và của cải. Bà mẹ chồng giữ bình vôi để bảo vệ uy quyền của mình và của cải của gia đình. Chiếc bình vôi chỉ là một suy diễn chữ nghĩa của giới bình dân chứ không mang nội dung thần thánh. Ý kiến cho rằng bình vôi là bà chúa chưa ai định danh là bà chúa gì và bình vôi là tục bái vật có lẽ đã vượt quá xa khả năng suy diễn hán nôm của giới bình dân !
Có nơi chờ đám rước dâu về tới đầu ngõ, một người lấy chày giã vào cối đá, đôi khi giã mạnh đến vỡ cả cối. Tục ấy thì ngộ quá, không hiểu ý làm sao (Phan Kế Bính).
Giã cối là một tục cổ, có từ thời đại Hùng Vương.
Giã cối cũng là một tục lệ ngày hội.Từng đôi nam nữ cầm chày dài đứng giã cối tròn.Đó là những chiếc cối rỗng, là một thứ dụng cụ nông nghiệp, đồng thời là nhạc cụ, và cũng là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Trở thành một tiết mục trong ngày hội lễ, giã cối(và hát) vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi và hình thức giao duyên nam nữ, vừa mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng.
Chày cối, theo quan niệm dân gian, là hình giống của nam và nữ. Giã cối, ở một số nơi, còn có ý nghĩa tượng trưng cho hành động tính giao.
Cô dâu, chú rể cùng lễ tổ ở nhà thờ họ nhà trai, rồi trở về nhà chú rể lễ gia tiên, chào mừng cha mẹ, họ hàng bên chồng.
Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha mua về
Từ giờ phút này, cô dâu trở thành một người của gia đình bên chồng.
Có nơi còn làm lễ tơ hồng, cám ơn Nguyệt Lão đã xe duyên cho đôi trẻ.Tích Nguyệt Lão kể rằng :
Đêm trăng, Vi Cố đi chơi gặp một ông già ngồi đọc sách, tay cầm nắm dây tơ màu đỏ. Vi Cố chào hỏi, ông già tự xưng là Nguyệt Lão chuyên việc xe duyên cho nhân gian. Dây tơ đỏ để buộc chân những cặp vợ chồng có tên trong sách. Vi Cố tò mò muốn biết ai sẽ là vợ tương lai của mình. Nguyệt Lão tra sách, trả lời là đứa bé gái, con người ăn mày ngoài chợ. Vi Cố tức giận. Hôm sau ra chợ tìm giết đứa bé. Đứa bé bị Vi Cố chém một nhát trúng đầu, ngất đi. Về sau Vi Cố kết duyên cùng con gái một vị quan to. Một hôm thấy vết sẹo trên đầu vợ, hỏi ra mới biết rằng thuở nhỏ nàng bị một người chém giữa chợ, được quan cứu sống, đem về nuôi.
Tối hôm cưới, gọi là tối động phòng, làm lễ hợp cẩn. Hai vợ chồng cùng uống chung một chén rượu.
Cưới được ba ngày, đến ngày thứ tư thì hai vợ chồng mang xôi chè, trầu rượu về nhà bố mẹ vợ lễ gia tiên, gọi là lễ lại mặt haytứ hỉ.
Luật xưa nghiêm cấm cử hành lễ cưới trong lúc gia đình có tang từ một năm trở lên (tang ông bà, chú bác, cha mẹ). Nhà trai hoặc nhà gái gặp lúc gia đình có cha mẹ, ông bà hay chú bác đau ốm nặng, thường cho cử hành gấp lễ cưới. Nếu có người chết, phải làm đám cưới trước khi phát tang.
Cưới vội vã như vậy gọi là cưới chạy tang.
Xã hội Việt Nam đã thay đổi sâu xa. Phần đông trai gái ngày nay lấy nhau ở độ tuổi từ 20 đến 30. Họ có nhiều dịp gặp gỡ, tìm hiểu nhau trước khi quyết định làm đám cưới. Cha mẹ được hỏi ý kiến nhưng không còn nắm vai trò quyết định nữa. Nhờ đó mà hủ tục môn đăng hộ đối không còn nữa. Nghi lễ được tổ chức đơn giản để đỡ tốn thời gian. Lễ hỏi, lễ cưới chỉ có trầu cau, trà bánh và rượu. Lễ gia tiên còn được giữ, các lễ khác thường bỏ qua.
Nhiều nơi rước dâu bằng xe hơi.
Ở nước ngoài, các cô dâu Việt Nam thường mặc áo dài thêu rồng vẽ phượng, đầu đội khăn vành, màu đỏ màu vàng, trong khi ở trong nước các cô lại chuộng chiếc áo cưới cồng kềnh lết đất của Âu Mỹ.
