GIỮ CHÁU: MỘT NIỀM VUI CỦA TUỔI GIÀ
Nguyễn thượng Chánh & Nguyễn ngọc Lan
Đa số trong chúng ta thuộc thế hệ baby boomer đều bước qua ngưỡng cửa của tuổi 60, và chắc là đã lên chức ông bà ngoại hoặc ông bà nội từ lâu rồi. Nay thì nghỉ hưu, lãnh tiền già, sống tà tà, vui hưởng tuổi già và chờ ngày...ra đi.
Sống tại xứ người khác với sống ở quê nhà. Bên nầy hầu như mạnh ai nấy lo, đầu tắt mặt tối phải lo đi cày để sống, để trả nợ con, nợ nhà và nợ xe, v.v....
Già hay trẻ gì cũng đều có nỗi lo riêng của nó hết!
Một trong nhiều nổi khổ tâm của giới trẻ tại Bắc Mỹ là vấn đề tìm người, mướn người giữ con để có thể đi làm, hay mỗi khi cả hai vợ chồng đều bị kẹt hoặc bận việc gì đó nên không thể giữ con được, v.v ...
Chuyện coi thường như vậy mà không phải dễ đâu!.
Vấn đề là phải tìm được nơi tín nhiệm hoặc người babysit kỹ lưỡng và đáng tin cậy. Một số bạn may mắn có cha mẹ ở đâu đó không xa mấy, nên thỉnh thoảng nếu lỡ kẹt thì cũng có thể nhờ ông bà nội hay ông bà ngoại giữ hộ cháu bé là thượng sách nhất.
Babysit là một job...thiện nguyện hay là job chùa, nhưng lại là một niềm vui của những cặp vợ chồng già Việt Nam tại xứ người.
Có thể nói là mỗi khi con cái nhờ cha mẹ một việc gì, thì chắc chắn là cha mẹ mau mắn ok liền chớ ít khi nào nỡ chối từ lắm. Còn ngược lại thì hổng chắc lắm đâu nghen...Người ta bảo nước mắt chảy xuôi mà lỵ!
Mỗi người, mỗi nhà đều có mỗi cách giáo dục dạy bảo con cháu khác nhau, không ai giống ai hết. Có gia đình thì còn hơi khắc khe khuôn mẫu như lúc họ còn ở bên nhà, nhưng nói chung phần đông ông bà Việt Nam tại hải ngoại cũng đã cởi mở rất nhiều lắm rồi. Đây là những người thức thời, biết thích ứng vào hoàn cảnh nơi đang sinh sống.
Hai vợ chồng tác giả cũng không thoát ra khỏi quy luật tre tàn măng mọc như bao nhiêu gia đình khác.
Từ hơn một năm nay, mình được lên chức làm ông bà ngoại nên thỉnh thoảng được con gái nhờ babysit cháu. Đang sống trong tâm trạng hội chứng trống ổ buồn chán thấy mồ, nay đàn chim lại bay trở về ổ thì còn gì hơn nữa. Là cha mẹ, chúng ta có bổn phận tinh thần phải giúp đỡ con cháu của mình vô điều kiện. Cha mẹ một ngày, vẫn là cha mẹ mãi mãi!
Việc giữ cháu cũng đem đến cho ta những niềm vui nho nhỏ, giúp cho cuộc sống bớt tẻ nhạt, và cuộc đời hình như có ý nghĩa hơn lên.
Phải nói rõ, công lớn là của bà ngoại cháu, từ việc săn sóc, cho bú, cho ăn, thay tã, lau chùi tắm rửa đứa nhỏ, v.v...bà ngoại đều giành làm hết. Có lẽ đó là cũng do cái thiên chức và bản năng nuôi con tự nhiên của người phụ nữ...
Ông ngoại chỉ chạy vòng ngoài và chờ lệnh mà thôi... Ông ngoại được giao cho bồng ẫm hun hít, hoặc chơi đùa với nó là khoái lắm rồi. Đã lắm, sướng lắm bạn ơi!. Người ta nói già trẻ bằng nhau mà, chắc cũng đúng. Gần bên cháu, ông ngoại có cảm tưởng mình trẻ lại được vài chục tuổi như chơi. Ông ngoại bò chơi với cháu cả buổi cũng chưa thấy chán. Tập cho trẻ nói bập bẹ cái nầy cái kia, mới thấy thật là dễ thương làm sao. Tuần nào không thấy mặt cháu, thì mình nhớ kinh khủng.
So với các bạn khác, mình cũng chưa có kinh nghiệm nhiều vì chỉ mới làm ông bà ngoại lần đầu tiên mà thôi. Bên nầy, chuyện săn sóc trẻ nhỏ, cho ăn cho bú cũng có khi hơi khác hơn những gì mình đã biết và thường quen làm ngày xưa ở bên nhà. Bởi vậy muốn làm gì hơi khác thường, thì nên hỏi ý con mình tức là cha mẹ của cháu bé trước rồi hãy làm, chớ đừng ỷ mình là tía má của chúng mà làm đại có khi bị chúng cự nự. Đừng quên là mình đang sống ở Canada và Hoa Kỳ chớ không phải bên Việt Nam.
Nghề gì cũng vậy phải cần học hỏi hết, kể cả nghề làm ông bà.
