Thursday, June 8, 2017

THÊNH THANG NHƯ BẦU TRỜI


Sharon Salzberg - Nguyễn Duy Nhiên dịch


Image result for sky


Có lần tôi hỏi một người quen: “Từ ngày anh tập thiền quán đến giờ, cuộc sống anh đã thay đổi như thế nào?” Không một chút do dự, anh đáp, trước khi tập thiền, những gì xảy ra trong tâm, anh có cảm tưởng như chúng diễn ra trong một rạp hát nhỏ hẹp, tối tăm, và chúng dường như rất là kiên cố và rất thực. Anh nói tiếp, và kể từ ngày thực tập thiền quán, anh thấy những gì đang xảy ra trong tâm mình cũng giống như một vở tuồng trình diễn trên một sân khấu rộng lớn ngoài trời vậy.
Ví dụ về sân khấu ngoài trời này của anh cũng khá ngộ nghĩnh. Trước lần nói chuyện đó, vài người bạn có rủ tôi đi xem một buổi nhạc kịch Opera - trình diễn trong một nhà hát ngoài trời tại Santa Fe, New Mexico. Những hàng ghế của khán giả được sắp đặt sao cho chúng tôi vừa có thể nhìn thấy sân khấu và cũng vừa nhìn thấy bầu trời bao quanh nó. Nhìn những nhân vật trên sân khấu diễn xuất những tình cảnh rối ren, phức tạp của đời sống, phía sau là một bầu trời rộng mở mênh mông, quả là một sự đối xứng thật tuyệt diệu. Cho dù vở tuồng có kịch liệt đến đâu, nhân vật có khổ đau đến mức nào, sung sướng ra sao, trên sân khấu, tất cả cũng đều nằm trong cái khung cảnh của một bầu trời mênh mông và rộng mở.
Thực tập thiền quán sẽ giúp ta nới rộng cái nhìn của mình ra. Chúng ta sẽ khám phá ra một không gian mới không có lằn mé, một tâm thức mới có thể chấp nhận hết mọi việc. Và sự tu tập của ta là để nuôi dưỡng cái thấy biết rộng lớn và bao la ấy. Đôi khi chúng ta có thể lầm tưởng rằng những gì trước mắt mình là thật, là vững chắc, nhưng thật ra chúng chỉ là một tuồng hát trên sân khấu mà thôi. Nếu ta biết lùi lại để nhìn cho rộng, cho rõ, kinh nghiệm của ta có thể sẽ thay đổi hoàn toàn. Nhưng vì chúng ta không có được cái nhìn ấy, mà đôi khi ý thức và năng lượng của ta thường bị dính mắc vào một vài sự kiện nhỏ bé nào đó. Chúng ta bị sự sai sử của thói quen, như William Blake nói, cứ tạo nên những cặp “còng tay tâm thức” để tự giam giữ mình lại trong những cái nhìn giới hạn và khiếm khuyết.
Thiền tập không có nghĩa là ta cố gắng chế ngự hoặc uốn nắn tâm mình theo một khuôn thức nào đó. Nhưng nó có nghĩa là ta kiên nhẫn dìu dắt tâm mình hướng về chánh niệm, từ bi, xả bỏ, và một tình thương rộng lớn. Cho dù bất cứ một việc gì xảy ra, ta vẫn tiếp tục đem tâm mình đến một nơi tĩnh lặng qua công phu thiền tập, và kinh nghiệm được sự thênh thang của một tâm thức từ bi và tuệ giác. Cho dù ngàn hạnh phúc hoặc vạn khổ đau có xảy ra trong cuộc đời chúng ta, nhưng cái không gian thênh thang ấy, như sự có mặt của bầu trời, sẽ có thể chuyển hóa được tất cả.