Chiều tối hai họ cùng tổ chức mời bạn bè ăn uống. Cô dâu thay ba bốn bộ quần áo, giống như một cuộc trình diễn thời trang.
Nguyễn Dư

Trang thơ



Tiếng sáo Thiên Thai
Tác giả:

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…
Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không,
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…


Từ thời còn trẻ… đến lúc về già




Đời người thường được gói gọn trong một câu thật đơn giản: “Từ thời còn trẻ… đến lúc về già”. Nói như vậy nhưng không đơn giản chút nào vì những suy nghĩ phức tạp của từng thời kỳ, qua đó thể hiện quan niệm sống khác hẳn nhau, nhiều lúc đến độ mâu thuẫn, xung đột gay gắt.
Thời còn trẻ bao gồm các giai đoạn từ thơ ấu, tiến dần đến tuổi vị thành niên và rồi trở thành thanh niên vào lứa tuổi từ 19 đến 24. Đây là khái niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng chưa được thống nhất vì còn tùy thuộc vào từng khuôn khổ xã hội của từng quốc gia. Chẳng hạn như ở Trung Hoa, tuổi thanh niên là 29, trong khi tại Bangladesh là 34 và ở Malyasia thậm chí đến 40 tuổi!
Những người được gọi là “cao tuổi”, “cao niên” hay “người già” thường có độ tuổi từ 60 trở lên như tại Việt Nam. Tại một số nước quy định tuổi của người già được căn cứ vào những gì họ cống hiến cho gia đình và xã hội. Thuật ngữ “senior citizen” dùng tại Anh và Mỹ ám chỉ những người đã hưu trí (retiree), thường là những người từ 65 tuổi trở lên. Tại Mỹ, ngày 21/8 là ngày toàn quốc tôn vinh những công dân lớn tuổi, ngày đó được gọi là “National Senior Citizens Day”.
Đề tài từ cổ chí kim được nói đến nhiều nhất là “Tình yêu trai gái”. Một triết gia nào đó đã phân tích: Cảm xúc về Tâm hồn tạo ra Tình Bạn; Cảm xúc về Tri thức tạo ra lòng Kính Trọng và Cảm xúc về Thể xác tạo ra lòng Ham Muốn. Nếu cả ba cái này cộng lại, người ta sẽ có Tình Yêu (!). Cụ thể hơn, “Tình yêu Nam-Nữ” được thể hiện qua công thức:
Tình yêu Nam & Nữ = Tình bạn + Tôn trọng + Ham muốn
Lúc trẻ, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ trên đời... nhưng khi lớn tuổi, trải qua nhiều cuộc tình, mới biết sau yêu còn có… chia tay. Không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần, cứ lập đi lập lại… Điều mà người trẻ tuổi không bao giờ hoặc ít khi nào nghĩ đến!
Lúc trẻ, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Khi có tuổi mới biết tình yêu “đến đó rồi đi, có đó rồi mất”. Từ những cảm nghĩ lạc quan của tuổi trẻ người ta lại bước sang tư tưởng bi quan của người già!
Lúc trẻ, cứ tưởng “yêu một người thì dễ, quên một người mới khó”. Người trẻ khi yêu hình như đã mặc nhiên công nhận vị trí “khó quên” của người bạn tình. Đến khi tuổi tác ngày một cao đã chứng minh điều ngược lại: người lớn tuổi thấy mình đã quên đi nhiều người mình đã từng yêu, quên một cách dễ dàng!
Lúc trẻ cứ tưởng tình yêu luôn dựa theo nguyên tắc “bình đẳng” qua triết lý “yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại”. Về già mới chợt nhận ra bài học kinh nghiệm đầy bất công của tình yêu: “có những yêu thương chỉ cho mà không nhận”. Nhà thơ người Anh, Abraham Cowley (1628-1667) đã phải thốt lên:
“Of all the pain, the greatest pain
It is to love, but love in vain”
Tạm dịch là:
“Trong mọi khổ đau, niềm đau vĩ đại,
Là trót yêu người… không hề yêu lại”
Lúc trẻ cứ tưởng rằng “yêu một người là sống chết vì người đó”, giờ mới biết “yêu một người là phải biết tự yêu lấy mình”. Đây không phải là lòng “tự ái” của con người khi về già mà là những điều mà nhiều người có tuổi rút ra được sau những cuộc tình “mù quáng” của thời thanh niên và thiếu nữ.
