Saturday, June 18, 2016

MỘT BÔNGCHO CHA

Võ Hồng

Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn các con vật thì biết: gần gũi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo như con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản: khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách xa con đực, thậm chí còn cắn đuổi con đực không cho lại gần.

Con người sau này thì không. Cha săn sóc mẹ, khi mẹ mang thai, cha đỡ đần mẹ, cha giúp tay mẹ pha bình sữa, giặc giũ tả lót khi cha mẹ cùng nghèo. Khi cúng đầy tháng, cha châm hương đốt đèn thành kính cầu xin Mụ Bà và tham lam cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu … cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin sẵn sàng vui nhận. Con lên hai tháng, ba tháng, nằm ngửa huơ chân, huơ tay, mở to mắt ngơ ngác, xoay nhìn vu vơ sang trái, sang phải. Rồi con biết hé miệng cười, cái cười vô nghĩa nhưng đủ cho cả nhà mừng rỡ reo vui. Rõ ràng là nụ cười của con làm nở những nụ cười xung quanh, làm rạng rỡ những khuôn mặt, xóa mờ những nếp nhăn nơi trán. Lần lượt biết lật, biết bò … rồi con ngồi vững, rồi vịn tay đứng được, rồi bước những bước rụt rè. Tiếng reo vui, tiếng khuyến khích vang lên rộn ràng đầm ấm, trong đó có lẫn tiếng của cha.

Cha được phân công ngồi bón cho con những muỗng cơm đầu tiên, cha phải la: “Ùi ùi! Coi chừng con chuột kìa? Ăn mau chớ nó ăn hết”, rồi thừa lúc con ngơ ngác đưa mắt tìm, cha đút nhanh muỗng cơm vô miệng. Hỡi ơi, từ ngày có con, cha trở thành nhảm nhí đáng thương. Con mới mở miệng ngáp, đôi mắt mới khép hờ mà cha đã vội vàng ru, ru cái kiểu nửa ngâm nửa hát vụng về và chọn những câu nhảm nhí phù hợp với trạng thái tâm hồn của cha lúc đó.
À ơi, con gà cục tác lá chanh …

Có thể cha giỏi nhạc, cha hát hay nhưng cha ngượng không dám nghiêm trang cất giọng, sợ người khác nghe biết cha đang tràn trề niềm vui, no nê hạnh phúc. Vả chăng, mặt con ngây ngô thế đó thì cha biểu diễn nghệ thuật để chi? Cha phải ngây ngô theo, con duỗi chân thì cha nói:
– Chà! Bộ định về thăm ngoại hả?
Rờ cái đít nung núc thịt, cha bế chạy vừa nói nựng:
– À, con heo ú đây? Ai ra mua!
Qủa là những giây phút hân hoan cực độ. Nhưng phải chợt dừng lại. Sợ người khác nghe. Phải che giấu hạnh phúc để tỏ rằng mình không tầm thường. Khi có học, cha thường phải tạo ra vẻ mặt nghiêm trang. Dưới thời Nho giáo, cha được gọi là nghiêm đường. Hai mươi tuổi đậu cử nhân, đậu tiến sĩ thì phải mang bộ mặt lạnh lùng của một quan hoạn. Chỉ có người cha quê mùa mới thong dong cõng con bốn, năm tuổi đi chơi nghêu ngao khắp xóm, bứt lá chuối quấn kèn.

Lớn lên cha con cùng làm lụng cạnh nhau trên sân lúa, giữa rẫy khoai. Xã hội hôm nay trí thức hơn, văn minh hơn, trong cuộc sống cha một nghề, con một nghề, ai lo phần nấy, rốt cuộc tình thương cha con trở nên lợt lạt. Tình quấn quít cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ: quá bực tiểu học, con bắt đầu lớn, bắt đầu chọn bạn là bắt đầu xa cha. Từ đó cha thường chỉ đóng vai nguồn cung cấp tiền cho con ăn học, may sắm, nguồn kinh nghiệm khôn dại để đưa lời chỉ bảo khuyên răn. Tất cả đều chỉ là lý trí lạnh lùng.

