Saturday, June 4, 2016


Trang thơ Tú Xương

Tú Xương
Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ), ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907.
Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính. Ông nội Trần Tế Xương tên là Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho, thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng. Ông đi học sớm và cũng sớm nổi tiếng thông minh. Ông học chữ Hán cụ kép làng Thành Thị, tên là Trần Chấn Thái, ngồi bảo học ở thành Nam.
Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Bà sinh cho ông được 8 người con, trong đó có 6 trai và 2 gái. Bà Tú là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa ở nhiều phương diện như tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình. Công việc kiếm sống cho gia đình của bà là buôn bán nhỏ (tiểu thương). Tú Xương có rất nhiều thi phẩm khắc họa hình ảnh vợ và lòng yêu thương, biết ơn ông dành cho bà.
Tú Xương đi thi từ lúc 17 tuổi, đó là khoa Bính Tuất (1886). Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả 8 lần. Đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm). Sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Cuộc sống của ông về vật chất rất thiếu thốn, hoàn cảnh khó khăn vất vả này cũng thể hiện rõ trong thơ ông.
Cuộc đời ngắn ngủi có 37 năm của Tú Xương nằm gọn trong một giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh nam kỳ mất trọn cho Pháp. Tú Xương lên 3 thì Bắc Kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ nhất. Tú Xương 12 tuổi, Bắc Kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Hiệp ước Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam. Các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại. Tú Xương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh sục sôi và bi thương đó. Bức tranh hiện thực trong thơ Tú Xương là một bức tranh xám xịt, dường như chỉ có rác rưởi, đau buồn, vì hiện thực của xã hội thực dân – nửa phong kiến là như vậy. Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.
Thơ Tú Xương có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc; ông chủ yếu làm thơ chữ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, phú, văn tế, câu đối, hát nói, lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
Tình hình văn bản tác phẩm của Tú Xương hết sức phức tạp. Không có di cảo. Không có những công trình đáng tin cậy tập hợp tác phẩm khi tác giả còn sống hoặc vừa nằm xuống. Sinh thời, nhà thơ sáng tác dường như chỉ để tiêu sầu hoặc mua vui, thơ làm đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe, rồi tùy ý truyền khẩu, lúc đầu chỉ là các bài sưu tầm đăng rải rác trên tạp chí Nam Phong (các năm 1918, 1919, 1920, 1926).
Các tác phẩm của Tú Xương từng được xuất bản:
  • Vị Xuyên thi văn tập (Nam Kỳ thư quán, 1931), do Sở Cuồng (tức Lê Dư) giới thiệu 174 tác phẩm gồm thơ, phú, câu đối.
  • Trông dòng sông Vị – Văn chương và thân thế Trần Tế Xương (Huế, 1935) của Trần Thanh Mại & Trần Thanh Địch.
  • Tú Xương thi tập (Hà Nội, 1950) do nhà sách Phúc Chí 95 Hàng Bồ giới thiệu 75 bài thơ phú.
  • Thân thế và thơ văn Tú Xương (NXB Cây Thông, 1951) của Vũ Đăng Văn giới thiệu 181 tác phẩm.
  • Văn thơ Trần Tế Xương (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1957), giới thiệu chính thức 125 bài và đưa 55 bài vào phần tồn nghi.
  • Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương (NXB Nghiên cứu, Bộ văn hóa Hà Nội, 1957) của Trần Thanh Mại nhân dịp lần thứ 50 ngày giỗ Tú Xương.
  • Tú Xương con người và nhà thơ (NXB Văn hóa, 1961) của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ, giới thiệu 193 bài chính thức, 17 bài tồn nghi.
  • Thơ Trần Tế Xương (Ty văn hóa Nam Hà, 1970), tuyển chọn 100 bài thơ nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, với bài bình luận của Xuân Diệu.
  • Thơ văn Trần Tế Xương (NXB Văn học, 1970) có sự tham gia của Nguyễn Công Hoan chọn 151 tác phẩm và 22 bài tồn nghi.
  • Thơ văn Trần Tế Xương (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1984).
  • Tú Xương tác phẩm giai thoại (Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh – 1986) của nhóm Nguyễn Văn Huyền, Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn, được giới thiệu bởi Giáo sư Nguyễn Đình Chú. Loại ra các tác phẩm không phải của tác giả, so sánh, đối chiếu các bản đã in ở những lần xuất bản trước, chọn ra 134 bài là của Tú Xương và loại ra 68 bài (có chú dẫn nguyên nhân loại ra cho từng bài một).

    • Sư ông và mấy ả lên đồng

                
      Chẳng khốn gì hơn cái nợ chồng
      Thà rằng bạn quách với sư xong!
      Một thằng trọc tuếch ngồi khua mõ,
      Hai ả tròn xoe đứng múa bông.
      Thấp thoáng bên đèn lên bóng cậu
      Thướt tha dưới án nguýt sư ông.
      Chị em thủ thỉ đêm thanh vắng:
      “Chẳng sướng gì hơn lúc thượng đồng!”


    Quan tại gia

              
    Một ngọn đèn xanh, mấy quyển vàng,
    Bốn con làm lính, bố làm quan.
    Câu thơ, câu phú sưu cùng thuế,
    Nghiên mực, nghiên son tổng với làng
    Nước quạt chưa xong, con nhảy ngựa
    Trống hầu vừa dứt, bố lên thang
    Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ
    Đem chuyện trăm năm giở lại bàn.

    No comments:

    Post a Comment