Người già Sài Gòn
Người già Sài Gòn hay người già nói chung ưa sống bằng hoài niệm. Điều gì vừa mới xảy ra thì chóng quên nhưng những gì thuộc về quá khứ, thuộc về kỷ niệm lại nhớ hoài, nhắc mãi. Chính vì nhớ hoài, nhắc mãi mà người trẻ ưa cho rằng người già lèm bèm, không ít kẻ bỏ chạy thục mạng mỗi khi người già khởi sự... phát sóng. Người già từng là người trẻ với những vấp váp, nông nổi, thấy bọn trẻ làm bậy, làm liều thì ngứa mắt, chỉ muốn quát tháo, bảo ban, cũng vì thế mà người trẻ dị ứng với người già bởi những “bài giảng” bất tận. Người già có nhu cầu tâm sự rất cao, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu lắng nghe hoặc có đủ thời gian lẫn kiên nhẫn ngồi nghe. Dòng sống cứ thế chảy trôi, chẳng ai kịp lắng nghe ai, chẳng ai kịp hiểu ai, mâu thuẫn giữa người trẻ với người già vì thế tồn tại, muôn đời… Người già nhạy cảm với thời tiết. Trời nóng người già tăng huyết áp, trở lạnh người già cảm, ho… Người già Sài Gòn còn gánh chịu bao nhiêu là tiếng ồn, khói bụi của người trẻ, của thành phố công nghiệp trẻ. Người già về hưu càng chóng già bởi cảm giác mình... phế thải, vô dụng, ăn bám. Và không phải người già nào cũng có lương hưu hoặc số lương còm cõi ấy khả dĩ đủ để chẳng phải trông cậy vào con cháu. Không hiếm người già cả đời hết nuôi con về già lại trông cháu, và không ít người trẻ vô tình biến người già thành một dạng ôsin không lương. Không phổ biến nhưng cũng chẳng quá hiếm hoi những người già bị con cháu lén lút hoặc công khai gửi vào các trại dưỡng lão sống những ngày cuối đời lay lắt, vật vờ… Trẻ con có té mới biết đi, biết chạy, mới lớn lên. Người già té một cái là có chuyện, là đổ bệnh, bệnh một trận là tóc trắng mỗi ngày, là sắc diện như xe đổ dốc không phanh. Có bài hát ví von thô sơ và buồn thảm về người già vẫn được phát trên các phương tiện nghe-nhìn: Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng... Người già như cỗ máy đã chạy rất lâu và không phải cỗ máy nào sau mấy mươi năm vẫn... chạy tốt. Nhu cầu thể dục thể thao của người già là cần kíp nhưng không phải con cháu nào cũng quan tâm đủ và đúng mức, không phải người già nào cũng có điều kiện đến công viên tập thể dục mỗi sáng mỗi chiều, cũng bởi số công viên ít ỏi của Sài Gòn ngày càng bị thu hẹp. Người già cần lắm cây xanh, nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện có một mảnh vườn, một khoảng sân nhỏ đủ để người già được trồng tỉa, chăm sóc vài ba cây cảnh. Người trẻ quăng đâu cũng ăn được, ngủ được, sống được; người già không thế, một tiếng động cũng khiến người già thức giấc, trằn trọc, mà Sài Gòn thiếu chi tiếng động. Không ít ồn ào còn do người trẻ vô tình hoặc cố ý gây ra, trong đó hẳn nhiên có tiếng rồ ga, tiếng dằn mâm xán chén mỗi khi người trẻ bực bội, la mắng con cái… Xem báo, nghe đài thường chỉ nghe “lo cho tương lai lớp trẻ”, chứ ít ai nói ngược lại “lo cho tương lai người già”, bởi người già thì còn “tương lai” gì nữa mà lo! Thế nhưng có đấy, người già chính là tương lai của người trẻ...
SONG PHẠM
------------
------------
No comments:
Post a Comment