Friday, September 1, 2017

Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tụ tiểu cầu

Image result for anticoagulant medications


Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tụ tiểu cầu là những thuốc làm giảm sự hình thành cục máu đông trong động mạch, tĩnh mạch hoặc trong tim. Các cục máu đông có thể làm tắc dòng máu đến cơ tim và gây ra đau tim. Chúng cũng có thể làm tắc dòng máu đến não, gây ra đột quỵ.
Tôi nên biết những gì về thuốc chống đông máu?
Chống đông máu (hoặc đôi khi còn gọi là "thuốc làm loãng máu") là loại thuốc làm chậm quá trình tạo huyết khối. Ví dụ về loại thuốc này gồm heparin, warfarin, dabigitran, apixaban và rivoraxaban. 

Thuốc chống đông máu làm cho máu khó vón cục hơn hoặc giữ cho các huyết khối hiện có không phát triển trong tim, tĩnh mạch hoặc động mạch của quý vị. Việc điều trị nên để cho người chăm sóc sức khỏe của quý vị quản lý.
  • Hãy làm theo chỉ dẫn của bác sĩ (hoặc người chăm sóc sức khỏe khác) của quý vị.
  • Nếu quý vị dùng thuốc warfarin hoặc heparin, hãy tiến hành các xét nghiệm máu thường xuyên để bác sĩ của quý vị có thể nhận biết tác dụng của thuốc.
    • Xét nghiệm dành cho người đang dùng warfarin gọi là xét nghiệm thời gian prothrombin (PT) hoặc Tỉ lệ Chuẩn hóa Quốc tế (INR).
    • Xét nghiệm dành cho người đang dùng heparin gọi là xét nghiệm thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa  (aPTT).  
  • Không bao giờ được dùng aspirin cùng với thuốc chống đông máu, trừ khi bác sĩ yêu cầu quý vị làm như vậy.
  • Quý vị phải báo cho người chăm sóc sức khỏe khác biết rằng mình đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Luôn kiểm tra với bác sĩ của quý vị trước khi dùng thuốc hoặc các chất bổ sung khác, chẳng hạn như aspirin, vitamin, thuốc cảm lạnh, thuốc giảm đau, thuốc ngủ hoặc kháng sinh. Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc chống đông máu thông qua việc gia tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc đó.
    • Hãy báo cho bác sĩ của quý vị biết nếu quý vị đã bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc mới nào có thể tác động tới hiệu quả của của warfarin.
  • Hãy thảo luận chế độ ăn với người chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các thực phẩm giàu Vitamin K có thể giảm hiệu quả của warfarin. Vitamin K có trong các loại rau xanh, lá rau, cá, gan, đậu lăng, đậu nành và một số loại dầu thực vật. 
  • Hãy báo cho gia đình của quý vị biết rằng quý vị đang dùng thuốc chống đông máu và mang theo mình thẻ ID y tế khẩn cấp.
Thuốc chống đông máu có thể gây ra các vấn đề gì?
Nếu quý vị làm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, thì có thể sẽ không có vấn đề gì. Nhưng quý vị phải báo cho bác sĩ ngay nếu như:
  • Nước tiểu của quý vị có màu đỏ hoặc nâu sẫm. Đây có thể là dấu hiệu chảy máu đường tiết niệu.
  • Phân có màu đỏ, nâu sẫm hoặc màu đen. Đây có thể là dấu hiệu chảy máu đường ruột.
  • Quý vị ra kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.
  • Quý vị bị chảy máu nướu răng.
  • Quý vị bị đau đầu hoặc đau dạ dày dữ dội mà không đỡ.
  • Quý vị bị mệt hoặc cảm thấy yếu ớt, ngất xỉu hoặc choáng váng.
  • Quý vị nghĩ rằng mình có thai.
  • Quý vị thường xuyên có các vết bầm tím hoặc các vết phồng tụ máu.
  • Quý vị bị bất kỳ loại tai nạn nào.
Tôi nên biết những gì về thuốc chống kết tụ tiểu cầu?
Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu giúp ngăn hình thành huyết khối bằng việc ngăn các tiểu cầu dính vào nhau.
Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ và đau tim – cũng như những người đang tìm cách tránh các sự cố này – được điều trị bằng hai loại chất chống ngưng tập tiểu cầu giúp ngăn việc hình thành huyết khối: aspirin và chất ức chế P2Y12.  Đây được gọi là liệu pháp điều trị chống ngưng tập tiểu cầu kép (DAPT).
Hầu như mỗi người bị mắc bệnh động mạch vành, bao gồm cả những người bị đau tim, có đặt ống đỡ động mạnh, hoặc phẫu thuật CABG, đều được điều trị bằng aspirin trong suốt phần đời còn lại của họ.
Chất ức chế P2Y12 thường được kê trong nhiều tháng hoặc nhiều năm cùng với liệu pháp điều trị aspirin.  Quý vị có thể được kê một trong ba loại thuốc này -- clopidogrel, prasugrel, hoặc ticagrelor.  Không nên kê thuốc Prasugrel nếu quý vị bị đột quỵ hoặc có cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Loại thuốc mà bác sĩ của quý vị kê đơn sẽ dựa vào việc họ cảm thấy thuốc nào tốt nhất cho quý vị, căn cứ trên rủi ro chảy máu và hình thành huyết khối của quý vị.
Tôi có cần phải mang theo một chiếc thẻ căn cước cấp cứu y tế không?
Có, hãy luôn mang theo chiếc thẻ này. Hãy đeo nó - trên người hoặc giữ trong ví hoặc bóp. Thẻ này cần có những thông tin sau đây:
  • Tên các loại thuốc quý vị đang dùng.
  • Họ tên, số điện thoại và địa chỉ của quý vị.
  • Họ tên, địa chỉ và số điện thoại của bác sĩ của quý vị.
Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Hãy gọi 1-800-AHA-USA1 (1-800-242-8721), hoặc truy cập heart.org để tìm hiểu thêm về bệnh tim và đột quỵ.
  2. Đăng ký nhận tạp chíHeat Insight, một tạp chí miễn phí dành cho bệnh nhân tim và gia đình, tại heartinsight.org.
  3. Kết nối với những bệnh nhân khác chia sẻ cùng hành trình điều trị bệnh tim và đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại heart.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm heart.org/answersbyheart để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi hoặc có điều gì đó muốn trao đổi với bác sĩ hoặc y tá? Hãy dành vài phút viết ra câu hỏi của chính quý vị để mang theo trong lần tiếp theo đến gặp nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ví dụ:
Tôi nên dùng loại aspirin nào, liều dùng nào phù hợp với tôi?

©2017, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)

No comments:

Post a Comment