Không bao giờ cô độc
Quán tâm từ, hay metta, là một trong những phương pháp thiền tập chủ yếu trong truyền thống Phật giáo. Theo phương pháp này, ta trang trải tâm từ của ta đến cho chính mình, và rồi nới rộng ra đến những người thân yêu, bạn bè, người quen, những kẻ khó khăn, và cuối cùng đến tất cả mọi chúng sinh trên khắp mọi nơi.
Có lần, khi tôi đang hướng dẫn một khóa tu về quán tâm từ, một thiền sinh kể cho tôi nghe về ảnh hưởng của pháp tu này trong cuộc đời của cô. Cô kể trong năm vừa qua, cô đã gặp toàn những mất mát và thất vọng trong cuộc sống. Nhưng có một việc đã giúp cô cảm thấy bớt sầu khổ rất nhiều. Cô nghĩ rằng, có một nơi nào đó trên quả đất này, một người nào đó đang trang trải tâm từ của họ đến cho tất cả mọi chúng sinh ở khắp mọi nơi. Theo định nghĩa thì trong số tất cả người nhận phải có luôn cả cô nữa. Có một người ở một nơi chốn xa lạ, chưa bao giờ gặp cô, không hề biết hoàn cảnh của cô, không có một liên hệ gì đến cô, mà vẫn gởi gắm những tư tưởng thương yêu của họ đến cho cô. Người ấy đang mở rộng trái tim của mình ra, cầu mong cho cô được hạnh phúc, bình an và tự do. Việc ấy xảy ra chỉ đơn giản bởi vì cô có mặt, vì cô là một sự sống. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để cô xứng đáng được tiếp nhận tình thương của người kia rồi. Ý nghĩ ấy, cô kể, là sức mạnh duy nhất giúp cô đứng vững, cho cô can đảm để tiếp tục sống, giữ con tim cô khỏi tan nát trong những giờ phút tuyệt vọng nhất.
Biết rằng trong giây phút này, lúc nào cũng có một người nào đó đang trang trải tình thương của họ đến cho ta và cho tất cả mọi người, thật là kỳ diệu. Không hề biết gì về bạn, không biết bạn là ai, không biết bạn tốt xấu ra sao, không đòi hỏi một sự trả ơn nào, cũng không phải vì bổn phận, nhưng chỉ vì bạn hiện hữu - có một người ngay trong giây phút này đang thật sự cầu mong cho bạn được hạnh phúc và bình an. Nếu ta ý thức được việc ấy giống như cô thiền sinh trong khóa tu, ta sẽ hiểu rằng mình không bao giờ cô lập trong nỗi khổ của mình. Cho dù bất cứ là một tình cảnh nào đi chăng nữa, ta cũng không bao giờ hoàn toàn cô độc, chúng ta đều đã và đang tiếp nhận một năng lượng thương yêu từ mọi nơi. Và khi ta thực tập từ bi quán trang trải tâm từ của mình, là ta đang dâng tặng một món quà rất chân thật và mãnh liệt. Và chắc chắn rằng có một người ở một nơi xa xôi nào đó đang tiếp nhận năng lượng tình thương ấy và cảm thấy hạnh phúc.

