Wednesday, June 29, 2016

Thở và em




ban doi
THỞ VÀ EM
Tạ Thị Ngọc Thảo

Tôn giáo của tôi rất đơn giản, nó là sự tử tế - Đạt Lai Lạt Ma XIV




Em đừng hỏi vì sao tôi cưới em
Chỉ đơn giản bên em tôi thở được

Đó là hai câu thơ của thầy tôi làm tặng người vợ thân yêu của mình khi thầy bị bệnh phải nhập viện.

Mươi năm trước, khi chưa già, còn làm việc, còn khỏe, thầy lẫm liệt, uy nghi, thông thái lắm. Là một người có cái đầu sáng, lại diễn đạt ý tưởng qua ngòi bút tài hoa, những góp ý của thầy cho chính sách vĩ mô như vầng trăng rằm xóa tan u tối. Thầy cũng là người có cuộc sống điều độ, chỉnh chu, giàu lòng trắc ẩn với người, vật, cỏ cây, dòng nước và bóng mát... Dù thường xuyên dự tiệc chiêu đãi cấp cao thầy vẫn âm thầm ăn uống kham khổ như bữa cơm của chùa nghèo. Lãnh đạo, cộng sự, bạn bè, gia đình, xã hội ai cũng trân trọng và quý mến thầy.

Thế nhưng sanh, lão, bệnh, tử không chừa một ai, kể cả một người tâm trí bình thản, nhịp sống chừng mực như thầy. Bây giờ, ở độ tuổi nhỉnh hơn 90 một chút thầy mắc nhiều bệnh, phải nhập viện. Đầu tiên, bác sĩ nghi thầy ung thư máu, rồi lại nghi thầy ung thư phổi, may sao hai chứng bệnh hiểm nghèo này được bệnh viện loại trừ. Riêng tôi khi vào bệnh viện thăm thầy, không đủ kiến thức chuyên môn để đọc kết quả xét nghiệm, chỉ nhìn hai bàn chân sưng vù, người mỏng như liễu, da xanh như lá, tứ chi không thực hành hiệu lệnh của bộ não, thầy lại còn không tự đọc sách và viết được, liền biết thầy sức mòn, hơi cạn. Chuyện tiêu diêu mây trời nên tính bằng tháng, đừng tính bằng năm. May sao thầy còn làm thơ được, nhưng chỉ làm thơ tặng vợ. Thầy nói: “Từ hôm nhập viện đến nay thầy đã đọc cho cô chép được 8 bài thơ”, rồi thầy đọc cho tôi nghe hai câu trong 8 bài thơ ấy: Em đừng hỏi vì sao tôi cưới em/ Chỉ đơn giản bên em tôi thở được.
Khi thầy đọc thơ, tôi thấy hai gò má của thầy và vợ thầy đều ửng hồng. Ửng hồng ở độ tuổi hơn 90 là hiếm. Hiếm hơn khi cả hai trong hoàn cảnh một người bệnh già và một người nuôi bệnh cũng già không kém.

Thầy tôi bệnh, đương nhiên rất nhiều người đến thăm, từ người làm lớn, làm vừa, làm nhỏ nhưng, tất cả chỉ đến thăm một lần, hiếm ai quay lại lần hai. Chỉ riêng vợ của thầy, chuyển hẳn vào ở trong bệnh viện để sớm tối được bên thầy, lo cho thầy ăn, dỗ cho thầy ngủ. Ngày tôi vào thăm không thể báo trước, vì không cách chi liên lạc được, nhờ vậy mới thấy được cảnh thầy tôi nằm trên giường bệnh, vợ thầy ngồi bên cạnh, đôi bàn tay lần vào mái tóc lơ thơ của thầy xoa xoa cho thầy dễ ngủ. Phòng bệnh không mở đèn, ánh nắng buổi sáng hắt từ cửa sổ chiếu vào bình hoa Loa Kèn trắng muốt, loài hoa thường nở rộ vào cuối Xuân ở Hà Nội; chắc cô vừa mới cắm tặng thầy? Phòng bệnh có những cành hoa tươi thắm, có tình người này đằm thắm với người kia, khiến sự ảm đạm tạm lùi xa.

Trong một gian phòng người và cảnh ấm áp như vậy, thay vì chìm đắm để tận hưởng, tôi lại nghĩ, nếu thầy của tôi qua đời thì người ở lại sẽ như thế nào?. “Chim khuyên ăn trái nhãn lồng/ Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, hoặc mặn mà như vợ chồng của thầy “Tôi thở được khi có em, em thở được khi có tôi, ta thở được khi có nhau” rồi, đột nhiên một trong hai người biến mất, điều gì xảy ra?

 Trước đây tôi đinh ninh rằng, yêu thương nhau, lấy được nhau, sanh con đẻ cái với nhau, là sướng; sướng vô cùng. Bây giờ, tại đây, trong phòng bệnh này, chứng kiến sự âu yếm của một cặp vợ chồng già, một cái gì đó vỡ òa trong nhận thức, giúp tôi hiểu một cách sâu sắc thế nào là “Ái biệt ly khổ”.
Khi chào về, biết thầy là một người thích thơ, tôi đọc tặng thầy vài câu trong bài kệ “Vô tánh” của Lục Tổ Huệ Năng: “Phật Pháp tại thế gian/ Không lìa đời giác ngộ”, và rằng: “Ghét yêu đừng quan tâm/ Duỗi dài chân nằm nghỉ”. Nghe vậy thầy cười, giọng bình thản: “Thầy có chiêm nghiệm triết học Phật, thầy đã dặn cô dù hoàn cảnh nào cũng an nhiên, thọ nhận”.

Ái biệt ly là khổ, nhưng nếu ta hiển thị có gia đình, luôn sống tử tế với cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu và những người chung quanh mà thân không vướng mắc, tâm không đắm nhiễm, thì: Ái, biệt ly, nhưng không khổ.

Phẩm Bát Nhã trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng, sống được vậy “như thấy cảnh giới chư Phật, đến được địa vị của Phật”./.

No comments:

Post a Comment