Lúc trẻ cứ nghĩ “sau tình yêu sẽ là hôn nhân”, đến khi về già mới nhận ra: “vẫn có những cuộc hôn nhân không cần tình yêu”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Tình yêu là Bình Minh của hôn nhân, hôn nhân là Hoàng Hôn của tình yêu” và với kinh nghiệm bản thân, Socrates khuyên nhủ mọi người:
“Bằng đủ mọi cách, hãy lập gia đình. Nếu lấy được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu lấy phải người xấu bạn sẽ trở thành một triết gia” (By all means: marry. If you get a good wife: you’ll become happy. If you get a bad one: you’ll become a philosopher).
Ngay từ lúc còn trẻ nhiều người cũng đã trở thành “triết gia” vì yêu. Họ thích định nghĩa tình yêu với những mỹ từ, mỹ ý… Nào tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D… khi lớn tuổi lại cuống cuồng vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả. Tại sao ư? Vì, “tình yêu thật khó định nghĩa: nó đến bất chợt, đi bất ngờ, và để lại một vết thương lòng muôn thuở”!
Tình yêu quả là… rắc rối
Lúc trẻ cứ tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, về già mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh, có chăng là mình đã không nhận thấy. Người trẻ chỉ thấy hạnh phúc trong hôn nhân khi được sống bên người tình yêu mến, về già hạnh phúc đó lan tỏa đến con cháu qua một thứ không còn là tình yêu trai gái mà là tình ruột thịt, máu mủ.
Khi còn trẻ, phạm vi giao tiếp thường mở rộng, bạn bè giao thiệp rất đông. Đến lúc ở vào tuổi về hưu bỗng thấy mình cô đơn vì cuộc sống thu hẹp và người già thường “ẩn mình” trong phạm vi gia đình.
Tuy nhiên, cũng có người vẫn hăng say hoạt động xã hội để khỏa lấp sự trống rỗng, có người tìm một thú vui cho bản thân như chăm sóc cây cảnh, viết lách… Chỉ tội nghiệp những ai không tìm cho mình một hướng đi lúc về già trước khi bị bệnh tật tấn công để trở về với cát bụi.
Lúc trẻ tưởng “nói quên là có thể quên được”, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng. Điều này cho thấy người lớn tuổi hướng về cuộc sống “nội tâm” trong khi người trẻ giữa cuộc sống tất bật ngoài xã hội, luôn… “hướng ngoại”.
Lúc trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm vì chung quanh toàn là người, về già mới hiểu những giây phút bên người thân quả là một sự ấm áp nhưng lại rất mong manh, trong khi đó, “nỗi cô đơn luôn ở bên cạnh”.
Cũng vì thế cho nên khi còn trẻ cứ tưởng việc đóng một cây đinh vào tường thật đơn giản vì không thích thì có thể nhổ đi. Về già mới thấy: đinh có thể nhổ nhưng vết lõm trên tường vẫn còn đó.
“Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi”
Đó là những lời kết trong bài thơ Tình Già của Phan Khôi đăng trên báo Phụ nữ Tân văn năm 1932. Bài thơ này có thể coi như tác phẩm thơ tự do đầu tiên, mở đường cho phong trào Thơ Mới ở Việt Nam. Về phương diện tình cảm, bài thơ thể hiện “một vết lõm trên tường” sau khi cái đinh được nhổ từ thời trai trẻ.
Hạnh phúc tuổi già
Theo lẽ tự nhiên, người ta khóc khi buồn nhưng một khi có tuổi mới thấy điều buồn nhất là…“không thể khóc được”. Xem một cuốn phim, đọc một cuốn truyện người trẻ và người già thường có những cảm xúc khác hẳn nhau! Có thể vì đã từng trải nhiều nên tình cảm của người già đã trở nên… “chai lì”? Phải chăng tuyến lệ cũng đã bị “lão hóa” nên không còn hoạt động?
Giọt nước mắt
Ở một thái cực ngược lại, cười là vui nhưng nhiều khi người lớn tuổi lại thấy “có những giọt nước mắt còn vui hơn tiếng cười”, chẳng hạn như trường hợp gặp lại người thân sau một thời gian dài xa cách, “mừng mừng, tủi tủi”.
Những lúc tình cảm đạt đến “cực điểm”, người ta thường nhớ đến câu thơ đầy mâu thuẫn của Xuân Diệu:
“Cười là tiếng khóc khô không lệ
Người ta cười trong lúc quá chua cay”
Người ta cũng có thể “cười ra nước mắt” hay như Nguyễn Du trong Kiều đã vẽ nên cảnh oái ăm “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Suy cho cùng, chuyện Khóc-Cười là lẽ thường tình nhưng rõ ràng là mức độ Khóc-Cười thường bị ảnh hưởng phần nào vì tuổi tác.