Tiếp xúc với cơn đau
Kinh nghiệm nổi bật và chế ngự tôi nhiều nhất khi tôi mới bắt đầu tập thiền là cái đau của cơ thể. Trước đó, chẳng những tôi đã chưa bao giờ biết thiền là gì mà cũng chưa từng tập ngồi tréo chân lần nào hết. Rồi đột nhiên, bây giờ tôi ở Ấn Độ, cố gắng ngồi trên sàn nhà trong một tư thế kiết già. Không có ghế để ngồi, không có tọa cụ, mà lúc này cũng chưa có sự sáng chế của chiếc đòn gỗ giúp cho tư thế quỳ gối. Tôi phải ngồi trên một túi ngủ cuốn tròn lại hoặc trên một chồng quần áo của mình.
Trong cơ thể tôi thì cố hữu đã có biết bao nhiêu là những sự căng thẳng rồi, và khi ngồi xuống, trong một tư thế chỉ gần giống như kiết già thôi, đầu gối tôi sát với hai vai hơn là mặt đất. Tôi kinh nghiệm nhiều cường độ đau đớn khác nhau, không phải chỉ vì cái tư thế khó khăn, mà còn do một sự căng thẳng đã bị đè nén lâu ngày trong thân tâm. Thấy được những tư tưởng và sự phán xét khởi lên trong tôi khi đối diện với cơn đau là một khai phá lớn. Chúng là một phản ảnh rất chính xác cho cái khuynh hướng muốn trốn tránh nỗi đau và những kinh nghiệm khó chịu của mình.
Mỗi khi cơn đau khởi lên trong khi ngồi thiền - mà dường như là luôn luôn - tôi lập tức thay đổi vị thế ngay. Sau một thời gian, tôi quan sát và thấy rằng không phải tôi cử động là vì cơn đau quá lớn hay quá khó chịu. Tôi cử động khi vừa cảm thấy một cơn đau nhỏ, phản ứng theo ý nghĩ “Thôi rồi, cơn đau này sẽ kéo dài suốt ngày cho coi!”. Hoặc là, “Mình sẽ bị đau y như vầy mỗi khi mình ngồi thiền cho đến suốt cuộc đời”. Hay là, “Mình sẽ không bao giờ có thể ngồi cho đến hết giờ được”. Tôi tin chắc là cái mà tôi đang kinh nghiệm trong giây phút này sẽ chỉ mỗi lúc càng trở nên tệ hơn. Khi nuôi dưỡng ý nghĩ ấy, thật ra là tôi đang cộng giờ phút, ngày tháng, hay cả một đời của một cơn đau không thật, vào một nỗi đau nhỏ trong giây phút này. Và khi đối diện với chúng lẽ dĩ nhiên tôi sẽ cảm thấy vô vọng và bị đè bẹp. Sự thật thì tôi có thừa khả năng để chịu đựng những gì đang có mặt trong bất cứ lúc nào, nhưng chính nỗi sợ về tương lai đã khiến cơn đau này trở thành bất khả.
Thêm vào đó, tôi còn so sánh giữa kinh nghiệm của mình và những gì mà tôi tưởng tượng là mọi người khác trong thiền đường đang kinh nghiệm:
“Không có ai bị đau đớn như mình đâu!” Tôi tin rằng người chung quanh đang có một giờ ngồi thiền thoải mái và an lạc. Rồi những ý nghĩ này kết nhau lại thành một hình ảnh rất tiêu cực về chính mình: “Nếu ta là một người có tiến bộ về tâm linh, luồng năng lượng của ta sẽ được lưu thông khắp trong cơ thể, không có gì bị nghẹt lối, không có gì cản trở, và ta sẽ không cảm thấy đau đớn. Bởi vì cơ thể ta còn bị nhiều sự ngăn chặn cho nên mới phải bị cảm thấy đau đớn”. Chúng ta vô tình cộng thêm một mức độ khổ đau tinh thần to tát, vào một cơn đau thể chất, thật ra, chỉ là trung bình mà thôi.
Cuối cùng, tôi hiểu là tôi có một thói quen phản ứng theo điều kiện trước bất cứ một kinh nghiệm khó chịu nào, của tinh thần hoặc thể chất - tôi muốn tránh né nó và tự chê trách mình vì đã có nó. Những phản ứng ấy lúc nào cũng diễn ra trong tâm thức tôi, mặc dù tôi không hề hay biết, chứ không phải chỉ có trong những lúc ngồi thiền mà thôi. Chỉ nghĩ đến chữ đau thôi, trong tâm tôi cũng đã cảm thấy đó như là một cái gì xấu xa, ghê gớm và đáng sợ lắm, mà mình cần phải né tránh bằng mọi giá.
