Monday, July 24, 2017

Bệnh Mạch máu Ngoại Biên


Image result for peripheral vascular disease


Bệnh về mạch máu ngoại biên (PVD) thuộc các bệnh về mạch máu bên ngoài tim và não. Đó thường là chỗ hẹp của các mạch máu dẫn máu đến chân, tay, dạ dày hoặc thận.

Có hai loại bệnh PVD:
  • Bệnh Mạch máu Ngoại Biên (PVD) Chức năng không liên quan đến những khiếm khuyết trong cấu trúc mạch máu. (Mạch máu không bị tổn thương thực thể). Những bệnh này thường có các triệu chứng liên quan đến "spasm" (co cứng), vốn có thể tái đi tái lại.
  • Bệnh Mạch máu Ngoại Biên (PVD) Nội tạng gây ra bởi những thay đổi trong cấu trúc mạch máu. Các ví dụ có thể bao gồm sưng viêm và tổn thương mô.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là một dạng của bệnh mạch máu ngoại biên (PVD) liên quan đến nội tạng. Bệnh này là do các chất béo tích tụ (bệnh xơ cứng động mạch) bên trong thành động mạch. Chúng làm nghẽn dòng chảy bình thường của máu.

Bệnh động mạch ngoại biên có nguy hiểm không?

Có, với bệnh PAD, chất béo tích tụ ở bên trong thành động mạch. Những đám tắc này làm giảm lưu lượng máu, chủ yếu ở trong những động mạch đưa máu đến thận, dạ dày, cánh tay, chân và bàn chân. Nếu không được điều trị, PAD có thể dẫn tới hoại thư và khiến phải cắt bỏ chi. Nếu chỗ tắc xuất hiện trong động mạch cảnh, nó có thể gây ra đột quỵ. Hầu hết những người bị Bệnh Động mạch Ngoại Biên (PAD) có nguy cơ tử vong do đau tim và đột quỵ cao hơn.

Triệu chứng là gì?

Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường gặp của tuần hoàn máu kém ở chân là chuột rút, mệt, cảm giác nặng nề, đau hoặc khó chịu ở chân và mông khi hoạt động. Các triệu chứng này thường mất đi khi ngừng hoạt động. Đây được gọi là “chứng khập khiễng cách hồi”.

Các triệu chứng của sự tuần hoàn ở thận bị suy yếu bao gồm huyết áp tăng đột ngột hay huyết áp khó hoặc không thể kiểm soát được bằng thuốc. Các động mạch ở thận bị tắc nghiêm trọng có thể dẫn đến mất hay suy yếu chức năng thận.

Bệnh động mạch ngoại biên được chẩn đoán bằng cách nào?

Chẩn đoán PAD bắt đầu bằng bệnh sử và khám thể chất. Trong khi khám, bác sĩ có thể làm một xét nghiệm đơn giản gọi là ABI (chỉ số mắt cá chân - cánh tay). Sau đó, có thể làm các xét nghiệm khác. Bao gồm:
  • Chụp doppler và chụp ảnh siêu âm duplex
  • chụp cộng hưởng từ (MRA)
  • chụp CT tim
  • chụp X-quang mạch máu thông thường (dùng ống thông)
Bệnh động mạch ngoại biên được điều trị ra sao?
Phần lớn những người bị PAD có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc hoặc cả hai. Những thay đổi về lối sống để giảm nguy cơ gồm có:
  • bỏ thuốc lá (người hút thuốc dễ bị mắc PAD và có các triệu chứng PAD cao gấp 4 lần so với người không hút thuốc).
  • kiểm soát bệnh tiểu đường
  • kiểm soát huyết áp
  • tích cực hoạt động thể chất (gồm một chương trình thể dục được giám sát)
  • thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển dạng
PAD có thể cần điều trị bằng thuốc, bao gồm:
  • các chất chống kết tập tiểu cầu để phòng ngừa cục máu đông.
  • thuốc hạ cholesterol (statin)
  • thuốc trị huyết áp cao
Các thay đổi về lối sống (kể cả chương trình tập luyện) thường cải thiện được các triệu chứng hoặc ngăn không cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Ở một số bệnh nhân, thay đổi lối sống và dùng thuốc là chưa đủ. Khi đó phẫu thuật nong động mạch hoặc bắc cầu động mạch có thể cần thiết.
Kỹ thuật nong động mạch là một quy trình không phẫu thuật được dùng để mở rộng các động mạch bị hẹp hoặc nghẽn tắc. Một cái ống (ống thông) ở đầu có gắn một quả bóng đã xì hơi được đưa vào đoạn động mạch bị thu hẹp. Sau đó quả bóng được bơm căng lên, Điều này khai thông các đoạn động mạch bị hẹp. Sau đó làm xẹp bóng và rút ống thông ra. Thông thường, một ống đỡ (ống hình trụ có mắt lưới) được đặt vào chỗ động mạch tắc bằng ống thông. Lúc đó ống đỡ động mạch nở ra và chỗ nghẽn được mở. Ống đỡ nằm ở điểm đó, giữ cho động mạch bị bệnh luôn mở.

Nếu một đoạn dài của động mạch bị hẹp, có thể phải cần phẫu thuật bắc cầu động mạch. Một tĩnh mạch từ một phần khác của cơ thể hay một mạch máu tổng hợp được buộc vào trên hay dưới chỗ bị nghẽn tắc để cho máu đi vòng chung quanh nơi bị nghẽn tắc.


Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Hãy gọi 1-800-AHA-USA1 (1-800-242-8721), hoặc truy cập heart.org để tìm hiểu thêm về bệnh tim và đột quỵ.
  2. Đăng ký nhận tạp chíHeat Insight, một tạp chí miễn phí dành cho bệnh nhân tim và gia đình, tại heartinsight.org.
  3. Kết nối với những bệnh nhân khác chia sẻ cùng hành trình điều trị bệnh tim và đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại heart.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm heart.org/answersbyheart để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi hoặc có điều gì đó muốn trao đổi với bác sĩ hoặc y tá?
Hãy dành vài phút viết ra câu hỏi của chính quý vị để mang theo trong lần tiếp theo đến gặp nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ví dụ:

Tôi có nên kiểm tra xem có bị PVD không?

©2015, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)
 

No comments:

Post a Comment