Khóc & Cười
Lúc trẻ tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn mới biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo. Người cha già trên giường bệnh nhận từ con viên thuốc đắng nhưng sao vẫn thấy ngọt. Người mẹ già ăn bát canh khổ qua nhưng không cảm thấy đắng vì sự hiếu thảo của con. Ông cha ta thường nói: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” là vậy.
Lúc trẻ tưởng tượng rất nhiều, về già mới nhận ra: “chuyện cổ tích không bao giờ có thật”. Lúc trẻ, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới, khi tuổi tác đã cao mới thấy thay đổi chỉ một người cũng khó, có chăng vẫn chỉ là tự thay đổi mình.
Lúc trẻ cứ tưởng một khi thành “người lớn” là lớn, bây giờ mới thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn. Đến khi thật sự thành người lớn thì người ta mới hiểu: “không bao giờ bé trở lại được”. Đó là sự thật khiến cho nhiều người lúc bé cứ mong mình chóng lớn, giờ đây lớn rồi lại ước gì mình bé lại.
Lúc trẻ cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia. Về già mới biết: “được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất”. Lúc trẻ tưởng rằng “những gì đến rồi sẽ đi”, giờ mới biết: “khi niềm vui đến thường qua mau, còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi mãi”.
Lúc trẻ cứ nghĩ: “Tiền bạc, Tình yêu rồi mới đến Sức khỏe”, về già mới khám phá sự đảo ngược: “Sức khỏe, Tiền bạc, Tình yêu”. Lúc trẻ rất sợ phải chết, nhưng về già “sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều”.
Cuối cùng, lúc trẻ cứ tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm. Về già mới hiểu nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh. Johann Von Goethe đã từng nói: “Cái chết, ở một mức độ nào đó, là một điều vô lý bỗng trở thành hiện thực” (Death is, to a certain extent, an impossibility which suddenly becomes a reality).
Và lúc đó chúng ta thanh thản ra đi để khởi đầu một cuộc hành trình cuối cùng: Bước-Nhảy-Vọt-Vào-Bóng-Tối.

Ăn Chay Như Thế Nào?




Bạn có thấy rằng, con người cùng với sự phát triển của xã hội bắt đầu mắc nhiều chứng bệnh "khó trị" hơn không? Một trong những nguyên nhân chủ yếu chính là cách ăn uống của bản thân đấy.
Xã hội càng phát triển, nền văn minh hiện đại đã đạt được những thành tựu to lớn: khám phá vũ trụ, công bố bản đồ gene di truyền, công nghệ thông tin… nhưng con người ngày nay dường như mắc nhiều bệnh hơn, không thư thái và khả năng thích nghi, chống đỡ với môi trường kém. Trường phái “Thực dưỡng - Macrobiotics” sau nhiều cuộc nghiên cứu, sưu tầm đã kết luận: tổ tiên của chúng ta là những người ăn rau, củ, quả. Trong thời kỳ băng hà cuối cùng, khi rau, củ, quả khan hiếm, người ta phải ăn thịt súc vật để sinh tồn. Và thói quen ăn thịt còn đến ngày nay.
Tuy nhiên, trong nhiều kỷ nguyên, người ta nhận thấy có những loại bệnh xuất hiện, gia tăng và khi người bệnh được khuyên một chế độ ăn chay, được sống trong bầu không khí vui vẻ đầm ấm thì bệnh từ thuyên giảm đến khỏi hoàn toàn. Phải chăng ăn chay có tác dụng điều trị bệnh và tác dụng thực sự của nó tới đâu?