Chớ mẹ thì không. Nghĩ đến mẹ là một chuỗi hình ảnh êm ái hiện ra: mẹ mang nặng đẻ đau, mẹ vạch vú cho con bú, mẹ bồng ru ngủ, mẹ ôm hôn nựng, mẹ tập đứng tập đi. Khỏi cần lý luận, khỏi nhìn đâu xa, cứ nghĩ đến mẹ là như thấy rõ hồi nhỏ mình nằm như thế nào trong vòng tay mẹ; ỉa đái tự do trên mình mẹ và mẹ lo giặt, lo thay, quen thuộc với mùi khai, mùi thúi. Với cha thì phải suy nghĩ mới thấy, bởi mọi sự thương yêu chỉ hiện rõ khi mình còn nhỏ. Bây giờ nếu may mà biết được là nhờ ngẫu nhiên thấy một người cha nào đó đang thương yêu săn sóc đứa con nhỏ của họ. Tìm trong văn chương thì thường chỉ gặp loại:
Công cha như núi Thái Sơn.

Núi này nhất định là phải lớn lắm, và công cha cũng lớn như vậy. Không thấy ghi một nét cảm động về người cha mà chỉ phác qua một hình ảnh uy nghi, nhưng xa cách, gợi sự tôn sùng. Mọi người đều thuộc, đều đọc làu làu, nhưng mà thản nhiên như đọc khẩu hiệu.
Người cha quen thuộc, cha của Mẫn Tử Khiên(1), thì được vẽ ra là một người biết làm bổn phận: bổn phận cưới kế thiếp khi vợ cả chết và bổn phận đuổi kế thiếp vì Mẫn Tử Khiên bị ngược đãi. Mà cũng ngẫu nhiên mới biết được con khổ khi thấy con mặc áo rách run rẩy đẩy xe cho mình!
Người cha trong cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư dễ thương hơn. Truyện kể: Mẹ đi chợ mua về cho con trái cam. Con nghĩ đến cha làm lụng nắng nôi, liền cầm trái cam chạy ra đồng đưa tặng cha. Cha nghĩ đến mẹ đầu tắt mặt tối ở nhà, liền cầm trái cam về tặng mẹ. Trái cam đi một vòng, dài và rộng hơn sợi dây tình cảm con thương cha, rộng gấp ba lần vì thêm tình mẹ thương con, tình chồng thương vợ.

Cổ văn thường nặng nghĩa lớn, nhẹ tình riêng. Phạm Trọng Yêm, tể tướng đời Tống, sai con là Thuần Nhân chở năm trăm thùng thóc về quê. Ðến Ðan Dương, Nhân gặp Thạch Man Khanh là bạn cũ của cha đang khốn quẫn vì bị ba cái tang dồn dập. Nhân tặng hết năm trăm thùng thóc. Lại nghe hai cô con gái của Thạch Man Khanh đến tuổi mà đang ế chồng, liền tặng luôn cái thuyền. Về kể lại chuyện cha nghe. Nghe tới chỗ hai cô con gái của bạn ế chồng, Phạm liền ngắt lời hỏi:
– Sao con không cho luôn cái thuyền?

