Saturday, June 25, 2016

Để phát hiện sớm bệnh ung thư (UT)



Các tiến bộ khoa học và y học mới đây cho thấy ung thư (UT) có thể phòng ngừa được, có thể được chữa trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Phòng ngừa UT cách nào? Làm sao phát hiện sớm? Ai dễ mắc phải bệnh này?... GS Nguyễn Chấn Hùng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết:
- UT cần có thời gian để xuất hiện. Nó là kết quả của nhiều yếu tố liên hệ đến nếp sống, sự di truyền và môi trường sống. Tất cả các loại UT đều liên quan tới sự hoạt động trục trặc của các gen. UT có thể xảy đến ở mọi chặng đường đời của chúng ta, hoặc là do yếu tố bên trong như các nội tiết tố hoặc do các yếu tố bên ngoài như là các hóa chất, bức xạ, virus. Ngoài ra, một số loại virus cũng có thể gây UT như UT bao tử có liên quan mật thiết với vi khuẩn Helicobacter pylori, UT gan đi đôi với viêm gan siêu vi B và C, UT cổ tử cung liên hệ chặt chẽ với virus HPV...

* Xin GS cho biết những ai dễ có nguy cơ bị UT và nên tầm soát bệnh thế nào?
- Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với các hóa chất độc hại, có thân nhân ruột thịt (cha mẹ, anh em...) trong gia đình bị UT, đặc biệt người hút thuốc lá nhiều có nguy cơ bị UT rất cao.
Để tầm soát UT, mọi người cũng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe toàn diện định kỳ (ba năm một lần ở lứa tuổi 20-40 và mỗi năm một lần nếu trên 40 tuổi). Việc tầm soát UT nên chú ý vào tuyến giáp, miệng, da, các hạch limphô, tinh hoàn, vú và buồng trứng... Với phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục nên đi thử tế bào âm đạo (xét nghiệm Pap) và khám phụ khoa hằng năm để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm liên hệ với virus HPV.

Phụ nữ trong độ tuổi 20-39 cũng nên khám vú hằng tháng và siêu âm kiểm tra bộ ngực ít nhất ba năm/lần, nếu trên 40 tuổi cần làm thêm chụp nhũ ảnh 1-2 năm/lần. Từ 50 tuổi, nam lẫn nữ nên làm một trong các xét nghiệm: thử tìm máu trong phân hằng năm và nội soi trực tràng, nội soi ruột. Người nào có nguy cơ vừa và cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian kiểm tra.
Từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ cao (viêm gan siêu vi) nên khám lâm sàng và siêu âm bụng 2-3 năm/lần để tầm soát UT gan. Từ 40 tuổi, có bệnh sử viêm loét bao tử nên được nội soi bao tử, có thể kèm thêm thử tìm vi khuẩn Helicobacter pylori và chụp bao tử có cản quang để phát hiện sớm UT bao tử. Từ tuổi 60, đàn ông nên được thử dấu hiệu sinh học PSA ba năm/lần và bác sĩ có thể kèm thêm thăm khám trực tràng bằng ngón tay để phát hiện UT tuyến tiền liệt. Đàn ông trên 40 tuổi có nguy cơ cao (nghiện thuốc lá nặng trên 10 năm) nên chụp phim phổi 1-2 năm/lần.
BS Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đang châm cứu giảm đau cho bệnh nhân ung thư - Ảnh: L.TH.H.
* Để phát hiện sớm bệnh UT phải lưu ý những gì, thưa GS?
- Để phát hiện sớm UT, cần biết rõ các triệu chứng báo động bệnh UT: có sự thay đổi thói quen của ruột và bọng đái, một chỗ lở loét không chịu lành, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, một chỗ dày lên hoặc một cục u ở vú hoặc ở nơi nào đó trong cơ thể; ăn không tiêu hoặc nuốt khó, có thay đổi rõ ràng tính chất của một mụt ruồi duyên, ho dai dẳng hoặc khàn tiếng. Khi có các triệu chứng này bà con nên quan tâm, lưu ý đi khám bệnh để phát hiện sớm UT. Song cũng đừng quá hoảng sợ vì phần lớn là các bệnh lành tính.
* GS hãy hướng dẫn các biện pháp phòng tránh bệnh UT cho mọi người?
- Tránh không tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ có thể gây ra hoặc tạo thuận lợi cho UT, nói chung là chúng ta nên tránh dùng thuốc lá, rượu, một số hóa chất công nghiệp...
Phát hiện và điều trị các thương tổn lành tính nhưng về lâu về dài có khả năng trở thành UT. Khả năng phòng ngừa UT kiểu này rất có ý nghĩa và hiệu quả đối với các UT ruột già, ruột cùng, nhất là UT cổ tử cung và các UT vùng miệng.
Phòng ngừa bệnh UT qua ăn uống: chế độ ăn quá nhiều mỡ có liên hệ tới các loại UT ruột già, tử cung và tiền liệt tuyến, vú, buồng trứng, tụy tạng, nhất là ở những người mập béo quá. Vì vậy nên ăn nhiều các loại rau quả tươi và các thứ có nhiều chất sợi và cho bã “độn ruột”; bớt thịt, bớt mỡ, bớt chất nhiều calori; tránh ăn quá nhiều một số thức ăn chiên xào, nhất là đồ nướng vì có nhiều chất hydrocarbon sinh UT; các thức ăn chứa hóa chất độc hại như hàn the, phẩm màu công nghiệp; thức ăn làm dưa, làm muối như cá khô, thịt hun khói vì phương thức giữ thức ăn có thể làm tổng hợp chất nitrôsimin có khả năng gây UT.Giữ vệ sinh thân thể, săn sóc thật kỹ răng miệng; vệ sinh sinh dục...
* Xin cảm ơn GS!
LÊ THANH HÀ thực hiện
* UT chỉ là một bệnh hay có nhiều thứ?
- Có trên 100 loại UT khác nhau. Có UT mọc từ các bắp thịt và xương, có thứ có gốc từ da hoặc lớp lót mặt các cơ quan, có thứ xuất phát từ máu. Có loại phát triển chậm, có loại nhanh, có thứ phình to như trái banh, có thứ ăn luồn...
* Phải chăng tất cả UT đều là bướu?
- Trừ UT máu, hầu hết UT đều xuất hiện dưới hình thức khối u.
* Bướu nào cũng là UT hay sao?
- Không. Bướu được phân ra loại lành, loại ác. Bướu ác mới là UT.
* Các bướu lành có thể trở thành UT hay không?
- Chỉ có một số nhỏ bướu lành có thể trở thành UT.
* Phơi nắng nhiều bị UT da có đúng không?
- Trong ánh sáng mặt trời có tia cực tím có khả năng gây UT da. Người da sậm (vàng, đen) thì không sợ lắm vì da có sẵn nhiều sắc tố chống tia cực tím.
Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )

No comments:

Post a Comment