Cơ sở khoa học 
Nói riêng về hệ tiêu hóa, con người có hệ tiêu hóa giống với động vật ăn lá cây, động vật ăn cỏ và không giống với các động vật ăn thịt. Bảng so sánh dưới đây sẽ cho chúng ta có một cái nhìn tổng quát:
Động vật ăn thịt
Động vật ăn lá cây, cỏ và trái cây
Con người
Có móng vuốtKhông có móng vuốtKhông có móng vuốt
 - Không có lỗ chân lông trên da
-  Toát mồ hôi qua lưỡi để làm mát cơ thể
Toát mồ hôi qua hàng triệu lỗ chân lông trên daToát mồ hôi qua hàng triệu lỗ chân lông trên da
Có răng cửa nhọn sắc để xé thịtKhông có răng cửa nhọn sắcKhông có răng cửa nhọn sắc
Có các tuyến nước bọt nhỏ (không cần để tiêu hóa thức ănCác tuyến nước bọt phát triển để tiêu hóa ngũ cốc và trái câyCác tuyến nước bọt phát triển để tiêu hóa ngũ cốc và trái cây
Nước bọt có tính acid, không có men ptyalin để tiêu hóa ngũ cốcNước bọt có tính kiềm, nhiều men ptyalin để tiêu hóa ngũ cốcNước bọt có tính kiềm, nhiều men ptyalin để tiêu hóa ngũ cốc
Không có răng hàm bẹt phía trong để nghiền thức ănCó răng hàm bẹt ở phía trong để nghiền thức ănCó răng hàm bẹt ở phía trong để nghiền thức ăn
Có nhiềi acid HCl mạnh trong dạ dày để tiêu hóa cơ, xương của động vậtCó acid HCl nhưng yếu 20 lần so với acid HCl của động vật ăn thịtCó acid HCl nhưng yếu 20 lần so với acid HCl của động vật ăn thịt
Độ dài đường ruột chỉ gấp 3 chiều dài cơ thể để sau khi qua dạ dày, thịt nhanh thối rữa và ra khỏi cơ thểĐộ dài ruột gấp 12 lần độ dài cơ thể vì lá cây và ngũ cốc thối rữa chậmĐộ dài ruột gấp 12 lần độ dài cơ thể vì lá cây và ngũ cốc thối rữa chậm

Bảng so sánh cho thấy: Cấu trúc bộ máy tiêu hóa của con người phù hợp với chế độ ăn rau củ, quả, ngũ cốc hơn là ăn thịt. Tất nhiên, thay vì ăn “sống” như những loài động vật ăn thịt, con người biến nó thành “chín” nhờ kỹ thuật luộc, nướng, kho, tẩm gia vị tạo sự hấp dẫn khứu giác,vị giác. Đó là lý do tại sao người ta thú vị với món thịt các loại.
Ăn thịt dễ mắc những bệnh gì?
Nếu nói cứ ăn thịt là mắc đủ thứ bệnh e là hơi quá lời. Ở đây, tôi muốn đề cập đến chuyện ăn một cách thừa thãi, không quan tâm đến tiêu chuẩn vệ sinh có thể gây ra một số bệnh:
1. Ung thư
Năm 1982, tờ Life ở Mỹ, tờ Paris Match ở Pháp và tờ Atarashiki Sêkai Ê ở Nhật Bản đều đưa tin: Bác sĩ Anthony J.Sattilaro, giám đốc một bệnh viện lớn ở Hoa kỳ bị ung thư đã di căn mà lành bệnh nhờ ăn chay. Sau đó một hội nghị khoa học gồm 8.000 bác sĩ chuyên khoa ung bướu họp tại Seatle đã thừa nhận tầm quan trọng của ăn uống trong phòng và chữa bệnh ung thư.Theo thống kê của các nhà dịch tễ học thì 30% ung thư liên qua đến thuốc lá, 35% liên quan đến ăn uống, 3% liên quan đến những phụ gia thực phẩm(màu, chất bảo quản...). Như vậy, nếu ăn uống đúng thì 35% bệnh nhân lẽ ra bị ung thư sẽ không mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Tại sao ăn thịt dễ bị ung thư? Một trong những nguyên nhân cơ bản là thịt sống mau thối rữa. Để giữ cho chúng “tươi” lâu hơn, người ta đã tẩm chúng với nitrit, nitrat và các chất bảo quản khác. Khi nấu nướng, các chất này không bị phân hủy. Vào ruột, chúng kết hợp với các acid amin tạo nitrosamin là chất gây ung thư. Ngoài ra, công nghệ chăn nuôi đang sử dụng nhiều hóa chất kích thích tăng trưởng, chất gây thèm ăn, gây ngủ, hormon, kháng sinh. Heo, gà, bò, tôm, cá,... được nuôi công nghiệp làm mất đi cân bằng hóa học, mất đi thói quen tự nhiên của tổ tiên chúng, kích thích phát triển bệnh gia súc và những khối u ác tính. Khi con vật bị bệnh, bị khối u, chúng được giết mổ chứ không hẳn là được bỏ đi. Thế là chúng ta ăn những miếng thịt mà không biết chúng chứa đầy độc tố, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nhưng tiềm ẩn là chất độc lưu giữ làm biến đổi cấu trúc tế bào và gây ung thư. Ăn thịt nhưng lại ít ăn rau dễ sinh táo bón, ứ đọng chất độc, cũng góp phần phát triển ung thư. Điều này giải thích tại sao cư dân vùng Bắc Mỹ và Tây Âu bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày cao hơn cư dân ăn chay (Ấn Độ). Ở những nước ăn nhiều thịt, số phụ nữ bị ung thư vú cũng cao gấp 10 lần ở những nước có thói quen ăn chay.