Cuộc sống bắt người cha hướng mắt ra ngoài đời, nhìn đời, lăn lộn với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn vuông sân chái bếp, con gà con chó, cây ổi, cây xoài và bầy con của mẹ. Con gần mẹ hơn cha là vậy. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu biết bao nhiêu gian lao cực nhọc, lo toan đối phó làm mệt mỏi gân cốt và trí óc cha. Về đến nhà tìm sự yên nghỉ, nhiều khi mang cái bực bội, cái cáu gắt từ ngoài xã hội mang về theo. Con phải len lén bỏ ra nhà sau, im lặng, càng xa càng tốt, gần như muốn xóa bỏ cái hiện hữu của mình. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Càng thêm xa cách bởi sao cạnh mẹ con thấy êm đềm. Ai làm ra tiền không cần biết, chỉ biết muốn nhai viên kẹo, muốn cắn trái ổi là chỉ cần thỏ thẻ với mẹ. Mua cây viết mới, sắm đôi dép mới … Thảy thảy mẹ đóng vai bà tiên. Tội thân cha, cạnh bà tiên hiền, cha thành Thiên Lôi; bà tiên càng hiền, cha càng thành La Sát.
Không, cha không muốn vậy. Cha thương con nhưng cuộc sống phân công mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp cành gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ thật chặt, hút nhựa nuôi lá, nuôi hoa, nuôi trái. Thân chỉa những cành lớn đâm ngang, thân vươn những nhánh cao phủ trên đầu che mưa che nắng. Cha cân nhắc lời nói, chỉ nói khi cần, con lờn mẹ thì cha cần phải nghiêm. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạt lòng cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Ði vào bước trưởng thành từ muời ba, mười bốn tuổi, con càng ngày càng ngại cha, tránh cha rồi xa cha là vậy.
Nhưng đừng đơn giản bất công, quên cái thời ta lên năm, lên mười, kẻo trở thành bội bạc. Hãy nhìn những đứa ba tuổi làm nũng với cha. Bắt cha bế chạy nhong nhong. Bắt phải dắt ra cổng đứng nhìn xe cộ. Bắt phải có cha nằm cạnh quạt cho mới chịu ngủ. Lên tám, lên chín thì hay chạy tới nơi cha làm việc để đón cha cùng về. Trên đường đi phải nắm tay cha, thỉnh thoảng nhìn lên mặt cha, dẫu là khuôn mặt tầm thường hay xấu xí.
Tuổi già chiếc bóng, mẹ dễ sống theo con, dâu, rể. Lúc thúc sớm hôm, chăm chút tỉ mỉ, mẹ uốn mình theo nếp sống, mềm mỏng ung dung như nước. Thường cha thì không, cha ít cam khuất phục rể dâu. Chịu sống hắt hiu, thiếu thốn, cố tránh trước cái giả bộ nặng tai của dâu, cái im lặng cố ý của rể.
Mẹ biết ý nên khi phải nhắm mắt vĩnh biệt, mẹ thường thổn thức dặn dò: “Anh ở lại nuôi con. Gắng kiếm một người hiền lành giúp đở. Chớ đàn ông không chịu khổ được lâu”.
Phải, tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân nghe đau đâu đập đó, chớ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời đâu còn thấy chòm Bắc đẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn.

Con nay đang tuổi thành niên, bận theo quyền lực, vui với vợ con, bè bạn, việc báo hiếu cho cha thường tỏ ra bủn xỉn. Nếu có ai trách hững hờ chễnh mảng thì thiếu chi lý lẽ dẫn ra: “Ðược vậy còn đòi gì nữa? … Trời ơi, thì giờ đâu!”.
Phải, thì giờ đâu? Người xưa hay nhắc phận con kíp lo báo hiếu bởi “Tử dục dưỡng nhi thân bất đãi”, con muốn nuôi mà cha mẹ không chờ!
Khi con ở tuổi trung niên thì cha vào giai đoạn già yếu. Bề ngoài ngó dẫu phương cương nhưng nội tạng thường đang rệu rã. Dễ hiểu thôi mà: Một đồ vật dùng đã sáu chục năm rồi thì dẫu lạc quan đến đâu cũng chỉ có thể tạm nói: “Cũng còn khá”. Cha thỉnh thoảng cảm thấy hơi đau nơi này, chợt nghe có cái nhéo nơi kia. Ðôi hồi bỗng mệt vô cớ. Nhưng cha thường im lặng không nói. Những câu nói không còn cần thiết, êm ái cho con nữa như khi con còn nhỏ. Bây giờ, những câu nói ấy đều quấy rầy con. Ðành âm thầm nghĩ đến câu Vạn vật vô thường.

Sách xưa dạy: “Hôn định thần tỉnh”, ta dịch “Tối viếng sớm thăm”, lạt lẽo nghèo nàn nếu không có người giảng cụ thể rằng cha mẹ già thường cần đôi mắt và bàn tay con, trước và sau giấc ngủ. Ðã nằm trong mùng thì lười đứng dậy để khép bớt cánh cửa, để lấy cái mền, để tìm lọ dầu. Ngủ một đêm sáng dậy, trong mình có gì thay đổi, đó là lúc con cần hỏi han mẹ cha mới dám giải bày.
Gần như mọi người con, cuối cùng đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gởi con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm mắt.
Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể đôi tháng gửi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng lược kể một chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bè bạn gặp nhau, chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần. “Ði đâu đó? Mạnh giỏi?”
Sinh nhật cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa con gởi về hai, ba bức điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương?
Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức hội Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Ðể tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cũng khóc òa theo.

Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày:
Ðỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc (*)

nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là “cho” chớ không phải “cho vay” để có thể gọi là trả đủ.

Võ Hồng

No comments:

Post a Comment