Bên nầy có rất nhiều sách viết về phương pháp giữ trẻ, và nghệ thuật để trở thành ông bà tốt (grandparenting). Dĩ nhiên sách báo viết theo bối cảnh Âu Mỹ dựa vào văn hóa, phong tục, tập quán và cách hành sự của xã hội Tây phương, khác với những giá trị đạo đức của người Việt Nam mình.
Khó có thể nói bên nào đúng bên nào sai hết. Chúng ta cần điều chỉnh lại cách suy nghĩ để thích nghi với hoàn cảnh mới, tránh trường hợp xung khắc với con cháu do sự dị biệt về tuổi tác và văn hóa (generation gap, culture gap) tạo nên...
Đừng quên là con cái chúng ta đã lớn lên và được giáo dục tại xứ người với những giá trị khác hơn các giá trị của cha mẹ chúng đã hấp thụ được ở bên nhà. Cái quan trọng là phải biết dung hoà hai nền văn hóa lại với nhau.
Là người Việt Nam chúng ta cố gắng giữ lại phần nào cái nếp văn hóa của mình, ít nhất là trong sinh hoạt gia đình.
Nhận giữ cháu thì ông bà phải có trách nhiệm nhiều lắm.
Vấn đề coi thì đơn giản như vậy, nhưng chúng ta cần để ý một số điểm sau đây để cho tình cảm của ông bà và con cháu không bị sứt mẻ:
*- Mối giao hảo giữa các cháu và ông bà còn tùy thuộc vào một số điều kiện khách quan như chúng ở gần hay ở xa nhà ông bà; thỉnh thoảng mới nhờ giữ hộ hay trở thành một thông lệ thường xuyên. Có bao nhiêu cháu? Đây là lần đầu tiên hay nhiều lần rồi?.
*- Tình cảm của cháu đối với ông bà cũng tùy thuộc vào tình cảm của ông bà dành cho cha mẹ của cháu.
*- Xung khắc trong mối quan hệ. Cha mẹ của cháu có được ông bà đối xử bình đẳng như người đã trưởng thành hay không? hay cha mẹ của chúng vẫn còn bị ông bà xem như còn là...con nít, nên bị xài xể thường xuyên vì cư xử không đúng theo ý ông bà mong muốn?
*- Không nên rầy la chỉ trích con cái mình trước mặt con của chúng. Nên nhớ là con cái của mình nay dã lớn, là một người đã trưởng thành rồi, nên chúng có tự do và toàn quyền quyết định làm những gì chúng nó thích.
*- Tuổi tác của ông bà cũng rất quan trọng trong việc giữ cháu. Nếu ông bà còn trong hạn tuổi 60 thì chắc chắn là còn nhiều sức, và thời gian sinh hoạt vui đùa cùng cháu hơn là ông bà đã ngoài 80 tuổi.
*- Tình trạng sức khỏe của ông bà cũng là một giới hạn trong việc giữ trẻ.
*- Tôn trọng nguyên tắc ủy thác quyền. Ông bà và cha mẹ các cháu phải thống nhất ý kiến trong cách dạy dổ các cháu. Một sự lủng củng, không đồng nhất quan điểm về giáo dục khiến đứa trẻ sẽ hoang mang bối rối.
*- Ông bà phải tôn trọng các giá trị tinh thần cũng như các nguyên tắc về an ninh cho đứa trẻ. Phải hết sức thận trọng, coi chừng trẻ bị té ngã hoặc nuốt đồ vật lạ nguy hiểm.
*- Phải cương quyết tôn trọng, và bảo vệ các điểm thiết yếu về giáo dục vì đứa bé có thể khai thác sự bất đồng quan điểm của người lớn để đòi hỏi nầy nọ và lâu ngày trở nên rất khó dạy.
*- Nên nhớ mình chỉ là ông bà mà thôi, còn cách dạy dỗ là quyền của cha mẹ đứa bé. Ngoại trừ trường hợp cha mẹ đứa bé lâm trọng bệnh, ở tù hoặc đã chết thì lúc đó mình mới có thể thay mặt cha mẹ cháu trong việc giáo dục.
*- Nên tránh so bì ganh ghét lẫn nhau giữa bên nội và bên ngoại về vấn đề bên nầy có thể giàu sang hơn bên kia, nên cho ca đô lớn hơn, nhiều hơn để chinh phục tình cảm của cháu, để được cháu thương nhiều hơn (?)... Nên nghĩ đến sự an vui và hạnh phúc của cháu hơn là sự ích kỷ của người lớn.
*- Giữ cháu không có nghĩa là mình phải hy sinh cuộc sống cá nhân của mình. Từ chối babysit nếu mình cảm thấy bị lợi dụng, nhờ cậy lúc không cần thiết, hoặc mình mệt mỏi không còn hứng thú trong việc giữ cháu nữa. Phải can đảm nói rõ cảm nghĩ của mình, nói rõ lòng mình cho con cái biết.
Kết luận
Giữ cháu là một niềm vui, đồng thời cũng là một bổn phận của chúng ta trong tuổi xế chiều.
“Điều tốt đẹp nhất trên thế giới không thể nào nhận thấy được, hoặc sờ mó đến được, nó phải được cảm nhận qua con tim mà thôi”(The best and most beautiful things in the world cannot be seen,or even touched; they must be felt with the heart. Helen Keller)
No comments:
Post a Comment