2. Bệnh tim mạch
Ở các nước phát triển, bệnh tim mạch được coi là “kẻ giết người số 1”. Nước Mỹ là nước tiêu thụ nhiều thịt thì cứ hai người chết đã có một người tử vong vì tim mạch. Các nhà khoa học ở trường Đại học Harvard kiểm tra huyết áp của hàng loạt người thì thấy huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rất có ý nghĩa so với những người ăn thịt. Lượng cholesterol trong máu của người ăn thịt cao gấp nhiều lần người ăn chay là nguyên nhân chính của chứng xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Hội tim mạch Hoa Kỳ đã công bố rằng: Một chế độ ăn chay có thể phòng ngừa từ 90-97% các bệnh tim mạch.
3. Bệnh tiểu đường type II
Chế độ ăn nhiều thịt lẫn mỡ, ăn nhiều đường tinh khiết làm tăng acid béo và triglycerid là nguyên nhân gây ra tiểu đường type II.Sở dĩ như vậy vì các acid béo, triglycerid ức chế hoạt động của insulin nên xét nghiệm lượng insulin trong máu có thể bình thường hoặc hơi tăng nhưng đường huyết vẫn cao. Bệnh tiểu đường type II cũng như bệnh tim mạch, khi chuyển sang chế độ ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn.
4. Bệnh thận
Các cuộc nghiên cứu cho thấy, thận của người ăn thịt phải làm việc gấp 3 lần thận của người ăn chay để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại. Trong số các chất thải của thịt, đáng chú ý là urê và acid uric. Khi còn trẻ, thận còn “sung sức” nhưng khi lớn tuổi, thận kiệt sức, không thể thải độc hiệu quả sẽ dẫn đến bệnh.
5. Bệnh gout (thống phong)
Khi thận không đủ khả năng thải hết các sản phẩm chứa nitơ độc hại thì làm xét nghiệm chúng ta thấy creatinin và acid uric tăng cao. Acid uric không được bài tiết, đọng lại trong các khớp nhỏ(khớp ngón) gây đau nhức. Bệnh này dường như độc quyền dành cho đàn ông. Nơi đây, acid uric đọng lại thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, đau nhức ghê gớm đặc biệt với những ông ham nhậu. Buổi tối 50%, 100% cùng chiến hữu, chia tay nhau chếnh choáng hơi men còn ca đủ sáu câu vọng cổ, về nhà lăn ra ngủ, nhưng khoảng 3-4 giờ sáng đã thấy khớp ngón chân sưng lên nhức nhối tưởng như không thể chịu đựng được. Ở phụ nữ, sản phẩm thừa trong quá trình chuyển hóa của thịt ngấm vào làm thay đổi sụn bao khớp khiến chúng trở nên lởm chởm, khi di chuyển sẽ đau, nhiều người cứ nằm rên, rồi rơi vào trầm cảm.
6. Béo phì
Béo phì 95% do chế độ ăn quá dư thừa, các loại thức ăn chứa nhiều calorie: mỡ động vật, thực phẩm nhiều đường, bơ, phô-mai, chocolate, thịt... Người béo phì thường lười vận động nên năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ, thúc đẩy quá trình tăng cân. Béo phì gây ra hậu quả trầm trọng trên tim mạch, nội tiết, xương khớp và tâm lý. Ở những nước phát triển số lượng người béo phì đang gia tăng nhanh chóng khiến tổ chức y tế gọi là “Đại dịch” hay "Những bệnh mãn tính không lây”.
7. Bệnh gan
Gan là cơ quan vừa tổng hợp các chất, vừa có tác dụng thải độc. Một chế độ ăn nhiều thịt và mỡ động vật sẽ làm gan quá tải, sinh bệnh. Những lần ngộ độc thịt, rối loạn tiêu hóa,… đều làm gan phải làm việc cật lực để thải độc. Dần dần gan suy yếu, nhiễm mỡ, xơ hóa và khi bạn xét nghiệm sẽ thấy rối loạn chuyển hóa (tăng cholesterol, triglycerid, tăng men gan SGOT, SGPT). Một số chất độc không được đào thải là nguyên nhân gây bệnh dị ứng (chúng ta thường thấy nổi mẩn, ngứa sau bữa ăn)
8. Rối loạn trí óc và cảm xúc
Ăn nhiều thịt động vật, lượng urê tăng lên, những sản phẩm của quá trình thối rữa thịt lên não dẫn tới sự suy nghĩ kém đi. Sự lờ đờ về trí tuệ dẫn đến rối loạn cảm xúc.
Ăn chay - nên ăn gì?
Ăn chay (vegetare) không phải bao hàm chỉ ăn rau mà theo từ ngữ Latinh còn có nghĩa là “sống động”. Chúng ta ăn gạo còn nguyên vỏ cám (gạo lức), các loại đậu (đặc biệt là đậu nành), ăn nhiều rau xanh, trái cây. Ăn chay tức là chúng ta trở về với thiên nhiên, phù hợp với cấu trúc cơ thể. Tất nhiên ăn chay cũng phải đảm bảo vệ sinh mới có tác dụng phòng ngừa bệnh.
