Wednesday, May 25, 2016

Trang thơ Phạm Thiên Thư

Phạm Thiên Thư
Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại Lạc Viên, Hải Phòng trong một gia đình Đông y. Quê cha ở xã Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình. Quê mẹ ở xã Trung Mẫu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ năm 1943 đến 1951, ông sống ở trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương. Từ năm 1954 cho đến nay, ông cư ngụ ở Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Ông từng đi tu trong 10 năm từ 1964 đến 1973 và rồi hoàn tục, nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Trong thời gian tu hành ông đã làm thơ. Ông được coi là “người thi hóa kinh Phật” (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo. Nhiều thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, và trở nên phổ biến trong công chúng, có thể kể đến Ngày xưa Hoàng Thị, các bài Đạo ca…
Năm 1973 ông đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu truyện Kiều – Đoạn trường vô thanh. Từ năm 1973 đên 2000 ông nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn Dưỡng sinh Điển công Phathata (viết tắt chữ Pháp – Thân – Tâm).
Tác phẩm đã in:
  • Thơ Phạm Thiên Thư (1968)
  • Kinh ngọc (thi hoá Kinh Kim Cương)
  • Động hoa vàng (Thơ, 1971)
  • Đạo ca (Nhạc Phạm Duy)
  • Hậu truyện Kiều – Đoạn trường vô thanh (1972)
  • Kinh thơ (thi hoá Kinh Pháp Cú)
  • Quyên từ độ bỏ thôn Đoài (Thơ)
  • Kinh hiếu (thi hóa)
  • Kinh hiền (thi hoá Kinh Hiền Ngu, gồm 12.000 câu lục bát)
  • Ngày xưa người tình (thơ)
  • Trại hoa đỉnh đồi (thơ, 1975)
  • Thơ Phạm Thiên Thư (NXB Đồng Nai tái bản, 1994)
  • Tự điển cười (24.000 bài tứ tuyệt tiếu liệu pháp. Năm 2007, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục là người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ)
  • Vua núi vua nước (tức Sơn Tinh Thủy Tinh, NXB Văn hóa Thông tin, 2003).
  • Các tác phẩm đã được phổ nhạc: Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Em lễ chùa này, Huyền thoại trên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ (nhạc Phạm Duy), Như cánh chim bay (nhạc Cung Tiến), Guốc tía, Đôi mắt thuyền độc mộc (nhạc Võ Tá Hân), Độc huyền (nhạc Nguyễn Tuấn), Động hoa vàng (nhạc Trần Quan Long).
    Tác phẩm sắp xuất bản: Huyền ngôn xanh, Những lời thược dược, Nhân gian, Uyên ngôn vàng, Từ điển ý đẹp, Uyên ngữ hồng, Ngôn ngữ tím, Thơ Phạm Thiên Thư, Trại hoa đỉnh đồi, Ngày xưa người tình


    Vàng đóa hoa dương
              
    Đêm đêm ta trở về
    Hồn ta còn ẩn lại
    Dưới chùm hoa man dại
    Là nụ cười lách lau
    Những giờ ta xa nhau
    Là tình thêm níu lại
    Mười ngón dài vụng dại
    Cầm mảnh ngày rơi mau
    Thời gian như con cá
    Quẫy khỏi lòng bàn tay
    Thời gian như chiếc lá
    Rụng xuống đau nhành cây
    Thêm một ngày mất đi
    Gói buồn trong tà áo
    Ta gửi hồn khờ khạo
    Nấp trong rừng tóc hương
    Ai có đi bên đường
    Vô tình va cánh gió
    Có nghe gì trong đó
    Một tiếng lòng ta vương
    Một ngày như sông Thương
    Một nửa trong nửa đục
    Ta thương con bèo lục
    Vàng một đóa hoa dương
              
    Ngày xưa Hoàng Thị           
    Em tan trường về
    Đường mưa nho nhỏ
    Trao vội chùm hoa
    Ép vào cuối vở
    Thương ơi vạn thuở
    Biết nói chi nguôi!
    Em mỉm môi cười
    Anh mang nỗi nhớ
    Hè sang phượng nở
    Rồi chẳng gặp nhau
    Ôi mối tình đầu
    Như đi trên cát
    Bước nhẹ mà sâu
    Mà cũng nhoà mau
    Tưởng đã phai màu
    Đường chiều hoa cỏ
    Mười năm rồi Ngọ
    Tình cờ qua đây
    Cây xưa vẫn gầy
    Phơi nghiêng ráng đỏ
    Áo em ngày nọ
    Phai nhạt mấy màu?
    Chân tìm theo nhau
    Còn là vang vọng

    No comments:

    Post a Comment