Wednesday, June 22, 2016

Chữ Hiếu Phải Vun Bón Từ Gốc
Thiện Vân


Bậc làm cha làm mẹ nào cũng muốn cho con cái mình có hiếu, nhưng làm thế nào để con có hiếu thì có lẽ còn nhiều điều phải bàn… Các bậc cha mẹ hay nhìn con mình với cặp mắt hoàn mỹ, ít ai nghĩ rằng con mình có thể bất hiếu, nên không chú tâm dạy con chữ hiếu, đa phần là dạy con chữ hiếu khi nó đã bất hiếu rồi. Lúc ấy thì đã muộn, quả đắng đã kết. Do vậy, chữ hiếu cần phải được vun bón từ gốc.
Những "bài ca" sáo mòn về chữ hiếu đã rất quen tai, khó đem lại hiệu quả khi nó chỉ là những lý thuyết mà "biết rồi khổ lắm nói mãi". Xin đơn cử một số trường hợp mà các "bài ca" không thể ru con được nữa:  
1. Tấm gương của cha mẹ
Phải nói ngay một điều là trong nhịp sống xã hội hiện đại ngày nay, những tấm gương hiếu thảo đã mờ đi rất nhiều. Bản thân các bậc cha mẹ hãy thử tự nhìn lại mình một cách nghiêm khắc và công minh xem, mình đã xứng đáng là một tấm gương hiếu thảo để có thể mang ra dạy con mà không phải lau chùi (hay nói nhỏ là: phải "hư cấu" thêm một chút, biện luận quanh co một chút… mới có được vài nét lung linh để trưng ra). Do vậy, ngày nay, để dạy con chữ hiếu, rất nhiều bậc cha mẹ không thể đem bản thân mình ra để làm gương.

2. Những quan điểm đạo đức truyền thống
Ngày nay, sự tác động của những quan điểm đạo đức truyền thống thông qua những ngôn từ, hình ảnh sáo mòn đã rất khó có thể lay động được những tâm hồn chật chội đầy ắp những thông số khoa học, máy móc điện tử hiện đại. Ngày nay, mọi thứ đều được mã hóa, quy ra… một cái gì đó. Chữ hiếu cũng có thể được một số quý tử thời internet ngày nay lập trình và hiểu một cách đơn giản: Đó là sự sòng phẳng trả ơn. Và chắc hẳn các bậc làm cha làm mẹ chúng ta không chỉ cần đến sự trả ơn theo kiểu ấy. Vậy, làm thế nào để có thể mang đến cho con cái một chữ HIẾU đúng nghĩa mà ta cần, chúng cần, xã hội cần?
Trong kinh, Đức Phật dạy cư sĩ Thiện Sanh: Có năm điều mà cha mẹ cần thực hiện đối với con cái (1- Ngăn con cái không làm những việc quấy ác. 2- Tập cho con cái làm những việc thiện lành. 3- Trang bị cho con cái nghề nghiệp và học thức. 4- Cưới gả con cái một cách thích đáng. 5- Khi đúng thời thì trao cho con cái của thừa tự).
Tôi xin được nói lên suy nghĩ của mình về hai trong năm điều dạy ấy của Đức Từ Phụ:
* Can ngăn con cái không cho làm những việc quấy ác
(a) Ngăn ngừa:
Ngay từ nhỏ, thái độ nuông chìu quá đáng sẽ tạo điều kiện cho trẻ nảy sinh ý nghĩ mọi người đều phải phục vụ mình. Trước nhất là đối với cha mẹ, chúng thoải mái "đày ải" cha mẹ một cách vô tư, hồn nhiên. Cha mẹ không xem đó là việc quan trọng, là việc ảnh hưởng đến cái phước, vô tình làm mòn tổn phước của con mình mà không biết. Cách thương yêu con như thế đã tạo cho trẻ nếp nghĩ, cách sống không bao giờ để ý, quan tâm đến của người khác. Chỉ biết lắng nghe mình và nhu cầu của mình thôi. Từ đó nảy sinh lòng ích kỷ cao độ. Và từ sự ích kỷ dẫn đến những hành vi quấy ác một cách tự nhiên. Để ngăn ngừa những hành vi quấy ác, phải dạy trẻ ngay từ nhỏ lòng thương yêu kính trọng, sự quan tâm đến người khác… Điều đầu tiên nên dạy cho con người là lòng thương yêu. Thương yêu vượt ra khỏi cái tôi của mình (không chỉ là thương yêu những người thân thuộc của mình mà còn phải biết thương yêu cả những người không thân thuộc). Có lòng thương yêu, con người sẽ ít sinh ra những hành vi quấy ác. Do vậy, cách ngăn ngừa tốt nhất những hành vi quấy ác là huân tập lòng thương yêu và cao hơn nữa là lòng TỪ BI. Khi lòng từ bi có mặt thì những hành vi quấy ác chắc chắn khó có cơ hội nảy nở. Không phải vô lý mà những nhà tư tưởng đã khẳng định một cách rất khác nhau về tính của con người (Mạnh Tử, Jean Jacques Rousseau… thì cho rằng bản chất con người là thiện; Tuân Tử, La Rochefoucault… thì cho rằng bản chất con người là ác) bởi vì con người có thể thiện và cũng có thể ác... Nếu trong giáo dục, chữ hiếu không được "lập trình" trong những bộ óc các quý tử ngay từ nhỏ, thì lớn lên, đường dẫn đến chữ hiếu khó mà truy cập.
(b) Can gián:
      Khi con cái bước đầu phạm những hành vi quấy, ác, cha mẹ không tỏ thái độ can ngăn dứt khoát, mà đôi khi nhân nhượng, lơ là, bỏ qua. Một số cha mẹ thực dụng chỉ thấy cái lợi trước mắt về phần mình và con cái mình mà không có thái độ giáo dục ngay từ bé, từ những chuyện nhỏ, để cho con cái ý thức được hậu quả, sự tổn hại do mình gây ra cho người. Có lần tôi trông thấy một cậu con trai chở bà mẹ vượt qua đèn đỏ, người mẹ không hề nhắc con mà còn mỉm cười khi xe mình vụt vèo qua trước các xe khác. Từ những việc nhỏ như thế mà các bậc cha mẹ không có thái độ can ngăn, dạy con một cách nghiêm túc, vô tình nuôi dưỡng mầm móng quấy ác, đến khi nó đột phát thì hối hận không còn kịp nữa. Tôi cũng đã từng nghe rất nhiều bà mẹ hí hửng khoe: "Cục cưng của tui nó dữ lắm, quậy lắm, không thua ai". Từ lúc đi mẫu giáo, những hành vi như đánh bạn, nắm tóc, kéo áo bạn .v.v. đã được một số bậc cha mẹ kể lại như một thành tích. Vô tình khuyến khích con trẻ phát triển tính cách theo chiều hướng xấu, nhiều trẻ khi người lớn mắng thì lau láu trả lời, thậm chí hờn dỗi đánh lại cả mẹ khi bị mẹ đánh, những lúc ấy mẹ lại phì cười, cho là hay, có tính cách. Trẻ em tính cách mới bắt đầu hình thành, nếu không kịp thời uốn nắn những hành vi có chiều hướng xấu thì tính tình sẽ rất mau ngã về phía ác. Một kẻ ác thì khó có thể là một kẻ có hiếu được.