Có đủ dinh dưỡng không nếu bạn ăn chay? Câu trả lời là đủ. Thực tế bạn đã và đang ăn một lượng thịt nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Nhưng phải chăng protein trong rau quả, củ kém hơn protein trong thịt? Cũng không. Đậu nành chứa lượng protein gấp 2 lần protein trong thịt và có đầy đủ các acid amin cần thiết. Trong đậu nành còn chứa lecithin-chất tạo ra sự thanh xuân thần kỳ. Các loại ngũ cốc và rau cũng chứa protein. Các vitamin, các nguyên tố vi lượng (canxi, ma-giê, sắt, kẽm,...) có đầy đủ trong rau, củ, quả.
Nên ăn như thế nào?
Gạo lức thì dễ rồi, bạn thấy chợ nào cũng bán. Trái cây, bạn nên chọn những trái gọt vỏ để tránh dư lượng thuốc trừ sâu. Rau xanh phải chọn rau sạch. Đậu nành và những sản phẩm chế biến như: đậu hũ, sữa đậu nành, tương,… khắp nơi đều có. Mỗi bữa chúng ta ăn như thế nào?
    • Đừng ăn quá nhiều: Hãy ngừng ăn khi mất cảm giác đói. Nếu ăn quá no nê, hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều, thức ăn bị tiêu hóa nửa vời sẽ sinh ra sản phẩm độc.
     • Ăn trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ: tiếng cười, sự thanh thản giúp cho tiêu hóa tốt.
    • Nhai kỹ thức ăn: khi phân tích phân của nhiều dân tộc, các nhà khoa học nhận thấy còn quá nhiều sản phẩm tiêu hóa dở dang. Đó là do thói quen ăn nhanh, ăn vội.
    • Tránh ăn về đêm: nếu bạn đi ngủ với cái bao tử đầy tạo ra trạng thái “ậm ạch”, khó ngủ và nếu ngủ được cũng không yên giấc. Đó là chưa kể những chất trong quá trình tiêu hóa sinh ra sẽ tác động lên não tạo những giấc mơ kinh dị.
    • Hạn chế các loại thức ăn có đường, đặc biệt là đường trắng và các thành phẩm của nó (bánh, mứt, kẹo)
Nếu bạn đồng ý rằng nên ăn chay thì cũng không cần “đùng đùng” rũ bỏ chế độ ăn thịt. Cứ tiến hành từ từ và khi nhận ra rằng nó có ích cho sức khỏe thì hãy chuyển hẳn. Nhiều bạn lúc đầu ăn chay 50% còn lại là thịt (thịt tươi và nạc) cũng không sao.
BS. Lê Thúy Tươi

Monday, January 30, 2017

9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí cơn đau 

Nhận thức được nguyên nhân của các cơn đau thường rất quan trọng trong việc chẩn đoán những căn bệnh đe dọa tới tính mạng.

1. Bệnh tim
Nếu bạn đang gặp vấn đề về tim, bạn có thể bị đau ở vùng ngực xung quanh tim. Tuy nhiên, bạn cũng có bị đau dọc theo cánh tay trái hoặc ở phần thượng lưu của lung.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
Trong sách của trường Đại học Y khoa Michigan có viết: Đau tim thường liên quan đến việc đau thêm ở các bộ phận khác trên cơ thể như tủy sống vì nó là nơi nhận các cảm giác từ tim truyền tới. Điều này đặc biệt đúng ở phía bên trái.
Bất kỳ cơn đau nào liên quan tới tim mạch đều có khả năng đe dọa tới tính mạng và đòi hỏi cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
2. Bệnh liên quan tới phổi hoặc cơ hoành
Các bệnh liên quan tới phổi hoặc cơ hoành có thể là nguyên nhân việc bạn bị đau ở một bên cổ hoặc vai ở khu vực trên.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
Đây có thể là nguyên nhân của việc khó thở hoặc do tác động của các dây thần kinh chạy từ cột sống tới phổi hay tới cơ hoành.
Nhà trị liệu Paul Ingraham viết: Hầu hết mọi người đang gặp phải những dấu hiệu này và nhiều hậu quả khác của việc hô hấp không hiệu quả.
Vấn đề hô hấp luôn luôn cần phải được xem xét nghiêm túc và đòi hỏi bạn đi đến bác sĩ ngay lập tức.
3. Bệnh liên quan tới gan và túi mật
Các vấn đề liên quan tới gan hoặc túi mật cũng có thể gây đau ở cổ và vùng vai phía trên, cũng như ở bên phải của cơ thể hay ngay phía dưới vùng ngực.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
Hiệp hội vật lí trị liệu Mỹ viết rằng: Bệnh liên quan tới túi mật có thể là nguyên nhân của việc đau xương bả vai.