Suốt cuộc đời, chúng ta được dạy phải biết tránh né cái đau, dù là của thân hay tâm, hoặc là che giấu nó như là một cái gì rất xấu xa. Chúng ta thường tin là mình có thể làm cơn đau biến mất được. Và ít khi nào ta lại chịu ngồi xuống trong sự cởi mở, thoải mái, và không phán xét, để thật sự khám phá một cơn đau trong cuộc sống mình. Thiền tập là một khí cụ rất mãnh liệt có thể phơi bày những phản ứng có điều kiện của ta đối với những kinh nghiệm khó chịu, nó cho phép ta tiếp xúc với chúng một cách sâu sắc. Cởi mở ra với những kinh nghiệm đớn đau, không hề có nghĩa là ta phải thụ động tiếp nhận nó. Ngược lại, chúng ta học cách tiếp xúc trực tiếp với trái tim của hiện tại, cho dù trong giây phút này kinh nghiệm ấy có là dễ chịu hay đớn đau. Vì chính ngay nơi ấy, không bị phủ che bởi những điều kiện, ta có thể khám phá ra được sự sống của mình. Khi ta cố gắng xua đuổi những gì khó chịu, khi ta phóng chiếu những viễn tượng đau đớn vào tương lai, khi ta cộng thêm những lời giải thích - tất cả những việc ấy khiến ta không thể có một sự hiểu biết sâu sắc và trực tiếp với những gì ta đang thật sự kinh nghiệm. Chỉ khi nào ta nhìn được nó - cái đau chẳng hạn - một cách trực tiếp, chừng ấy ta mới có thể thấy được tự tánh chân thật của nó. Và cũng như mọi sự việc khác, cái đau cũng chỉ là một hiện tượng biến đổi luôn, nó không có một thực thể nào hết.
Cuối cùng, tôi đã cảm thấy đôi chân mình buông thả hơn, hai đầu gối chạm mặt đất, và tôi có thể ngồi lâu hơn mà không thấy đau. Tôi đã giải thoát khỏi nỗi sợ về cơn đau sau khi tôi nhìn xuyên qua được tính chất kiên cố giả tạo của nó. Thay vì xem nó như một thực thể vững chắc, bất biến đang chiếm ngự cơ thể “của tôi,” tôi nhìn nó như một thế giới của kính vạn hoa (kaleidoscopic) gồm những cảm thọ thay đổi luôn: tê ngứa, nóng, lạnh, rung động, siết chặt và hàng ngàn cảm xúc khác nhau. Những yếu tố mà tôi đã gom chung hết lại với nhau, rồi gọi đó là “đau”. Thấy những phần tử khác biệt này rồi - mà tự thể của chúng đều là biến đổi và chóng tàn - tôi nhận diện được kết cấu của cơn đau, thay vì để nó lấn áp.
Và tôi cũng có thể sử dụng phương pháp này để quán chiếu những nỗi khổ về tinh thần nữa, như sự chán nản chẳng hạn. Cũng như một cơn đau, chúng ta thường nghĩ đến sự chán nản như là một “vật” gì có thực thể đang chiếm ngự tâm mình. Nhưng khi ta có thể nhìn nó như nó thật sự là - gồm có, một vài giây phút sân hận, một vài sự tiếc nuối, một vài muộn phiền, một vài sự thất vọng - chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên và tình cờ của thực tại. Nó không cứng nhắc, bất biến mà lưu chuyển và thay đổi luôn, và không có gì để ta phải sợ hãi hết. Tinh hoa của phương pháp đối diện với cơn đau là vậy: hãy nhìn cho rõ thay vì bỏ chạy hoặc tự chê trách, rồi từ đó ta sẽ tìm được một sự kết nối lành mạnh với nó. Bạn biết không, ta có thể buông bỏ được nỗi sợ về cái đau của mình và tìm lại chính ta.

( Trích Tập San Pháp Luân 49 tháng 3 năm Mậu Tý)
04-21-2008




                 

No comments:

Post a Comment