* Tập cho con cái làm những việc thiện lành
Khi cái thiện phát triển tốt thì cái ác sẽ giảm đất sống, èo uột đi. Nên khuyến khích con cái tham gia làm những việc tốt, tìm thấy niềm vui trong những việc thiện mà mình làm được, thấy được hiệu quả vui vẻ mang lại từ sự giúp đỡ, chăm lo cho mọi người. Những việc tốt không chỉ dạy trên lý thuyết suông, mà phải cho con trẻ trực tiếp thực hiện. Từ những việc nhỏ như giúp đỡ các bạn trong lớp, giúp đỡ mọi người xung quanh, có thái độ ứng xử văn hóa đúng mực đối với cộng đồng xã hội, ý thức kỷ luật cao. Một người được trau dồi như thế thì không thể trở thành một kẻ bất hiếu được.
"Trăm điều ác không gì bằng bất hiếu". "Hạnh hiếu là hạnh Phật"… Trong mùa Vu lan, đi đến các chùa ta thường thấy những câu như thế. Dạy con tránh được tội bất hiếu là đã cứu được mạng người khỏi sa vào địa ngục (hơn xây bảy kiểng chùa).
Là người Phật tử chân chính nên nhìn chữ hiếu với góc độ từ bi. Mong cho con cái có hiếu không chỉ là để cho mình hưởng, mà chính là lo cho nghiệp báo của chúng. Nếu cha mẹ nào có cái tâm nhìn về chữ hiếu như thế thì lòng sẽ rất an, không khổ sở, nơm nớp vì lo con bất hiếu với mình.
Nếu các bậc cha mẹ đều ý thức được những điều trên, chú tâm dạy dỗ con cái như lời Phật dạy, vun bón chữ hiếu ngay từ gốc thì chẳng những gia đình hạnh phúc, mà cộng đồng cũng bớt những gánh nặng, xã hội tốt đẹp văn minh, thế giới bớt đi những điều đau khổ.

Thiện Vân

No comments:

Post a Comment