Chỉ có chính bạn mới thấu hiểu được cơ thể bạn đang nói gì, bạn sẽ phân biệt được sự khác biệt giữa cái đau cứng cổ hay là một cơn đau nghiêm trọng. Nếu bạn nghi ngờ rằng cổ hay vai của bạn bị đau bất thường thì bạn chắc chắn cần phải đi gặp bác sĩ để kiểm tra ngay lập tức.
4. Bệnh liên quan tới dạ dày và tuyến tụy
Đau một trong hai khu vực được tô đậm khác màu trên bức ảnh ở phía trước và sau của cơ thể (trên hình minh họa) có thể chỉ ra rằng bạn đang gặp vấn đề liên quan tới dạ dày hoặc tụy.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
Trên web Physio-pedia.com viết: Khoảng 50% bệnh nhân viêm tụy cấp có xuất hiện các cơn đau ở phía sau. Hay bạn cũng có thể gặp phải “đau bụng, thường ở các góc phần tư phía trên”.
Khi bạn đang gặp vấn đề có ảnh hưởng xấu tới các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ biểu hiện ra dưới hình thức của các cơn đau sẽ làm cho bạn chú ý tới và điều trị kịp thời.
5. Các bệnh liên quan đến ruột
Nếu bạn đang gặp các bệnh liên quan tới tới ruột, bạn có thể bị đau ở vùng bụng gần rốn.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
WebMD viết: Đau bụng ở vùng giữa (đau ở vùng quanh rốn) có thể là bạn đang gặp phải các vấn đề liên quan tới ruột: viêm đường ruột, co thắt ruột hay rối loạn chức năng về đường ruột.
Các vị trí bạn bị đau có thể rất hữu ích đối với các bác sĩ trong việc tìm nguồn gốc của việc đau bụng của bạn, vì vậy việc xác định chính xác vùng đau của bạn thực sự là cần thiết.
6. Bệnh đau ruột thừa và các vấn đề về đại tràng
Viêm ruột thừa và các vấn đề về đại tràng thường biểu hiện ra với những cơn đau ở vùng bụng.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
PatientPlus viết: Nếu đau ở phần bụng bên phải thì bạn hãy nghĩ ngay lập tức tới việc mình mắc bệnh viêm ruột thừa. Thêm vào đó, tổ chức Y tế Thế giới viết rằng nếu “đau ở giữa bụng” có thể là vấn đề liên quan tới đại tràng.
Viêm ruột thừa có thể đe dọa tới tính mạng của bạn cho nên việc chú ý tới các cùng đau này ở trên cơ thể hoàn toàn quan trọng để bạn có biện pháp điều trị bệnh kịp thời.
7. Bệnh thận
Các vấn đề liên quan tới bệnh thận có thể làm bạn đau ở rất nhiều nơi bao gồm cả lưng, bụng, khung chậu, và phần trên của chân.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
Trên web IHealthBlogger.com viết rằng đau thận có thể là nguyên nhân của “sự đau đớn mà bạn cảm thấy ở vùng lưng dưới hai bên sườn ngay dưới xương sườn”.
Các dấu hiệu đau ở các vùng này thực sự là quan trọng giúp bạn chuẩn đoán bệnh vì vậy bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy đau dữ dội hoặc khó chịu ở các khu vực này.
8. Bệnh liên quan tới bàng quang
Đau đớn vùng xương chậu ở phía trước hoặc phía sau là bạn đã bị gặp các vấn đề liên quan đến bàng quang.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
Hiệp hội vật lí trị liệu Mỹ có viết: Vì bàng quang nằm ở phần bụng dưới, trong vùng xương chậu cho nên nhiễm trùng bộ phận này có thể gây ra đau vùng thắt lưng.
Nếu như bạn gặp phải cơn đau này, đặc biệt là khi nó đi kèm với bất kỳ vấn đề tiết niệu nào khác thì thực sự bạn cần phải đi gặp bác sĩ ngay thôi.
9. Bệnh liên quan tới buồng trứng
Các bệnh liên quan tới buồng trứng có thể gây đau ở hai phía bên của bụng.
9 nhóm bệnh có thể được phát hiện nhờ vị trí các cơn đau
Trên web Womens-Health-Advice.com có viết: U nang buồng trứng có thể gây ra đau thắt ở một bên của bụng.
Ung thư buồng trứng là một bệnh đe dọa tính mạng nên nó rất nghiêm trọng. Bất kỳ một cơn đau bụng dữ dội nào xuất hiện cũng nên được kiểm tra bởi bác sĩ.